I. Nhận xét:

  1. So sánh nghĩa của các từ in đậm:

         Phrăng Đơ Bô-en là một người lính Bỉ trong đội quân Pháp xâm lược Việt Nam. Nhận rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược, năm 1949, ông chạy sang hàng ngũ quân đội ta, lấy tên Việt là Phan Lăng. Năm 1986, Phan Lăng cùng con trai đi thăm Việt Nam, về lại nơi ông đã từng chiến đấu vì chính nghĩa.

       (- Phi nghĩa: Trái với đạo lí. Cuộc chiến tranh phi nghĩa là cuộc chiến tranh có mục đích xấu xa, không được những người có lương tri ủng hộ.

       – Chính nghĩa: Đúng với đạo lí. Chiến đấu vì chính nghĩa là chiến đấu vì lẽ phải, chống lại những hành động xấu xa, chống lại áp bức, bất công…

      * Phi nghĩa và chính nghĩa là hai từ có nghĩa trái ngược nhau. Đó là những từ trái nghĩa.)

  1. Tìm những từ trái nghĩa với nhau trong câu tục ngữ sau:

Chết vinh hơn sống nhục.

     (Những từ trái nghĩa trong câu tục ngữ là sống / chết, vinh / nhục (vinh: được kính trọng, đánh giá cao; nhục: xấu hổ và bị khinh bỉ).

  1. Cách dùng các từ trái nghĩa trong câu tục ngữ trên có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện quan niệm sống của người Việt Nam ta ?

     (Cách dùng từ trái nghĩa như trên tạo ra hai vế tương phản, có tác dụng làm nổi bật quan niệm sống cao đẹp, khí khái của người Việt Nam: thà chết mà được kính trọng, đề cao, tiếng thơm lưu lại muôn đời còn hơn sống mà phải xấu hổ, nhục nhã vì bị người đời cười chê, khinh bỉ.)

  1. Thế nào là từ trái nghĩa?

– Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau. 

– Ví dụ: cao – thấp, phải – trái, ngày – đêm,…

– Việc đặt các từ trái nghĩa bên cạnh nhau có tác dụng làm nổi bật những sự vật, sự việc, hành động, trạng thái,… đối lập nhau.)

II. Luyện tập:

Câu 1. Tìm những cặp từ trái nghĩa trong các câu thành ngữ, tục ngữ dưới đây:

a) Gạn đục khơi trong. 

b) Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. 

c) Anh em như thể chân tay

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.

(Các cặp từ trái nghĩa: a. đục – trong; b. đen – sáng; c. rách – lành, dở – hay) 

Câu 2. Điền vào mỗi ô trống một từ trái nghĩa với từ in đậm để hoàn chỉnh các thành ngữ, tục ngữ sau:

a) Hẹp nhà [ ] bụng. 

b) Xấu người [ ] nết. 

c) Trên kính [ ] nhường.

(Thứ tự điền như sau: a, rộng; b, đẹp; c. dưới

Câu 3. Tìm từ trái nghĩa với mỗi từ sau:

– hoà bình 

– thương yêu 

– đoàn kết 

– giữ gìn 

(Thứ tự các từ trái nghĩa như sau: – Hoà bình > < chiến tranh, xung đột.

– Thương yêu > < thù ghét, ghét bỏ, thù hằn, thù hận, hận thù, thù địch.

– Đoàn kết > < chia rẽ, riêng rẽ, bè phái, mâu thuẫn.

– Giữ gìn > < phá hoại, phá hỏng, tàn phá, phá phách, huỷ hoại.) 

Câu 4. Đặt hai câu để phân biệt một cặp từ trái nghĩa vừa tìm được ở bài tập 3.

* Tham khảo cách đặt câu dưới đây:

(- Thiếu nhi trên thế giới yêu hoà bình, ghét chiến tranh.

– Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.

– Chúng ta phải biết giữ gìn những di sản văn hoá quý báu của dân tộc, không được phá hoại.)

Nguồn website giaibai5s.com

Những bài làm văn mẫu lớp 5 tập 1 – Tuần 4: Luyện từ và câu: Từ trái nghĩa
Đánh giá bài viết