I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Tóm tắt tiểu sử Hồ Chí Minh

– Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 – 5 – 1890 trong một gia đình nhà nho, nguồn gốc nông dân, ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến. Hoàn cảnh xã hội và sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến Người ngay từ thời niên thiếu.

– Với tinh thần yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, sự nhạy bén về chính trị, Người đã bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ và quyết tâm ra đi tìm con đường để cứu dân, cứu nước.

– Năm 1911, Người đi ra nước ngoài, suốt 30 năm hoạt động. Người đã đi đến nước Pháp và nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mĩ. Người hòa mình với những phong trào của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập, hoạt động cách mạng và nghiên cứu các học thuyết cách mạng. Năm 1917, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Từ đây, Người đã nhận rõ đó là con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.

– Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Tháng 6 năm 1919, thay mặt Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi tới Hội nghị Véc-Xay (Pháp) bản Yêu sách của nhân dân An Nam, yêu cầu chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.

– Tháng 12 1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours, Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản.

– Năm 1921, tại Pháp, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, nhằm tuyên truyền cách mạng trong nhân dân các nước thuộc địa. Người viết nhiều bài đăng trên các báo “Người cùng khô”, “Đời sống thợ thuyền”,… Đặc biệt, Người viết tác phâm “Bản án chế độ thực dân Pháp” lên án mạnh mẽ chế độ thực dân, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các nước thuộc địa. Tất cả các bài viết của người đều được bí mật chuyển về nước và lưu truyền trong mọi tầng lớp nhân dân.

– Ngày 30 – 6 – 1923, Người đến Liên Xô và bắt đầu một thời kì hoạt động, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, về chế độ xã hội chủ nghĩa ngay trên đất nước Lê-nin vĩ đại. Tại Đại hội lần thứ 1 Quốc tế Nông dân (10 – 1923), Người được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được cử làm cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á.

– Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin về trong nước, đồng thời mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.

– Ngày 3 – 2 – 1930, tại Cửu Long (Hồng Kông), Người triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

– Từ năm 1930 đến năm 1940, Người tham gia công tác của Quốc tế Cộng sản ở nước ngoài, đồng thời theo dõi sát phong trào cách mạng trong nước và có những chỉ đạo đúng đắn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta.

– Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, năm 1941 Người về nước, triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII, quyết định đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật, thành lập Mặt trận Việt Minh, gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

– Thực hiện chỉ thị của Hồ Chí Minh, ngày 22 – 12 – 1944, tại khu rừng Sam Cao, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

– Tháng 8 – 1945, Người cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và chủ trì Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, cử Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Người đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

– Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân lao động. Ngày 2 – 9 – 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tuyên bố trước nhân dân cả nước và nhân dân thế giới quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.

– Tháng 9 – 1945, thực dân Pháp câu kết với đế quốc Mĩ, Anh và lực lượng phản động Quốc dân Đảng (Trung Quốc) trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Quân đội Pháp mở rộng đánh chiếm miền Nam và lấn dần từng bước kéo quân đánh chiếm miền Bắc, âm mưu tiến tới xóa bỏ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 9 – 1 – 1946, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên trong cả nước. Tại kì họp thứ nhất Quốc hội khóa I. Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Tháng 12 – 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người tiếp tục cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

– Tháng 7- 1954, với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết. Miền Bắc được giải phóng Miền Nam bị đế quốc Mỹ xâm lược biến thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Người cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

– Tháng 9 – 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mĩ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

– Ngày 2 – 9 – 1969, mặc dù đã được các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu Người đã từ trần, hương thọ 79 tuổi,

– Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng ca đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì lí tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức, vì hòa bình và công lí trên thế giới.

– Năm 1987, tại kỳ họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục Văn hóa và khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giai phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hóa kiệt xuất.

