1. Mở bài

Giới thiệu về lần em mắc lỗi và lí do em chọn để kể lại.

2. Thân bài:

Những lần mắc lỗi ở mỗi người chắc rất khác nhau. Điều quan trọng là biết lựa chọn sự việc, hành động có ý nghĩa để kể lại. Có thể kể theo hai cách:

– Kể một chuỗi sự việc liên quan đến việc mắc lỗi:

+ Lỗi gì? Xảy ra ở đâu? Khi nào?…

+ Diễn biến của lỗi lầm ấy.

+ Nhận ra lỗi lầm, quyết tâm sửa chữa.

Tất cả các việc kể lại phải tập trung làm sáng tỏ một chủ đề nào đó và khắc họa được đặc điểm, tính cách của nhân vật. Ví dụ như ở bài 1 dưới đây: Vì giờ trước “em” vừa bị kiểm tra (nhân vật xưng “em” – người kể trong chuyện) nên “em” không chuẩn bị bài. Đến lớp thầy cô kiểm tra “em” bị điểm kém; “em” lo sợ giấu mẹ; đang ăn cơm mẹ nghe điện thoại biết và hỏi, nhưng vẫn giấu; mẹ bỏ đũa bát vào phòng làm việc ngồi; “em” ân hận…

– Kể về một câu chuyện đặc biệt liên quan đến việc mắc lỗi của em:

+ Mở đầu câu chuyện.

+ Diễn biến câu chuyện.

+ Kết thúc câu chuyện.

Ví dụ như ở bài 2 dưới đây: “Tôi” (nhân vật người kể chuyện) vì nghịch ngợm mà mắc lỗi. Giờ kiểm tra làm bài xong, nghĩ ra trò viết lời giải dán vào lưng thầy giáo để cho các bạn chép; các bạn được dịp thể hiện hết những mánh khóe láu lỉnh của tuổi học trò để chép bài; nhưng không kịp phi tang; thầy giáo biết và khiển trách, tôi ân hận, xin lỗi thầy giáo.

3. Kết bài

Nêu cảm nghĩ (lỗi lầm không thể tha thứ, hứa sẽ không mắc lỗi nữa).

Bài làm

Bài 1

Dù câu chuyện đã xảy ra khá lâu rồi nhưng em vẫn còn ân hận mãi. Đó là lần đầu tiên em mắc lỗi. Hình ảnh buồn bã của mẹ khi đó vẫn còn in đậm trong em.

Hôm đó, bầu trời trong xanh mát mẻ. Trên đường đến trường, em – vui vẻ nghĩ: “Hôm qua, cô đã kiểm tra bài mình rồi nên chắc chắn hôm nay cô sẽ không kiểm tra nữa, mình chẳng phải học bài”. Vừa nghĩ, em vừa chạy nhanh đến trường cho kịp giờ. Vậy mà không ngờ hôm đó em lại bị gọi lên bảng kiểm tra bài cũ. Mang điểm không về nhà, em không biết nói với mẹ thế nào. Với lại đây là lần đầu tiên em bị điểm kém. Quá lo sợ, em quyết định giấu mẹ điểm kém này. Khi về nhà, em làm như không có chuyện gì xảy ra. Trong bữa cơm, hai mẹ con đang nói chuyện vui vẻ, bỗng chuông điện thoại vang lên. Hình như có chuyện quan trọng hay sao mà em cảm thấy khuôn mặt mẹ trở nên buồn bã. Nói chuyện điện thoại xong, mẹ trở lại bàn. Mẹ khẽ hỏi em:

– Hà này, hôm nay ở lớp con có mắc lỗi gì không?

Em giật mình, chẳng lẽ mẹ đã biết chuyện. Giọng run run nhưng em vẫn lắc đầu:

– Không có đâu! Con không làm việc gì có lỗi với mẹ cả.

Mẹ vẫn nhìn em, ánh mắt mẹ như xuyên vào lòng em. Mẹ không nói câu gì. Chắc mẹ đã biết em bị điểm kém rồi. Mẹ lặng lẽ bỏ đũa xuống và nói:

– Mẹ mong con sẽ thật thà.

