I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Trình bày được tình hình phát triển các ngành kinh tế và nơi phân bố chủ yếu.

– Đọc và khai thác kiến thức từ bản đồ kinh tế châu Á.

– Quan sát tranh ảnh và nhận xét về một số hoạt động kinh tế ở châu Á.

– Phân tích các bảng thống kê về kinh tế.

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Nông nghiệp

– Lúa gạo, lúa mì, ngô là những cây lương thực quan trọng ở châu Á

+ Lúa gạo là cây lương thực quan trọng nhất, chủ yếu được trồng trên các đồng bằng màu mỡ. Châu Á chiếm gần 93% sản lượng lúa gạo và khoảng 30% sản lượng lúa mì của toàn thế giới (2003).

+ Châu Á nổi tiếng với các loại cây công nghiệp như: chè, bông, cà phê, cao su, dừa, cọ dầu. Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan là những nước đạt được kết quả vượt bậc về sản xuất lương thực.

– Các vật nuôi của châu Á rất đa dạng

+ Trâu, bò, lợn, gà, vịt… được nuôi nhiều ở vùng ẩm ướt.

+ Dê, bò, ngựa, cừu… được nuôi ở vùng khí hậu tương đối khô hạn.

+ Ở vùng khí hậu lạnh, vật nuôi quan trọng nhất là tuần lộc.

2. Công nghiệp 

– Công nghiệp khai khoáng phát triển ở nhiều nước khác nhau, tạo ra nguồn nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất trong nước và nguồn hàng xuất khẩu. 

   Các loại khoáng sản nổi tiếng ở châu Á là than và dầu mỏ. Trung Quốc là nước đứng đầu về khai thác than, A-rập Xê-út đứng đầu về khai thác dầu mỏ.

– Công nghiệp luyện kim, cơ khí chế tạo (máy công cụ, phương tiện giao thông vận tải), điện tử… phát triển mạnh ở Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan…

– Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng (may mặc, dệt, chế biến thực phẩm…) phát triển ở hầu hết các nước.

3. Dịch vụ

– Hoạt động dịch vụ giao thông vận tải, viễn thông, du lịch…) ngày | càng được coi trọng. 

– Nhật Bản, Xin-ga-po, Hàn Quốc là những nước có ngành dịch vụ phát triển cao.

III. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. Dựa vào hình 8.1, em hãy cho biết:

– Các nước thuộc khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á có các loại cây trồng, vật nuôi nào là chủ yếu?

– Khu vực Tây Nam Á và các vùng nội địa có những loại cây trồng, vật nuôi nào là phổ biến nhất?

Trả lời:

Khu vực Cây trồng Vật nuôi
Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á  Lúa gạo, lúa mì, ngô, chè, bông, cà phê, cao su Trâu, bò, lợn
Tây Nam Á và các vùng nội địa Lúa mì, chè, dừa, cọ dầu, chà là Cừu.

2. Dựa vào hình 8.2, em hãy cho biết những nước nào ở châu Á sản xuất nhiều lúa gạo và tỉ lệ so với thế giới là bao nhiêu?

Trả lời: Trung Quốc (28,7%), Ấn Độ (22,9%), In-đô-nê-xi-a (8,9%).

3. Dựa vào bảng số liệu 8.1, em hãy cho biết:

– Những nước nào khai thác than và dầu mỏ nhiều nhất?

– Những nước nào sử dụng các sản phẩm khai thác chủ yếu để xuất khẩu?

Trả lời:

– Nước khai thác than nhiều nhất: Trung Quốc.

– Nước khai thác dầu mỏ nhiều nhất: A-rập Xê-út.

– Những nước nào sử dụng các sản phẩm khai thác chủ yếu để xuất khẩu: A-rập Xê-út, Cô-oét.

4. Dựa vào bảng 7.2, em hãy cho biết:

– Tỷ trọng giá trị dịch vụ trong cơ cấu GDP của Nhật Bản, Hàn Quốc là bao nhiêu?

