NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

Đề 1. Yêu cầu trình bày suy nghĩ về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ (Những ngày thơ ấu của Nguyễn Hồng). Muốn vậy, HS phải hiểu rõ và xuất phát từ tình cảnh éo le, đáng thương của mẹ con chú bé Hồng, phải cảm nhận thấm thía ý nghĩa của các chi tiết, lời văn diễn tả nội tâm, hành động của các nhân vật, đặc biệt cao trào cảm xúc ở phần cuối đoạn trích. Mức độ viết bài này tốt hay không còn phụ thuộc vào sự rung cảm chân thành, lời văn thiết tha của từng cá nhân HS.

Đề 2. Yêu cầu cảm nhận được nét mới trong tình cảm đối với làng quê của nhân vật ông Hai (truyện ngắn Làng của Kim Lân). Đó cũng là một trường hợp tiêu biểu cho những chuyển biến mới trong đời sống tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Tình cảm gắn bó sâu nặng với làng quê là một đặc điểm có tính truyền thống. Nhưng ở đây tình yêu làng quê được đặt trong tình yêu nước, trong tình cảm đối với cuộc kháng chiến của dân tộc. Vì thế, làng đã theo giặc thì không thể yêu làng nữa rồi!… Những nhận xét, suy nghĩ về chuyển biến mới này không nên phát biểu một cách chung chung mà cần gắn với sự phân tích, cảm thụ các tình huống thú vị, các chi tiết hay trong tác phẩm.

 MỘT SỐ BÀI THAM KHẢO 

NƯỚC MẮT TRẺ THƠ VÀ NỖI KHÁT KHAO TÌNH MẸ

(Đọc chương IV, hồi kí Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng)

Có lần, nhà văn Nguyên Hồng tự thuật lí lịch của mình bằng mấy chữ vắn tắt như thế này mà ai nghe thấy cũng phải rùng mình: “Bố kéo xe, me ăn mày, ông đi ở, bà chết đói”. Mà quả như thế thật! Nói cụ thể hơn: năm Nguyên Hồng 12 tuổi thì bố chết vì bệnh ho lao, người mẹ trẻ từ giã đứa con đi tha phương cầu thực, cậu bé Hồng phải sống trong sự ghẻ lạnh của một bà cô giàu có và cay nghiệt, có khi phải sống lang thang đầu đường xó chợ đánh đáo kiếm ăn, chung đụng với đủ hạng trẻ con nghèo đói, du đãng. Trong tình cảnh lam lũ, cùng cực ấy, đứa trẻ có nguy cơ hoặc trở nên hư hỏng lưu manh, hoặc trái tim sẽ trở nên hoang dại, khô cứng, sắt lại, nghèo cảm xúc. Rất may, cậu bé Hồng lại có một trái tim dễ mủi lòng, thậm chí yếu đuối, rất mau nước mắt. Cậu bé hay khóc, khóc vì uất ức trước những lời ngọt nhạt, châm chọc, khinh miệt của bà cô, khóc vì thương cho cuộc đời lận đận phiêu bạt của mẹ, khóc vì nỗi thương thân tủi phận: “Nước mắt tôi đã ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ”. Trái tim đứa trẻ bị những lời xúc xiểm độc địa của bà cô giày vò làm cho đau đớn, cộng với nỗi đau đớn và bất lực trước những thành kiến tàn ác” của người đời khiến mẹ nó phải xa lìa nó. Nó “cười dài trong tiếng khóc” – cái cười đâm nước mắt ấy mới chua chát và cay đắng làm sao! Cậu bé “nghẹn ứ, khóc không ra tiếng”, rồi ao ước: “Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết về ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiền cho kì nát vụn mới thôi”. Có uất ức, có phản kháng đấy, nhưng tấm thân trẻ nhỏ đã có thể làm được gì hơn ngoài nước mắt! Có thể nói bà cô đã rất thành công trong thú vui hành hạ đứa bé, giễu cợt nỗi đau xa mẹ, xúc phạm tới nhân phẩm người mẹ của bé Hồng. Thực chất, mụ ta muốn gieo nọc độc vào tâm hồn trẻ thơ, rắp tâm chia lìa tình cảm mẹ con, giết chết những tình cảm yêu kính mà cậu bé Hồng đang có đối với mẹ. Mụ ta lươn lẹo, xảo quyệt, bất nhẫn, bảo mẹ nó “phát tài”, sau đó lại “tươi cười kể” lại hình ảnh mẹ qua lời bà họ nội: “ăn vận rách rưới, mặt mày xanh bủng, người gầy rạc đi, thấy thế bà ta thương tình toan gọi hỏi xem sao thì mẹ tôi vội quay đi, lấy nón che…”. Bà cô trong truyện tiêu biểu cho hạng người giàu có mà bất nhẫn, xảo quyệt, độc ác.