2. Sự nghiệp sáng tác (Xem phần Hướng dẫn học bài).

II. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhận mình là nhà văn, nhà thơ, mà chỉ là người bạn của văn nghệ, người yêu văn nghệ. Nhưng rồi chính hoàn cảnh thôi thúc, nhiệm vụ cách mạng yêu cầu, môi trường xã hội và thiên nhiên gợi cảm, cộng với tài năng nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ chan chứa cảm xúc, Người đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị. Hồ Chí Minh am hiểu sâu sắc qui luật và đặc trưng của hoạt động văn nghệ, từ phương diện tư tưởng chính trị đến nghệ thuật biểu hiện.

– Hồ Chí Minh xen văn nghệ là hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng, nhà văn cũng phải ở giữa cuộc đời, góp phần vào nhiệm vụ đấu tranh và phát triển xã hội; “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp… biết xung phong”. Chất “thép” ở đây chính là xu hướng cách mạng và tiến bộ về tư tưởng, là cảm hứng đấu tranh xã hội tích cực của thi ca. “Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép, mới có tinh thần thép” (Hoài Thanh). Chất “thép” còn là bản lĩnh cứng cỏi của người cầm bút. Đó là sự tiếp tục quan điểm thơ “chuyên chủ ở con người” như Nguyễn Văn Siêu đã nói, tinh thần “Đam mấy thằng gian bút chẳng tà” của Nguyễn Đình Chiểu và được nâng cao trong thời đại cách mạng vô sản. Sau này, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, qua Thư gửi các hoạ sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951. Người lại khẳng định: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

– Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến đối tượng thưởng thức. Văn chương trong thời đại cách mạng phải coi quảng đại quần chúng là đối tượng phục vụ. Người nêu kinh nghiệm chung cho hoạt động báo chí và văn chương: “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì? và “Cách viết thế nào?”. Người chú ý đến quan hệ giữa phổ cập và nâng cao trong văn nghệ. Phổ cập không có nghĩa là hạ thấp phẩm chất của văn chương, mà phải tiếp tục nâng cao phẩm chất ây, qua đó nâng dần trình độ thưởng thức nghệ thuật, trình độ thẩm mỹ của nhân dân. Các khía cạnh trên liên quan đến nhau trong ý thức và trách nhiệm của người cầm bút.

– Hồ Chí Minh luôn quan niệm tác phẩm văn chương phải có tính chân thật. Người phê phán những tác phẩm chất mơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít”. Người yêu cầu văn nghệ sĩ phải “miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn” những đề tài phong phú của hiện thực cách mạng, phải chú ý nêu gương “người tốt, việc tốt”, uốn nắn và phê phán cái xấu. Tính chân thật vốn là cái gốc của văn chương xưa nay.

– Hồ Chí Minh đòi hỏi nhà văn phải chú ý đến hình thức biểu hiện, tránh lối viết cầu ki, xa lạ, nặng nề. Hình thức của tác phẩm phải trong sáng, hấp dẫn, ngôn từ phải chọn lọc. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Theo Người, tác phẩm văn chương phải thể hiện được tinh thần của dân tộc, của nhân dân và được nhân dân ưa thích.

   Hồ Chí Minh đã để lại một hệ thống quan điểm sáng tác sâu sắc, tiến bộ, có giá trị lớn lao đối với việc phát triển nền văn học cách mạng, và có ý nghĩa lâu dài. Những quan điểm sáng tác ấy được Hồ Chí Minh đúc kết, chắt lọc từ chính quá trình cầm bút, từ những hiểu biết sâu sắc, uyên bác về văn học, và được Người thực thi một cách bền bị, thành công trong sự nghiệp sáng tác của mình,

2. Khái quát về di sản văn học của Hồ Chí Minh 

   Hồ Chí Minh vừa là lãnh tụ vĩ đại, vừa là nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Sự nghiệp văn học của Người phong phú về hình thức mà nhất quán trên tinh thần “thép” của nhà văn – chiến sĩ.

a) Hồ Chí Minh viết nhiều tác phẩm chính luận. Những tác phẩm tiêu biểu: Tuyên ngôn Độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Di chúc (1969). Những tác phẩm chính luận của Hồ Chí Minh là những mẫu mực vì đã đi vào lịch sử . văn học của dân tộc.

b) Hồ Chí Minh còn viết những truyện ngắn, truyện vui, kịch, tiểu phẩm châm biến,… Ở những thể loại này, nổi bật hơn cả là những tác phẩm được người viết trong thời kì sống và hoạt động ở Pa-ri (Pháp). Có thể kể tới những tác phẩm tiêu biểu như: Pa-ri, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, Vi hành,… kịch Con rồng tre.

c) Di sản thơ ca rất phong phú của Hồ Chí Minh gồm hai loại: thơ ca tuyên truyền cách mạng và thơ ca viết với cảm hứng trữ tình.

