Đề 1: Kể về một lần em mắc khuyết điểm làm thầy (cô) buồn.

                                   Bài làm

   Tuy đã trôi qua nhiều năm nhưng hình ảnh của cô Lan – cô giáo đã dạy tôi khi còn ở tiểu học vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Cô là cô giáo mà tôi yêu quý nhất nhưng có lần tôi đã làm cho cô buồn và thất vọng. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ như in câu chuyện năm xưa.

   Buổi tối hôm ấy là sinh nhật mẹ tôi. Cả nhà vui vẻ và náo nhiệt hơn lúc bình thường. Tuy tôi nhớ hôm nay có bài Sử chưa học xong nhưng điều ấy không lấn át được tâm trạng phấn khởi của tôi. Vốn là một học sinh giỏi và chăm chỉ, tôi nghĩ rằng: “Thôi kệ! Dù sao mình đã có điểm kiểm tra miệng rồi, cô không gọi lên trả lời bài đâu mà lo. Còn sinh nhật mẹ mỗi năm chỉ có một lần, với lại đây chỉ là lần đầu không học bài, trong lớp còn nhiều bạn không thuộc bài nữa mà. Chơi trước đã!”. Vì thế, tôi vẫn cùng mọi người vui chơi. Đang ăn bánh kem, mẹ bất chợt quay sang hỏi tôi: “Con đã học bài đầy đủ chưa?” Tôi hơi chột dạ, nhưng vội đáp ngay với nụ cười tự tin cho mẹ yên tâm: “Con đã tranh thủ học xong rồi ạ!”. Lúc ấy cái ý nghĩ rằng mình có điểm rồi không cần học bài nữa nổi dậy mạnh mẽ và trở . thành lí lẽ biện minh cho sự lười biếng, ham chơi của tôi. Tôi tiếp đãi vui chơi tưng bừng với đám em họ. Cuối cùng đồng hồ điểm mười giờ, mọi người mới ngừng hát karaoke, tôi mới dứt mắt khỏi ti vi, ngáp dài rồi vào phòng ngủ sau một buổi tối náo động. Lúc ấy mắt tôi đã díp lại. Tôi mở tập xem lướt qua rồi nằm lên giường, sẽ học trước khi ngủ. Nhưng mí mắt cứ trĩu xuống, tôi tự nhủ trong đầu: “Mình nhắm mắt cho đỡ mỏi nhột lát thôi. Chỉ một chốc thì có thể dậy ngay mà. Chỉ một chốc…”. Tuy nhiên, sự mệt mỏi đã kéo tôi chìm vào giấc ngủ say lúc nào không hay. Cho đến khi chiếc đồng hồ báo thức reo inh ỏi, tôi mới hoảng hốt nhận ra mình đã ngủ suốt đêm, còn bây giờ sắp trễ học. Tôi vợ cặp sách, chẳng kịp ăn sáng, chạy ngay đến trường. Vừa đến nơi thì tiếng trống trường đã vang lên. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì chưa bị trễ học. Nhưng niềm vui ấy chẳng mấy chốc đã xẹp xuống còn nhanh hơn cả quả bóng bị xì hơi. Cô thông báo hôm nay tiết Sử đổi lên trước tiết Toán! Tôi hơi luống cuống nhưng nghĩ đến con điểm mười kiểm tra miệng của môn Sử và tôi lại nghĩ cô chỉ gọi những ai lười, còn mình vốn là một học sinh giỏi cơ mà! Cây bút của cô dò trên sổ điểm rồi dừng lại ở gần cuối. Bụng tôi thót lại tim đập nhanh và mạnh như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi lật vội cuốn vở, cố xem được chữ nào hay chữ ấy. Rồi nỗi lo sợ của tôi cũng trở thành sự thật. Cô gọi tên tôi một cách to và rõ ràng. Giọng nói và từng tiếng cô thốt ra đều như choán hết tâm trí và làm đóng băng bộ não tôi như có một trận bão tuyết vừa lướt qua vậy. Tôi như đông cứng tại chỗ, trong đầu vang lên tiếng thét: “Không, không phải mình, cô đọc nhầm đó thôi! Chỉ nhầm tên thôi!”.