Nhưng không, trái tim trẻ nhỏ, một cách tự nhiên nhất, bao giờ cũng biết hướng về lương tri và lẽ phải ở đời. Vẫn còn nguyên vẹn một tình cảm yêu thương, một niềm tin vào mẹ cho dù mẹ có sa sẩy, cơ nhỡ đến mức nào, cho dù có những lời nói cố tình bêu xấu mẹ, rắp tâm đầu độc tình cảm của nó đối với mẹ. Cậu bé Hồng không hề trách mẹ nếu sự thật là mẹ “đã chửa đẻ với người khác”, mà có trách chăng chỉ là ở chỗ mẹ không dám ngẩng cao đầu chống lại cổ tục, chống lại những thành kiến cay nghiệt của xã hội. Dẫu có chút trách móc thì cũng không phải, mà trước nhất là vì mẹ, vì thương cho tình cảm tha hương của mẹ mà thôi. Không những thương mẹ, cậu bé Hồng còn tin vào sự trở về của mẹ, bởi vì nó hiểu rằng mẹ vô cùng thương yêu con cái, mẹ tận nghĩa-với cha nó đã khuất. Niềm yêu tin ấy đã không lầm lẫn. Người mẹ đã trở về. Bằng một linh cảm cực nhạy, cậu bé Hồng vừa “thoáng thấy một bóng người” giống mẹ, là đã lập tức thất thanh gọi mẹ, tin rằng đúng là mẹ chứ khó có thể làm được. Khi mẹ con nhận ra nhau, cậu bé Hồng “òa lên khóc rồi cứ thế nức nở”. Bao nhiêu chờ đợi, bao nhiêu côi cút bông òa thành nước mắt… Trong cái nhìn khao khát yêu thương của đứa trẻ, người mẹ vẫn đẹp tựa ngày nào, “vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má”. Đứa trẻ lịm đi vì sung sướng khi được sà vào lòng mẹ, thấy lại cái “cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt”, cảm nhận được hơi mẹ thân quen từ quần áo đến “hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường”. Chao ôi, đứa bé như muốn căng tất cả mọi giác quan ra để thâu nhận cho hết, cho hả cái tình mẹ con bấy nay xa cách. Bao giờ trong mắt mẹ đứa con mình cũng còn thơ bé. Cậu bé Hồng vốn đã bé bỏng thật, lại như thấy bé bỏng hơn, yếu mềm hơn khi được mẹ ôm ấp, che chở. Nhà văn như sống lại tận cùng cái cảm giác có thật ấy ngày nào. Dưới ngòi bút của tác giả, những cảm giác tinh tế và sâu xa ấy đã hiện ra thật cụ thể và sống động. Tác giả muốn nhân đây mà khái quát tình mẫu tử muôn thuở của con người một cách say sưa và trìu mến: “Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Từ đấy trở đi là sự quấn quít giữa con và mẹ, là những lời líu ríu không đầu không cuối mà sao cảm động: “… tôi không còn nhớ mẹ tôi đã hỏi tôi và tôi đã trả lời mẹ tôi những câu gì”. Những lời giày vò, xúc xiểm cay độc của bà cô hôm trước phỏng có nghĩa lí gì trong cảnh tượng gặp gỡ này? Bao nhiêu tủi cực, bao nhiêu trách móc cũng tiêu tan hết. Chỉ còn lại đây tình mẹ chở che và nỗi sung sướng cực độ của đứa trẻ sau bao nhiêu năm xa cách nay lại được ấm tròn “trong lòng mẹ”.

