I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Nêu được vị trí, đặc điểm cơ bản của khu vực đồi núi, khu vực đồng bằng, bờ biển và thềm lục địa.

– Sử dụng bản đồ địa hình Việt Nam để làm rõ đặc điểm và sự phân bố các khu vực địa hình ở nước ta.

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Khu vực đồi núi

a) Vùng núi Đông Bắc

– Vùng đồi núi thấp, nằm ở tả ngạn sông Hồng, đi từ dãy Con Voi đến vùng đồi núi ven biển Quảng Ninh.

– Nổi bật của vùng là những cánh cung lớn và vùng đồi (trung du). phát triển rộng. Phổ biến ở đây là địa hình cacxtơ (nổi tiếng là vịnh Hạ Long, hồ Ba Bể…) .

b) Vùng núi Tây Bắc

– Vùng núi cao, nằm giữa sông Hồng và sông Cả.

– Nổi bật của vùng là những dải núi cao, những sơn nguyên đá vôi hiểm trở nằm song song và kéo dài theo hướng tây bắc – đông nam.

– Ngoài ra, Tây Bắc còn có những đồng bằng trù phú, nằm giữa vùng núi cao như Than Uyên, Mường Thanh, Nghĩa Lộ…

c) Vùng núi Trường Sơn Bắc

– Từ phía nam sông Cả tới dãy núi Bạch Mã, dài khoảng 600km.

– Vùng đồi núi thấp, chạy theo hướng tây bắc – đông nam, có hai sườn không đối xứng. Sườn Đông Trường Sơn hẹp và dốc, có nhiều nhánh núi nằm ngang chia cắt đồng bằng duyên hải Trung Bộ (Hoành Sơn, Bạch Mã…).

d) Vùng núi và cao nguyên Trường Sơn Nam

– Vùng đồi núi và cao nguyên hùng vĩ.

– Dãy Trường Sơn Nam lưng quay ra biển, ôm lấy các cao nguyên Tây Nguyên. Sườn đông đổ dốc xuống đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ, sườn tây thoải xuống các cao nguyên. .

– Phía tây Trường Sơn Nam là các cao nguyên rộng lớn (Kon Tum, Plây Ku, Đắk Lắk, Di Linh), mặt phủ đất đỏ badan dày, xếp thành từng tầng trên các độ cao 400m, 800m, 1.000m.

đ) Địa hình bán bình nguyện Đông Nam Bộ và vùng đồi trung du Bắc Bộ 

– Phần lớn là những thềm phù sa cổ, có nơi cao tới 200m.

– Mang tính chất chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng.

2. Khu vực đồng bằng

a) Đồng bằng châu thổ hạ lưu các sông lớn:

– Đồng bằng sông Cửu long: diện tích khoảng 40.000km2, cao trung bình 2 – 3m so với mực nước biển. Trên mặt đồng bằng không có để lớn để ngăn lũ. Vào mùa lũ, nhiều vùng đất trũng rộng lớn bị ngập úng sâu và khó thoát nước như: vùng Đồng Tháp Mười, vùng tứ giác Long Xuyên – Châu Đốc – Hà Tiên – Rạch Giá.

– Đồng bằng sông Hồng: diện tích khoảng 15.000km2, có hệ thống đề lớn chống lũ vững chắc, dài trên 2.700km.

b) Các đồng bằng duyên hải miền Trung 

– Gồm các đồng bằng nhỏ, hẹp ngang, với tổng diện tích khoảng 15.000km2  .

– Trong số đó, rộng nhất là đồng bằng Thanh Hoá (3.100km2).

3. Địa hình bờ biển và thềm lục địa

– Bờ biển nước ta dài 3.260km chạy dài từ Móng Cái đến Hà Tiên. Địa hình bờ biển có hai dạng chính: bờ biển bồi tụ và bờ biển mài mòn.

+ Bờ biển bồi tụ: Bờ biển tại các châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long có nhiều bãi bùn rộng, rừng cây ngập mặn phát triển.

+ Bờ biển mài mòn: Bờ biển tại các vùng chân núi và hải đảo, như đoạn từ bờ biển Đà Nẵng đến Vũng Tàu rất khúc khuỷu, lồi lõm ở nhiều vũng, vịnh nước sâu, kín gió và nhiều bãi cát sạch. 

– Thềm lục địa nước ta mở rộng tại các vùng biển Bắc Bộ và Nam Bộ, với độ sâu không quá 100m.

III. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. Tìm trên hình 28.1 các cánh cung Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều.

2. Vì sao Hoàng Liên Sơn được coi là nóc nhà của Việt Nam?

Trả lời: Hoàng Liên Sơn là vùng núi cao nhất Việt Nam, trong đó có đỉnh Phan-xi-păng (3.143m) cao nhất ở nước ta.

3. Quan sát hình 28.1, cho biết:

– Trường Sơn Bắc chạy theo hướng nào?

– Vị trí của đèo Ngang, đèo Lao Bảo, đèo Hải Vân.

Trả lời:

– Trường Sơn Bắc chạy theo hướng tây bắc – đông nam.

– Vị trí của đèo Ngang, đèo Lao Bảo, đèo Hải Vân: đèo Ngang nằm trên khối núi Hoành Sơn, giữa tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình; đèo Hải Vân nằm trên khối núi Bạch Mã, ranh giữa tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng. Đèo Lao Bảo nằm trên dãy Trường Sơn Bắc, ở đường 9 và biên giới Việt – Lào.

4. Tìm trên hình 28.1 các cao nguyên Kon Tum, Plây Ku, Đắk Lắk, Di Linh.

5. Nhìn trên hình 29.3 em thấy đồng bằng sông Hồng có hình dạng như thế nào?

Trả lời: như một tam giác, đỉnh là ở Việt Trì, đáy kéo dài từ Hải Phòng đến Ninh Bình.