– Loại thơ tuyên truyền được Hồ Chí Minh viết khá sớm và liên tục rất đa dạng về hình thức. Đáng kể hơn cả là mảng thơ ca tuyên truyền mọi tầng lớp nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước thời kì Mặt trận Việt Minh và những bài thơ viết sau năm 1945 tặng thanh niên, thiếu nhi, động viên mọi người hăng hái kháng chiến. Trong loại thơ tuyên truyền này, những bài thơ chúc Tết hằng năm của Người có một sức mạnh truyền cảm và một ý nghĩa đặc biệt.

– Loại thơ trữ tình nổi bật nhất là tập Nhật kí trong tù viết bằng chữ Hán trong thời gian hơn một năm (8 – 1942 đến 9 – 1943) khi Hồ Chí Minh bị cầm tù trong nhà lao ở tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch. Tập thơ thể hiện rõ tâm hồn cua “một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”. Những bài thơ trữ tình được Người sáng tác ở Pác Bó (1941 – 1945) và trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, rất đặc sắc, cho ta thấy hình ảnh Hồ Chí Minh, vị chỉ huy tối cao của cách mạng ngày đêm lo việc nước nhưng vẫn ung dung, lạc quan và có một tâm hồn rất nghệ sĩ.

   Di sản văn học đa dạng phong phú của Hồ Chí Minh mang những giá trị to lớn về nhiều mặt. Nó vừa ảnh hưởng sâu sắc tới tâm hồn người Việt Nam vừa có giá trị quan trọng trong lịch sử văn học của nước nhà.

3. Đặc điểm cơ bản của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh

– Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống gia đình, môi trường văn hóa, hoàn cảnh sống – hoạt động cách mạng, cá tính và quan điểm sáng tác của Người.

– Văn thơ Hồ Chí Minh có phong cách độc đáo, đa dạng mà thống nhất, kết hợp sâu sắc nhuần nhị giữa chính trị và văn chương, giữa tư tưởng và nghệ thuật, giữa truyền thống và hiện đại.

Mỗi thể loại lại có phong cách độc đáo riêng:

Văn chính luận: bộc lộ tư duy sắc sảo, giàu tri thức văn hóa, gắn lí luận với thực tiễn, giàu tính luận chiến, đa dạng về bút pháp, giọng văn hùng hôn dõng dạc.

Truyện và kí: giàu chất trí tuệ, tính hiện đại, tính chiến đấu, ngòi bút chủ động, sáng tạo, khi vận dụng lối kê chân thực, khi châm biếm sắc sảo tinh tế, thâm thúy.

Thơ ca: phong cách đa dạng, vừa cổ điển vừa hiện đại, nhiều bài cổ thi hàm súc uyên thâm, nhiều bài vận dụng nhiều thể thơ phục vụ có hiệu quả cho nhiệm vụ cách mạng.

III. LUYỆN TẬP

1. Phân tích bài thơ Chiều tối (Mộ) trong tập Nhật kí trong tù để làm rõ sự hòa hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại của thơ Hồ Chí Minh.

Gợi ý dàn bài:

* Trước tiên phải khẳng định đây là một bài thơ viết theo lối Đường thi, sử dụng những bút pháp của thơ cổ, vậy tinh thần thời đại sẽ ở đâu?

– “cánh chim”, “chòm mây” → “lấy động tả tĩnh, lấy điểm vẽ diện” → một bút pháp của Đường thi.

+ Sự xuất hiện của hình ảnh thiên nhiên ngay từ đầu bài thơ gợi dáng dấp cổ điển trong thơ xưa.

