ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1 Cảm xúc bao trùm trong bài thơ là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào xen lẫn nỗi xót đau khi tác giả vào lăng viếng Bác. Giọng điệu bài thơ là giọng thành kính, trang nghiêm trong những suy tư trầm lắng.

Cảm xúc đó được thể hiện theo trình tự cuộc vào lăng viếng Bác. Mở đầu là cảm xúc về cảnh bên ngoài lăng, tiếp đó là cảm xúc trước hình ảnh dòng người bất tận ngày ngày vào viếng lăng Bác. Nôi xúc động thiêng liêng khi vào lăng được gợi lên từ những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng: mặt trời, vầng trăng, trời xanh. Trong khổ thơ cuối, tác giả thể hiện niềm mong ước thiết tha muốn tấm lòng mình mãi mãi ở lại bên lăng Bác.

2 Mở đầu bài thơ là lời giới thiệu của tác giả như một lời kể mộc mạc, chân tình:

“Con ở miền Nam… Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”.

– Câu thơ đọc lên nghe sao gần gũi thân thương quá! Đó là hình ảnh thắm đượm niềm háo hức của người con từ miền Nam đã đi theo Bác suốt cả cuộc đời giờ mới được thăm Bác. Bởi tất cả mọi người đều là người con trung hiếu của Bác, xem Bác như “là cha, là ba, là Nhưng đại từ xưng hô “con” của Viễn Phương còn mang sắc thái mới đầy ngưỡng mộ thành kính đối với Bác và hai tiếng “miền Nam” là một nơi xa xôi, nơi đi trước về sau vừa là lời báo tin vui chiến thắng với Bác vừa khơi gợi một nỗi niềm. Nỗi niềm ba mươi năm chia cắt mà lúc sinh thời Bác luôn mong nhớ “miền Nam trong trái tim tôi”. Niềm mong ước đó giờ đây đã thành hiện thực, đất nước liền một dãy Nam Bắc sum họp một nhà. Giọng thơ chân thành sâu lắng.

– Hòa trong niềm vui chung đó, người con Nam bộ xa xôi mới có dịp về thăm nhà, thăm người cha mà ông hằng yêu mến. Vì thế, nhà thơ đã thay từ “viếng” thành từ “thăm” con về thăm cha, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam phải chăng với từ “thăm” ấy nhà thơ muốn. bày tỏ cảm tưởng Bác chưa hề mất, Bác bất tử trong lòng mọi người.

– Ngay từ xa, hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc với nhà thơ là hình ảnh “hàng tre” thân thuộc như thấp thoáng ấn hiện trong làn sương sớm. Hàng tre như trải rộng mênh mông qua từ láy “bát ngát”. Hàng tre xanh xanh, hàng tre bát ngát, hàng tre quen thuộc của làng quê thôn xóm Việt Nam.

+ Quanh lăng Bác có nhiều loại cây quý của mọi miền đất nước. Song, không phải tình cờ mở đầu bài thơ, tác giả lại chọn hình ảnh “hàng tre”. Từ bao đời nay, tre luôn mọc thẳng, dẻo dai cứng cáp, chịu nắng mưa vất vả nhưng vẫn hiên ngang đứng thẳng giữa trời mặc cho bão tố phong ba như dân tộc ta bất chấp mưa bom đạn trút xuống. Vẫn kiên cường, bất khuất không chịu cúi đầu.

+ Đây là hình ảnh vừa tả thực, vừa ẩn dụ tài tình của nhà thơ. Và càng độc đáo hơn với từ “đứng” tre đã được nhân hóa như con người. Tre là biểu tượng khí phách con người của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn cần cù, bình dị mà dũng cảm kiên cường. Để giờ đây, đất nước thanh bình tre vẫn ở đây, vây quanh bên Bác như hàng triệu người con vẫn mãi bên Bác, Hình ảnh cây tre từ xưa đã đi vào văn học với truyền thuyết “Thánh Gióng”: roi sắt gãy, cậu bé làng Gióng nhổ tre đằng ngà bên đường đánh giặc An tan tác.

+ Tre còn gắn bó mật thiết trong lao động, chiến đấu của nhân dân ta. Tre gắn bó với con người từ bao đời nay, trong lao động và cả trong chiến đấu chống ngoại xâm: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh bảo về con người. Tre anh hùng lao động. Tre anh hùng chiến đấu” (Thép Mới).

3. Qua khổ thơ đầu, khung cảnh quanh lăng Bác toát lên vẻ đẹp nên thơ của đất nước và thắm đượm tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Cảm xúc dâng trào theo bước chân Viếng lăng Bác, nhà thơ viết tiếp:

 “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng…

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.

