Đề 1: Thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam.

                                     Bài làm

   Tục ngữ Việt Nam có câu “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”. Suy ngẫm nhiều, chúng ta thấy đúng là y phục góp phần quan trọng vào vẻ đẹp mỗi con người, góp phần quan trọng vào dáng vẻ thướt tha của phụ nữ. Một trong những kiểu y phục ấy là chiếc áo dài Việt Nam.

   Áo dài Việt Nam có từ rất xa xưa, theo từng thời kì lịch sử mà chiếc áo dài có những hình dáng khác nhau và thay đổi theo từng phương. Miền Bắc ngày xưa có kiểu áo dài viền năm tà, miền Trung lại có một kiểu sợi dây cột ngang lưng, miền Nam cũng có áo dài cổ cao…

   Đến đầu thế kỉ XX, áo dài Việt Nam lần này được thiết kế lại với hai tà ôm sát thân mình. Cách may cắt cũng ngày càng tinh xảo hơn để bớt đi những chỗ lòng thòng, những nếp nhăn, số lượng nhiều tà chỉ còn lại hai tà phía trước và phía sau, sợi dây cột ngang lưng cũng được bỏ đi. Theo thời, có lúc tà áo dài đến mắt cá, có lúc tà áo thu lên ngang gần đầu gối, có lúc tà rộng, có lúc tà hẹp.

   Những năm đầu thế kỉ này, tà áo dài theo hai khuynh hướng. Phối hợp với y phục phương Tây, các nhà tạo mẫu cho ra đời những kiểu áo dài kéo sau lưng, những kiểu áo trái tim, kiểu cổ thuyền. Một khuynh hướng khác là trở về nguồn. Các nhà tạo mẫu dùng những hoa văn hình chim hạc trên áo dùng để thiết kế ở thân trước áo dài, cổ áo dài hoặc dùng những hoa văn trên thổ cẩm để làm viền, tạo nên những chiếc áo dài vừa duyên dáng vừa cổ điển, vừa hiện đại. Trang phục kèm áo dài cũng thay đổi theo thời gian như quần màu đen, trắng hòa cùng màu với áo, khăn đóng ngày nay thay thế bằng vương miện dùng trong ngày cưới của cô dâu.

   Nhờ những sự khéo léo của những nhà thiết kế, chiếc áo dài Việt Nam vừa tôn vẻ đẹp dịu dàng vừa thể hiện nét kín đáo thiết tha của người ! nữ. Vì sao vậy? Phần trên thường kín cổ, thể hiện vẻ kín đáo nhưng cũng làm hiện lên bờ vai và đôi tay trắng thon dài của cô gái. Nhờ cắt may khéo léo, phần trên chiếc áo thể hiện nét đẹp khỏe mạnh gọn gàng và thùy mị của cô gái Việt Nam, đồng thời hai tà áo lúc mở lúc khép, quấn quýt theo làn gió, tạo vẻ thướt tha dịu dàng của chiếc áo dài. Nét đẹp đó làm say mê bao văn nhân, thi sĩ Việt Nam, làm say mê bao khách nước ngoài khi giao dịch, tham quan du lịch Việt Nam, nhà thơ Nguyên Sa từng viết:

             Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

             Bởi vì em mặt áo lụa Hà Đông

             Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

             Thơ anh viết vẫn nguyên màu lụa trắng!

   Cố nhạc sĩ Văn Cao cũng đưa hình ảnh áo dài Việt Nam vào trong bài Bến xuân của mình: Tà áo em rung trong giấc mộng ngập ngừng ngoài bến xuân.

