I. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI LÝ THUYẾT 

1. Quan sát hình 9.1 và hình 9.2 (SGK trang 30), nêu nguyên nhân dẫn đến xói mòn đất ở môi trường xích đạo ẩm.

Trả lời

Nguyên nhân dẫn đến xói mòn đất ở môi trường xích đạo ẩm là do rừng cây ở đồi núi bị chặt phá trong điều kiện mưa nhiều quanh năm.

2. Tìm ví dụ để thấy ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới và khí hậu nhiệt đới gió mùa đến sản xuất nông nghiệp.

Trả lời

– Nền nhiệt ẩm dồi dào tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi phát triển quanh năm, có khả năng tăng vụ, xen canh, thâm canh. Khí hậu có sự phân hoá theo mùa làm cho sản phẩm nông nghiệp đa dạng.

– Việc bố trí thời vụ và lựa chọn các loại cây trồng bị chi phối bởi lượng mưa và chế độ nhiệt trong năm. Lượng mưa tập trung vào một mùa làm tăng lượng xói mòn đất và gây lũ lụt. Mùa khô kéo dài, lượng bốc hơi lớn lại dễ gây hạn hán, thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Nhiệt ẩm dồi dào cũng tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển phá hoại cây trồng, vật nuôi.

3. Tại sao các vùng trồng lúa nước lại thường trùng với những vùng đông dân bậc nhất trên thế giới?

Trả lời

Trồng lúa nước đòi hỏi nhiều lao động nên các vùng trồng lúa nước thường trùng với những vùng đông dân.

II. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Môi trường xích đạo ẩm có những thuận lợi và khó khăn gì đối với sản xuất nông nghiệp?

Trả lời

– Thuận lợi: mưa nhiều, nắng quanh năm nên có thể nuôi trồng nhiều loại cây, con quanh năm và trồng xen nhiều loại cây.

– Khó khăn: nóng ẩm quanh năm là điều kiện tốt cho nấm mốc, côn trùng phát triển, gây hại cho cây trồng và gia súc.

2. Để khắc phục những khó khăn do khí hậu nhiệt đới gió mùa gây ra, trong sản xuất nông nghiệp cần thực hiện những biện pháp chủ yếu nào?

Trả lời

– Phát triển thuỷ lợi và trồng cây che phủ đất.

– Đảm bảo tính chặt chẽ của thời vụ và có những biện pháp phòng chống thiên tai (bão, lụt, hạn hán…) và phòng trừ dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi.

3. Hãy dựa vào các hình vẽ (SGK trang 32) để nêu quá trình thoái hoá đất do đốt rừng làm nương rẫy ở môi trường đới nóng.

Trả lời

– Rừng rậm nếu bị chặt hạ làm nương rẫy, nước mưa sẽ cuốn trôi lớp đất màu.

– Nếu không có cây cối che phủ, đất sẽ tiếp tục bị xói mòn và cây cối không mọc lên được.

4. Nêu các nông sản chính của đới nóng. Xác định trên bản đồ thế giới, các nước và các khu vực ở đới nóng sản xuất nhiều các loại nông sản đó.

Trả lời

– Lúa nước: ở các đồng bằng của vùng nhiệt đới gió mùa, nhất là ở châu Á.

– Ngô: Mê-hi-cô, Bra-xin, Ấn Độ, Ni-gô-ri-a…

– Cao lương: các vùng nhiệt đới khô hạn của châu Phi.

– Cà phê: Nam Mĩ, Tây Phi, Đông Nam Á.

– Cao su: Đông Nam Á. – Dừa: các nước ven biển, nhất là ở Đông Nam Á.

– Bông: Nam Á.

– Mía: Nam Mĩ.

– Lạc: vùng nhiệt đới ẩm Nam Mĩ, Tây Phi, Nam Á.

– Bò: Ấn Độ, Bra-xin, Mê-hi-cô, Cô-lôm-bi-a…

– Trâu: Ấn Độ, Xu-đăng, Ê-ti-ô-pi…

– Dê: Trung Phi, Nam Á, Bra-xin…

– Lợn: tập trung chủ yếu ở các vùng trồng nhiều ngũ cốc (lúa, ngô…) và đông dân cư.

III. BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM

Khoanh tròn câu trả lời đúng nhất:

1. Đặc điểm nào sau đây không đúng với sản xuất nông nghiệp ở môi trường xích đạo ẩm?

A. Cây trồng phát triển quanh năm.

B. Tầng mùn thường dày.

C. Có thể trồng gối vụ, xen canh nhiều loại cây.

D. Côn trùng, sâu bọ, mầm bệnh phát triển, gây hại cây trồng, vật nuôi.

2. Biện pháp nào sau đây không có tác dụng hạn chế tính chất bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp ở môi trường nhiệt đới và nhiệt đới gió mùa?

A. Làm thuỷ lợi và trồng cây che phủ đất.

B. Phòng chống thiên tai (bão, lụt, hạn hán).

C. Tăng thêm nhiều vụ trong năm.

D. Phòng trừ dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi.

3. Các cây lương thực chủ yếu ở vùng nhiệt đới gió mùa là

A. lúa nước, ngô, kê, cao lương.

B. lúa nước, khoai lang, ngô, sắn.

C. lúa nước, sắn, cao lương, ngô.

D. lúa nước, ngô, kê, khoai lang.

4. Các cây công nghiệp nhiệt đới chủ yếu là

A. cà phê, cao su, khoai tây, dừa, hồ tiêu, điều.

B. cà phê, cao su, ôliu, lạc, đậu tương, mía.

C. cà phê, cao su, dừa, bông, mía, lạc.

D. cà phê, cao su, điều, củ cải đường, dừa, thuốc lá.

5. Dừa được trồng nhiều ở các nước ven biển vùng nhiệt đới, nhất là ở khu vực

A. Nam Á.                             B. Đông Á.

C. Đông Nam Á.                   D. Nam Mĩ.

6. Mía được trồng tập trung ở khu vực

A. Nam Mĩ.                             B. Tây Nam Á.

C. Tây Âu.                              D. Bắc Phi.

7. Cừu, dê được nuôi chủ yếu ở các vùng

A. khô hạn.                             B. khí hậu ẩm ướt.

C. đầm lầy.                             D. đài nguyên.

8. Chăn nuôi lợn và gia cầm tập trung chủ yếu ở các vùng

A. có đồng cỏ tươi tốt.                       B. gần nguồn nước.

C. có nhiều rừng.                               D. trồng nhiều ngũ cốc.

9. Cây công nghiệp chủ yếu ở vùng nhiệt đới không phải là

A. bông.                          B. cao su.

C. cà phê.                       D. củ cải đường.

10. Lạc được trồng tập trung tại các vùng nhiệt đới ẩm

A. Bắc Phi, Đông Á, Tây Nam Á.

B. Trung Á, Nam Phi, Bắc Mĩ.

C. Nam Mĩ, Tây Phi, Nam Á.

D. Tây Âu, Nam Mĩ, Đông Nam Á.

Đáp án

1B 2C 3B 4C 5C 6A 7A 8D 9D 10C

Nguồn website giaibai5s.com

Phần hai. Các môi trường địa lí-Chương I. Môi trường đới nóng. Hoạt động kinh tế của con người ở đới nóng-Bài 9. Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đới nóng
Đánh giá bài viết