I. GIẢI BÀI TẬP

Bài tập 1. Học sinh có thể chọn một trong các nội dung sau để lập ý và lập dàn bài.

a. Giới thiệu một đồ dùng:

– Trước tiên có thể giới thiệu xuất xứ của đồ dùng.

– Giới thiệu cấu tạo của đồ dùng.

– Giới thiệu công dụng của đồ dùng.

– Giới thiệu cách sử dụng đồ dùng đó.

– Giới thiệu cách bảo quản đồ dùng đó.

b. Giới thiệu một danh lam thắng cảnh:

– Giới thiệu lịch sử ra đời của danh lam thắng cảnh.

– Giới thiệu về cấu trúc của danh lam thắng cảnh.

– Giới thiệu về ý nghĩa của danh lam thắng cảnh.

c. Giới thiệu về một tác phẩm văn học:

– Giới thiệu về tác giả của tác phẩm.

– Giới thiệu về xuất xứ của tác phẩm.

– Giới thiệu về nội dung của tác phẩm

– Giới thiệu về ý nghĩa của tác phẩm. 

Bài tập 2. Bài tập này học sinh có thể xác định các luận điểm theo như cách làm ở bài tập 1. Từ những luận điểm đó tìm những luận cứ để làm sáng tỏ luận điểm.

II. BÀI THAM KHẢO

1. Thuyết minh về một lễ hội.

                                  Bài làm

   Mỗi năm, cứ vào các ngày từ 29/8 đến 1/9 âm lịch là người dân Khmer An Giang lại nô nức đón mừng ngày lễ Dolta truyền thống (lễ báo hiếu). Nét đặc biệt của lễ này là có hội đua bò. Nó diễn ra thật hào hứng trước sự thưởng thức của hàng ngàn khán giả người Kinh từ nhiều nơi đến xem.

   Khởi hành từ Long Xuyên, chạy theo đường quốc lộ 91 sau đó rẽ sang đường đi Tri Tôn, sau hơn một giờ đi xe gắn máy là đến chùa Thơmít, ở phía sau chùa chính là nơi diễn ra lễ hội.

   Thuở xưa, vào các mùa vụ sản xuất lúa, bà con dân tộc thiểu số Khmer ở. Tịnh Biên – Tri Tôn thường tổ chức đua bò. Mùa gặt (mùa khô) thường có đua xe bò (đôi bò kéo theo một chiếc xe bánh nhỏ) trên đường đất. Mùa cấy (mùa mưa) thường có đua bò kéo bừa trên nền ruộng.

   Mỗi năm vào mùa cấy, nhiều nông dân Khmer từ các phum, sóc kéo cày đến cày ruộng cho chùa. Dịp ấy, họ rủ nhau đua các đôi bò kéo bừa, dần dần thành thông lệ và được sự của từng chùa đứng ra tổ chức, tặng thưởng cho các đội thắng cuộc và từ đó việc đua bò ở vùng Bảy Núi trở thành ngày hội đua bò truyền thống hàng năm của người dân tộc Khmer.

   Năm nay, lễ hội diễn ra vào ngày 9 và 10/10 dương lịch. Các trò chơi dân gian và văn nghệ Khmer được tổ chức vào ngày hôm trước, và hôm sau là ngày chính của lễ với các cuộc đua sôi nổi. Hòa cùng không khí sôi nổi của cuộc đua, dường như người ta đã quên đi cái nóng gay gắt của vùng Bảy Núi. Mọi người chăm chú nhìn từng đôi bò khéo léo đang cố gắng hết mình dưới sự điều khiển của chủ chúng. Cứ sau hai vòng chạy thả là đến vòng chạy nước rút. Những bước rút thật ngoạn mục. Có đôi chạy sau qua mặt đôi chạy trước và trở thành đội thắng cuộc, làm cho mọi người ngạc nhiên, vỗ tay tán thưởng và hò hét.

