MỘT SỐ BÀI THAM KHẢO

HỒ CHÍ MINH: NIỀM HI VỌNG LỚN NHẤT

Tên Bác Hồ đối với tất cả thiếu nhi Việt Nam giống như một câu – chuyện thần thoại mà các em rất quý mến và ưa thích khi được nghe kể.

Chúng tôi dừng lại trước cánh cửa đã mở của một căn nhà nhỏ phủ đầy bóng mát. Cảnh đầu tiên hiện ra trước mắt tôi là lọ hoa hồng trên bàn và một cụ già vóc người tầm thước mà tôi đã được biết qua tranh ảnh. Đó là người Việt Nam cao nhất trong số những người Việt Nam mà tôi đã gặp. Người có đôi mắt đăm chiêu, và có thể là người đam chiêu duy nhất ở Việt Nam.

Tôi tự hỏi: Đâu là nguồn gốc bí ẩn của nỗi buồn thầm kín đó? Có thể là sự đau khổ của nhân dân, cũng có thể người linh cảm trước rằng sẽ không được nhìn thấy ước mơ cả đời mình – giải phóng và thống nhất Tổ quốc của Người – được thực hiện. Nhưng Người đã thấy cuộc đấu tranh anh hùng trên Tổ quốc thân yêu do Người lãnh đạo và tin tưởng vào thắng lợi trong tương lai…

Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp, thứ tiếng mà Người nói rất giỏi. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã có mặt trong cuộc gặp gỡ. Chúng tôi uống nước chè ướp hương sen không có đường, như sinh hoạt trong một gia đình bình dị nhất.

Người là chủ nhà, là chủ cả đất nước mà chỉ mặc bộ quần áo bà ba giản dị, chân đi đôi dép cao su không tốt. Bắt gặp tôi đang chăm chú nhìn lọ hoa hồng – ở đây hoa được coi là sự chúc mừng đối với Tổ quốc tôi – Người nói bằng lời nói dễ hiểu rằng trong mọi hoàn cảnh, Người vẫn được lọ hoa hồng đặt lên bàn làm việc. Chỉ có sự hà khắc trong nhà tù mới tước mất thói quen đó của Người. Lúc này tôi mới nhận thấy hết ý nghĩa những bông hoa hồng nảy nhụy, tỏa hương trên chiếc cầu nối liền hai nước xa xôi chúng ta là như thế nào.

Người hỏi tôi đã đi thăm những nơi nào ở Việt Nam. Người vui mừng khi biết tôi đã được vào thăm Khu Bốn, một vùng bị ném bom, bắn phá ngày đêm, để tận mắt thấy lòng dũng cảm kinh ngạc của những con người bình thường. Người sửa cho tôi phát âm chữ “Thanh Hóa” và giải thích thêm ấm thứ hai “hoa”, ví dụ như “hoa” hồng. Tôi không thể tìm cách lặp lại đúng phát âm của chữ “hóa”. Người lưu ý tôi về nhạc điệu của tiếng Việt Nam, vạch vào không khí những bậc, những nốt và chỉ dẫn cho tôi cách lên xuống giọng và những âm nào cần phải nói như hát.

Phải là một nhà thơ thực thụ mới có thể cảm thấy đúng từng thanh điệu chi tiết như vậy trong tiếng nói của dân tộc mình.

(Bla-ga Đi-mi-trô-va, trong Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh, NXB Thanh niên, Hà Nội, 1985)

HỒ CHÍ MINH – TINH HOA CỦA GIỐNG NÒI

Hồ Chí Minh là sản phẩm trong sáng nhất của giống nòi. Cụ Hồ là tinh hoa của trăm đời để lại. Vì sao chúng ta cảm động không nói được nên lời, khi nhìn thấy Hồ Chủ tịch? Vì sao dân chúng thấy mặt cụ như con thấy mẹ, sung sướng giơ hai tay mừng đón, ai nấy mặt mày hớn hở, trong lòng thỏa thuế? Há chẳng phải vì Hồ Chủ tịch kết tinh được muôn cái gì hay đẹp nhất của mỗi người Việt Nam, há chẳng phải vì Cụ Hồ là hiện thân của dân tộc?

