I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Trình bày được về Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)

– Đọc và khai thác kiến thức từ bản đồ các nước châu Á.

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Hiệp hội các nước Đông Nam Á

– Năm 1999, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên: Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Bru-nây, Việt Nam, Lào, Mi-an-ma, Cam-pu-chia. .

– Các nước thuộc Hiệp hội hợp tác để cùng phát triển, ổn định trên nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng chủ quyền của nhau.

2. Hợp tác để phát triển kinh tế – xã hội

– Ba nước Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po và In-đô-nê-xi-a đã lập tam giác tăng trưởng kinh tế Xi-giê-ri từ năm 1989.

– Tại các vùng kém phát triển của Ma-lai-xi-a (tỉnh Giê-ho) và In-đô-nê-xi-a (quần đảo Ri-au) đã xuất hiện các khu công nghiệp lớn.

– Nước phát triển hơn đã giúp đỡ cho các nước thành viên chậm phát triển đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong khu vực và để xuất khẩu.

– Tăng cường trao đổi hàng hoá giữa các nước.

– Xây dựng tuyến đường sắt, đường bộ từ Việt Nam sang Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po; từ Mi-an-ma qua Lào tới Việt Nam.

– Phối hợp khai thác và bảo vệ lưu vực sông Mê Công.

3. Việt Nam trong ASEAN

– Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ.

– Tham gia vào ASEAN, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế – xã hội, nhưng cũng có nhiều thách thức cần vượt qua (sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế – xã hội, sự khác biệt về thể chế chính trị, bất đồng ngôn ngữ…).

II. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. Quan sát hình 17.1, cho biết 5 nước đầu tiên tham gia vào Hiệp hội các nước Đông Nam Á, những nước nào tham gia sau Việt Nam.

Trả lời:

– 5 nước đầu tiên tham gia vào ASEAN: Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Phi-líp-pin.

– Những nước tham gia sau Việt Nam: Mi-an-ma, Lào, Cam-pu-chia.

2. Em hãy cho biết các nước Đông Nam Á có những điều kiện thuận lợi gì để hợp tác phát triển kinh tế?

Trả lời:

– Vị trí gần gũi, đường giao thông về cơ bản là thuận lợi.

– Truyền thống văn hoá, sản xuất có nhiều nét tương đồng.

– Lịch sử đấu tranh, xây dựng đất nước có những điểm giống nhau, con người dễ hợp tác với nhau.

3. Từ đoạn văn ở SGK (trang 60), hãy cho biết những lợi ích của Việt Nam trong quan hệ mậu dịch và hợp tác với các nước ASEAN là gì?

   Hãy liên hệ với thực tế đất nước, nêu thêm một vài ví dụ về sự hợp tác này.

Trả lời:

a) Những lợi ích

– Về quan hệ mậu dịch:

+ Tốc độ tăng trưởng buôn bán với các nước ASEAN đạt khá cao: từ 1990 đến năm 2000, tăng 26,8%.

+ Tỉ trọng giá trị hàng hoá buôn bán với các nước này chiếm tới 1/3 (32,4%) tổng buôn bán quốc tế của Việt Nam.

+ Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang các nước ASEAN là gạo với bạn hàng chính là In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a.

+ Mặt hàng nhập chính là nguyên liệu sản xuất như xăng, dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, hạt nhựa, hàng điện tử.

– Về hợp tác phát triển kinh tế: Dự án phát triển hành lang Đông – Tây tại lưu vực sông Mê Công tạo điều kiện khai thác tài nguyên và nhân công tại những vùng còn nhiều khó khăn của một số nước trong khu vực, giúp những vùng này phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói nghèo.

b) Liên hệ thêm thực tế đất nước: ví dụ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 trong năm 2003 tổ chức tại Việt Nam, thể hiện quan hệ về thể thao văn hoá.

IV. GỢI Ý THỰC HIỆN CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CUỐI BÀI

1. Mục tiêu hợp tác của Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã thay đổi qua thời gian như thế nào?

Trả lời:

– Trong 25 năm đầu, Hiệp hội được tổ chức như một khối hợp tác về quân sự.

– Cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỉ XX, xu thế hợp tác kinh tế . xuất hiện và ngày càng trở thành xu hướng chính.

– Từ đầu thập niên 90 của thế kỉ XX, mục tiêu là đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hoà bình, ổn định và phát triển đồng đều.

