I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Trình bày được vị trí địa lí, giới hạn, phạm vi lãnh thổ của nước ta. Nêu được ý nghĩa của vị trí địa lí nước ta về mặt tự nhiên, kinh tế – xã hội.

– Trình bày được đặc điểm lãnh thổ nước ta.

– Biết diện tích; trình bày được một số đặc điểm của Biển Đông và vùng biển nước ta.

– Biết nước ta có nguồn tài nguyên biển phong phú, đa dạng; một số thiên tai thường xảy ra trên vùng biển nước ta; sự cần thiết phải bảo vệ môi trường biển.

– Sử dụng bản đồ khu vực Đông Nam Á, bản đồ Tự nhiên Việt Nam để xác định vị trí, giới hạn, phạm vi lãnh thổ, nhận xét hình dạng, lãnh thổ và nêu một số đặc điểm của biển Việt Nam.

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Đặc điểm chung của vùng biển Việt Nam

a) Diện tích, giới hạn

– Biển Đông là một biển lớn, tương đối kín, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á

– Diện tích Biển Đông là 3.447.000km2. Vùng biển Việt Nam là một phần của Biển Đông, có diện tích khoảng 1 triệu km2.

b) Đặc điểm khí hậu và hải văn của biển

– Chế độ gió: Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, gió đông bắc chiếm . ưu thế. Các tháng còn lại gió tây nam chiếm ưu thế; riêng ở vịnh Bắc Bộ chủ yếu là hướng nam.

– Chế độ nhiệt: Mùa hạ mát hơn và mùa đông ấm hơn đất liền. Biên độ nhiệt năm nhỏ. Nhiệt độ trung bình năm của nước biển tầng mặt trên 23°C.

– Chế độ mưa: Lượng mưa ít hơn trên đất liền, đạt từ 1.100 – 1.300 mm/năm. 

– Dòng biển: Mùa đông, có dòng biển chạy ven bờ từ đông bắc xuống tây nam. Mùa hạ, có dòng biển chạy ven bờ từ tây nam lên đông bắc. Ngoài ra, có các vùng nước trôi và nước chìm, vận động lên xuống theo chiều thẳng đứng.

– Chế độ triều: Vùng biển ven bờ có chế độ triều khác nhau. Trong đó, chế độ nhật triều (mỗi ngày có một lần nước lên và nước xuống đều đặn) của vịnh Bắc Bộ được xem là điển hình của thế giới.

– Độ muối bình quân của Biển Đông là 30 – 33%.

2. Tài nguyên và bảo vệ môi trường biển Việt Nam

– Vùng biển nước ta rất giàu và đẹp, nguồn lợi rất phong phú, đa dạng (sinh vật, khoáng sản, tài nguyên du lịch…) và có giá trị về nhiều mặt (kinh tế, khoa học, quốc phòng…). Môi trường biển còn khá trong lành. 

– Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên biển đòi hỏi nhiều công sức và trí tuệ. Đồng thời, vùng biển nước ta nhiều thiên tai dữ dội như bão.

– Ngoài ra, hiện nay nguồn lợi hải sản của biển đang có chiều hướng giảm sút; một số vùng biển ven bờ đã bị ô nhiễm do chất thải dầu khí và chất thải sinh hoạt.

– Cần phải có kế hoạch khai thác và bảo vệ biển tốt hơn để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

III. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. Em hãy tìm trên hình 24.1 vị trí các eo biển: Ba-si, Min-đô-rô, Ban-la-bắc, Ca-li-man-tan, Ga-spa, Ma-lắc-ca và các vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan.

Phần biển Việt Nam nằm trong Biển Đông có diện tích là bao nhiêu km2, tiếp giáp vùng biển của những quốc gia nào?

Trả lời:

– Phần biển Việt Nam nằm trong Biển Đông có diện tích 1 triệu km2, tiếp giáp vùng biển của các quốc gia: Trung Quốc, Thái Lan, Cam-pu-chia, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Phi-líp-pin.

2. Quan sát hình 24.2, em hãy cho biết nhiệt độ nước biển tầng mặt thay đổi như thế nào?

Trả lời:

– Nhiệt độ nước biển tầng mặt vào tháng 7 cao hơn tháng 1; biên độ nhiệt giữa tháng 7 và tháng 1 nhỏ.

– Vào tháng 1, nhiệt độ nước biển tầng mặt giảm từ nam ra bắc.