Từ vầng trán cao, đôi mắt sáng, từ chòm râu hòa nhã của phương Đông, từ nụ cười bất hủ của người Việt, từ vẻ mặt, từ dáng người của Chủ tịch, chẳng những tỏa ra một sức tinh anh, mà còn chan hòa một niềm đức độ. Cái đức độ ấy là truyền thống của giống nòi Việt Nam, một nòi giống lấy lòng thương người làm đầu, mấy nghìn năm không thích sự giết người, đi đánh giặc bắt được tù binh bao giờ cũng ưu đãi. . Cái đức độ của Hồ Chủ tịch quây quần được tất cả mọi người tầng lớp dân chúng, làm họ gần gũi nhau; đức độ ấy cảm kích đồng bào miền núi; đức độ ấy gọi về tổ chức những kẻ đi lầm đường.

Dân chúng đã nói tất cả khi họ nói Cụ Hồ là cha của dân tộc. Trong cái Nhà Việt của tổ tiên để lại, mới sửa chữa xinh tươi, cụ Hồ gọi tất cả các con, các cháu. Từ người nghèo đến người giàu, từ người giỏi đến người kém, từ người nghĩ ý này đến kẻ theo hướng khác, Cụ Hồ đều liên kết không sót một ai. Và dưới ánh mắt của mặt cụ, trong điện lực của lòng cụ, cái Nhà Việt được trên thuận dưới hòa, các tôn giáo, các dân tộc, các giai cấp đại đoàn kết với nhau, trông theo ngôi sao vàng kêu gọi độc lập, tự do hạnh phúc.

(Trích Xuân Diệu – 1947)

CỎ DẠI 

Có người hỏi, trên đời cái gì khỏe nhất? Câu trả lời rất khác nhau. Có người nói đó là “con voi”, có người nói đó là “sư tử”, có người nói đùa, đó là “kim cương”. Kim cương “khỏe” như thế nào, không ai biết.

Các câu trả lời ấy đều không đúng. Khỏe nhất trên đời là hạt giống thực vật. Cái sức mạnh mà một hạt giống có thể tỏa ra được quả thật là vượt qua tất cả!

Bạn đã nhìn thấy cây măng mọc lên chưa? Bạn đã nhìn thấy một cọng cỏ bé nhỏ mọc lên từ đống gạch vụn chưa? Vì hướng về mặt trời, vì thực hiện cái ý chí sống của chính nó, mà bất kể hòn đá đè nặng lên bao nhiêu, đá chen nhau khít như thế nào, nó cũng cứ quanh co len | lỏi, quật cường, chọc thủng mặt đất, rễ của nó khoan sâu vào ruột đất, mầm của nó vươn lên trên mặt đất. Đó là sức mạnh không thể nào kháng cự được. Hòn đá đè nó xuống cuối cùng bị ngả nghiêng. Sức mạnh của hạt giống khỏe đến như thế đấy.

Không ai gọi ngọn cỏ bé nhỏ là “đại lực sĩ”. Nhưng sức mạnh của nó quả thật là vô địch trên đời. Sức mạnh đó là sức sống mà mọi người nói chung không ai nhìn thấy. Chỉ cần có sức sống, thì sức sống ấy sẽ hiện ra. Hòn đá phía trên, không thể nào ngăn cản được, bởi vì đó là một sức mạnh kháng cự trường kì, có sức đàn hồi, là sức mạnh có thể co, có thể duỗi, là sức mạnh bền dai, không đạt mục đích thì không ngừng nghỉ.

Hạt giống không được gieo vào miếng đất màu mỡ mà rơi vào đám đất đá, hạt giống có sức sống quyết sẽ không bi quan, than thở, bởi vì có trở ngại mới có sự luyện rèn, cái ngọn cỏ ngay từ giây phút sự sống, bắt đầu đã mang theo đấu tranh mới là ngọn cỏ ngoan cường. Cũng chỉ có những ngọn cỏ như thế mới có thể ngạo nghễ cười với . những chậu hoa hồng trong nhà kính.