   Hiện nay, các nước đang tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực: trao đổi hàng hoá qua việc thực hiện khu vực thương mại tự do ASEAN (giảm thuế các mặt hàng, tự do buôn bán giữa các nước trong khu vực); lĩnh vực công nghiệp, nông – lâm – ngư nghiệp (giúp đỡ về kĩ thuật, đào tạo nghề, bảo đảm an ninh lương thực); lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng (xây dựng đường sắt chạy qua các quốc gia: Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Cam-pu-chia, Việt Nam và Côn Minh – Trung Quốc); kết nối mạng thông tin giữa các quốc gia trong khu vực và với quốc tế; hợp tác trong bảo tồn và sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng của các nước thành viên; hợp tác trong khai thác, cải tạo và quản lí sông Mê Công,…

2. Phân tích những lợi thế và khó khăn của Việt Nam khi trở thành thành viên của ASEAN

Trả lời:

a) Lợi thế: có thêm điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể:

– Về quan hệ mậu dịch:

+ Tốc độ tăng trưởng buôn bán với các nước ASEAN đạt khá cao: từ 1990 đến năm 2000, tăng 26,8%.

+ Tỉ trọng giá trị hàng hoá buôn bán với các nước này chiếm tới. 1/3 (32,4%) tổng buôn bán quốc tế của Việt Nam.

+ Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang các nước ASEAN là gạo với bạn hàng chính là In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a.

+ Mặt hàng nhập chính là nguyên liệu sản xuất như xăng, dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, hạt nhựa, hàng điện tử.

– Về hợp tác phát triển kinh tế: Dự án phát triển hành lang Đông – Tây tại lưu vực sông Mê Công tạo điều kiện khai thác tài nguyên và nhân công tại những vùng còn nhiều khó khăn của một số nước trong khu vực, giúp những vùng này phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói nghèo.

b) Khó khăn: về chênh lệch trình độ phát triển kinh tế – xã hội, sự khác biệt về thể chế chính trị, bất đồng về ngôn ngữ. Cụ thể: do chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế nên năng suất lao động của ta còn thấp, chất lượng hàng hoá sản xuất chưa cao, giá bán hàng cao khó cạnh tranh với hàng các nước khác sản xuất. Các nước Đông Nam Á có nhiều mặt hàng giống nhau dễ xảy ra cạnh tranh trong xuất khẩu. Sự khác biệt trong thể chế chính trị dẫn đến cách giải quyết mối quan hệ kinh tế, văn hoá, xã hội khác nhau nhiều khi gây khó khăn không cần thiết như Việt Nam có nhiều thủ tục hành chính khi giải quyết các hợp đồng, các giấy cấp phép hoạt động. Việc không cùng chung ngôn ngữ cũng gây khó khăn lớn khi Việt Nam mở rộng giao lưu với các nước,…

3. Vẽ biểu đồ hình cột và nhận xét GDP/người của các nước ASEAN theo số liệu bảng 17.1 SGK (trang 61)

Hướng dẫn:

– Vẽ biểu đồ cột. Trục hoành thể hiện các nước (Bru-nây, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Lào, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan, Việt Nam, Xin-ga-po). Trục tung thể hiện GDP/người (đơn vị: USD).

– Nhận xét: chỉ rõ nước cao nhất, thấp nhất, chênh lệch bao nhiêu lần.

4. Thu thập thông tin về sự hợp tác của Việt Nam với các nước Đông Nam Á.

   Hướng dẫn: thu thập từ các nguồn sách, báo, tạp chí, internet.

V. CÂU HỎI TỰ HỌC

1. Việt Nam gia nhập ASEAN năm

A. 1994.        B. 1995        C. 1996       D. 1997.

2. Năm 1999, ASEAN gồm có

A. 8 nước         B. 9 nước.     C. 10 nước        D. 11 nước.

3. Tam giác tăng trưởng kinh tế Xi-giê-ri gồm 3 nước:

A. Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a

B. Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Phi-líp-pin

C. Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Bru-nây.

D. Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Đông Timo 

4. Hiện nay, buôn bán với ASEAN chiếm

A. 12,4% tổng buôn bán quốc tế của nước ta

B. 22,4% tổng buôn bán quốc tế của nước ta

C. 32,4% tổng buôn bán quốc tế của nước ta

D. 42,4% tổng buôn bán quốc tế của nước ta

5. Dự án phát triển hành lang Đông – Tây tại lưu vực sông Mê Công gồm

A. Việt Nam, Lào, Mi-an-ma và Đông Bắc Thái Lan.

B. Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia và Đông Bắc Thái Lan.

C. Việt Nam, Lào, Phi-líp-pin và Đông Bắc Thái Lan.

D. Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia và Đông Bắc Thái Lan.

Nguồn website giaibai5s.com

Phần một. Thiên nhiên, con người ở các châu lục-Bài 17. Hiệp hội các nước Đông Nam Á ( ASEAN)
Đánh giá bài viết