TẬP ĐỌC. NGƯỜI CÔNG DÂN số 1 (tiếp theo)

I.Hướng dẫn đọc bài

Em đọc kĩ bài này và chú ý:

1. Đọc đúng các từ ngữ: La-tát-sơ Tơ-rê-nin và một số từ ngữ khó đọc như súng kíp, say sóng, nô lệ, lạy, vất vả, dữ dội, mãi mãi, …

2.Ngắt giọng đúng:

Làm thân nô lệ mà muốn xoá bỏ kiếp nô lệ / thì sẽ thành công dân, còn yên phận nô lệ / thì mãi mãi là đầy tớ cho người ta.

3.Giọng đọc chung

Khi đọc bài, em chú ý đọc phân biệt giọng của các nhân vật: Giọng của anh Thành đã có sự thay đổi, trở nên phấn chấn hơn, thể hiện rõ quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước; Giọng anh Lê thể hiện thái độ lo lắng, quan tâm cho bạn, lời anh Mai điềm tĩnh.

II. Hướng dẫn tìm hiểu bài

1.Nội dung bài đọc

Bài tập đọc là phần tiếp theo của vở kịch về người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Đoạn kịch này cho thấy Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra nước ngoài để tìm con đường Cách mạng giải phóng dân tộc. Qua đoạn trích, chúng ta thấy tầm nhìn xa và lí tưởng cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

2.Gợi ý trả lời câu hỏi

Câu 1. Anh Lê, anh Thành đều là những thanh niên yêu nước, nhưng giữa họ có gì khác nhau?

(- Anh Lê tỏ thái độ cam chịu khi sùng bái sức mạnh vật chất của kẻ xâm lược, có tâm lí mặc cảm tự ti về sự bé nhỏ, nghèo nàn của cá nhân và của đất nước mình.

– Anh Thành khi tỏ ra tự tin vào sức mạnh bản thân và vào con đường mình đã chọn, quyết tâm thực hiện ý định của mình, bất chấp khó khăn.)

Câu 2. Quyết tâm đi tìm đường cứu nước của anh Thành được thể hiện qua lời nói, cử chỉ nào?

(- Lời nói với anh Lê: Để giành lại non sông, chỉ có hùng tâm trạng khí chưa đủ, phải có trí, có lực. Tôi muốn sang nước họ, xem cách làm ăn của họ, học cái trí khôn của họ để về cứu dân mình.

– Lời nói với anh Mai: Làm thân nô lệ mà muốn xóa bỏ kiếp nô lệ thì sẽ thành công dân, còn yên phận nô lệ thì mãi mãi làm dầy tớ cho người ta.

– Cử chỉ và lời nói: xòe hai bàn tay ra: Tiền đây chứ đâu?)

Câu 3. Người công dân số 1 trong đoạn kịch là ai? Vì sao có thể gọi như vậy?

(Người công dân số 1 trong đoạn kịch là anh Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể gọi như vậy vì đoạn kịch cho thấy anh Thành có ý thức công dân, tinh thần dân tộc rất sớm).

Luyện tập thêm

Em hãy nêu cảm nhận của mình về đoạn trích “Người công dân số 1” (phần tiếp theo)

Trong đoạn tiếp theo của vở kịch, anh Thành bộc lộ ý định sang Pháp “xem cách làm ăn của họ, học cái trí khôn của họ để về cứu dân mình”.

Vốn là người yên phận, anh Lê lập tức thấy ái ngại thay cho bạn. Rồi lại thêm những lời phụ hoạ của anh Mai về khó khăn mà anh Thành sẽ gặp phải nếu làm phụ bếp trên tàu La-tut-sơ Tơ-rê-vin.

Nhưng tất cả những điều đó đều không thể ngăn cản được quyết tâm của anh Thành, bởi vì anh hiểu: “Làm thân nô lệ mà muốn xoá bỏ kiếp nô lệ thì sẽ thành công dân, còn yên phận nô lệ thì mãi mãi làm đầy tớ cho người ta”. Anh đã phân biệt rõ sự khác nhau giữa công dân và nô lệ – một người không có Tổ quốc sẽ là nô lệ, có Tổ quốc, tức một quốc gia độc lập, sẽ trở thành công dân. Ý thức công dân ấy đã khiến cho anh Thành trở thành người công dân số 1 – người đi tìm hình của nước, đưa đất nước đến với độc lập, tự do.

Nghệ thuật so sánh (giữa tầm nhìn, mức độ quan tâm về cuộc sống của các nhân vật; giữa hình ảnh các ngọn đèn được tác giả sử dụng từ đầu đến cuối vở kịch, đã làm nổi bật tầm nhìn và khí phách của người công dân số 1 Nguyễn Tất Thành.

Ở phần cuối vở kịch, một lần nữa, đáp lời anh Lê về ngọn đèn hoa kì, anh Thành đã thể hiện niềm tin vào lí tưởng tiến bộ khi khẳng định “sẽ có ngọn đèn khác”. Như vậy, bằng cách dùng một sự vật bình thường làm hình ảnh tượng trưng cho một điều thiêng liêng, tác giả đã làm nổi bật sự khác nhau trong cách suy nghĩ của anh Lê và anh Thành, một lần nữa nhấn mạnh sự phi thường trong tầm nhìn của Bác.

Thu Hằng

Giaibai5s.com

TẬP ĐỌC. NGƯỜI CÔNG DÂN số 1 (tiếp theo)
Đánh giá bài viết