I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Trình bày được đặc điểm chung của sông ngòi châu Á. Nêu và giải thích được sự khác nhau về chế độ nước; giá trị kinh tế của các hệ thống sông lớn.

– Trình bày được các cảnh quan tự nhiên ở châu Á và giải thích được sự phân bố của một số cảnh quan.

– Đọc và khai thác kiến thức từ bản đồ.

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Đặc điểm sông ngòi

   Có nhiều hệ thống sông lớn, nhưng phân bố không đều, chế độ nước phức tạp.

+ Ở Bắc Á, mạng lưới sông dày, các sông chảy từ nam lên bắc. Về mùa đông, các sông bị đóng băng kéo dài. Mùa xuân, băng tuyết tan, mực nước sông lên nhanh và thường gây ra lũ băng lớn.

+ Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á có mạng lưới sông dày và có nhiều sông lớn. Nước sông lớn nhất vào cuối hạ đầu thu, cạn nhất vào cuối đông đầu xuân, tương ứng với chế độ mưa mùa.

+ Tây Nam Á và Trung Á có hệ thống sông kém phát triển do thuộc khí hậu lục địa khô hạn.

2. Các đới cảnh quan tự nhiên

– Cảnh quan tự nhiên phân hoá rất đa dạng:

+ Rừng lá kim có diện tích rất rộng, phân bố chủ yếu ở đồng bằng Tây Xi-bia, sơn nguyên Trung Xi-bia và một phần ở Đông xi-bia.

+ Rừng cận nhiệt ở Đông Á và rừng nhiệt đới ẩm ở Đông Nam Á có nhiều loại gỗ tốt, nhiều loài động vật quý hiếm.

– Ngày nay, phần lớn các cảnh quan nguyên sinh đã bị con người khai phá, biến thành đồng ruộng, các khu dân cư và khu công nghiệp.

3. Những thuận lợi và khó khăn của thiên nhiên châu Á

– Tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú:

+ Nhiều loại khoáng sản có trữ lượng rất lớn, như: than, dầu mỏ, khí đốt, sắt, thiếc…

+ Các tài nguyên đất, khí hậu, nguồn nước, thực, động vật và rừng rất đa dạng.

+ Các nguồn năng lượng (thuỷ năng, gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt….) rất dồi dào.

– Khó khăn:

+ Núi cao hiểm trở.

+ Hoang mạc khô cằn rộng lớn.

+ Các vùng khí hậu giá lạnh khắc nghiệt có tỉ lệ lớn so với lãnh thổ.

+ Nhiều thiên tai (động đất, núi lửa, bão, lụt…).

III. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. Dựa vào hình 1.2, em hãy cho biết:

– Các sông lớn của Bắc Á và Đông Á bắt nguồn từ khu vực nào, đổ vào biển và đại dương nào?

– Sông Mê Công (Cửu Long) chảy qua nước ta bắt nguồn từ sơn nguyên nào?

Trả lời:

Khu vực Sông lớn Nơi bắt nguồn Nơi đổ ra (biển hoặc đại dương)
Bắc Á Ô-bi An-tai, U-ran Biển Ca-ra
Ê-nit-xây Xai-an Biển Ca-ra
Lê-na Khi vực núi cao Trung Xi-bia Biển Lap-tep
Đông Á A-mua Dãy Iablônôvôi Biển Ô-khốt
Hoàng Hà Sơn nguyên Tây Tạng Biển Hoàng Hải
Trường Giang Sơn nguyên Tây Tạng Biển Hoa Đông

– Sông Mê Công chảy qua nước ta bắt nguồn từ sơn nguyên Tây Tạng.

2. Dựa vào hình 1.2 và 2.1, em hãy cho biết sông Ô-bi chảy theo hướng nào và qua các đới khí hậu nào? Tại sao về mùa xuân vùng trung và hạ lưu sông Ô-bi lại có lũ băng lớn?

Trả lời:

– Sông Ô-bi chảy theo hướng bắc – nam.

– Sông chảy qua các đới khí hậu: cực và cận cực, ôn đới.

– Về mùa xuân vùng trung và hạ lưu sông Ô-bi có lũ băng lớn, vì lúc này vào thời kì băng tan

3. Dựa vào hình 2.1 và 3.1, em hãy cho biết:

– Tên các đới cảnh quan của châu Á theo thứ tự từ bắc xuống nam dọc theo kinh tuyến 80°Đ.

