1. Lưu ý với phân môn Tập đọc

   Tập đọc là phân môn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chương trình Tiếng Việt, vì nó đảm nhiệm việc hình thành và phát triển cho kĩ năng “đọc” nói chung và “đọc hiểu” nói riêng, là công cụ, phương tiện để học sinh tiếp nhận tri thức.

   Để con học tốt phân môn này, phụ huynh nên cho con đọc trước bài ở nhà ít nhất 3 lần. Yêu cầu bé đọc đúng, rõ, tròn chữ, ngắt nghỉ đúng chỗ, kết hợp với ôn luyện vần và luyện nói. Những từ khó hiểu, bố mẹ giải thích rõ cho con hiểu (với từ khó, từ địa phương, có thể vào từ điển rồi diễn giải đơn giản, hoặc tìm tư liệu tranh ảnh trên sách, báo, internet để con hình dung được). Sau đó cha mẹ và con cùng hỏi đáp trực tiếp để kiểm tra việc hiểu bài của con, cùng chơi trò chơi để thực hành giao tiếp.

2. Lưu ý với phân môn Tập viết và Chính tả

   Ở Tiểu học, việc dạy học sinh viết chữ là yêu cầu quan trọng hàng đầu của môn Tiếng Việt vì chữ viết là công cụ để giao tiếp và học tập. Đây là phân môn khó, đòi hỏi sự kiên trì, nghiêm túc của học sinh và cả phụ huynh khi dạy trẻ.

   Tư thế ngồi viết

   Để viết đúng, viết đẹp, không bị mỏi tay, hại mắt, trước hết cần cho con ngồi đúng tư thế ngay từ đầu vì khi trẻ đã quen thành nếp thì rất khó sửa.

   Tư thế ngồi viết đúng:

– Lưng thẳng, không tì ngực vào bàn.

– Đầu hơi cúi.

– Mắt cách vở khoảng 25 – 30cm.

– Tay phải cầm bút.

– Tay trái tì nhẹ lên mép vở để giữ.

– Hai chân để song song thoải mái.

   Mỗi ngày chỉ nên viết 2 – 3 trang, cứ được nửa trang lại cho con nghỉ khoảng 10 phút. Khi con viết tốt, nên động viên, khen thưởng. Nếu con viết không tốt, không nên quát mắng mà nên nhẹ nhàng chỉ cho con thấy những lỗi sai để con không nản.

   Cách cầm bút

– Cầm bút đúng là chỉ dùng 3 ngón tay cái, trỏ, giữa để cầm. Ngón cái và ngón trỏ cầm bút còn ngón giữa đỡ thân cây bút từ phía dưới. Ngón cái điều khiển chính khi viết các nét ngang và nét xiên, ngón trỏ điều khiển chính khi viết các nét thẳng. Trong lúc viết ba ngón tay này co duỗi nhịp nhàng. Hai ngón còn lại có vào sát lòng bàn tay tạo thành bàn trượt cho tay di chuyển khi viết. Khi viết bút nằm trong hõm giữa ngón cái và ngón trỏ, đầu bút chỉ hướng vào nách người viết. Ngón tay cách ngòi bút khoảng 1cm – 1,5cm.

– Cho các con cầm bút không chặt hoặc lỏng quá, cũng không ấn quá mạnh tay.

– Với những bé quá khó khăn trong việc cầm bút, bố mẹ có thể mua cho con bộ dụng cụ cầm bút, giúp con cầm bút vừa vặn và êm tay. Cho con tập như vậy một thời gian, khi con quen tay rồi thì bỏ ra.

   Yêu cầu cần đạt được trong phân môn Tập viết và Chính tả

   Để con viết chữ đẹp, cha mẹ cần nắm được kiến thức về chữ viết dùng trong bậc Tiểu học.

   Với lớp 1, trẻ cần học viết các chữ cái (viết thường theo đúng qui định về hình dạng, kích cỡ (cỡ vừa và nhỏ), thao tác (đưa bút theo đúng qui trình viết); viết các chữ (ghi vần – tiếng; từ ứng dụng, liền mạch (biết nối nét) đúng khoảng cách, thẳng hàng, đặt dấu thanh đúng vị trí, trình bày hợp lí.

   Các nét chữ cơ bản cấu tạo chữ cái, chữ số hoa

   Ở lớp 2, các con được tập viết chữ hoa cỡ vừa và nhỏ, đồng thời luyện viết chữ thường và nhỏ. Yêu cầu của phân môn này là con biết viết đúng và đều nét các chữ thường và chữ hoa; viết liền mạch và để khoảng cách hợp lí giữa các chữ ghi tiếng.