Người ta nói Nguyên Hồng là người rất dễ xúc động, và khi đã xúc động thì thể nào cũng khóc, khóc đến nỗi không thể kìm được, không ai khuyên can được: uất quá khóc, thương quá khóc, vui quá cũng khóc, khóc ngay trên trang văn mình viết khi thấy nhân vật của mình khổ quá hoặc chẳng may bị chết… Hóa ra trái tim dễ khóc ấy đã có ngay từ hồi còn nhỏ. Có thể nói rất cần cho lao động nghệ sĩ, nhưng trong. cuộc đời thường nhật lại dễ bị tổn thương. Cứ thế, vô cùng thành thực và tâm huyết, ông đã để bao nhiêu nước mắt vào câu chữ của mình. Có lần nhà thơ Xuân Diệu – chỗ bạn thân của Nguyên Hồng đã tâm sự: “Nguyên Hồng chết rồi, nhưng văn Nguyên Hồng còn rên rỉ mãi”. Chắc hẳn ngoài cái nghĩa văn chương Nguyên Hồng thấm nhuần một “chủ nghĩa nhân đạo thống thiết” (chữ dùng của nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh), còn thêm cái nghĩa nhờ tài năng thiên bẩm nghệ sĩ, nên các trang văn của Nguyên Hồng còn sống mãi với mai sau. Tác phẩm Những ngày thơ ấu là một kí ức đầy nước mắt về một tuổi thơ bất hạnh của nhà văn dường như còn nóng bỏng đến hôm nay…

Văn Giá

Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân.

 BÀI LÀM

Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân được viết vào ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Ông Hai – nhân vật chính trong truyện là một người yêu làng, yêu nước, Tình yêu làng ở ông có những nét đặc sắc, riêng biệt, được thể hiện thành một cá tính đáng quý. Ông Hai yêu nước và tự hào về làng Dầu nơi “chôn nhau, cắt rốn”, nơi, “quê cha đất tổ” của ông. Tình cảm ấy thể hiện trước hết ở cái tính hay khoe về làng, lấy làm hãnh diện về làng của mình.

Trước cách mạng, mỗi bận đi đâu xa ông thường khoe cái sinh phần của viên tổng đốc làng ông hoặc có khi có khách bên họ ngoại ở dưới tính Nam lên chơi, thế nào ông cũng đặt ra xem lăng cụ Thượng cho kì được…

Ông có vẻ hãnh diện cho làng có được cái sinh phần ấy lắm. “Chết chết tôi chưa thấy cái dinh cơ nào mà lại được cái dinh cụ Thượng làng tôi. Có lắm lắm là của. Vườn hoa cây cảnh nom như là động ấy…”.

Về sau, cách mạng đã giúp ông thay đổi nhận thức, hiểu được sự lầm lẫn của mình. Tuy nhiên, ẩn sau sự lầm lẫn ấy ta cũng thấy rõ tình cảm tự hào của ông đối với làng. Cho nên khi nhận ra những giá trị chân chính của làng thì niềm tự hào ở ông càng trở nên lớn lao.

Từ ngày cách mạng thành công, khoe làng, ông khoe cái khí thế dồn dập, hào hùng thời kì khởi nghĩa: Trẻ, già, trai, gái tham gia cướp chính quyền, tập tự vệ, đào hào, đắp ụ chuẩn bị chống Pháp.

Ông khoe làng ông có cái phòng thông tin thoáng mát nhất vùng, cái chòi phát thanh cao, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy.

Mỗi lần kể chuyện về làng, ông nói một cách say sưa và náo nức lạ thường, hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển, hoạt động.

Tóm lại ở ông, việc khoe làng đã thành một cái tật, một thử nghiện.

Ông nói về làng ông “cho sướng miệng, cho đỡ nhớ cái làng”, ta hiểu rằng sau cái “tật” đó chính là tấm lòng chân thật gắn bó của ông với làng, là niềm tự hào chân chính của ông với quê hương. ” Ông Hai say sưa kể những thành tích của làng và càng say sưa hơn khi những thành tích đó có phần đóng góp của ông. Ông tự hào nhớ lại thuở ông “gia nhập phong trào từ thời kì còn bóng tối” “vác gậy đi tập một, hai”. Khi dân làng tản cư, ông ở lại cùng anh em đi “đào đường, đắp ụ”, công việc bộn bề, ông mải mê làm “chẳng còn kịp nghĩ gì đến vợ con nhà cửa nữa”.

