DÀN BÀI

Một lễ hội miền núi.

A. Mở bài

– Tết năm nay gia đình em về quê ăn Tết. Quê nội, quê ngoại của em đều ở Yên Bái.

– Ngày 29 Tết em cùng bố mẹ đi hội Lồng tồng của dân tộc Thái, Tày, Nùng.

B. Thân bài

– Giải thích về lễ hội Lồng tồng.

– Cảnh mọi người đi dự lễ: trang phục, mâm đặt lễ.

– Hành lễ: chủ lễ, lời cầu, mọi người dâng lễ,..

– Các trò chơi dân gian: ném còn, chơi đu, múa sạp, hát đối,…

– Nề nếp văn minh của ngày hội.

C. Kết bài

– Ý nghĩa: hội Lồng tồng nói lên một phong tục tín ngưỡng đẹp.

– Biết thêm một lễ hội của quê hương, em thêm yêu quê hương mình.

BÀI LÀM

Tết năm nay gia đình em không ăn Tết ở Hà Nội mà là ở quê. Bố em muốn em lên học Trung học (THCS) rồi phải biết những phong tục của quê hương. Quê nội và quê ngoại em đều ở Yên Bái nên em cảm nhận được rõ ràng sự ấm cúng, sự sum họp, niềm vui sướng, hồi hộp trên đường về quê.

Sau ba ngày chuẩn bị tốt nhất, dọn dẹp, trang trí nhà cửa, bày biện bàn thờ tổ tiên, mổ lợn, làm bánh,… hôm nay, ngày 29 Tết, cả nhà em đi dự lễ hội Lồng tồng. Rất đông người đi hội, ai cũng mặc quần áo dân tộc, tạo nên bức tranh đa màu sặc sỡ.

Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Thái, Tày, Nùng là lễ cúng trời đất, cầu cho đất đai thêm màu mỡ, mùa màng bội thu. Nơi hành lễ là một bãi rất rộng, phía trước là ngôi nhà sàn to, rất đẹp. Bình thường nhà sàn của người dân tộc nhỏ hơn nhiều, phía trước không có sàn lộ thiên (gọi là sướng), sướng ở đầu hồi hoặc đằng sau nhà và nhà chỉ có một cầu thang lên sướng. Ngôi nhà sàn để hành lễ, có sướng rộng phía trước, gọi là đàn tế, có hai cầu thang hai bên. Bắt đầu hành lễ, đi đầu đoàn người là cụ già làng làm chủ lễ. Cụ cầm bó hương vừa hát lời cầu trời đất vừa đi lên đàn tế. Mỗi nhà một người đội mâm, trên đó bày đĩa xôi gấc đỏ, thịt lợn, thịt gà và bánh trái theo sau, lên đàn tế đặt lễ rồi lui xuống sân. Cụ chủ lễ còn hát dài lắm bằng tiếng Thái. Bố em nói đại ý là kính cáo trời đất kết quả làm ăn năm qua của dân làng là nhờ được trời đất phù hộ. Nay Tết đầu năm, mọi nhà đều lòng thành dâng lễ mong được trời đất che chở, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, sinh sống yên ổn,. Cứ hết một đoạn lại có một câu cả hội hô theo. Trong hương khói ngào ngạt, cụ già làng trịnh trọng, mọi người trang nghiêm, em cảm nhận được không khí hành lễ rất thiêng liêng, chắc lời cầu sẽ động đến trời cao đất xa.

Hành lễ xong, mọi người tham gia các trò chơi. Trò chơi đầu tiên là ném còn. Từng đổi thanh niên nam nữ ném cho nhau. Mỗi người chơi đứng vào một sân đối diện với bạn chơi. Giữa hai sản dựng cột tre rất cao, trên đỉnh có cái vòng tròn, đường kính khoảng ba, bốn mươi phân. Người chơi phải ném được quả còn đi qua vòng tròn đó. Đối phương phải bắt được quả còn, đến khi có một người ném hụt (còn không đi qua vòng tròn) thì đổi bên ném. Cách tính điểm giống như chơi cầu lông. Những quả còn buộc dây xanh đỏ cứ bay qua bay lại vun vút, có quả bay nhanh đến nỗi em như cảm thấy nó trốn vào mây xanh. Ở một góc khác là trò chơi đu. Những chiếc đu tre cao chót vót, từng đôi trai gái đứng trên rướn đu bay bổng như chơi trò cảm giác mạnh. Tà áo màu của những chàng trai cô gái bay phấp phới như những cánh tiên. Cùng lúc đó ở một đám khác lại diễn ra điệu múa sạp của người Thái. Những cô gái mặc áo trắng khuy cúc bạc, váy đen, đầu đội khăn piêu thêu rất độc đáo. Các cô cùng những chàng trai mặc quần đen gấu viền đỏ, áo gi-lê thổ cẩm, ra rồi lại vào giữa những cây sạp tre giập vào mở ra. Người nhảy phải khéo léo để không bị sập giập phải chân, lại còn uyển chuyển múa bao động tác giữa những cây sạp liên tục, dồn dập. Còn nhiều trò chơi khác như tung yến, kéo co, ném vòng cổ chai,… Các cuộc chơi cực kì sôi nổi, ai cũng vui cười, chơi đẹp thì cười vui, chơi sai thì cười sặc sụa, còn bạn rủ đi chơi thì cười mỉm. Trò chơi còn giúp các cô gái, chàng trai có thêm bạn. Không ít người trong họ tìm thấy hạnh phúc lứa đôi trong những ngày hội xuân này.

Hội xuân quê hương miền núi của em vui sao! Ai cũng cảm thấy phấn khởi và hồi hộp và đều cầu mong sao nhà mình sang năm mới gặt hái được nhiều lương thực, nhà nhà no đủ, làng bản ấm no, hạnh phúc. Còn em, em đã biết thêm được một lễ hội đặc sắc của các dân tộc quê mình.

Giaibai5s.com

Phần 3 Đề 7: Tả một cảnh trong ngày Tết Nguyên đán mà em thích.
4.7 (94.12%) 17 votes