Hạ Diễn

(Trần Đình Sử dịch)

Bình luận về câu trả lời của Mác với con gái: 

 “- vị anh hùng mà cha yêu thích?

 – Xpác-tác, Kêpơle”.

Ở đây việc chọn lựa không phải dễ dàng. Thời đại nào, dân tộc, nào cũng đều có những nhân vật đầy khí phách anh hùng, được mọi người ngưỡng mộ. Các nhà văn vĩ đại cũng đã xây dựng nên biết bao nhân vật cao quí, nêu gương sáng và đem lại niềm tin vào lẽ phải cho nhiều thế hệ. Chọn lấy vị anh hùng yêu thích nhất trong những anh hùng ấy không phải là một chuyến đơn giản.

Mác đã chọn Xpác-tác và Kêpơle.

Ông yêu thích những con người thực hơn những nhân vật tiểu thuyết. Ông nêu tên những người đã đáp ứng lí tưởng đạo đức của ông trong cuộc sống, những người hoàn toàn hiến dâng cho cuộc đấu tranh vì chân lí và tự do.

Lựa chọn Xpác-tác và Kêpơle, Mác như muốn nói rằng: “Có được tất cả những phẩm chất tốt đẹp của con người, điều đó tất nhiên không phải dễ dàng. Không dễ dàng nhưng có thể làm được. Chỉ cần nhìn kĩ vào hai con người đã mãi mãi để lại dấu vết cao quý của mình trên trái đất này là đủ rõ. Chỉ cần nhìn vào hai người trong muôn ngàn người. Đó không phải là những nhân vật bịa đặt. Họ đã sống thật sự. Tại sao lại không thể giống được như họ?”.

XPÁC-TÁC

Hơn nửa thế kỉ trước, các xã viên và học viên trẻ tuổi trường bổ túc công nhân, các học sinh và sinh viên ở Liên Xô thường hát vang một bài ca do nhà thơ trẻ Mikhain Xvétlốp soạn lời:

Hãy cầm vũ khí! 

Lên ngựa, tuốt gươm!

Không hầu hạ nữa

Các ngài cao sang!

Dù cho lửa đỏ

Thiêu cháy thân mình!

Chúng ta chẳng sợ

Đốt cháy thành Rôm!

Qua đêm tối, qua đói lạnh, qua thời gian

Dẫn chúng ta đi, dũng cảm lên, Xpác-tác!

Ta những con người

Tự do say đắm.

Dưới ánh mặt trời

Mọi người bình đẳng.

Trống nổi lên rồi.

Hi sinh chẳng ngại.

Lũ quí tộc Rôm,

Ta quyết đánh bại.

Qua đêm tối, qua đói lạnh, qua thời gian

Dẫn chúng ta đi, dũng cảm lên, Xpác-tác!

Con người luôn luôn vươn tới tự do. Nhưng tự do không bao giờ tự nhiên đến với con người. Tự do chỉ đến với những ai biết đấu tranh cho nó. Sống mòn mỏi một cách đáng thương hại chính là số phận của những kẻ hèn nhát, chỉ biết cúi đầu. Goóc-ki đã viết đầy vẻ khinh bỉ; “Còn anh sống tuy rằng trên mặt đất, mà như giun, như dế mù lòa: Cuộc đời anh sẽ chẳng ai thèm nhắc, sẽ chẳng ai buồn nghĩ đến ngợi ca”.

Còn về Xác-tác, người ta đã viết hàng trăm truyện, đã hát hàng ngàn bài ca. Xpác-tác là người đầu tiên trong lịch sử đã đưa những con người bị vùi dập vào một cuộc đấu tranh giành lấy quyền làm người của mình. Đó chính là nguyên nhân vì sao mà Xpác-tác đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho tranh đấu và tự do.

