1, Về sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh

Những nhân vật chính của truyện cổ tích thường được xây dựng trên sự thống nhất giữa những nét bình thường với những nét khác thường. Những nét bình thường giúp cho nhân dân cảm thấy nhân vật của truyện thật gần gũi với họ. Những nét khác thường của nhân vật lại thu hút sự chú ý của người kể, tạo nên niềm thích thú khiến họ “tò mò” muốn theo dõi đến cùng số phận của các nhân vật – nơi họ gửi gắm tất cả tình cảm yêu ghét, những ước mơ, những buồn vui trong cuộc đời.

Những nét bình thường và cả những nét khác thường của nhân vật chính thường được giới thiệu ngay trong đoạn đầu kể về sự ra đời và lớn lên của nhân vật (Ví dụ: Sọ Dừa vừa là con một bà mẹ nghèo, lại có nguồn gốc khác thường, mang một bộ dạng khác thường ngay lúc mới sinh ra). Vì thế đến với truyện Thạch Sanh, trước hết chúng ta phải tìm ra cả những nét bình thường, cả những nét khác thường ngay trong thời thơ ấu của nhân vật.

a) Những nét bình thường:

– Cha mẹ của Thạch Sanh là những người lao động nghèo khổ, sống bằng nghề kiếm củi đổi gạo nuôi thân.

– Họ là những người hiền lành, tốt bụng, thường giúp đỡ mọi người, mặc dù chính mình cũng nghèo.

– Khi mới ra đời, chàng đã mồ côi bố. Khi vừa khôn lớn thì mẹ lại chết. Thạch Sanh là một nhân vật thuộc kiểu “người mồ côi” – tiêu biểu cho một hạng người khốn khổ nhất trong cuộc đời.

– Lớn lên trong cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, Thạch Sanh sống vừa thiếu thốn tình cảm, vừa thiếu thốn cả về vật chất (lủi thủi trong túp lều cũ dưới gốc đa, cả gia tài chỉ có chiếc búa).

Những nét bình thường ấy gợi lên ở người nghe, người đọc một cảm giác ấm cúng, gần gũi và một niềm xót xa, thương cảm. Đó là một phần của cái tâm lí, tâm thế mà truyện cổ tích rất cần tạo nên nơi người nghe kể chuyện cổ tích – tạo nên ngay từ lúc mở đầu truyện.

b) Những nét khác thường:

– Tuy vẫn do một bà mẹ nghèo dưới trần thế sinh ra, nhưng Thạch Sanh lại chính là Thái tử trên trời, do Ngọc Hoàng sai xuống đầu thai.

– Thời gian bà mẹ mang thai dài khác thường (dài đến mấy năm).

– Vừa đến tuổi trưởng thành, Thạch Sanh đã biết dùng búa (chiếc búa bình thường do cha để lại) thì lại được thiên thần dạy võ nghệ và các phép thần thông.

Nghĩa là ẩn bên trong vẻ ngoài vất vả lam lũ của một người tiều phu bình thường là một con người cao quý khác thường, có những phẩm chất khác thường. Điều đó mở ra hướng phát triển của câu chuyện: truyện sẽ kể về diễn biến của một số phận tuy bình thường mà lại khác thường. Truyện lôi cuốn người nghe một phần do cái tâm lí, tâm thế mà nó tạo nên nơi người nghe kể: tâm lí háo hức chờ theo dõi một số phận tưởng như bình thường mà lại đầy sự khác thường. Cả hai phần, hai nửa tâm lí, tâm thế ấy hợp lại thành cái mà người ta gọi là tâm lí nghệ thuật khi nghe kể chuyện cổ tích.

Những nét bình thường trộn lẫn những nét khác thường như thế được xây dựng xuất phát từ quan niệm của nhân dân cho rằng chính những con người bình thường lại có phẩm chất khác thường, sẽ lập nên những chiến công khác thường, kì lạ.

Điều này sẽ được bộc lộ dần qua phần quan trọng nhất của truyện kể về các thử thách mà Thạch Sanh gặp phải và các chiến công mà chàng đạt được sau mỗi lần vượt qua thử thách.