+ Dẫn chứng: cánh chim, chòm mây xuất hiện trong thơ Nguyễn Du, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Lí Bạch, Thôi Hiệu,…

+ Ta bông nhận ra một nét chung trong tâm hồn, cốt cách các bậc tiền phong đạo cốt” xưa và Bác: ung dung, thanh cao như muốn vượt lên cuộc sống tầm thường.

+ Tuy nhiên vẫn mang tinh thần thời đại: Nếu như cánh chim trong thơ thi sĩ thời xưa gợi về xa xăm, phiêu bạt, bay vào vô tận rồi mất hút, thì trong thơ Bác cánh chim ấy lại tìm về cánh rừng để ngủ sau một ngày mệt mỏi, tìm về với nhịp sống vẫn tuần hoàn. Trong câu thơ thoáng buồn, nhưng ta đồng cảm với nỗi lòng của Bác… và càng nhận thấy Bác có một tinh thần thép (khác với cái tôi trữ tình tuyệt vọng trong thơ xưa nếu đặt tâm trạng Bác vào hoàn cảnh thực tế): dù đang bị lưu đày vẫn ung dung cảm nhận thiên nhiên → điều này cũng phản ánh chất hiện đại trong thơ Người.

– Từ cảnh thiên nhiên ở hai câu trên, đột ngột hai câu sau hiện ra một bức tranh sinh hoạt của con người: “Sơn thôn… hồng”.

+ Hình tượng trung tâm: người thiếu nữ trong lao động mang nét đẹp tươi trẻ, khoẻ khoắn, bình dị → điều này khác lạ với thơ xưa, vì thơ xưa thường lấy những hình ảnh tiêu biểu cho cái đẹp cao sang, quý phái, mẫu mực mang tính ước lệ tượng trưng. Bác đã đưa hình ảnh người lao động vào trong thơ → hiện đại.

+ Không một chút hoa mĩ, cầu kì nhưng không hạ thấp giá trị thơ → Hình ảnh người con gái toả sáng trong từng động tác xay ngô → con người trở thành chủ thể (trong khi thơ xưa con người trở nên nhỏ bé, lạc lõng trước thiên nhiên) → hiện đại.

+ Bức tranh thiên nhiên hiu quạnh phía trên đã chuyển mình thành bức tranh sự sống →Sự gắn bó với cuộc sống và những con người lao động bình dị của Bác → hiện đại..

+ Bút pháp: láy âm, vắt dòng (mới lạ so với cổ thi) → Vòng quay của cối xay ngô + câu thơ có sự vận động: “ma bao túc/ bao túc ma” → Sự vận động tự nó đã toát lên sự sống qua nhịp điệu xay ngô → Giàu chất tạo hình.

+ Khi vừa xay xong → thì lò than rực hồng→ không một chữ tối viết ra trong câu thơ ta vẫn nhận ra trời đang tối, bởi trời tối thì ánh sáng của lò than mới rực sáng ánh lửa hồng → Bút pháp lấy sáng tả tối của thơ xưa (Ví dụ: Ngõ tối đêm sau đóm lập loè của Nguyễn Khuyến trong “Thu ẩm”). Tuy nhiên, trong thơ xưa ánh sáng trong bóng tối thể hiện sự leo lét, yếu ớt; còn ở đây, trong thơ Bác, ánh sáng lại là hội tụ, kết tinh sự sống của toàn bài khi trời vừa chợt tối, ánh sáng trở thành điểm nhấn, điểm nổi bật giữa bóng tối → hiện đại (điều này cũng thể hiện sự hoà quyện giữa bút pháp cổ điển và hiện đại) → Và đây cũng chính là “thi nhãn” của toàn bài thơ. 

Câu thơ trên thể hiện sự vận động trong thơ Bác (trong khi thơ xưa chỉ ghi nhận sự tĩnh tại, những điều đã sẵn có, là kết quả cuối cùng của một quá trình vận động nay đã dừng lại) → tính hiện đại. Sự vận động từ tối → sáng, lạnh lẽo → ấm áp, buồn → vui. Ánh sáng hồng ấy bừng lên hắt vào làm tôn lên vẻ đẹp khoẻ khoắn của cô gái lao động. Ánh sáng làm dấy lên niềm yêu đời, lạc quan dù trong hoàn cảnh khốc liệt tinh thần thép.