   Hiện nay, tuy nước ta đã theo nhiều trào lưu y phục phương Tây nhưng người ta vẫn không quên giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của chiếc áo dài. Trong vài thập niên gần đây, tà áo dài đã là đồng phục quy định của nhiều công sở và trường học. Ngay cả những dịp quan trọng như ngày Tết, ngày lễ, ngày cưới, người ta cũng dùng áo dài làm trang phục cho cô dâu và các phụ nữ. Với những loại vải quí phái, chất liệu đặc biệt như tơ tằm, lụa với màu sắc lộng lẫy hoặc nhu hòa, chiếc áo dài làm tăng thêm vẻ trang trọng và tươi đẹp cho người phụ nữ Việt Nam.. 

   Áo dài Việt Nam là một trong những nét đẹp truyền thống, gắn liền với phong tục và văn hóa của người Việt Nam. Bảo vệ nét đẹp áo dài Việt Nam là bảo vệ văn hóa và phong tục của ta vậy.

Đề 2: Thuyết minh về đôi dép lốp (cao su) trong kháng chiến.

                                      Bài làm

   Người Việt Nam chúng ta, chắc hẳn nhiều người biết về đôi dép lốp hay còn gọi là dép cao su. Đó là sản phẩm của một thời đánh giặc gian khổ nhưng anh hùng của dân tộc, gắn bó với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ của nhân dân ta.

   Đôi dép được làm bằng lốp ô tô nên được gọi là dép lốp (hoặc dép cao su). Người ta chọn phần bằng phẳng của chiếc lốp cắt ra làm đế dép. Đế dép được đục thành tám khe mỏng để xâu bốn quai dép. Quai dép bằng săm (ruột) ô tô, cắt thành từng sợi dài đủ để ôm bàn chân, bề ngang khoảng 1,5 đến 2cm, giống như những sợi râu, vì vậy có nơi còn gọi là dép râu. Dùng cái xấu dép bằng sắt có hai mảnh dát mỏng xâu từ dưới đế dép lên, cặp chặt đầu quai dép vào giữa rồi rút mạnh. Quai dép được kéo qua khe mỏng của đế, và do tính đàn hồi của cao su nên rất chặt, không tụt ra được.

   Đế bằng lốp ô tô vừa chắc vừa bền, đi êm; quai bằng săm cao su ôm chặt vào bàn chân giúp cho việc đi lại được gọn nhẹ, nhanh chóng. Với chất liệu cao su, đôi dép lốp rất thuận lợi cho việc trèo đèo, lội suối, băng rừng để chiến đấu đánh giặc. Không chỉ bộ đội, dân công, mà cả cán bộ và nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đều đi dép lốp. Và cả Bác Hồ, người cha già kính yêu của dân tộc, cũng đi dép lốp, đôi dép trở thành huyền thoại của một con người giản dị mà vĩ đại:

                   Còn đôi dép cũ, mòn quai gót

                   Bác vẫn thường đi giữa thế gian

                                                          (Tố Hữu) 

   Đôi dép lốp đã đi vào lịch sử đánh giặc anh hùng của nhân dân ta. Cùng với xe đạp thồ, tời kéo pháo, bếp Hoàng Cầm…, đôi dép lốp đơn sơ, bình dị đó đã góp phần làm nên chiến thắng vang dội trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

Đề 3: Thuyết minh về một giống vật nuôi.

                                      Bài làm

   Chó được nhiều người gọi là con cầy. Có những tên quen thuộc đặt cho nó như Cún, Ki Ki, nhưng cũng có nhiều người đặt cho nó nhiều tên kiểu cách. Nó thuộc loại động vật bốn chân, ăn tạp.

   Xa xưa nó là thú hoang, nhưng đã được thuần dưỡng để sống chung với con người. Chó có nhiều loài, có loài rất nhỏ như chó phốc (chỉ lớn hơn mèo một chút), có loài rất to như chó béc giê.

   Chó có bốn chân (hai chân trước và hai chân sau), ngực nở, bụng nhỏ, chân chó thường có bốn ngón và một ngón đeo, móng cong. Những con chó  nào có bốn ngón đeo thường được gọi là “tứ túc huyền đề”; đó là dấu hiệu giống chó khôn. Xưa có câu:

                        Chó khôn tứ túc huyền đề

                  Tai thì hơi cúp, đuôi thì hơi cong. 