Rồi mẹ đi vào phòng làm việc. Qua cánh cửa hé mở, em nhìn thấy mẹ ngồi gục đầu xuống bàn, mái tóc ngắn lòa xòa che hết khuôn mặt mẹ, nhưng em biết mẹ đang khóc. Hai bàn tay khô ráp của mẹ thường vuốt nhẹ má em còn bây giờ đang nắm chặt lấy nhau, run run. Lúc đó, em đã cảm thấy thật hối hận. Khẽ đẩy cửa bước vào, em đến bên và khẽ gọi: “Mẹ!”. Mẹ vội lau nước mắt, ngước lên nhìn em. Đôi mắt mẹ đỏ hoe, cuối chân mày đã có nhiều nếp nhăn xuất hiện. Em bỗng thấy thương mẹ quá. Em ngập ngừng nói, nước mắt chảy dài:

– Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ. Thật ra con đã nói dối mẹ. Hôm nay con không học bài nên bị điểm kém. Con ân hận lắm, mẹ ơi. Mẹ dịu dàng nói:

– Con gái mẹ ngoan quá! Con đã biết nhận lỗi thế là rất tốt. Mẹ sẽ tha thứ cho con.

Rồi mẹ ôm em vào lòng. Em khẽ nói:

Con cám ơn mẹ.

Thời gian trôi nhanh quá, mới đó mà đã mấy năm rồi. Mỗi lần nghĩ lại, em cảm thấy yêu mến mẹ vô cùng. Em hứa sẽ học hành chăm chỉ để mẹ không bao giờ phải phiền lòng, để những nếp nhăn ở khóe mắt mẹ không nhiều thêm nữa. Bởi vì em rất yêu mẹ, yêu nụ cười hiền từ của mẹ.

Bài 2:

Đã hai năm trôi qua, nhưng tôi nhớ mãi lần mắc lỗi khi tôi học lớp Năm của thầy Nam. Đó là lần mắc lỗi lớn nhất của tôi từ khi cắp sách đến trường.

Hôm đó, thầy vào lớp và nói với chúng tôi:

– Các con lấy giấy ra kiểm tra Toán.

Rồi thầy viết đề lên bảng. Bài kiểm tra không khó khăn lắm đối với tôi vì tôi học cũng khá môn này. Trong chốc lát, tôi đã hoàn thành bài kiểm tra trong khi các bạn trong lớp vẫn đang cắm cúi làm. Thầy luôn đi lại trong lớp từ lúc viết đề xong nên không đứa nào dám cóp bài. Tôi liền nghĩ ra là viết bài giải của mình vào một tờ giấy rồi dán lên sau lưng thầy để cho các bạn trong lớp chép. Khi thầy đi qua, tôi nhanh chóng và nhẹ nhàng dán tờ giấy đó lên lưng thầy. Các bạn trong lớp vẫn làm bài và thầy giáo không biết gì. Bỗng cả lớp xôn xao nhỏ rồi chép lấy chép để bài giải. Nhưng khổ nỗi, thầy Nam cứ đi đi lại lại nên khó mà có thể chép nổi. Dù vậy, có những đứa nghĩ ra cách hỏi thầy vài câu hỏi cho thầy đứng lâu lâu một chút để những đứa khác chép rồi mình sẽ cóp lại từ chúng. Còn có đứa ngồi bàn đầu, nó giả vờ lục lọi ngăn bàn lấy sách ra chép để thầy tới gần nó. Lúc đó, thừa thời gian cho nó chép bài. Nhìn bọn bạn trong lớp làm đủ trò để chép bài giải đó, tôi thấy buồn cười quá… Cuối cùng, giờ làm bài cũng đã hết. Bài làm của từng đứa được thầy thu nhanh chóng. Giờ ra chơi bọn bạn lớp tôi luôn nhắc tới việc tờ giấy ghi | bài giải đó khiến tôi bất chợt nhớ ra rằng: tôi chưa lấy lại nó. Trố lớp, thầy Nam vào lớp với vẻ mặt buồn rầu nhưng tôi còn thấy sự tức giận trên khuôn mặt thầy. Thầy hỏi cả lớp:

