DÀN BÀI THỨ NHẤT

Truyện Thánh Gióng

A. Mở bài

Đời vua Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng, một chú bé ra đời, nhưng ba tuổi vẫn chưa biết nói, biết cười.

B. Thân bài

– Nghe sứ giả loan tin tìm người tài đánh đuổi giặc Ân xâm lược, chú bé đòi sứ giả vào và xin ngựa sắt, giáp sắt, roi sắt để đi dẹp giặc.

– Chú bé lớn nhanh như thổi, cả dân làng tình nguyện nuôi chú bé.

– Chú bé vươn vai thành một tráng sĩ, cưỡi ngựa sắt, vung roi sắt đánh giặc, roi gãy, bèn nhổ tre đánh tan giặc.

– Giặc tan, tráng sĩ bay về trời. Vua phong là Phù Đổng Thiên Vương, dân lập đền thờ.

C. Kết bài

Ngày nay vẫn còn nhiều dấu tích về Thánh Gióng.

DÀN BÀI THỨ HAI

Sự tích Hồ Gươm

A. Mở bài 

Vào thời giặc Minh xâm chiếm nước ta, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đang gặp rất nhiều khó khăn, Lạc Long Quân quyết định cho Lê Lợi mượn gươm thần.

B. Thân bài

– Lê Thận nhận được lưỡi gươm ở vùng sông nước Thanh Hóa.

– Lê Lợi nhận được chuôi gươm ở vùng núi Thanh Hóa.

– Lê Thận dâng lưỡi gươm, tra vào chuôi vừa như in.

– Từ khi có gươm thần, nghĩa quân liên tiếp chiến thắng, quét sạch giặc Minh khỏi bờ cõi.

– Lê Lợi trả gươm cho Rùa Vàng ở hồ Tả Vọng.

C. Kết bài

Từ đó hồ Tả Vọng mang tên Hồ Gươm, hay hồ Hoàn Kiếm.

BÀI LÀM

Vào thời giặc Minh đô hộ nước Nam ta, chúng coi dân ta như rơm rác, làm nhiều điều tàn bạo. Ai cũng căm giận chúng đến bầm gan tím ruột. Cho nên, bấy giờ, ở vùng rừng núi Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa, khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, dân chúng theo về rất đông. Nhưng sau nhiều lần giao tranh, nghĩa quân vẫn chưa thắng được quân Minh nên Đức Long Quân nhớ lời nguyền xưa, bèn quyết định cho họ mượn gươm thần để họ giết giặc.

Thời ấy ở Thanh Hóa, có người làm nghề chài lưới tên là Lê Thận. Vào một đêm trăng sáng chàng thả lưới ở một bến vắng như thường lệ. Khi kéo, chàng thấy lưới nằng nặng, nghĩ bụng chắc được mẻ cá lớn. Khi mò tay vào lưới bắt cá chàng chỉ được một thanh sắt, bèn vứt luôn xuống nước, rồi thả lưới ở chỗ khác. Nhiều lần như vậy, thanh sắt cứ mắc vào lưới của Thận. Thấy lạ, lần cuối cùng chàng đem thanh sắt đến gần mồi lửa xem, bỗng chàng reo to:

– Ha ha! Một lưỡi gươm.

Chàng bèn đem về để trong lều. Về sau Thận gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Chàng rất hăng hái, dũng cảm, được chủ tướng tin dùng. Hôm ấy, nhân đi qua làng Thận, Lê Lợi cùng với mấy viên tùy tùng đến nhà Thận. Trong túp lều, thanh sắt vụt sáng lên. Chủ tướng cầm lên xem thì thấy hai chữ “Thuận thiên” khắc sâu vào gươm. Song lúc ấy chưa ai biết đó là báu vật.

Ít lâu sau, một lần bị giặc truy kích gắt gao, nghĩa quân phải chia nhỏ lực lượng để ẩn náu. Lê Lợi rút vào một khu rừng sâu. Ông bỗng phát hiện có ánh sáng lạ trên ngọn cổ thụ, bèn trèo lên thì thấy ánh sáng phát ra từ một chiếc chuôi gươm nạm ngọc. Nhớ đến lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, ông thu lấy chuôi gươm giắt vào lưng.

Vài hôm sau, Lê Lợi gặp lại Lê Thận liền đem lưỡi gươm ra tra vào chuôi thì vừa in, chàng lập tức dâng gươm lên và thưa:

– Đây là trời có ý phó thác cho minh công nghiệp lớn. Chúng tôi nguyện đem xương máu của mình cùng với thanh gươm thần này theo minh công để báo đền nợ nước!

Từ đó nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng. Gươm thần thỏa chí tung hoành khắp các trận địa làm cho quân Minh bạt vía kinh hồn. Nghĩa quân không phải trốn tránh như xưa nữa mà xông xáo đi tìm giặc. Họ cũng không phải ăn uống khổ cực như trước nữa mà đã có lương thực cướp được của giặc. Gươm thần giúp họ đánh tràn ra khắp nước, cho đến khi không còn một tên giặc nào trên đất nước ta.

Lê Lợi lên làm vua, một năm sau, một hôm, nhà vua ngự trên thuyền rồng, dạo chơi hồ Tả Vọng. Khi thuyền ra giữa hồ bỗng có con Rùa Vàng nhô lên, tâu:

– Xin bệ hạ hoàn gươm cho Long Quân.

Vua dâng gươm lên, nhanh như chớp, Rùa đớp lấy thanh gươm, lặn xuống nước. Rùa Vàng và gươm thần đã chìm sâu nhưng người ta vẫn còn thấy ánh sáng từ dưới mặt nước loang loáng trên mặt hồ trong xanh. Từ đó hồ Tả Vọng được đổi tên thành Hồ Gươm hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm (hồ trả gươm).

Phần 2 Đề 1: Kể lại một truyền thuyết hoặc truyện cổ tích bằng lời văn của em
4.9 (98.64%) 59 votes