6. So sánh địa hình đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long (hình 29.2 và hình 29.3) em nhận thấy chúng giống và khác nhau như thế nào?

Trả lời:

– Giống nhau: cả hai đều là đồng bằng châu thổ do phù sa sông bồi đắp tạo thành, là vùng nông nghiệp trọng điểm, dân cư tập trung đông đúc.

– Khác nhau: 

+ Đồng bằng sông Hồng: diện tích 15.000km2, có hệ thống đê sông chống lũ dài, chia đồng bằng thành các ô trùng, thấp hơn mực nước sông ngoài đê từ 3 – 7m, không được bồi đắp tự nhiên nữa. Giữa đồng bằng nhô lên một số đồi núi thấp; ra sát biển có các cồn cát duyên hải.

+ Đồng bằng sông Cửu Long: diện tích rộng 40.000km2, cao trung bình 2 – 3m so với mực nước biển. Trên mặt đồng bằng không có đề lớn để ngăn lũ, nhưng có hệ thống kênh rạch chằng chịt. Có các vùng trũng rộng lớn bị ngập sâu vào mùa lũ (Đồng Tháp Mười, vùng fitứ giác Long Xuyên – Châu Đốc – Hà Tiên – Rạch Giá). Phía tây nam, ở Cà Mau có diện tích rừng sú vẹt, rừng tràm rộng; về phía biển có các cồn cát duyên hải.

7. Vì sao các đồng bằng duyên hải miền Trung nhỏ hẹp và kém phì nhiêu?

Trả lời: các đồng bằng duyên hải miền Trung nằm ở chân núi – Trường Sơn, bị các dãy núi ăn lan ra sát biển chia cắt thành các đồng bằng nhỏ hẹp. Trong sự hình thành các đồng bằng này, vai trò bồi đắp phù sa của sông không đáng kể, nên đất đai kém phì nhiêu.

8. Em hãy tìm trên hình 28.1 vị trí của vịnh Hạ Long, vịnh Cam Ranh, bãi biển Đồ Sơn, Sầm Sơn, Vũng Tàu, Hà Tiên.

IV. GỢI Ý THỰC HIỆN CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CUỐI BÀI

1. Địa hình nước ta chia thành mấy khu vực? Đó là những khu vực nào?

Trả lời: Địa hình nước ta chia thành ba khu vực

– Khu vực đồi núi.

– Khu vực đồng bằng.

– Khu vực bờ biển và thềm lục địa.

2. Địa hình đá vôi tập trung nhiều ở miền nào?

 Trả lời: địa hình đá vôi tập trung nhiều ở miền Bắc (Tây Bắc, Đông. Bắc, Bắc Trung Bộ).

3. Địa hình cao nguyên badan tập trung nhiều ở miền nào?

Trả lời: địa hình badan tập trung nhiều ở Tây Nguyên.

4. Địa hình châu thổ sông Hồng khác với địa hình châu thổ sông Cửu Long như thế nào?

Trả lời:

– Đồng bằng sông Hồng do phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp nên. Đồng bằng châu thổ có hệ thống đê sông chống lũ dài, chia đồng bằng thành các ô trũng, thấp hơn mực nước sông ngoài đê từ 3 – 7m, không được bồi đắp tự nhiên nữa. Giữa đồng bằng nhô lên một số đồi núi thấp; ra sát biển có các cồn cát duyên hải.

– Đồng bằng sông Cửu Long do phù sa sông Cửu Long bồi đắp nên. Đồng bằng cao trung bình 2 – 3m so với mực nước biển, trên mặt đồng bằng không có đề lớn để ngăn lũ, nhưng có hệ thống kênh rạch chằng chịt. Ở vùng thượng châu thổ có các vùng trũng rộng lớn bị ngập sâu vào mùa lũ (Đồng Tháp Mười, vùng tứ giác Long Xuyên – Châu Đốc – Hà Tiên – Rạch Giá). Phía tây nam đồng bằng có diện tích rộng rừng sú vẹt, rừng tràm rộng; về phía biển có các cồn cát duyên hải.

V. CÂU HỎI TỰ HỌC

1. Đặc điểm nào sau đây không đúng với vùng núi Đông Bắc?

A. Vùng đồi núi thấp

B. Các dãy núi chạy theo hướng tây bắc – đông nam

C. Có các cánh cung lớn

D. Địa hình cácxtơ phổ biến.

2. Vùng núi Tây Bắc không phải có 

A. những vùng đồi (trung du) phát triển rộng

B. những dải núi cao, những sơn nguyên đá vôi hiểm trở

C. các dải núi chạy theo hướng tây bắc – đông nam

D. những đồng bằng nhỏ nằm giữa vùng núi cao.

3. Vùng núi Trường Sơn Bắc là một vùng

A. núi thấp, có hai sườn không đối xứng 

B. vùng đồi núi và cao nguyên hùng vĩ

C. nổi bật với các cao nguyên rộng lớn

D. thềm phù sa cổ chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng.

4. Đồng bằng lớn nhất nước ta là

A. đồng bằng sông Cửu Long

B. đồng bằng sông Hồng

C. các đồng bằng duyên hải Bắc Trung Bộ

D. các đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ

5. Đồng bằng sông Hồng

A. có hệ thống kênh rạch chằng chịt

B. có hệ thống đê sông chống lũ vững chắc

C. về mùa lũ, nhiều vùng trũng rộng lớn bị ngập sâu

D. về mùa khô, nước mặn xâm nhập trên diện rộng.

Nguồn website giaibai5s.com

Phần hai. Địa lí Việt Nam-Bài 29. Đặc điểm các khu vực Địa hình
Đánh giá bài viết