I. Đọc kĩ bài:

     – Đọc nhiều lần bài thơ, nhớ kĩ nhân vật chính và các hình ảnh, chi tiết nổi bật.

     – Đọc diễn cảm, thể hiện niềm xúc động của tác giả khi lắng nghe tiếng đàn trong đêm trăng và nhìn ngắm sự kì vĩ của công trình thuỷ điện sông Đà, mơ tưởng về một tương lai tốt đẹp.

    – Chú ý các từ ngữ khó phát âm: ba-la-lai-ca, hạt dẻ, công trường, ngẫm nghĩ, xe ủi, xe ben, ngân nga, lấp loáng, nối liền, bỡ ngỡ… 

II. Tóm tắt nội dung:

     – Bài thơ thể hiện niềm xúc động của tác giả khi lắng nghe tiếng đàn ba-la-lai-ca trong đêm trăng và nhìn ngắm sự kì vĩ của công trình thuỷ điện sông Đà, mơ tưởng về một tương lai tốt đẹp sau khi công trình hoàn thành. Qua đó, ca ngợi sức mạnh của những con người đang chế ngự, chinh phục dòng sông và sự gắn bó, hoà quyện giữa con người với thiên nhiên. 

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

  1. Những chi tiết nào trong bài thơ gợi lên hình ảnh một đêm trăng vừa tĩnh mịch vừa sinh động trên công trường sông Đà ?

(Đêm trăng tĩnh mịch:

       – Trên sông Đà. Một đêm trăng chơi vơi… Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông. Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ. Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ.

      – Đêm trăng tĩnh mịch nhưng vẫn rất sinh động vì có tiếng đàn thánh thót của cô gái Nga, có ánh trăng, có người thưởng thức tiếng đàn. Mọi vật được tác giả miêu tả bằng biện pháp nhân hoá : công trường say ngủ ; tháp khoan… ngẫm nghĩ; xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ…) 

  1. Tìm một hình ảnh đẹp trong bài thơ thể hiện sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên trong đêm trăng trên sông Đà.

(Học sinh trả lời theo cảm nhận riêng. Ví dụ:

        – Hai câu thơ: Chỉ còn tiếng đàn ngân nga, Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà thể hiện sự gắn bó, hoà quyện giữa con người với thiên nhiên. Tiếng đàn hay là tiếng lòng người đang ngân lên, hoà quyện, lan toả… vào dòng trắng. Dòng sông lúc này như một dòng trạng bởi ánh trăng trải trên mặt nước lấp loáng.

       – Những câu thơ: Ngày mai, Chiếc đập lớn nối liền hai khối núi, Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên, Sông Đà chia ánh sáng đi muôn ngả… thể hiện sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Bằng bàn tay, khối óc diệu kì của mình, corn người đã đem đến cho thiên nhiên gương mặt mới lạ đến ngỡ ngàng. Còn thiên nhiên mang lại những nguồn tài nguyên quý giá, làm cho cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn.)

  1. Những câu thơ nào trong bài sử dụng biện pháp nhân hoá ?

      (- Những câu thơ sử dụng biện pháp nhân hoá : Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông, Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ, Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ, Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên, Sông Đà chia ánh sáng đi muôn ngả.

     – Các biện pháp nhân hoá (công trường say ngủ, tháp khoan ngẫm nghĩ, xe ủi, xe ben nằm nghỉ, biển bỡ ngỡ giữa cao nguyên) khiến sự vật, cảnh vật có tâm trạng như con người, làm cho các hình ảnh trong bài thơ trở nên sinh động hơn.

     – Hình ảnh Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên là hình ảnh đẹp. Để tận dụng sức nước sông Đà chạy máy phát điện, con người đã đắp đập ngăn sống, tạo thành hồ nước mênh mông tựa biển giữa một vùng đất cao. Hình ảnh “Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên” nói lên sức mạnh kì diệu “dời non lấp biển” của con người. Bằng cách sử dụng từ “bỡ ngỡ”, tác giả gán cho biển tâm trạng như con người – ngạc nhiên vì sự xuất hiện lạ kì của mình giữa vùng đất cao.)

IV. Thực hành – Luyện tập:

1/ Học thuộc lòng bài thơ.

2/ Chuyển nội dung bài thơ Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà thành một câu chuyện.

* Tham khảo bài viết dưới đây:

       Trên sông Đà, vào một đêm trăng sáng, ánh trăng lung linh trên sóng nước chơi vơi. Bất chợt, tiếng đàn ba-la-lai-ca vang lên rộn rã. Rảo bước lại gần, tôi thấy một cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ buông xoã bờ vai, đang ngồi trên gò đất cạnh bờ sông, mải mê đưa tay thoăn thoắt trên những sợi dây đồng của chiếc đàn ba-la-lai-ca.

      Đêm đã khuya. Cả công trường say ngủ sau một ngày lao động vất vả. Những tháp khoan sừng sững in bóng lên nền trời đêm lấp lánh sao. Những chiếc xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ, trông xa giống như đàn voi khổng lồ, bất động.

       Không gian tĩnh mịch, yên ắng vô cùng! Chỉ còn tiếng đàn ngân nga, vang vọng trên dòng sông Đà lấp lánh ánh trăng.

       Vào một ngày không xa, chiếc đập ngăn nước sừng sững như một bức tường thành sẽ nối liền hai khối núi, tạo nên một hồ nước mênh mông như biển giữa cao nguyên. Nguồn nước sông Đà sẽ làm quay những tuyếc-bin khổng lồ, tạo ra dòng điện truyền đi khắp đất nước. Dòng sông Đà sẽ trở thành dòng sông ánh sáng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước Việt Nam yêu dấu.

     Trăng vẫn toả ánh sáng dịu dàng xuống mặt đất và tiếng đàn ba-la-lai-ca vẫn ngân nga vang vọng giữa đêm khuya.

Nguồn website giaibai5s.com

Những bài làm văn mẫu lớp 5 tập 1 – Tuần 7: Tập đọc: Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà (trích)
Đánh giá bài viết