– Mặt trời đi qua trên lăng là mặt trời tự nhiên, mang ánh sáng, mang sức sống đến cho muôn loài là nguồn sáng lớn nhất, rực rỡ nhất. Vậy mà trong chu kì chuyển động của mình, mặt trời ấy còn nhìn thấy một mặt trời khác đỏ rực hơn, vĩ đại hơn chính mình. Nghệ thuật nhân hóa “mặt trời đi”, “thấy” chứa chan niềm tôn kính ngưỡng mộ Bác còn “mặt trời trong lăng” chính là Bác Hồ. Thử hỏi trên đời này còn có gì vĩ đại hơn, chói sáng hơn, rực rỡ hơn mặt trời? Nếu “mặt trời” của vũ trụ đem lại sức sống cho muôn loài thì Bác cũng mang ánh sáng độc lập tự do, mang ấm no hạnh phúc cho mọi người, xua tan đêm trường tăm tối, nô lệ áp bức cho dân tộc ta. Nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi sự vĩ đại ở Bác:

“Người rực rỡ một mặt trời cách mạng 

Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng

Đêm tàn bay chập choạng dưới chân người”.

– Thật vậy, cả đời Bác chỉ có một ước mơ “Ai cũng có cơm ăn áo mặc và trẻ em được học hành” chỉ có những người có tấm lòng nhân ái cao cả mới có những suy nghĩ ấy. Tâm hồn ấy cao đẹp quá! Công ơn đó làm sao ta có thể quên được. Hơn nữa, nghệ thuật ẩn dụ độc đáo đầy sáng tạo đó còn có ngụ ý Bác vĩ đại hơn cả mặt trời. Mặt trời của vũ trụ chói . đỏ rực đến thế mà vẫn phải nghiêng mình chiêm ngưỡng Bác. Bởi thế nên đứng trước lăng Người ngày nào cũng có cả đoàn người:

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ… .

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.

– Điệp ngữ “ngày ngày” vừa gợi ấn tượng về cõi trường sinh vĩnh viễn, vừa gợi tấm lòng nhân dân không nguôi nhớ Bác. “Dòng người đi trong thương nhớ” là một cách nói đặc biệt gợi lên không gian nghệ thuật: không gian tràn ngập nỗi nhớ thương. Mỗi người với nỗi nhớ thương là một đóa hoa kết nên “tràng hoa” dâng lên Người. Dòng người ví như “tràng hoa” là một hình ảnh ẩn dụ độc đáo: tràng hoa là hoa kết thành chuỗi dài hoặc thành vòng tròn. Dòng người đi vào viếng Bác đi từ cửa lăng vào trong làng rồi trở ra thành một vòng tròn dễ gợi liên tưởng đến tràng hoa. Đó là tràng hoa người, hoa của lòng nhớ thương hơn hẳn mọi tràng hoa của tự nhiên. Là “tràng hoa” chứ không phải “vòng hoa”, bởi “vòng hoa” là để viếng người đã khuất, còn “tràng hoa” gắn với những vinh quang, thành quả tốt đẹp được kết thành từ lòng thành kính, ngưỡng mộ.

– Do vậy, nhìn họ nhà thơ có cảm tưởng mỗi người là một đóa hoa. Và tất cả đã kết thành một tràng hoa vô tận kính dâng lên Bác những bông hoa đẹp nhất của lòng tiếc thương vô hạn của những tấm lòng thành kính, nhớ thương của triệu triệu con người hướng về vị cha già dân tộc. Nghệ thuật ẩn dụ quả là đặc sắc! Và càng đặc sắc hơn ở phép hoán dụ. “bảy mươi chín mùa xuân”. Cái tinh tế của Viễn Phương là dùng ngay cách nói lạc quan hóm hỉnh của Bác. Bác không dùng từ “tuổi” mà dùng từ “xuân” “Nay tôi đã ngoài bảy mươi xuân”. Phép hoán dụ ấy nhằm khẳng định con người trong lòng mùa xuân đó đã sống cuộc sống tươi đẹp, đầy ý nghĩa như những mùa xuân và đã mang đến biết bao mùa xuân cho đất nước, cho mọi người. Bảy mươi chín mùa xuân Bác đã dành trọn cho dân tộc vì cuộc sống ấm no, vì hạnh phúc của nhân dân. Và cuộc đời của mỗi người đã trở nên tươi đẹp, ấm no nhờ mùa xuân Bác tạo ra.

Khổ 3: Nhà thơ vào lăng, được nhìn thấy Bác nằm trong giấc ngủ bình yên giữa một vùng ánh sáng nhẹ nhàng, ấm áp. Ánh sáng nơi Bác nằm được nhà thơ miêu tả như ánh sáng một vầng trăng hiền dịu.

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên…

Mà sao nghe nhói ở trong tim”

– Ánh sáng của những ngọn đèn mờ ảo trong làng gợi nhà thơ liên tưởng thật thú vị “ánh trăng”. Tác giả đã thể hiện sự am hiểu của mình về Bác qua sự liên tưởng kì lạ đó. Bởi trăng với Bác đã từng vào thơ Bác trong nhà lao, trên chiến trận, giờ đây trăng cũng đến để dỗ giấc ngủ ngàn thu cho Người. Với hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền” nhà thơ còn muốn tạo ra một hệ thống hình ảnh vũ trụ để ví với Bác.

