KỂ CHUYỆN: CHIẾC ĐỒNG HỒ

1.Chuẩn bị kể chuyện:

– Đọc tên truyện: “Chiếc đồng hồ”, quan sát tranh trong SGK, xem tranh vẽ những ai, họ đang làm gì?

– Nghe thầy, cô giáo kể lần 1 câu chuyện, cố gắng nhớ và ghi lại những chi tiết chính theo trình tự câu chuyện (mở đầu, diễn biến, kết thúc).

– Nhớ nghĩa của một số từ ngữ:

+ Tiếp quản: thu nhận và quản lí những thứ đối phương giao lại.

+ Đồng hồ quả quýt: đồng hồ bỏ túi, nhỏ, hình tròn, to hơn đồng hồ đeo tay.

– Nghe thầy cô giáo kể lần 2, kết hợp quan sát tranh để ghi nhớ nội dung của câu chuyện.

II. Tập kể chuyện

Câu 1. Dựa theo lời kể của cô giáo (thầy giáo) và các tranh vẽ, hãy kể lại từng đoạn câu chuyện.

– Em cùng bạn bên cạnh dựa vào tranh và ý chính đã ghi để tập kể lại từng phần của câu chuyện.

– Em và bạn thay nhau kể từng phần của câu chuyện theo tranh.

Gợi ý:

Tranh 1. Được tin Trung ương rút bớt một số người đi học lớp tiếp quản Thủ đô, các cán bộ đang dự hội nghị tổng kết ở Bắc Giang bàn tán rất sôi nổi, ai cũng háo hức muốn đi. Tư tưởng của các cán bộ có chiều phân tán.

(Em nên kể đoạn 1, 2 bằng giọng sôi nổi, có lúc hồi hộp).

Tranh 2. Giữa lúc đó, Bác Hồ đến thăm. Các đại biểu dự hội nghị vô cùng phấn khởi, ùa ra đón Bác.

Tranh 3. Bác Hồ rất hiểu nỗi băn khoăn và lòng mong mỏi được về thủ đô của các cán bộ. Trong lúc nói chuyện về nhiệm vụ của toàn Đảng trong thời điểm này, Bác rút chiếc đồng hồ quả quýt trong túi mình ra nói rằng các bộ phận của chiếc đồng hồ cũng giống như các cơ quan của một nhà nước, nhiệm vụ nào cũng quan trọng và không thể không làm.

(Em chú ý sử dụng giọng kể thật phù hợp để phân biệt lời kể của em, lời của Bác Hồ và lời của các cán bộ).

Tranh 4. Bằng câu chuyện chiếc đồng hồ, chỉ trong ít phút, Bác đã làm cho các cán bộ hiểu thấm thía về nhiệm vụ cách mạng, xoá tan trong họ những thắc mắc riêng tư.

(Nên kể đoạn 4 bằng giọng chậm rãi, sâu lắng, thể hiện rõ ý nghĩa của câu chuyện).

Câu 2. Kể lại toàn bộ câu chuyện

– Em tập kể cho bạn bên cạnh nghe hoặc đứng lên kể cho cả lớp nghe câu chuyện. Chú ý sử dụng giọng kể, vẻ mặt và cử chỉ cho phù hợp, làm cho câu chuyện em kể hấp dẫn hơn.

Tham khảo

CHIẾC ĐỒNG HỒ

Năm 1954, các cán bộ đang dự hội nghị tổng kết ở Bắc Giang thì có lệnh Trung ương rút bớt một số người đi học lớp tiếp quản Thủ đô. Ai nấy đều háo hức muốn đi. Nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ Thủ đô, nay được dịp trở về công tác, anh em bàn tán sôi nổi. Nhiều người đề nghị cấp trên chiếu cố nỗi niềm riêng đó và cho được toại nguyện. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có chiều phân tán…

Giữa lúc đó, Bác Hồ đến thăm hội nghị. Các đại biểu ùa ra đón Bác. Bác bước lên diễn đàn, mồ hôi ướt đầm hai bên vai áo nâu… Khi tiếng vỗ tay đã ngớt, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi:

– Các cô chú có trông thấy cái gì đây không?

Mọi người đồng thanh:

– Cái đồng hồ ạ.

– Thế trên mặt đồng hồ có những chữ gì?

– Có những con số ạ.

– Cái kim ngắn, kim dài để làm gì?

– Để chỉ giờ, chỉ phút ạ.

– Cái máy bên trong dùng để làm gì?

– Để điều khiển cái kim chạy ạ.

Bác mỉm cười, hỏi tiếp:

– Thế trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?

Mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

– Trong cái đồng hồ, bỏ đi một bộ phận có được không?

– Thưa không được ạ.

Nghe mọi trả lời, Bác bèn giơ chiếc đồng hồ lên cao và kết luận:

– Các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một nhà nước, như các nhiệm vụ cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều quan trọng, đều cần phải làm. Các cô chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ …, cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là đồng hồ được không?

Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những thắc mắc riêng tư.

Theo sách Bác Hồ Kính Yêu

Câu 3. Câu chuyện khuyên ta điều gì?

Câu chuyện Chiếc đồng hồ khuyên chúng ta hãy nghĩ tới lợi ích của tập thể, làm tốt nhiệm vụ được giao. Mỗi người không nên suy bì tị nạnh với người khác, không nên chỉ nghĩ tới quyền lợi của riêng mình. Trong xã hội, mỗi người gắn bó với một công việc; công việc nào cũng có ích, cũng đáng quý.

Giaibai5s.com

KỂ CHUYỆN: CHIẾC ĐỒNG HỒ
1.6 (32.06%) 647 votes