– Tên các cảnh quan phân bố ở khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa và các cảnh quan ở khu vực khí hậu lục địa khô hạn.

Trả lời:

– Tên các đới cảnh quan của châu Á theo thứ tự từ bắc xuống nam dọc theo kinh tuyến 80°Đ: đới đài nguyên, đới rừng lá kim, đội thảo nguyên, đới hoang mạc và bán hoang mạc, cảnh quan núi cao, xa van và cây bụi, rừng nhiệt đới ẩm.

– Tên các cảnh quan phân bố ở khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa và các cảnh quan ở khu vực khí hậu lục địa khô hạn.

+ Tên các cảnh quan phân bố ở khu vực nhiệt đới gió mùa: xa van và cây bụi, rừng nhiệt đới ẩm.

+ Tên các cảnh quan ở khu vực khí hậu lục địa khô hạn: rừng lá kim, thảo nguyên, hoang mạc và bán hoang mạc, cảnh quan núi cao.

IV. GỢI Ý THỰC HIỆN CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CUỐI BÀI

1. Dựa vào hình 1.2 và các kiến thức đã học, em hãy kể tên các sông lớn ở Bắc Á, nêu hướng chảy và đặc điểm thuỷ chế của chúng.

Trả lời:

– Các sông lớn ở Bắc Á: Ô-bi, I-ê-nit-xây, Lê-na. 

– Hướng chảy: từ nam lên bắc.

– Đặc điểm thuỷ chế: về mùa đông các sông bị đóng băng kéo dài. Mùa xuân, băng tuyết tan, mực nước sông lên nhanh và thường gây ra lũ băng lớn.

2. Dựa vào hình 3.1, em hãy cho biết sự thay đổi các cảnh quan tự nhiên từ tây sang đông theo vĩ tuyến 40°B và giải thích tại sao có sự thay đổi như vậy.

   Trả lời:

   Sự thay đổi cảnh quan tự nhiên từ tây sang đông theo vĩ tuyến 40°B là do sự thay đổi khí hậu từ duyên hải vào nội địa. Cụ thể:

– Vùng gần bờ phía đông, do khí hậu ẩm, phát triển rừng hỗn hợp và rừng lá rộng.

– Vào sâu nội địa, khí hậu khô hơn, có cảnh quan thảo nguyên.

– Ở vùng trung tâm khô hạn là cảnh quan hoang mạc và bán hoang mạc, cảnh quan núi cao, cảnh quan thảo nguyên, cảnh quan rừng và cây bụi lá cứng địa trung hải.

3. Em hãy sưu tầm và ghi tóm tắt những thông báo về một số thiên tai thường xảy ra ở nước ta và các nước khác thuộc châu Á.

– Các thiên tai: bão, lụt, động đất, hoạt động núi lửa, sóng thần.

– Hướng dẫn cách ghi tóm tắt: loại thiên tai, ngày tháng năm xảy ra, nơi xảy ra, những thiệt hại đã biết.

– Nguồn tài liệu: sách, báo, truyền thanh, truyền hình, internet,…

V. CÂU HỎI TỰ HỌC

1. Châu Á có nhiều hệ thống sông

A. lớn          B. dài            C. nhỏ            D. ngắn.

2. Các sông lớn của Bắc Á thường đổ vào

A. Thái Bình Dương.

B. Đại Tây Dương

C. Bắc Băng Dương

D. Ấn Độ Dương.

3. Các sông ở châu Á có chế độ nước.

A. khá điều hoà

B. khá phức tạp

C. tương đối đơn giản

D. rất thất thường.

4. Khu vực có sông ngòi kém phát triển ở châu Á là

A. Tây Nam Á và Đông Á

B. Tây Nam Á và Trung Á

C. Đông Á và Đông Nam Á

D. Trung Á và Đông Nam Á.

5. Rừng nhiệt đới ẩm phân bố tập trung ở

A. Đồng bằng Tây Xi-bia và Nam Á

B. Đông Á và đồng bằng Tây Xi-bia

C. Đông Nam Á và Nam Á

D. Sơn nguyên Trung Xi-bia và đồng bằng Tây Xi-bia.

Nguồn website giaibai5s.com

Phần một. Thiên nhiên, con người ở các châu lục-Bài 3. Sông ngòi và cảnh quan Châu Á
Đánh giá bài viết