   Chó ăn uống rất dễ, thức ăn nhiều khi là cơm thừa, canh cặn của chủ. Một số chó Nhật, hoặc béc giê được cưng chiều ăn những thứ như lá lách heo, thịt bò vụn… Đặc biệt, lỗ mũi của chí được trời cho một khả năng nhạy bén, nó có tài đánh hơi rất xa, phân biệt và ghi nhận mùi của từng loại. Tại nó cũng rất thính, nghe ngóng được, nhận rõ tiếng động rất nhẹ, nên người ta thường nuôi nó để cạnh trộm, bắt cướp. Có nhiều câu chuyện, phim ảnh kể về những khả năng săn bắt cướp tài tình của chó. Nó đã cùng với các chiến sĩ vượt hiểm nguy để săn lùng cho kì được những tên cướp dã man. Nhưng không chỉ thế, đặc tính nổi bật của nó là lòng trung thành. Nhiều câu chuyện ngày xưa có thật kể về con chó đi tìm chủ nghèo nàn, khi về đến nơi thì nó đã già yếu lắm, bộ lông xơ xác, thân hình gầy gò. Còn ông chủ thì bệnh tật, vậy mà mừng rỡ, quấn quýt bên ông còn hơn cả lúc ở với người chủ giàu. Khi ông chủ bệnh rồi mất, mọi người chồn ông ngoài nghĩa trang, nó cũng ra nằm ở mồ, nhịn ăn mà chết.

    Văn học Việt Nam cũng ghi nhận những hình ảnh con chó nổi tiếng như “cậu Vàng” của lão Hạc, trong văn học nước ngoài có con chó Bấc (Buck) của Jack London.

   Gần đây trong nhiều phim ảnh Đông Tây, chó là nhân vật chính, làm say mê bao nhiêu khán giả. Nước ta hiện nay đã nhập khẩu nhiều giống chó rất xinh xắn như chó xù Trung Quốc, chó xù Nhật Bản, chó béc giê Anh – Pháp – Mĩ – Đức. Việt Nam có một giống chó rất khôn, sức vóc cũng gần bằng béc giê xuất xứ từ đảo Phú Quốc. Ngày nay có nhiều lớp huấn luyện chó để cứu hộ, bắt cướp, canh trộm, giữ nhà, đặc biệt là tổ chức đua chó.

  Ở một số nước phương Tây, người ta còn làm giàu bằng những dịch vụ chăm sóc chó như làm nhà cho chó, mĩ viện chăm sóc chó, đồ hộp cho chó, tổ chức tang lễ cho chó…

 Chó là một loài vật có ích, hầu như không thể thiếu được trong đời sống con người. Dù nhà giàu hay nghèo, dù cá nhân hay tập thể, người ta đều nuôi nấng, bảo vệ loài vật đáng yêu này.

  Nhưng thỉnh thoảng có những con chó không may nhiễm phải vi rút lây bệnh dại, trở nên vô cùng dữ tợn, hung hăng cắn người, người nào bị cắn cũng điện và chết… Cho nên nuôi chó phải có trách nhiệm chích ngừa bệnh cho nó. Một số người thiếu lòng nhân đạo chuyên làm nghề bán thịt chó, ăn thịt chó. Ở Việt Nam, điều này là bình thường, nhưng đối với các nước phương Tây thì đó là sự tàn nhẫn. .

   Ai có lòng thương yêu nuôi nấng chó, hiểu hết được sự tinh khôn, tính trung thành của nó thì nên có trách nhiệm chăm sóc thật chu đáo, để nó có thể sống trọn đời với chúng ta.

Nguồn website giaibai5s.com

Trả lời câu hỏi và giải bài tập Ngữ Văn 8-Bài 14.Viết bài tập làm văn số 3 – Văn thuyết minh
Đánh giá bài viết