   Mỗi cuộc đua chỉ có hai đôi bò, đôi bò nào thắng cuộc thì được thi tiếp vòng sau, đội nào thua thì chủ nó đành ngậm ngùi dắt về và hi vọng năm sau sẽ thắng cuộc. Sau một cuộc đua mệt mỏi, từ buổi sáng khai mạc mãi đến 4 giờ chiều các đôi bò mới được nghỉ ngơi, và Ban tổ chức cuộc đua cũng tìm được những đôi bò xứng đáng nhất nhận được những phần thưởng do Ban tổ chức và các đơn vị tài trợ khác trao tặng. Âm thanh từ dàn nhạc ngũ sắc của người Khmer ngân lên để tán thưởng các đội bò làm cho không khí nơi đây vô cùng trang trọng và đầy ý nghĩa của một lễ hội truyền thống của người dân tộc Khmer.

2. Thuyết minh về một giống vật nuôi.

                                    Bài làm

   Trâu là một loài gia súc thuộc họ nhà bò, loại thú nhai lại. Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Trâu có thân hình vạm vỡ, thấp ngắn, có hình khối bầu dục, bụng to, bầu vú nhỏ, sừng dài hình lưỡi liềm, toàn thân phủ lớp lông màu xám hoặc màu đen. Nó thường có hai vùng lông màu trắng ở dưới cổ và giữa hai sừng.

   Trâu cái nặng trung bình từ 350 đến 400 kg, trâu đực thường nặng hơn (trung bình từ 400 – 450 kg). Thức ăn chủ yếu của chúng là cỏ, bộ máy tiêu hóa có bốn ngăn để thích hợp cho việc nhai lại. Khi ăn, trâu dùng lưỡi vợ cỏ và cắt cỏ bằng răng của hàm dưới. Sau khi bứt cỏ, nó nuốt ngay và chứa vào một túi rất lớn trong bao tử, một lát sau thức ăn được chuyển sang túi tổ ong. Khi nào nghỉ ngơi, nó đưa cỏ lên miệng nhai lại thật kĩ rồi chuyển sang túi thứ tư trong bao tử.

   Trâu có tính hiền lành, thường vâng theo lời chủ, sức khỏe lại bền bỉ, dẻo dai, ăn uống dễ, không tốn kém. Từ thuở khai thiên lập địa, con người đã thuần hóa trâu để cùng khai phá thiên nhiên và tham gia sản xuất với mình. Nó có tầm quan trọng trong đời sống nhân dân nên tục ngữ có câu:

                  Con trâu là đầu cơ nghiệp.
Hay:          Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà.

                  Trong ba việc ấy thật là khó thay.

   Sau một ngày làm việc mệt nhọc, trâu thích nhất được đắm mình trong nước, tắm vùng vẫy. Nhưng nếu đó là trâu thổ (trâu kéo xe) thì chúng còn phải lặn lội đường xa. Ở những đường xấu, trâu chở được 400 – 500kg; trên đường tốt, trâu chở từ 700 – 800kg đến trên một tấn. Trâu còn dùng để xẻ thịt hoặc cho sữa. Trong thịt trâu có gần 22% prôtít, 3% lipit, can xi, và phốt pho. Đó là loại thịt bổ dưỡng nhiều thành phần.

   Khi nền kĩ thuật nông nghiệp chưa phát triển, trâu thay cho máy cày. Trâu là tài sản quan trọng của người nông dân. Trâu còn là đề tài của thơ ca, hội họa và âm nhạc Á Đông. Khi cơ khí nông nghiệp phát triển, tầm quan trọng của trâu đã lùi xuống nhưng nó vẫn là gia súc quen thuộc và cần thiết cho nông dân hiện nay.

Nguồn website giaibai5s.com

Trả lời câu hỏi và giải bài tập Ngữ Văn 8-Bài 20.Ôn tập về văn bản thuyết minh
Đánh giá bài viết