2, Những thử thách và chiến công

a) Diễn biến số phận của Thạch Sanh được tạo thành bởi những trở ngại mang ý nghĩa thử thách mà chàng liên tiếp gặp phải. Đó là quá trình chàng liên tiếp lập được những chiến công thần kì, khác thường.

– Bị mẹ con Lý Thông lừa đi canh miếu thờ. Tại đây Thạch Sanh chiến đấu với chằn tinh và tiêu diệt nó

– Xuống hang sâu cứu công chúa, Thạch Sanh chiến đấu với đại bàng tinh. Chàng chiến thắng. Nhưng lại bị Lý Thông lấp cửa hang.

– Ở dưới hang, Thạch Sanh bắn tan cũi thần của đại bàng tinh, cứu thoát thái tử.

– Bị hồn của chằn tinh và đại bàng liên kết hãm hại, Thạch Sanh bị bắt vào ngục. Nhưng rồi chàng tự giải phóng được mình nhờ có cây đàn kì diệu do vua Thủy tề ban tặng. Rồi chàng được kết hôn với công chúa.

– Binh lính của mười tám hoàng tử chư hầu bị công chúa từ hôn, kéo nhau sang đánh. Thạch Sanh lại chiến thắng họ nhờ cây đàn kì diệu giúp sức.

Những Lý Thông, chằn tinh, đại bàng và liên quân mười tám nước chư hầu là những lực lượng thù địch gây trở ngại cho Thạch Sanh. Nhưng chàng là nhân vật lí tưởng trong thế giới cổ tích nên chàng lần lượt chiến thắng mọi trở ngại do nhân vật thù địch gây ra. Những trở ngại đó càng về sau càng gay gắt hơn, và do vậy, những thử thách mà nhân vật lí tưởng trải qua cũng ngày càng khó khăn. Nhưng cũng vì thế những chiến thắng của nhân vật sau mỗi lần vượt qua thử thách cũng ngày càng cao hơn. Đó cũng là quá trình nhân vật chính trở thành nhân vật lí tưởng. Trong quá trình ấy, nhân vật luôn được sự trợ thủ của các phương tiện thần kì.

b) Những phẩm chất mà Thạch Sanh bộc lộ qua những lần chiến thắng thử thách:

– Sự thật thà, chất phác, lòng thương người, sẵn sàng quên mình vì người khác.

– Lòng dũng cảm phi thường và tài năng khác thường (tài năng đạt đến mức thần kì – vì do thần linh ban cho, vì có sự hỗ trợ của các vật thần kì nằm trong tay nhân vật và còn vì những kẻ chiến bại như chắn tinh, đại bàng đều có nhiều phép lạ).

– Lòng nhân đạo, khoan dung (tha tội chết cho mẹ con Lý Thông, chọn con đường chiến thắng các nước chư hầu bằng phương pháp hòa bình, lại chinh phục họ bằng bữa cơm khoan dung). Nhân dân Việt Nam yêu mến Thạch Sanh, thích kể và nghe kể chuyện về Thạch Sanh chính là do họ ngưỡng mộ phẩm chất và tài năng của chàng. Họ coi đó là những phẩm chất và tài năng lí tưởng mà họ mơ ước. Thạch Sanh hội tụ những phẩm chất và những nét tính cách tiêu biểu cho nhân dân lao động Việt Nam.

3, Lý Thông – nhân vật tương phản với Thạch Sanh

Về mọi phương diện, Lý Thông đều trái ngược với Thạch Sanh. Và quả thật hắn luôn đối lập với chàng. Biểu hiện cụ thể như sau:

– Nếu Thạch Sanh thật thà, tin người bao nhiêu thì Lý Thông lại gian xảo, chỉ quen tính toán có lợi cho mình và nhiều mưu mô bấy nhiêu.

– Thạch Sanh tự mình chiến đấu để lập nên chiến công. Nhờ chiến công tự tay lập nên ấy, chàng được hưởng hạnh phúc. Lý Thông chỉ dùng mưu mẹo gian xảo để cướp công của người khác mà sống.

– Kết cục là dù được Thạch Sanh tha chết nhưng Lý Thông đã bị sét đánh chết (cùng mẹ hắn), lại còn bị biến thành bọ hung (theo quan niệm dân gian Việt Nam thì đây là con vật bẩn thỉu) trong khi Thạch Sanh được hưởng hạnh phúc.