– Ai làm chuyện này? Thầy giơ tờ giấy đó lên cho cả lớp coi – Trong các bài của cả lớp, thầy thấy lời giải đa số là giống tờ giấy này. Vậy ai đã làm việc này? | Can đảm lắm tôi mới dám đứng dậy tự nhận lỗi của mình. Tới đây, tôi mới thực sự nhận ra việc làm của mình là sai trái. Chính vì tôi làm như vậy đã khiến cả lớp dựa dẫm, không có sự tự tin khi làm bài kiểm tra. Điều đó cũng như tôi đã hại các bạn mình. Đáng ra, tôi sẽ phải chịu hình phạt đích đáng nhưng thầy Nam đã tha lỗi cho tôi và nói:

– Con làm như vậy là không đúng. Tất cả các bạn trong lớp ta không ai được làm như thế nhé! Thầy sẽ cho các con làm bài kiểm tra khác.

Đó là lỗi lầm không thể tha thứ. Và tôi vẫn chưa thể tha thứ cho mình về việc làm thiếu suy nghĩ đó. Việc duy nhất có thể tha thứ cho tôi là phải học thật tốt, cố gắng trở thành người học trò tốt.

Bài 3:

Đó là một ngày đầy ý nghĩa đối với tôi. Một ngày tôi không thể quên. Câu chuyện như sau:

Hôm đó, ba mẹ tôi được nghỉ nên đưa chị em tôi về quê thăm ông bà. Tôi rất háo hức. Không biết dạo này ông bà thế nào? Gặp tôi chắc ông bà mừng phải biết. Bên đường, những hàng tre xanh ngắt. Xa xa, những bác nông dân đang làm đồng. Đi thêm một đoạn nữa, lấp ló sau bụi cây bàng già là ngôi nhà cổ xưa của ông bà tôi. Gặp nhau, mọi người mừng rỡ, tíu tít chào hỏi. Tôi nhanh chóng cất đồ rồi chạy ra sân chơi với bọn trẻ con. Chơi được một lúc thì chán, chúng tôi cùng thi nhau nghĩ ra những trò chơi mới. Chợt có đứa nói: “Chị Thùy Anh bày trò chơi trên thành phố cho bọn em chơi đi”. Tôi nghĩ một lúc rồi nói với lũ trẻ: “Chúng ta chơi trò trêu gà đi”. Bọn trẻ có vẻ không hài lòng. Tôi bực mình: “Đứa nào không chơi thì cút”. Nghe thế, chúng sợ sệt vội

hò nhau chia thành hai phe chơi trò đuổi bắt gà. Thấy chúng tôi chơi | trò này, bà cũng không hài lòng, bảo: “Thôi, các cháu chơi trò khác đi, gà nhà ta dạo này yếu lắm”. Nghe thấy thế, tôi bực mình cả với bà và bảo chúng cứ chơi tiếp. Một lúc sau, tôi thấy một chú gà nằm lăn ra đất. Tôi tưởng nó ngủ, hóa ra không phải, vì mệt quá, nó đã chết. Tôi sợ hãi cùng bạn trẻ đi tìm một cái hộp chôn chú gà xuống đất. Sau đó, ai về nhà nấy, coi như không có chuyện gì. Buổi tối, khi ăn cơm, ông tôi nói với cả nhà: “Nhà mình bị mất một con gà. Không hiểu nó chết ở đâu hay ai bắt mất?”. Tôi im lặng coi như không biết. Ăn cơm xong, tôi cùng chị chuẩn bị đồ đạc để mai về thành phố sớm. Đêm đó, tô không yên. Sáng sớm, bà vào đánh thức chị em tôi dậy. Ông bà và trẻ con tiễn chị em tôi ra tận đầu làng. Tôi thấy hối hận quá. Tôi quay lại ôm chầm lấy bà: “Cháu xin lỗi, lần sau cháu sẽ nghe lời bà”. Ông bà xoa đầu tôi, mỉm cười: “Cháu biết nhận lỗi thế là tốt. Thôi về đi kẻo muộn”. Tôi như trút được một gánh nặng, chào ông bà và chạy ra xe.

Sau chuyện đó, tôi hiểu rằng cần phải lắng nghe những gì người lớn khuyên bảo, cần phải biết dũng cảm nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm.