   Dù bài thơ được viết theo thể Đường thi, với bút pháp cổ điển, nhưng ta vẫn nhận thấy trong đó có sự hoà quyện với tinh thần hiện đại rất rõ nét và tinh tế.

   Bài viết tham khảo

   Chiều tối là bài thơ thứ ba mươi mốt trong tập Nhật ký trong tù, ghi lại cảm xúc của nhà thơ trên đường bị giải đi qua hết nhà lao này đến nhà lao khác. 

Trên con đường khổ ải ấy, một chiều kia, Người chợt nhận thấy cánh chim chiều:

                           Chim mỏi về rùng tìm chốn ngủ.

   Câu thơ không giản đơn chị ghi lại cảnh vật mà còn bộc lộ tình cảm của nhà thơ. Làm sao biết rõ được là chim đang mỏi, và làm sao nói chắc được mục đích của chim là về rừng tìm chốn ngủ, như thể tác giả đọc được tâm trạng của sự vật (chim) vậy? Câu thơ chỉ là tín hiệu cho thấy trời đã chiều, mọi vật hoạt động ban ngày đã mỏi mệt, đã đến lúc tìm chốn nghỉ ngơi. Câu thơ tương phản với hình ảnh chòm mây cô đơn ở dưới:

                        Chòm mây trôi nhẹ giữa tăng không.

   Câu thơ dịch tuy đẹp nhưng ý thơ có phần nhẹ hơn so với nguyên tắc chữ Hán. Nó bỏ mất chữ trong cô vân, nghĩa là chòm mây cô đơn, trơ trọi rất có ý nghĩa cũng như chính người tù bị bắt giải đi. Hai từ trôi nhẹ cũng không lột tả được ý của mấy chữ mạn mạn độ. Bởi vì độ là hoạt động nhằm đi từ bờ này sang bờ kia, ví như độ thuyền đi từ thuyền sang sông, độ nhật ở cho qua ngày, độ thiên không là chuyển dịch từ chân trời này sang chân trời kia, con đường của máy mới xa vời và vô hạn biết chừng nào! Còn mạn mạn là dáng vẻ trì hoãn, chậm chạp. Chòm mây cô đơn đi từ chân trời này sang chân trời kia, mà lại còn chậm chạp, trì hoãn nữa thì không biết bao giờ mới tới nơi? Và hiển nhiên khi trời tối nó vẫn còn lẳng lơ bay giữa tầng không là hình ảnh ấn dụ về người tù đang bị giải đi trên đường xa vạn dặm, chưa biết đâu là điểm dừng! Trong hình ảnh ấy hẳn còn gửi gắm tình cảm thương mình cô đơn, sốt ruột và khao khát có một mái nhà. Chỉ hai câu thơ mà vừa tả cảnh, vừa tả người, tả tình người. Đó là cái hàm súc, dư ba của thơ cổ điển. Nếu hai dòng đầu đã nói tới chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ và chòm mây cô đơn chưa biết dừng nơi nào, thì hai câu thơ của bài thơ sau hiện diện một chốn ngủ của con người:

                      Cô em xóm núi xay ngô tối

                      Xay hết lò than đã rực hồng.

