I. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Trong đoạn hội thoại giữa nhân vật chú bé Hồng với người cô, nhân vật chú bé Hồng nói ba lượt lời, người cô nói bốn lượt.

2. Có 2 lần, lẽ ra Hồng định nói nhưng Hồng không nói. Sự im lặng đó thể hiện tình yêu thương mãnh liệt của Hồng đối với người mẹ đáng thương và thể hiện tâm trạng đau đớn, uất ức đến cực điểm khi nghe bà cô cứ tươi cười kể về tình cảnh tội nghiệp của mẹ mình.

   Mặt khác, thái độ im lặng của Hồng thể hiện sự bất hợp tác đối với những lời lẽ cay độc của bà cô.

3. Quan hệ của Hồng đối với bà cô là quan hệ họ hàng và quan hệ trên dưới. Hồng không ngắt lời người cô khi nghe bà nói những điều Hồng không muốn nghe vì Hồng thể hiện đúng vị trí bên dưới của mình, thể hiện thái độ lịch sự đối với người trên. 

II. GIẢI BÀI TẬP

Bài tập 1. Qua cách miêu tả cuộc thoại giữa các nhân vật cai lệ, người . . nhà lí trưởng, chị Dậu, anh Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ, ta thấy mỗi người có một tính cách khác nhau:

– Cai lệ: Hung hăng, hống hách, cậy quyền, cậy thế. 

– Người nhà lí trưởng: Nhát gan

– Chị Dậu: Lúc đầu thể hiện đúng vị trí của mình, là người nông dân thấp cổ bé họng, sau không chịu được đã vùng lên chống lại cai lệ và người nhà lí trưởng. Qua đó, ta thấy chị Dậu là một người phụ nữ mạnh mẽ, đảm đang, có lòng tự trọng và nhân cách cao thượng.

– Anh Dậu: Nhút nhát, cam chịu.

Bài tập 2.

a. Sự chủ động tham gia cuộc đối thoại của chị Dậu và cái Tí phát triển ngược chiều nhau: Thoạt đầu, cái Tí nói rất nhiều, rất hồn nhiên, còn chị Dậu chỉ im lặng. Về sau, cái Tí nói ít hẳn, còn chị Dậu lại nói nhiều hơn.

b. Tác giả miêu tả diễn biến cuộc hội thoại như vậy rất hợp với tâm lí nhân vật: Lúc đầu cái Tí nói lắm vì nó chưa biết mình sắp bị bán đi, còn chị Dậu ruột gan như bị vò xé đau đớn vì buộc phải bán con nên chỉ im lặng. Về sau, khi biết sắp bị bán cái Tí sợ hãi nên nói ít đi, còn chị Dậu cố gắng thuyết phục hai đứa con nghe theo lời mình nên nói nhiều hơn.

c. Việc tác giả tô đậm sự hồn nhiên, hiếu thắng của cái Tí đã làm tăng kịch tính của câu chuyện. Chính sự hồn nhiên, hiếu thảo của đứa con gái khiến chị Dậu thêm đau lòng khi buộc phải bán đứa con mà chị dứt ruột đẻ ra lại càng tô đậm nỗi bất hạnh sắp giáng xuống đầu cái Tí. Sự hiếu thảo, ngoan ngoãn của hai đứa trẻ ngây thơ vô tình lộ ra từ nãy đến giờ là những lưỡi dao găm cắt từng khúc ruột chị Dậu.

Bài tập 3. Sự im lặng của nhân vật “tôi” trong truyện Bức tranh của em gái tôi thể hiện thái độ ngỡ ngàng, xúc động, sau đó là xấu hổ, ân hận, ăn năn của người anh khi đứng trước bức tranh của em gái vẽ mình. Đó là những tình cảm chân thành, quý mến, tấm lòng nhân hậu của người em gái đối với người anh. Người anh cảm thấy mình thật hèn kém, nhỏ nhặt, cá nhân, ích kỉ trước em gái.

Bài tập 4. Trong nhiều trường hợp, im lặng là thể hiện sự tôn trọng người khác, để đảm bảo sự tế nhị trong giao tiếp. Tuy nhiên, nếu im lặng trước những hành vi sai trái, trước những áp lực bất công, trước sự xúc phạm nhân phẩm đối với mình hay đối với những người lương thiện thì sự im lặng đó lại là hèn nhát, cá nhân chủ nghĩa. Vì vậy, tùy theo từng trường hợp mà có những thái độ xử sự cho đúng với vị trí và lương tâm của mình.

Nguồn website giaibai5s.com

Trả lời câu hỏi và giải bài tập Ngữ Văn 8-Bài 27.Hội thoại (tiếp theo)
Đánh giá bài viết