– Vào tháng 7, nhiệt độ nước biển tầng mặt ở vùng biển phía nam và phía bắc giảm dần từ bờ ra ngoài, ở vùng biển duyên hải Nam Trung Bộ tăng dần từ bờ trở ra.

3. Dựa vào hình 24.3, em hãy cho biết hướng chảy của các dòng biển hình thành trên Biển Đông tương ứng với hai mùa gió chính khác nhau như thế nào?

Trả lời:

– Mùa hạ: dòng biển chảy theo hướng tây nam, tương ứng với hướng gió mùa Tây Nam.

– Mùa đông: dòng biển chạy theo hướng đông bắc, tương ứng với gió mùa Đông Bắc.

4. Em hãy cho biết một số tài nguyên của vùng biển nước ta. Chúng là cơ sở cho những ngành kinh tế nào?

Trả lời:

– Tài nguyên sinh vật (cá, tôm, cua, rong biển,…), cơ sở cho ngành đánh bắt hải sản.

– Tài nguyên khoáng sản (dầu khí, ti tan,…), cơ sở cho ngành khai khoáng.

– Bờ biển: các bãi biển đẹp, vụng, vịnh, cơ sở cho ngành du lịch, xây dựng hải cảng. 

5. Em hãy cho biết một số thiên tai thường gặp ở vùng biển nước ta

   Trả lời: Bão, cát bay, cát chảy, sạt lở bờ biển, xâm nhập mặn… trong đó thiên tai lớn nhất là bão. Hằng năm có nhiều cơn bão từ biển đổ bộ vào nước ta, gây nhiều thiệt hại về người và của.

6. Muốn khai thác lâu bền và bảo vệ tốt môi trường biển Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì? 

Trả lời: Cần phải có kế hoạch khai thác và bảo vệ vùng biển tốt hơn. Ví dụ: phát triển đánh bắt xa bờ, cấm đánh bắt có tính huỷ diệt, chống ô nhiễm môi trường biển,…

IV. GỢI Ý THỰC HIỆN CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CUỐI BÀI

1. Vùng biển Việt Nam mang tính chất nhiệt đới gió mùa, em hãy minh chứng điều đó thông qua các yếu tố khí hậu biển.

Trả lời:

– Chế độ nhiệt: nhiệt độ trung bình năm của nước biển tầng mặt là trên 23°C, biên độ nhiệt trong năm nhỏ.

– Chế độ gió: trên Biển Đông, gió hướng đông bắc chiếm ưu thế từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, các tháng còn lại ưu thế là gió tây nam.

– Chế độ mưa: lượng mưa trên biển từ 1.100 – 1.300 mm/năm.

2. Biển đã đem lại những thuận lợi và khó khăn gì đối với kinh tế và đời sống của nhân dân ta?

Trả lời:

Thuận lợi: Biển giàu tài nguyên sinh vật, khoáng sản, có nhiều bãi biển đẹp, có nhiều vụng, vịnh,… thuận lợi cho phát triển nghề cá, khai thác khoáng sản, sản xuất muối, hoạt động du lịch, giao thông vận tải biển…

– Khó khăn: bão, nước biển dâng,… gây thiệt hại nhiều cho phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân.

3. Sưu tầm tranh ảnh về hải sản và cảnh đẹp của biển Việt Nam.

Hướng dẫn: sưu tầm từ sách, báo, tạp chí, đặc biệt là từ internet.

V. CÂU HỎI TỰ HỌC

1. Điểm nào sau đây không đúng với Biển Đông? 

A. Biển lớn thứ hai trên thế giới.

B. Biển kín.

C. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á. 

D. Trải rộng từ Xích đạo tới vòng cực Bắc.

2. Gió chiếm ưu thế trên Biển Đông, kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là:

A. gió hướng đông bắc 

B. gió tây nam

C. gió nam

D. gió hướng đông nam.

3. Nhiệt độ trung bình năm của nước biển tầng mặt là

A. 21°C       B. 22°C           C. 23°C         D. 24°C.

4. Lượng mưa trên Biển Đông từ

A. 1.000 – 1.200 mm/năm

B. 1.100 – 1.300 mm/năm

C. 1.200 – 1.400 mm/năm

D. 1.300 – 1.500 mm/năm.

5. Thiên tai thường gặp nhất ở Biển Đông là

A. Sóng thần     B. Động đất      C. Sạt lở bờ biển.      D. Bão.

Nguồn website giaibai5s.com

Phần hai. Địa lí Việt Nam-Bài 24. Vùng biển Việt Nam
Đánh giá bài viết