– Sự đối lập giữa Thạch Sanh với Lý Thông là sự đối lập giữa thiên với ác, thật thà với gian xảo, vị tha với ích kỉ, tài năng với bất tài.

Xây dựng những mẫu nhân vật tương phản tuyệt đối như vậy là đặc điểm nghệ thuật của thể loại truyện cổ tích (tiểu loại truyện cổ tích thần kì). Nhân vật phản diện là đối tượng chiến thắng của nhân vật chính diện, đồng thời có tác dụng làm nổi bật nhân vật chính diện.

4, Vai trò của một số chi tiết thần kì

Truyện cổ tích thần kì không thể vắng bóng những chi tiết thần kì. Ở truyện Thạch Sanh, đó là những phép thần thông mà thần linh dạy cho Thạch Sanh; là bộ cung tên thần kì mà Thạch Sanh có được nhờ giết chết chằn tinh; là cây đàn thần do Long Vương ban tặng mà nhờ âm thanh thần kì của nó, Thạch Sanh ra khỏi ngục, được kết hôn với công chúa và chiến thắng quân chư hầu; chiếc nồi cơm thần kì ăn hết lại đầy giúp Thạch Sanh khuất phục được hoàn toàn kẻ thù.

Đặc sắc nhất là hai chi tiết sau:

a) Cây đàn thân bì và gắn với nó là âm nhạc thần kì

– Ở truyện này, đó là tiếng đàn của công lí, nó thực hiện ước mơ về công lí của nhân dân.

– Nhưng đây cũng chính là tiếng đàn hòa bình dùng để chiến thắng và cảm hóa kẻ thù. Với ý nghĩa này, cây đàn thân kì tượng trưng cho tinh thần yêu chuộng cái thiện, yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta trong quan hệ đối ngoại.

b) Niêu cơm thần kì cũng có nhiều ý nghĩa: – Tượng trưng cho khả năng sáng tạo vô cùng tận của nhân dân lao động; – Biểu hiện tài năng thần kì, phi thường của nhân vật Thạch Sanh;

– Tượng trưng cho truyền thống nhân đạo của dân tộc ta trong quan hệ đối ngoại. Cả hai chi tiết thần kì này, cùng với các chi tiết thần kì khác góp phần quan trọng tạo nên vẻ đẹp kì diệu và sức hấp dẫn kì lạ của truyện cổ tích Thạch Sanh.

5, Về cách kết thúc của truyện

a) Truyện Thạch Sanh mở đầu bằng cảnh Thạch Sanh sinh ra, lớn lên trong nghèo khổ, diễn biến tiếp tục bằng việc Thạch Sanh liên tiếp gặp tai họa và phải liên tiếp đương đầu với chúng, để rồi kết thúc bằng việc chàng được kết hôn cùng công chúa, lại được lên ngôi vua. Truyện cũng kết thúc bằng sự thất bại hoàn toàn, thảm hại của các nhân thù địch: chằn tinh, đại bàng tinh bị tiêu diệt, mẹ con Lý Thông bị sét đánh chết, hóa kiếp thành bọ hung, liên quân mười tám nước chư hầu ngoan ngoãn rút lại.

Đó là kiểu kết thúc có hậu phổ biến ở các truyện cổ tích thần kì.

b) Kiểu kết thúc ấy thể hiện ước mơ về công lí xã hội (ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác), ước mơ về hạnh phúc (những người lương thiện, hiền lành dù ban đầu gian nan, khổ cực nhưng cuối cùng được vinh hiển, được đền bù xứng đáng, được đổi đời), ước mơ về những mẫu người lí tưởng (đó là những người mang đầy đủ những phẩm chất đạo đức và tài năng tiêu biểu của nhân dân).

c) Kiểu kết thúc này một mặt thỏa mãn nhu cầu của nhân dân về cái đẹp (cái đẹp ở trong con người, cái đẹp ngoài cuộc đời), một mặt góp phần làm nên ý nghĩa giáo dục sâu sắc của thể loại truyện cổ tích.

Phân tích truyện Thạch Sanh
Đánh giá bài viết