Người chăn cừu phóng khoáng vùng núi Ban căng ấy bị bọn La Mã bắt đem bán làm nô lệ. Thật bất hạnh, Xpác-tác là một người cao lớn, khỏe mạnh, đẹp và nhanh nhẹn. Đối với những người như vậy, người ta không giết mà cũng không dùng để kéo cày. Họ phải chịu một kiểu hành hình kéo dài và tinh vi.

Từ lâu bọn cầm đầu nhà nước La Mã biết rằng nếu người ta no bụng và “no mắt” thì sẽ dễ thống trị. Để làm vui mắt cho đám người khát máu, hàng ngàn sư tử, voi đã chết gục trên đấu trường trong những trận đấu lớn. Nhưng mãi rồi cũng chán. Người ta nghĩ ra trò để người đấu với người. Như vậy vừa hay lại vừa rẻ gấp hàng ngàn lần.

Những người nô lệ rẻ mạt phải đâm chém nhau để làm vui mắt đám đông. Một cái chết như vậy đang chờ đợi Xpác-tác.

Xpác-tác có đủ thông minh và nhanh nhẹn để trốn khỏi trường đào tạo những đấu sĩ nô lệ, do đó mà thoát chết. Nhưng người anh hùng đã thuyết phục cả hai trăm người nô lệ bất hạnh như mình cùng trốn. Họ trốn không phải là để thoát khỏi nanh vuốt lũ chó săn hung dữ của nhà nước La Mã “tự do”, mà là để đấu tranh cho tự do.

Tiếng nói của Xpác-tác đã vang đến mọi hang cùng ngõ hẻm trên đất nước La Mã. Hàng vạn nô lệ đứng lên hưởng ứng lời kêu gọi tha thiết của vị chỉ huy. “Nếu các bạn tự cho mình là những con vật thì các bạn cứ việc chờ lưỡi dao của bọn đồ tể, còn nếu các bạn coi mình là người thì hãy đứng lên theo tôi… Tại sao các bạn lại cứ phải khom lưng quỳ gối như những con vật như vậy? Các bạn! Những con người tự do! Nếu phải đánh nhau thì chúng ta sẽ đánh nhau với những kẻ áp bức chúng ta. Nếu phải chết thì chúng ta sẽ chết dưới bầu trời tự do.Xông vào cuộc đấu tranh sinh tử vì tự do còn hơn là chịu chết trên đấu trường làm trò giải trí cho kẻ thù”

Có mấy ai lại muốn chết một cách “đẹp đẽ” trong tiếng cười reo của đám đông điên rồ. Hàng ngũ của Xpác-tác ngày một đông đảo. Doanh trại của họ trên núi Vêduyvợ không còn là chuyện đùa đối với bọn La Mã nữa, mặc dù bọn này từ lâu vẫn coi thường “đội quân nô lệ”.

Từ phòng thủ chuyển sang tấn công, đội quân của Xpác-tác đã tiêu diệt nhiều đơn vị quân đội thù địch gặp trên đường và ngày càng tiến sâu về phía nam, thu nạp thêm hàng ngàn chiến sĩ mới. Những người vốn xưa kia là nô lệ nay rất vui mừng, còn bọn chủ nô thì run sợ. Một quốc gia tự do được thành lập ở miền Nam nước Ý, một quốc gia khẳng định “quyền thân ái anh em lao động và hòa bình” như Xpác-tác nói trong lời kêu gọi những người cùng khổ.

Những người sống trong thời đại đó đã phải kinh ngạc trước việc những kẻ hôm trước còn bị coi như súc vật, hôm nay lại đang đánh thắng quân đội La Mã hùng mạnh vào loại nhất thế giới. Họ không hiểu rằng những người nô lệ ấy đang đấu tranh cho tự do của chính mình.

Tuy vậy, Xpác-tác cũng biết rằng mình không đủ sức để giành thắng lợi hoàn toàn. Người anh hùng chỉ muốn giải phóng tất cả nô lệ ở nước Ý, tiến lên phía Bắc, vượt dãy Anpơ, xây dựng một nước Cộng hòa tự do, mở rộng cửa đón tất cả những người bị áp bức, một nước Cộng hòa ở đó mọi người đều sống tự do và làm nên hạt lúa bằng sức lao động của mình.