   Nhưng cô lặp lại tên tôi hai lần nữa, vẫn cái giọng nói trong trẻo và rõ ràng ấy kèm thêm một câu: “Sao thế em? Lên bảng đi chứ!” Tôi từ từ đứng dây, tay lập cập cầm quyển tập nhưng cảm thấy dường như nó nặng hơn một cách bất thường. Chân tê cứng, tôi đi lên chỗ cô. Quãng đường từ bàn tôi đến bàn cô chỉ cách khoảng mươi bước nhưng tôi ước sao quãng đường ấy dài vô tận để tôi có thể bước mãi, vì làm việc đó chắc chắn dễ hơn là trả bài. Chẳng mấy chốc tôi đứng trước mặt cô, đưa cho cô quyển vở trên hai bàn tay run run. Cô bắt đầu nêu câu hỏi nhưng tôi như vịt nghe sấm và chẳng thể nào nhớ nổi tới một chữ. Một phút rồi hai phút, tôi chỉ biết đứng bất động trên bảng, mắt tôi chăm chú nhìn xuống đôi giày như thể có một sức hấp dẫn kì lạ. Cô ngạc nhiên: “Sao thế? Trả lời đi em!”. Tôi rung rung nói: “Thưa cô, em chưa học bài ạ!”. Cô càng ngạc nhiên hơn: “Sao? Em! Em mà chưa học bài à? Giải thích lí do xem!”. Tôi không trả lời và cũng chẳng biết đáp gì, mắt càng dán chặt hơn xuống mặt đất. Sau đó, cô cho tôi về chỗ cùng với hàng chữ đỏ chói: “Đề nghị phụ huynh nhắc nhở cháu học chăm chỉ hơn”, kèm với lời dặn bố mẹ kí tên vào vở. Tiết học hôm ấy trôi qua thật ảm đạm đối với tôi và cả cô nữa. Tuy cô không nói gì nhưng nhìn đôi mắt của cô và đôi chân mày hơi nhíu lại, tôi đã hiểu cô thất vọng thế nào về tôi. Rồi còn cả mẹ tôi nữa! Đây là quà sinh nhật tôi tặng mẹ đó sao?

   Từ đó, dù có ham thích đến mấy, có dịp đi chơi đâu chăng nữa, tôi vẫn cương quyết từ chối khi chưa học và làm bài xong, vì không muốn lần thứ hai nhìn thấy ánh mắt thất vọng và trách cứ của mẹ hay cô giáo thân yêu. Câu chuyện vẫn luôn là bài học đáng giá với tôi cho đến hôm nay.

Đề 2: Kể một chuyện theo ngôi kể thứ nhất có kết hợp với miêu tả và biểu cảm.

                                        Bài làm

   Khi đứa em gái út của tôi cất tiếng khóc chào đời thì lúc đó tôi mới lên tám tuổi và em trai tôi lên sáu tuổi. Trước đó, tôi thường được cha mẹ gọi là “chị lớn” còn thằng em tôi là “em bé”.

   Sự có mặt của em gái thật sự gây kinh ngạc cho hai đứa tôi. Thời đó, chẳng ai quan tâm lắm đến vấn đề tranh giành gia tài giữa anh em ruột, nhưng cũng chẳng ai dạy chúng tôi cách cư xử ra sao với một đứa trẻ sơ sinh khác trong nhà. Tuy nhiên, ông bà chúng tôi rất tuyệt và hết mực yêu thương con cháu.

   Bản thân tôi rất thương em bé mới sinh, tôi muốn được ẵm em và chăm sóc cho em. Nhưng em trai tôi lại khác hẳn. Nó nhìn em bé một tí rồi bỏ đi, nó thích chơi trong phòng nó hơn. Khi tôi tìm nó để trò chuyện và rủ nó đi chơi với tôi thì nó quay đi chỗ khác có vẻ bực bội. Nó buột miệng hỏi tôi: “Tại sao bố mẹ lại đi mua con búp bê già thế nhỉ?”.

   Chiều tối hôm đó, ông ngoại đến thăm em bé. Khi ông ẵm em, ông nói với em trai tôi: “Này cháu biết không, em bé hiền và giống con cừu ông nuôi ngoài nông trại lắm. Ông phải chăm sóc con cừu và đút cho con cừu ăn thường xuyên cũng giống như mẹ phải chăm sóc và cho em bé ăn thường , xuyên ấy mà, cho nên cháu đừng ganh tị với em bé nhé!”. .

   Em trai tôi nói: “Nhưng mà thưa ông, cháu thích có cừu hơn!”. Nó nói nhỏ lắm nhưng đủ để ông tôi nghe.

   Mặc dù ông tôi khá lớn tuổi (ít nhất cũng phải năm mươi, tôi đoán thế, nhưng tai còn tốt lắm, và ông nghe được hết mọi phàn nàn của em trai tôi.

   “À, vậy sao?”, ông tôi trả lời, “Nếu cháu thích có cừu hơn thì chúng ta trao đổi nhé. Ông sẽ để cháu suy nghĩ một ngày và nếu cháu cứ khăng khăng đòi đổi em bé lấy một con cừu thì ngày mai ông cháu mình đổi nhé!”.

