Tuổi thơ của tôi, một cậu học sinh hiếu động và rất ham chơi, có biết bao kỉ niệm vui buồn. Nhưng tôi không thể nào quên được kỉ niệm gắn bó với một bài học sâu sắc của mình. Đó là một lần, tôi đã đem bán chiếc quạt con cóc để lấy tiền mua cá chọi.

Lúc đó đang là kì nghỉ hè nên tôi không phải học bài. Tôi rong chơi suốt ngày để bù cho cả một năm học vất vả, hết theo các anh lớn đi bắn chim, lại theo các bạn nhỏ trèo cây hái quả. Có khi tôi lại chơi tạt lon, đuổi bắt hay đánh trận giả. Những trò chơi đó luôn hấp dẫn, tôi chơi không biết chán. Nhưng khi các anh không chơi những trò đó nữa

mà chuyển sang chơi chọi cá thì tôi đã thực sự bị sức hấp dẫn của trò chơi mới thôi miên. Xem các anh chọi cá và đứng reo hò cổ vũ, tôi ước mình sẽ được làm . chủ của một con các chọi. Tôi nghĩ chiều nay sẽ về xin bố tiền để mua cá. Thật thất vọng khi bố không những không cho tôi mua cá mà còn mắng tôi vì suốt ngày lêu lổng ngoài đường, không chịu học bài. Tôi đã tìm mọi cách để thuyết phục bố, thậm chí tôi còn lăn ra ăn vạ nhưng cũng chẳng ăn thua. Không xin được bố, tôi quay sang mẹ vì mẹ luôn chiều tôi. Nhưng mẹ chỉ mỉm cười và nói:

– Khi nào con trai mẹ học giỏi, mẹ sẽ mua cho con!

Thế là kế hoạch thất bại. Tôi đang buồn rầu thì thằng Tùng lại sang khoe với tôi con cá chọi nó mới mua. Tôi thầm ghen tị và càng ước làm sao có tiền để mua cá. Đang nằm buồn, tôi nghe tiếng rao của bà đồng nát: “Nhôm, đồng, sắt, vụn bán đi.”. Tôi chợt nghĩ đến chiếc quạt con cóc để ở góc nhà. Chiếc quạt ấy nhỏ xíu, ít khi dung đến, chắc chẳng ai để ý… Tôi co chân chạy ra gọi bà đồng nát và hỏi nhỏ: “Bà có mua quạt không?”. Tôi đưa chiếc quạt cho bà. Bà cầm lên xem, rồi hỏi:

– Quạt còn dùng được không hả cháu?

Tôi nhanh nhảu trả lời:

– Nó chạy vẫn còn tốt, bà yên tâm. Nếu bà không tin, cháu cho chạy thử!

Bà cụ hỏi:

– Còn tốt sao cháu lại bán?

Tôi khó chịu trả lời:

– Nhà cháu không dùng thì đem bán, bà có mua không để cháu còn bán cho người khác! 

Bà cụ đưa tiền cho tôi. Chỉ chờ có thế, tôi nhanh chân khóa cửa nhà, chạy vù đi gọi thằng Tùng, rủ nó ra chợ mua cá. Trên đường về, tôi và nó cùng bàn tán về khả năng chiến đấu của đôi cá tôi vừa mua. Sẵn có tiền trong tay, tôi hào phóng chiêu đãi Tùng một bữa kem. Lòng đầy vui sướng, tôi quên cả việc sẽ nói thế nào nếu bố mẹ hỏi đến chiếc quạt. Tôi nghĩ: “Chắc bố mẹ sẽ không để ý đến nó đâu!”. Khi tôi về đến nhà thì thấy bà đồng nát vẫn ngồi trước cửa nhà tôi. Nhưng tôi cũng chẳng có thời gian thắc mắc, tôi cho hai chú cá chọi vào hai cái chai, cất vào trong góc tối để tăng tính chiến đấu cho chúng.

Đến chiều, bố mẹ về, tôi thấy mẹ đang đứng nói chuyện với bà đồng nát. Lúc sau, mẹ cầm quạt vào nhà và gọi tôi ra. Trước vẻ mặt đầy giận dữ của mẹ, tôi biết mẹ đã biết hết mọi chuyện. Tôi chỉ còn nước khai ra hết mọi thứ. Tôi đã bị bố cho một trận đòn mà bây giờ nghĩ đến, tôi vẫn còn thấy sợ. Tôi bị phạt không được ra khỏi nhà và phải chép chính tả, làm bài tập toán bố giao. Tất nhiên, tôi phải chia tay với hai chú cá chọi. mà chưa biết được khả năng chiến đấu của chúng như thế nào.

Kể lại chuyện này, tôi vẫn còn thấy xấu hổ. Thuở bé thơ, sao tôi dại dột, ngốc ngếch đến thế! Dù sao đó cũng là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi dám lấy đồ trong nhà đi bán. Đó là một kỉ niệm mà tôi nhớ mãi không bao giờ quên. Dù kỉ niệm đó thật buồn.

Giaibai5s.com

Phần 2 Đề 48: Kể về một kỉ niệm hồi ấu thơ làm em nhớ mãi. (Bài tập làm văn số 2, SGK Ngữ văn 6, tập một, tr, 99)
Đánh giá bài viết