Cứ mỗi lần đi ngang qua khu vườn xinh xắn của thím Tư, em lại cố bước thật chậm để có thể thưởng thức thật nhiều hương thơm ngọt ngào của hoa ngọc lan. Và cũng chẳng biết tự bao giờ, mỗi khi thoảng hương hoa ấy là em lại nhớ như in người hàng xóm vô cùng yêu mến của em – thím Tư.

Ngôi nhà nhỏ nằm khiêm tốn và kín đáo trong con hẻm cuối phố là nơi ở của thím Tư suốt mấy chục năm nay. Khi nhiều người thắc mắc sao thím không xây cất, sửa sang gì thêm thì thím chỉ cười và bảo: “Con người sống với nhau thì nhiều chứ ở mấy mà lo”. Con người thím là vậy đó, giản dị biết bao.

Thím Tư dáng người thâm thấp, nước da ngăm ngăm. Hình như, cái nắng, cái gió của dải đất miền Trung đã lặn vào rất sâu trong da dẻ thím từ thời con gái rồi thì phải. Để bây giờ, dù đã ở tuổi xấp xỉ 50 nhưng trông thím vẫn còn săn chắc lắm. Gương mặt đầy đặn, phúc hậu bao giờ cũng ánh lên nét đằm thắm từ đôi mắt sâu thẳm, luôn lấp lánh sáng. Người ta thường nói: đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Đôi mắt thím Tư có ngôn ngữ riêng của nó. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt ấy, những đứa trẻ chưa biết gì nhiều về thế giới của người lớn như chúng tôi cũng đủ biết thím buồn, vui ra sao. Thím Tư rất ít nói nhưng không vì vậy mà trở thành xa lạ với hàng xóm láng giềng. Trái lại, ai ai cũng muốn gần, muốn truyện trò cùng thím. Bởi, thật giản dị, thím có thể làm bạn với bất kì ai, không phân định tuổi tác, nghề nghiệp… Nhưng hình như, đông nhất trong những người bạn thường lui tới ngôi nhà nhỏ ấy vẫn là lũ trẻ chúng tôi. Tất nhiên là chuyện này có lý do riêng của nó.

Những năm tháng tuổi trẻ của thím Tư đã gửi lại cùng những cánh rừng của Trường Sơn oai hùng. Thím là thanh niên xung phong. Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, thím Tự trở về trong niềm vui lớn nhưng cũng là lúc thím hiểu rằng: thím không còn ai thân thích trên cuộc đời này. Cô y tá của Trường Sơn ngày nào bây giờ lại tiếp tục xoa dịu những nỗi đau của mọi người trong trạm xá của phường. Và ngày ngày, sau những giờ khoác áo blu, thím lại trở về với ngôi nhà nhỏ cùng mảnh vườn xinh xinh của mình. Tôi vẫn nhớ như in lần bị xe đụng ngang đường. Tôi đã khóc thét lên khi vào trạm xá. Chỉ đến lúc đôi bàn tay mát dịu của thím xoa rửa và băng bó vết thương, tôi mới hết kinh hoàng vì đau và vì sợ. Vừa thành thạo, nhanh nhẹn với bao nhiều thao tác, thím vừa không quên động viên tôi: “Can đảm lên cháu! Đừng sợ!”. Có lẽ, sẽ chẳng bao giờ tôi có thể quên cảm giác êm ái từ đôi bàn tay và chất giọng trầm ấm của thím Tư. Có một cái gì thật dịu ngọt lan tỏa trong tôi – ngọt dịu dàng như hương ngọc lan thoang thoảng vậy.

Sống một mình nhưng chẳng bao giờ thím Tư cô đơn. Bởi, ngôi nhà nhỏ ấy luôn tràn ngập tiếng cười trong trẻo của lũ trẻ chúng tôi. Chúng tội phụ giúp thím trồng cây, quét dọn nhà cửa. Mảnh vườn nhỏ được bàn tay chăm sóc của thím bốn mùa xanh um cây trái. Mùa nào thức ấy, hàng xóm, láng giềng luôn được thưởng thức những sản phẩm cây nhà, lá vườn của thím Tư. Nhất là những đêm trăng sáng, chúng tôi lại quay quần bên thím. Thím lại kể cho chúng tôi nghe bao nhiêu là chuyện. Nhưng cuốn hút lũ trẻ chúng tôi nhất vẫn là chuyện đánh giặc của thím cùng đồng đội. Có lúc, giọng thím nghẹn lại như thổn thức.

Tôi hiểu, thím đang nghĩ về những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi những cánh rừng bạt ngàn. Những lúc ấy, tôi lại thấy đôi mắt thím Tư buồn thăm thẳm. Còn khi nhắc tới kỉ niệm vui, thím rạng rỡ hẳn lên. Cánh mũi chun chun trông trẻ trung đến lạ. Kết thúc mỗi câu chuyện kể, cả thím và chúng tôi lại ôm nhau cười nắc nẻ. Tôi kịp nhận ra hai vết cắt trên đôi má cô gái Trường Sơn năm xưa. Và bất chợt, tôi lại mường tượng ra một cô thanh niên xung phong với nước da ngăn ngăm, mái tóc đen dài và đôi má lúm đồng tiền xinh đáo để. Trong cuộc sống, có những tình cảm nảy nở thật tự nhiên, chân thành mà sắc sâu đến lạ. Tình cảm của tôi với thím Tư – người hàng xóm vô cùng quý mến cũng giản dị mà sâu sắc như vậy đó. Trong sâu thẳm trái tim mình, tôi rất mong thím Tư nhận tôi là con nuôi. Chắc chắn, một ngày không xa, tôi sẽ nói thím Tư điều mong mỏi ấy!

Giaibai5s.com

Phần 4 Đề 4: Tả một người hàng xóm tốt bụng.
Đánh giá bài viết