   Trong bản dịch, người dịch đã đưa vào chữ tối lộ liễu trong khi thi pháp thơ cổ chỉ muốn người đọc tự cảm thấy chiều tối phủ xuống mà không cần một sự thông báo trực tiếp nào, Điều đó làm lộ tứ thơ. Nhưng đó là cái khó của người dịch. Điều đáng chú ý là một cảnh lao động gia đình, rất đỗi bình thường, dân dã: Cô em xóm núi xay ngô hạt, ngô hạt xay xong, bếp đã hông. Cô em, bếp lửa tượng trưng cho cảnh gia đình. Ngô hạt xay xong, bếp đỏ hồng tượng trưng cho công việc và nghỉ ngơi. Một không khí ấm cúng đối với người lữ thứ. Điều đáng chú ý thứ hai là trong nguyên tác chữ hồng là ấm, nóng chứ không phải là màu đỏ, càng chứng tỏ điều nhà thơ nghĩ đến là sức ấm nóng, chứ không phải là ánh sáng hồng. Bếp lạnh, tro tàn là tượng trưng cho sự cô quạnh, lẻ loi. Điều đáng chú ý thứ ba là nhà thơ đứng ở núi như thế, y như thể đứng gần gũi bên cạnh. Lại nữa, nhà thơ phải đứng rất lâu mới thấy được cảnh thời gian trôi trong câu: Cô em xóm núi xay ngô hạt – Ngô hạt xay xong bếp đã hồng. Đây chỉ là bài thơ trên đường. Vậy, đó chỉ là cảnh tưởng tượng trong tâm tưởng, trước xóm núi bên đường, xuất hiện như là biểu trưng của mái ấm gia đình, nơi đoàn tụ của những người thân thuộc. Cái này tuy không sáng bừng lên màu hồng lạc quan của cách mạng như ai đó hiểu, cũng vẫn ấm áp tình người, làm cho nỗi lòng người đi vơi bớt nỗi cô đơn, tĩnh mịch. Cùng với hình ảnh ấy, một ước mơ thầm kín về mái ấm gia đình thấp thoáng đầu đó. Nếu ta chú ý tới bài thơ trước bài này là bài Đi đường:

              Đi đường mới biết gian lao

             Núi cao rồi lại núi cao trập trùng.

   Một con đường vô tận, và bài sau đó là bài Đêm ngủ ở Long Tuyên:

             Đôi ngựa ngày đi chăng nghỉ chân,

             Món gà năm vị: tối thường ăn; 

             Thừa có rét, rệp xông vào đánh,

             Oanh sớm, mùng nghe hót xóm gần.

   Ta sẽ thấy sự xuất hiện của khung cảnh gia đình kia là rất dễ hiểu. Nó chứng tỏ trái tim của nhà cách mạng vẫn đập theo những nhịp của con người bình thường gần gũi với mọi người.

   Nghệ thuật của bài thơ là một nghệ thuật gián tiếp cổ điển, nói cảnh để nói tình. Hình ảnh trong thơ cũng là tâm cảnh. Nếu chỉ phân tích nó như một bức tranh hiện thực đơn giản, chắc chắn ta sẽ rời xa thế giới nội tâm phong phú của nhà thơ.

2. Những bài học thấm thía và sâu sắc mà anh (chị) tiếp thu được khi học và đọc những bài thơ trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh?

   Với đề bài này, tùy cảm nhận của từng học sinh để rút ra những bài học thấm thía và sâu sắc khi học và đọc những bài thơ trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh.

Gợi ý: Bài học rút ra từ tác phẩm về ý chí và nghị lực của con người.

– Giải thích ý chí và nghị lực là gì? (là sự quyết tâm của con người luôn tìm cách vượt lên mọi khó khăn, gian nan, thử thách để tìm kiếm những điều tốt đẹp…)

– Các tác phẩm của Hồ Chí Minh nói về ý chí và nghị lực là những bài thơ nào? Phân tích sơ lược từng bài, tập trung vào những câu chính của bài thơ. Ví dụ: Chiều tối, Đi đường, Chuyên lao,…

– Rút ra Bác Hồ đã có ý chí và nghị lực như thế nào trong lúc khó khăn?

– Vai trò của ý chí nghị lực với mỗi chúng ta với cuộc sống hôm nay? (Giúp ta đứng vững hơn trên đường đời, giúp ta vươn lên, giúp ta thành công…).

– Ý nghĩa của ý chí và nghị lực.

– Những tấm gương tiêu biểu đã vươn lên nhờ ý chí nghị lực… (Thầy Nguyễn Ngọc Ki,…)

– Phê phán những con người nản lòng không có ý chí (Gặp một bài văn, bài toán khó là dừng bút,…)

– Bài học cho bản thân, trách nhiệm của mình,… 

Nguồn website giaibai5s.com

Tuần 2: Tuyên ngôn Độc lập – Hồ Chí Minh
Đánh giá bài viết