* Các nét cơ bản để viết chữ thường (xem Mẹ dạy con học Tiếng Việt ở nhà lớp 1 tập 1 và tập 2).

* Các nét cơ bản để viết chữ hoa có 4 loại: nét thẳng, nét cong, nét móc, nét khuyết, mỗi loại có thể chia ra mỗi dạng, mỗi kiểu khác nhau.

           Bảng các nét chữ cơ bản (chữ hoa)

Cách đánh dấu phụ

– Dấu phụ ở các chữ cái ă, â, ê, ô đặt ở vị trí phía trên đầu các chữ cái. Điểm cao nhất của dấu không qua 1/3 đơn vị chữ, điểm thấp nhất của dấu không chạm vào đầu phần nét cơ bản của các chữ cái, chiều ngang của dấu bằng 1/3 đơn vị chữ

– Dấu phụ của chữ u, ơ là một dấu như hình lưỡi câu đặt hơi nghiêng về phía bên phải của thân chữ, độ cao không quá 1/3 đơn vị chữ. Ở chữ a, điểm dừng bút của nét phụ chạm vào đầu của nét móc thứ hai; ở chữ a, điểm dừng bút của nét phụ chạm vào điểm dừng bút của nét cong kín.

Cách đánh dấu thanh 

   Dấu thanh chỉ được đặt trên hoặc dưới chữ ghi nguyên âm (âm chính), không đặt giữa hai chữ cái. Dấu thanh không được viết to quá, bé quá và phải viết đúng vị trí, đặt gần chữ nhưng không được dính vào chữ.

   Trường hợp âm chính là nguyên âm đôi, vị trí của dấu thanh sẽ được xác định tùy thuộc vào việc âm tiết có âm cuối hay không:

– Nếu âm tiết không có âm cuối vần thì dấu thanh được đặt ở trên hoặc dưới con chữ thứ nhất của nguyên âm đôi.

Ví dụ: mía, vựa, cửa, tỉa,…

– Nếu âm tiết có âm cuối vần thì dấu thanh được đặt ở trên hoặc dưới con chữ thứ hai của nguyên âm đôi.

Ví dụ: yếm, diều, uống, luộc, buối, viết,…

– Với các chữ có dấu mũ (a, ê, ô) các dấu huyền, sắc được đặt về phía bên phải của dấu mũ.

– Với các bé hay nhầm lẫn các dấu (như dấu huyền với dấu sắc), bố mẹ có thể viết sẵn một loạt chữ có hai dấu mà bé hay nhầm rồi cho con khoanh chữ có dấu mà bố mẹ yêu cầu.

   Các bé có thể chưa nắm rõ được khái niệm âm chính, âm đạm, âm đôi, âm cuối… nên bố mẹ cần cho bé luyện đọc, viết nhiều để bé nhớ.

3. Lưu ý với phân môn Kể chuyện

   Phân môn Kể chuyện lớp 2 nhằm phát triển kĩ năng nói và nghe cho học sinh, bao gồm:

– Kĩ năng độc thoại: Kể lại câu chuyện đã học hay đã được nghe theo những mức độ khác nhau (kể từng đoạn hoặc toàn bộ câu chuyện, kể theo lời của người dẫn chuyện hoặc theo lời nhân vật…).

– Kĩ năng đối thoại: Tập dựng lại câu chuyện theo các vai khác nhau, bước đầu biết sử dụng các yếu tố phụ trợ trong giao tiếp (nét mặt, cử chỉ, điệu bộ…).

– Kĩ năng nghe: Theo dõi được câu chuyện bạn kể để kể tiếp hoặc nêu ý kiến bổ sung, nhận xét.

   Các hình thức kể chuyện trong phân môn kể chuyện lớp 2: kể chuyện theo tranh; kể theo dàn ý cho sẵn; phân vai, diễn lại một đoạn hoặc cả câu chuyện (đóng kịch).

   Trước hết, khi dạy con kể chuyện, cha mẹ phải nắm rõ nội dung câu chuyện, tránh tình trạng kể sai, kể thiếu, khiến trẻ bối rối không biết phải nghe cha mẹ hay cô giáo.

   Cha mẹ kể mẫu cho trẻ nghe. Hãy kể bằng giọng điệu tự nhiên, sinh động và biểu đạt khuôn mặt, cử chỉ, ánh mắt… hết khả năng của mình.

