I. Đọc kĩ bài:

       – Đọc nhiều lần bài văn, nhớ kĩ nhân vật chính và các hình ảnh, chi tiết nổi bật.

        – Đọc bằng giọng kể chuyện rành mạch, tự nhiên, thể hiện đúng tính cách của từng nhân vật: cụ già người Pháp điềm đạm, thông minh, hóm hỉnh; tên phát xít Đức hống hách, hợm hĩnh nhưng dốt nát, ngờ nghệch.

        – Chú ý các từ ngữ khó phát âm: Si-le, phát xít, Pháp, Đức, Pa-ri, toa tàu, Hít-le, lạnh lùng, sĩ quan, Vin-hem Ten, Thuỵ Sĩ, Mét-xi-na, I-ta-li-a, Oóc-lê-ằng…

II. Tóm tắt nội dung:

         Câu chuyện kể về cuộc đối đáp giữa một cụ già người Pháp với tên sĩ quan phát xít Đức xung quanh các tác phẩm của nhà văn Si-le. Qua đó, ca ngợi cụ già người Pháp thông minh, biết phân biệt người Đức với bọn phát xít Đức. Cụ đã dạy cho tên sĩ quan phát xít hống hách một bài học nhẹ nhàng mà sâu cay.

 III. Gợi ý trả lời câu hỏi: 

  1. Câu chuyện xảy ra ở đâu, bao giờ? Tên phát xít nói gì khi gặp những người trên tàu?

        (Chuyện xảy ra trên một chuyến tàu ở thủ đô Pa-ri, trong thời gian nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng. Tên sĩ quan Đức bước vào toa tàu, giơ thẳng tay, vênh váo hô to: Hít-le muôn năm!)

  1. Vì sao tên sĩ quan Đức có thái độ bực tức với ông cụ người Pháp?

        (- Vì ông cụ đáp lại lời hắn bằng tiếng Pháp. Nghe tiếng chào lịch sự nhưng lạnh lùng ấy, hắn đã lừ mắt nhìn cụ.

        – Hắn càng bực mình hơn khi nhận ra rằng ông cụ thành thạo tiếng Đức đến mức đọc được truyện của nhà văn nổi tiếng Đức Si-le nhưng lại không thèm đáp lời hắn bằng tiếng Đức)

  1. Nhà văn Đức Si-le được ông cụ người Pháp đánh giá thế nào?

(Ông cụ người Pháp đánh giá Si-le là một nhà văn quốc tế)

4. Em hiểu thái độ của ông cụ đối với người Đức và tiếng Đức như thế nào?

       (- Ông cụ thông thạo tiếng Đức, ngưỡng mộ nhà văn Đức Si-le nhưng căm ghét những tên phát xít Đức xâm lược.

      – Ông cụ không ghét người Đức và tiếng Đức mà chỉ căm ghét những tên phát xít Đức xâm lược.)

  1. Lời đáp của ông cụ ở cuối truyện ngụ ý gì ?

     (- Bọn phát xít là kẻ cướp, không xứng đáng với văn hào Si-le. – Si-le viết vở Những tên cướp để dành riêng cho bọn phát xít.

     – Ông cụ coi bọn phát xít là lũ kẻ cướp đáng khinh bỉ.) 

IV. Thực hành – Luyện tập:

1/ Đọc diễn cảm nhiều lần bài văn.

2/ Kể lại bài Tác phẩm của Si-le và tên phát xít theo lời của ông cụ trong bài văn. 

* Tham khảo cách kể dưới đây:

         Trong thời gian nước Pháp thân yêu của tôi bị phát-xít Đức xâm lược. Một lần, có tên sĩ quan Đức lên chuyến tàu ở Pa-ri. Hắn bước vào toa tàu, giơ thẳng tay và hô to: “Hít-le muôn năm!”. Tôi ngồi bên cửa sổ, tay cầm cuốn sách, ngẩng đầu lạnh lùng đáp bằng tiếng Pháp: “Chào ngài !”. Tên sĩ quan lừ mắt nhìn tôi, tỏ vẻ bực bội. Bỗng hắn nhìn vào cuốn sách tôi đang đọc và thấy đó là một tác phẩm của Si-le viết bằng tiếng Đức. Hắn tức giận vì tôi biết tiếng Đức mà không thèm chào lại bằng tiếng Đức nên hất hàm hỏi:

– Lão thích nhà văn Đức hơn lời chào của người Đức chăng? 

      – Sao ngài lại nói thế? Si-le là một nhà văn quốc tế chứ!- Tôi điềm đạm trả lời. 

Nhận thấy vẻ ngạc nhiên của tên sĩ quan, tôi nói tiếp:

       – Ngài thử xem Si-le đã dành các tác phẩm của mình cho những ai nào ? Nhà văn đã viết Vin-hem Ten cho người Thuỵ Sĩ, Nàng dâu ở Mét-xi-na cho người I-ta-li-a, Cô gái Oóc-lê-ăng cho người Pháp…

      Càng nghe tôi nói, mặt tên sĩ quan phát xít càng ngây ra. Cuối cùng hắn hỏi: 

– Chẳng lẽ Si-le không viết gì cho chúng tôi hay sao? 

Tôi cười nhếch mép:

– Có chứ. Si-le đã dành cho các ngài vở Những tên cướp!

        Tên sĩ quan Đức cúi gằm mặt bước đi. Chẳng biết hắn có hiểu thêm ý trong lời nói của tôi hay không?!

Nguồn website giaibai5s.com

Những bài làm văn mẫu lớp 5 tập 1 – Tuần 6: Tập đọc: Tác phẩm của Si-le và tên phát xít
Đánh giá bài viết