Bài 4:

Ai cũng có lần mắc lỗi, nhưng có những lỗi lầm ta thật khó quên. Tôi đã có lần như vậy. Tôi mắc lỗi với mẹ, đã lâu lắm rồi mà tôi vẫn không quên.

Chuyện xảy ra vào một mùa hè cách đây khoảng hai năm. Khi đó mẹ tôi là bác sĩ quân y, suốt ngày bận rộn việc cơ quan và gia đình. Hôm đó, nhìn thấy mẹ đi làm về, tôi chạy ra chào mẹ rồi chạy vội vào góc học tập để đọc nốt quyển truyện tranh Co-nan. Một lát sau, tôi nghe tiếng mẹ gọi dưới nhà:

– Trang ơi, xuống quét nhà hộ mẹ đi con. – Con đang bận mẹ ơi. – Tôi nói, mắt vẫn không rời quyển truyện. Mẹ đột ngột bước vào phòng tôi, khuôn mặt đầy vẻ mệt mỏi: – Sao con không quét nhà hộ mẹ mà vẫn ngồi đây đọc truyện?

Tôi phụng phịu cất quyển truyện vào ngăn bàn, lê bước xuống nhà, cầm lấy cây chổi vung tứ tung cho xong. Đồ bị rơi xuống đất tôi cũng chẳng thèm nhặt lên. Mặt tôi cau có, giận dữ. Căn phòng khách gọn ghẽ, đẹp đẽ của mẹ dưới bàn tay tôi đã bừa bộn như một bãi chiến trường. Mẹ nhẹ nhàng bảo:

– Con nhẹ tay thôi không hỏng hết đồ đạc bây giờ.

Sự bực bội trong tôi chợt bùng lên. Tôi ném cái chổi xuống đất, hét vào mặt mẹ:

– Thế con phải làm thế nào. Nếu mẹ không vừa ý thì mẹ tự đi mà dọn lấy!

Mẹ sững sờ nhìn tôi, vì đây là lần đầu tiên tôi cãi mẹ, sau mẹ buồn rầu nói:

– Nếu con không muốn làm thì thôi, từ giờ mẹ sẽ không nhờ con nữa.

Mặc dù biết là mình có lỗi nhưng tôi vẫn chạy lên phòng, khóa cửa lại, ngồi vào bàn. Tôi lấy sách vở ra nhưng không làm nổi một bài nào. Hình ảnh mẹ với đôi mắt ngấn nước luôn hiện ra. Tôi đã hỗn láo với mẹ. Trong bữa cơm tối, bố hỏi vì sao tôi đã hỗn láo với mẹ, tôi không trả lời được. Sự hối hận làm tôi bật khóc. Lỗi của tôi đối với mẹ là không thể chấp nhận được. Tôi muốn xin lỗi mẹ nhưng không dám.  Đêm hôm ấy, mẹ tôi phải đi cấp cứu. Bác sĩ nói mẹ bị cảm nắng và kiệt sức. Nhìn mẹ xanh xao nằm trên giường bệnh, tôi hối hận vô cùng. Giá như lúc đó tôi quan tâm đến mẹ hơn? Giá như thay vì giận dỗi, tôi cố giúp mẹ việc nhà thì mẹ đâu đến nỗi? Tôi nắm lấy bàn tay xương xương, gầy gầy của mẹ, nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Mẹ ơi, con có lỗi với mẹ, mẹ hãy tha thứ cho con nhé!”.

Đã hai năm trôi qua nhưng tôi không quên được ngày hôm ấy. Giờ tôi đã là nữ sinh lớp Sáu, đã trưởng thành hơn và biết giúp mẹ nhiều việc nhà. Tôi tự nhủ với lòng mình, sẽ không bao giờ được phép lặp lại lỗi lầm như thế nữa. Bởi vì, bạn biết không, nếu chúng ta đối xử không tốt với những người thân yêu ruột thịt của mình, chúng ta sẽ cảm thấy cắn rứt và tội lỗi.

Giaibai5s.com

Phần 2 Đề 8: Kể về một lần em mắc lỗi
2.2 (43.16%) 19 votes