   Khi đã kể mẫu một vài lần, cha mẹ có thể dừng lại ở một số chỗ để trẻ kể tiếp. Điều này giúp trẻ nhớ kĩ câu chuyện hơn.

   Cha mẹ cũng nên rèn luyện khả năng tưởng tượng và sự chủ động trong suy nghĩ của trẻ bằng cách đọc cho trẻ nghe một câu chuyện mới rồi đến nửa chừng thì yêu cầu trẻ đoán xem kết thúc câu chuyện sẽ là thế nào, cảm nhận của trẻ về các nhân vật trong chuyện, dùng những câu chuyện đã biết để thảo luận về các chủ đề như sự giận dữ, tính ích kỉ, lười biếng, lịch sự, lòng tốt.

4. Lưu ý với phân môn Luyện từ và câu

   Phân môn Luyện từ và câu giúp mở rộng vốn từ và cung cấp cho học sinh một số hiểu biết sơ giản về từ loại (từ chỉ người, con vật, đồ vật, cây cối; từ chỉ hoạt động, trạng thái; từ chỉ đặc điểm, tính chất), đồng thời rèn luyện cho học sinh các kĩ năng dùng từ đặt câu và sử dụng các dấu câu.

   Phân môn Luyện từ và câu lớp 2 gồm 31 tiết (16 tiết ở kì I và 15 tiết ở kì II).

   Nội dung:

– Về từ vựng, học sinh được mở rộng vốn từ theo chủ điểm thông qua các bài tập thực hành.

– Về từ loại, học sinh bước đầu rèn luyện cách dùng các từ chỉ sự vật (danh từ), hoạt động, trạng thái (động từ) và đặc điểm, tính chất (tính từ).

– Về câu, học sinh được làm quen với các kiểu câu trần thuật đơn cơ bản Ai là gì?, Ai làm gì? Ai thế nào? các bộ phận của câu trả lời các câu hỏi Ai?, Là gì? Làm gì? Khi nào? Ở đâu?, Như thế nào? Vì sao?, Để làm gì? và các dấu câu (chấm, chấm hỏi, chấm than, phẩy).

   Các nội dung trên không được thể hiện qua các bài tập thực hành chứ không có bài học lý thuyết.

   Để các con học tốt phân môn này, bố mẹ cần giúp các con nắm vững yêu cầu bài tập bằng câu hỏi, giải thích cho con những phần khó hiểu, chữa giúp con một phần bài tập mẫu, từ đó yêu cầu con rút ra những điểm lí thuyết cần ghi nhớ trong bài tập.

5. Lưu ý với phân môn Tập làm văn

   Trong lớp 2, học sinh được học 31 tiết Tập làm văn trong cả năm học (16 tiết ở kì I và 15 tiết ở kì II) với hai hình thức rèn luyện là nói và viết.

   Trong các tiết này, các con được học:

– Các nghi thức lời nói tối thiểu (chào hỏi, tự giới thiệu, xin lỗi, nhờ cậy, yêu cầu, khẳng định, phủ định, tán thành, từ chối, chia vui, chia buồn,…); biết sử dụng chúng trong các tình huống giao tiếp trong gia đình, trong trường học và ngoài xã hội.

– Các kĩ năng phục vụ học tập và đời sống hằng ngày: khai bản tự thuật ngắn; viết thư ngắn để nhắn tin, chia vui hoặc chia buồn; nhận và gọi điện thoại, đọc và lập danh sách học sinh, tra mục lục sách; đọc thời khóa biểu; đọc và lập thời gian biểu,…

– Nói, viết về những vấn đề thuộc chủ điểm: kể một sự việc đơn giản; tả sơ lược về người, vật xung quanh theo gợi ý; bằng tranh, bằng câu hỏi,…

   Để các con học tốt môn Tập làm văn, bố mẹ cần cho con đọc nhiều, nghe nhiều (nói chuyện hoặc kể chuyện cho con nghe), đồng thời cho các con quan sát, ứng dụng thực tế vào bài văn. Nên tập cho con thói quen đọc lại bài để phát hiện và sửa những lỗi sai. Ngay trong khi nói năng, sinh hoạt hằng ngày, cũng cần yêu cầu con nói câu đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, đúng ngữ cảnh… Khuyến khích con viết văn bằng chính cảm xúc thật của mình, có nhiều sáng tạo, tìm tòi, suy nghĩ chứ không nên rập khuôn theo các bài văn mẫu.

Nguồn website giaibai5s.com

Phần I: Một số điểm phụ huynh cần nắm vững-Lưu ý khi dạy con học Tiếng Việt
Đánh giá bài viết