Ông là người nói được, làm được. Công việc chung của làng, ông nói say sưa mà làm cũng say sưa.

Vì ông yêu mến làng nên mọi nỗi khổ đau hay niềm vui sướng đều gắn bó với cái làng yêu dấu đó.

Khi bất đắc dĩ phải đi tản cư, ông buồn khổ lắm, tiếc nhất là ông không được góp phần gánh vác công việc chung cùng những người ở lại.

Khi gặp người tản cư ở dưới xuôi lên, đưa tin giặc tràn vào làng Dầu, cả làng làm Việt gian, ông đau xót quá “cổ ống nghẹn đắng lại, da mặt tê rần rần. Ông lão lặng đi tưởng như không thở được”. Ông ngượng, không dám nói chuyện với người đàn bà tản cư và tìm cách lảng tránh.

Quay trở về, ông phải “cúi gằm mặt xuống mà đi”. Về đến nhà ông “nằm vạ xuống giường” không dám ló mặt ra khỏi nhà. Ông buồn. Ông xấu hổ. Ông tranh luận với mình, tự dằn vặt mình hoặc đâm cáu gắt với vợ con.

Nhiều lúc “nước mắt ông lão cứ trào ra”. Đêm “ông Hai trằn trọc không sao ngủ được. Ông hết trở mình bên này lại trở mình bị thở dài”.

Có lúc “ông lão lặng hẳn đi, chân tay nhũn ra, tưởng chừng như không cất lên được”. Tiếng đồn loang ra, cả gia đình ông vô cùng buồn khổ. – Ông càng đau xót. Niềm tin nỗi ngờ giằng xé lòng ông, “chả nhẽ cái bọn làng lại đó đổ đốn đến thế được!”. Ông kiểm điểm từng người trong óc. .

Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở . lại làng quyết tâm một sống một chết với giặc có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy”.

Có lúc ông nghĩ: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Những lúc buồn khổ quá ông chỉ biết ôm con vào lòng than thở cùng con “như để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa”.

 “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu xét soi cho bố con ông”

Có lẽ đây là lần mà nỗi đau về làng đến với ông một cách tê tái nhất, quằn quại nhất. Suốt ngày đêm ông day dứt, lòng dạ bồi hồi. Đến khi ông chủ tịch ở dưới quê lên cải chính tin đồn, ông như mở cờ trong bụng. Mua quà chia cho các con. Lật đật đi báo tin cho mọi người. Bây giờ chính ông lại rất vui, rất tự hào khi nghe tin nhà mình bị giặc đốt: “Tây nó đốt nhà tôi rồi các bác ạ. Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính… cải chính tin làng chợ Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà! Láo! Láo hết! Toàn sai sự mục đích cả”.

Cũng chỉ được bằng ấy câu, ông Hai lại chạy vội đi nơi khác để loan tin vui. Tối ông lại khoe về làng, ông kể hôm nay Tây vào khủng bố làng ông chúng nó có bao nhiêu thằng đi những lối nào, dân quân tự vệ làng ông chiến đấu ra sao… Ông kể rành rọt, tỉ mỉ như chính ông vừa dự xong trận đánh ấy.

Đây là những lúc ông Hai lấy làm vinh dự về làng, tự hào về làng – quê mình, anh dũng phá càn thắng giặc.

Ông Hai là người gắn bó tha thiết với quê hương. Vì yêu quê hương nên ông yêu nước, kính yêu cụ hồ, ông hăng hái tham gia kháng chiến.

Văn hào I-li-a Ê-ren-bua có nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu : đồng quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Ông Hai đúng là một con người như thế. Niềm vui nỗi buồn của ông đều gắn bó với làng. Lòng yêu làng của ông chính là cội nguồn của lòng yêu nước.

Ông Hai là hình ảnh đẹp của những người nông dân bình thường nhưng giàu lòng yêu nước, một mẫu người đáng quý của dân tộc ta trong . những năm trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 9 Tập 2 – Bài 23: Tập làm văn: Viết bài tập làm văn số 6 – Nghị luận văn học (làm ở nhà)
Đánh giá bài viết