   Lúc đó dường như tôi thấy ông tôi nháy mắt với mẹ, nhưng có lẽ tôi lầm vì ông chẳng bao giờ nháy mắt với ai cả. Sau khi ông rời khỏi, mẹ hỏi em tôi có muốn mẹ đọc truyện cho nghe không. Thế là nó chịu ngay và leo lên nằm cuộn tròn bên mẹ, mẹ đọc cho nó khá lâu.

   Trong lúc nghe, mẹ tôi cứ ngắm em bé mãi, và khi mẹ đi lấy tã thay cho em bé, mẹ bảo em tôi giữ em bé giúp mẹ. Khi quay về, mẹ tôi thấy em trai tôi đang vuốt ve mái tóc đen mượt của em bé và khi em tôi nắm lấy tay em bé, em bé cũng nắm lấy tay em trai tôi.

   “Mẹ ơi, mẹ nhìn kìa! Em bé nắm lấy tay con kìa mẹ!”.

   “Chứ sao con. Em bé biết con là “anh lớn” của nó mà”. Mẹ mỉm cười bảo thế.

   Thích quá! Thế là em tôi nắm tay em bé lâu hơn và đêm đó nó đem cả nụ cười vào giấc ngủ. Chiều hôm sau, ông tôi đến như đã hứa, ông gọi em tôi tới và nói chuyện:

   “Nào cháu sẵn sàng đổi em bé lấy cừu chưa nào?”

   “Dạ bây giờ em bé bằng hai con cừu”. Ông tôi và tỏ ra sửng sốt trước việc thay đổi giá cả đột ngột của em tôi. Sau đó, ông bảo rằng ông phải suy nghĩ lại và hứa tối hôm sau quay lại.

   Ngày hôm sau là thứ bảy, tôi và em trai chơi với em bé suốt cả ngày, chúng tôi nhìn mẹ tắm cho em, ngắm em ngủ và ôm em. Em trai tôi ẵm em bé những hơn ba lần. Và rõ ràng, nó tỏ ra rất lo lắng khi ông đến thăm và kêu nó ra bàn bạc. “Cháu biết không, ông phải suy nghĩ cả ngày về chuyện làm ăn giữa ông cháu ta đấy. Ông thấy cháu nói thách quá nhưng mà thôi, ông đã quyết định rồi, ông đồng ý đổi hai con cừu cho cháu để lấy em bé”.

   Em tôi chần chừ giây lát rồi lên tiếng: “Dạ thưa ông, em cháu được thêm một ngày tuổi rồi, và bây giờ cháu nghĩ em cháu đáng giá năm con cừu”.

   Ông tôi tỏ ra rất ngạc nhiên và ông nhè nhẹ lắc đầu:

   “Ông không biết tính sao nữa. Ông sẽ phải về nhà và suy nghĩ thật kĩ cái giá mà cháu đưa ra. Có lẽ ông phải nói chuyện với ngân hàng để vay thêm tiền mua cừu”.

   Ông tôi nói xong liền rời khỏi nhà nhưng riêng em tôi thì hãy còn lo lắm. Tôi cố rủ em cùng chơi nhưng nó chẳng đếm xỉa tới mà lại chạy vào phòng mẹ và ôm em bé lâu hơn. Nó sợ mất em bé!

   Ngày hôm sau nữa, đó là ngày chủ nhật. Ông đến thăm chúng tôi vào đầu giờ trưa. Ông bảo ông phải đến sớm là vì ông còn phải giúp lùa năm con cừu vào chuồng cho em tôi và chuẩn bị phòng cho em bé ở nhà ông.

   Em tôi nghe nói thế, nó thu hết can đảm, hít một hơi dài, nhìn thẳng vào ông tôi và tuyên bố: “Bây giờ em bé đáng giá năm mươi con cừu”. Ông tôi nhìn nó với đôi mắt mở to hết mức và lắc đầu: “Ông chịu thôi! Ông nghĩ ông phải hủy hợp đồng giữa chúng ta. Ông không đủ tiền để đổi năm mươi con cừu lấy một em bé. Ông nghĩ tốt hơn hết là cháu nên giữ em bé lại và giúp cha mẹ chăm sóc em!”.

   Em trai tôi quay về phòng em bé với nụ cười chiến thắng trên môi, nó nào có hay rằng chính lúc đó tôi thấy ông tôi nháy mắt với mẹ.

Nguồn website giaibai5s.com

Trả lời câu hỏi và giải bài tập Ngữ Văn 8-Bài 9.Viết bài tập làm văn số 2 – Văn tự sự hết hợp với miêu tả và biểu cảm
Đánh giá bài viết