– Người có lúc như mặt trời ấm áp, có lúc dịu hiền như ánh trăng rằm. Bác của chúng ta là vậy. “Mặt trời”, “vầng trăng”, “trời xanh” đó là những cái mênh mông bao la của vũ trụ được nhà thơ ví như cái bao la rộng lớn trong tình thương của Bác. Đó cũng là biểu hiện sự vĩ đại, rực rỡ, cao siêu của con người và sự nghiệp của Bác. Biết rằng Bác vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng và tâm trí nhân dân như bầu trời xanh vĩnh viễn trên cao. Nhưng nhà thơ vẫn không khỏi thấy nhói – đau trong lòng khi đứng trước thi thể của Người. “Mà sao nghe nhói trong tim”. Nỗi nhớ như hàng ngàn mũi kim đâm vào trái tim thổn thức của tác giả. Đó là sự rung cảm chân thành của nhà thơ.

Khổ 4: Còn đứng trong lăng Bác, nhưng khi nghĩ đến lúc phải xa Bác, Viễn Phương thấy bịn rịn không muốn dứt. Tình cảm của nhà thơ trong suốt thời gian trên luôn sâu lắng, đau lặng lẽ nhưng đến giây phút này, Viễn Phương không thể nào ngăn được nữa, để cho tình cảm theo dòng nước mắt tuôn trào, dâng lên cao và tha thiết:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt…

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”.

Chỉ nghĩ đến việc về miền Nam, tác giả cũng đã “trào nước mắt” luyến tiếc khi chia tay, bịn rịn không muốn đi xa nơi Bác nghỉ. Ở câu thơ này chỉ là lời nói giản dị, là tình thương sâu lắng tự tấm lòng nhưng lại làm cho ta xúc động, bài thơ thêm giàu cảm xúc. Một cách nói không hoa mĩ, chân thành như người dân Nam bộ, nhưng lại lắng trong đó nỗi thương yêu đau đớn không có gì có thể nói và tả được. Tác giả thay mặt cho nhân dân miền Nam bày tỏ niềm thương tiếc vô hạn đối với vị cha già dân tộc. Câu nói giản dị ấy làm cho người đọc thêm hiểu và thông cảm với cảm xúc của Viễn Phương, bởi lời nói đó đều xuất phát từ muôn triệu trái tim bé nhỏ cùng chung nỗi đau không khác gì tác giả. Được gân Bác dù chỉ trong giây phút nhưng không bao giờ ta muốn xa Bác bởi Người ấm áp quá, rộng lớn quá. Ước nguyện thành kính của Viễn Phương cũng là mong ước chung của những người đã hoặc chưa một lần nào gặp Bác. Điệp ngữ “muốn làm” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong đoạn thơ thể hiện được ước muốn, sự tự nguyện của tác giả. Hình ảnh cây tre lại xuất hiện khép bài thơ lại một cách khéo léo. Một mong ước chân thành của nhà thơ. Tác giả muốn làm con chim hàng ngày ca hát cho Bác yên ngủ, làm đóa hoa tỏa hương thơm ngào ngạt, cùng muôn đóa hoa khác làm đẹp nơi Bác nghỉ. Và vui sướng nhất khi làm cây tre trung hiếu đứng mãi bên Bác canh từng giấc ngủ cho Người. Cánh hoa ấy, tiếng chim hót và cây tre trung hiếu ấy giữ mãi. cho Người giấc ngủ bình yên. Viễn Phương nói lên mong ước của mình cũng như là ước nguyện của tất cả chúng ta muốn được gần Bác để được lớn lên một chút. Nhà thơ Tố Hữu đã viết:

 “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta

Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”.

– Bác của chúng ta là vậy, Người giàu tình thương yêu, giàu đức hi sinh và đời Người thì vô cùng giản dị. Đất nước ta mất Bác người cha vĩ đại, người cha luôn luôn dành cho nhân loại tình thương vô bờ bến.

4 Giọng điệu trong bài thơ thể hiện rất nhiều tâm trạng: đó là giọng điệu vừa trang nghiêm, sâu lắng vừa xót xa, tha thiết lại chan chứa niềm tin và lòng tự hào, thể hiện đúng những tâm trạng bộn bề của bao người khi vào lăng viếng Bác.

– Bài thơ sử dụng thể 8 chữ là chủ yếu nhưng có những câu 7 chữ hoặc 9 chữ. Nhịp điệu trong thơ chậm rãi, khoan thai, diễn tả khá sát hình ảnh đoàn người đang nối nhau vào cõi thiêng liêng để được viếng Bác, để được nghiêng mình thành kính trước anh linh một vị anh hùng dân tộc, một người Cha của nhân dân Việt Nam.

– Hình ảnh thơ trong bài rất sáng tạo, vừa cụ thể, xác thực vừa giàu ý nghĩa biểu tượng. Những hình ảnh ẩn dụ như hàng tre, mặt trời, vầng trăng, trời xanh… tuy đã rất quen thuộc nhưng khi đi vào bài thơ này đã thể hiện được những ý nghĩa rất mới mẻ, có sức khái quát cao.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 9 Tập 2 – Bài 23: Văn bản: Viếng Lăng Bác
Đánh giá bài viết