Trả lời:

+ Tỉ trọng giá trị dịch vụ trong cơ cấu GDP của Nhật Bản: 66,4%.

+ Tỷ trọng giá trị dịch vụ trong cơ cấu GDP của Hàn Quốc: 54,1%.

– Mối quan hệ giữa tỉ trọng giá trị dịch vụ trong cơ cấu GDP với GDP theo đầu người của các nước nói trên như thế nào?

   Cả hai nước này đều có tỉ trọng giá trị dịch vụ trong cơ cấu GDP cao và GDP theo đầu người cũng cao.

Từ bảng số liệu, rút ra nhận xét:

+ Ở các nước có tỉ trọng giá trị dịch vụ cao trong cơ cấu GDP thì giá trị bình quân GDP/người cũng cao. Ngược lại, ở các nước có tỉ trọng giá trị dịch vụ thấp trong cơ cấu GDP thì giá trị bình quân GDP/người cũng thấp.

IV. GỢI Ý THỰC HIỆN CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CUỐI BÀI

1. Những thành tựu về nông nghiệp của các nước châu Á được biểu hiện như thế nào?

Trả lời:

– Sản lượng lúa gạo của toàn châu lục rất cao, chiếm tới 93% sản lượng lúa gạo của toàn thế giới.

– Hai nước có dân số đông nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ trước đây thường xuyên thiếu lương thực, thì nay đã đủ dùng và còn thừa để xuất khẩu.

– Một số nước như Thái Lan, Việt Nam không những đủ lương thực mà hiện nay trở thành các nước xuất khẩu gạo đứng thứ nhất và thứ hai thế giới.

2. Dựa vào nguồn tài nguyên nào mà một số nước Tây Nam Á lại trở thành những nước có thu nhập cao? 

Trả lời: Dựa vào nguồn tài nguyên dầu mỏ.

3. Dựa vào kiến thức đã học, em hãy ghi tên các nước và vùng lãnh thổ đã đạt được thành tựu lớn trong phát triển nông nghiệp hoặc công nghiệp vào bảng sau:

Ngành kinh tế Nhóm nước Tên các nước và vùng lãnh thổ
Nông nghiệp – Các nước đông dân sản xuất đủ lương thực Trung Quốc, Ấn Độ
– Các nước xuất khẩu nhiều gạo Thái Lan, Việt Nam
Công nghiệp – Cường quốc công nghiệp Nhật Bản
– Các nước và vùng lãnh thổ công nghiệp mới Hàn Quốc, Xin-ga-po, Hồng Kông, Đài Loan.

V. CÂU HỎI TỰ HỌC

1. Cây lương thực quan trọng nhất ở châu Á là

A. lúa mì       B. lúa mạch        C. lúa gạo            D. ngô.

2. Các nước xuất khẩu lúa gạo đứng vào hàng đầu thế giới là

A. Trung Quốc, Thái Lan

B. Thái Lan, Việt Nam

C. Việt Nam, In-đô-nê-xi-a

D. In-đô-nê-xi-a, Thái Lan.

3. Nước có sản lượng lúa gạo đứng đầu châu Á là

A. Thái Lan       B. Việt Nam      C. Trung Quốc       D. Ấn Độ

4. Sản lượng khai thác dầu mỏ lớn nhất ở

A. Trung Quốc                            B. Cô-oét.

C. In-đô-nê-xi-a                          D. A-rập Xê-út

5. Những nước ở châu Á có ngành dịch vụ phát triển cao là:

A. Nhật Bản, Xin-ga-po, Hàn Quốc

B. Nhật Bản, Xin-ga-po, Trung Quốc

C. Trung Quốc, Xin-ga-po, Thái Lan

D. Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Trung Quốc.

Nguồn website giaibai5s.com

Phần một. Thiên nhiên, con người ở các châu lục-Bài 8. Tình hình phát triển kinh tế – xã hội ở các nước Châu Á
Đánh giá bài viết