Nhưng các chiến sĩ đang quá say sưa với thắng lợi đã không hài lòng với kế hoạch của Xpác-tác. Họ không muốn làm việc mà muốn thống trị. Họ không ra sức để tiêu diệt cảnh nô lệ mà lại ra sức bắt nô lệ. Đáng lẽ ước mơ tự do lao động thì họ lại mơ tự do bóc lột. Đáng lẽ cần phải có tự do cho mọi người thì họ lại chỉ cần tự do cho bản thân mình.

Riêng Xpác-tác trước sau vẫn trung thành với sự nghiệp của mình, với lí tưởng cao quý: công bằng và tự do cho tất cả mọi người.

Nhưng cuộc đời của Xpác-tác chẳng còn được là bao. Tên chủ nô hung bạo Mác Cơrátxơ, một tên La Mã cho vay lãi hết sức giàu có, đã tự nguyện đứng ra đánh lại Xpác-tác. Căm thù những người khởi nghĩa, Cơrátxơ mặc dù đã bị thất bại trong một số trận đánh vẫn giữ sĩ diện không chờ đến sự giúp đỡ của đội quân đánh thuê Pômpêi ở Tây Ban Nha. Trước khi bước vào trận đánh cuối cùng, Xpác-tác đã nói với các chiến hữu của mình lời chia tay: “Sự nghiệp của chúng ta là thiêng liêng và chính nghĩa, nó sẽ không mất đi cùng với cái chết của chúng ta…Tuy hi sinh chúng ta vẫn sẽ để lại cho con cháu ngọn cờ tự do và công bằng nhuốm máu của chúng ta…”.

Trong trận đánh, có chiến sĩ dắt ngựa đến giục Xpác-tác chạy trốn. Người anh hùng đã từ chối. Bị giáo đâm trúng đùi, Xpác-tác vẫn quỳ nấp sau tấm khiên tiếp tục chiến đấu. Người anh hùng ấy đã hi sinh trong trận đánh bên cạnh các chiến hữu của mình đúng như một vị chỉ huy. Người ta đã không tìm thấy thi hài của Xpác-tác.

Đúng là Xpác-tác đã tiên đoán, sự nghiệp thiêng liêng và chính nghĩa của người anh hùng đã không mất đi với cái chết của ông. Tên tuổi người anh hùng cũng không bị quên lãng. Hàng ngàn người cha, người mẹ đã lấy tên Xpác-tác để đặt cho con mình. Tên người anh hùng cũng đã trở thành tên phố, tên công viên, tên sân vận động và quảng trường của biết bao thành phố. Không có một ngành nghệ thuật nào là không xây dựng hình tượng Xpác-tác. Những ngày hội “Khỏe” của thanh niên được gọi là “Xpác-tác kiát” cũng chính là để kỉ niệm ông.

Các chiến sĩ Garibanđi, những người cách mạng dũng cảm của nước Ý đã từng giương cao ngọn cờ khởi nghĩa trong thế kỷ trước, cũng đã tự coi mình là những người kế tục sự nghiệp của Xpác-tác. Một trong những chiến sĩ Garibanđi là Raphi en Giôvaniôli đã viết một cuốn tiểu thuyết xuất sắc về Xpác-tác, cuốn sách đó là cuốn sách yêu thích của nhiều thế hệ thanh niên.

Khi những người công nhân cách mạng nước Đức thành lập Đảng Cộng sản của mình, họ cũng gọi tổ chức của họ là Xpác-tác.

Như vậy Xpác-tác vẫn sống với chúng ta, kề vai sát cánh với chúng ta đấu tranh cho tự do và chính nghĩa. Mãi mãi sau này cũng vậy, vì người anh hùng bao giờ cũng là bất tử.

Và mặc dù bài ca về các chiến sĩ Xpác-tác được.viết hai nghìn năm sau cái chết bi thảm của họ, tôi vẫn nghe như họ đang hát bài ca ấy một cách hân hoan, vui vẻ, tràn đầy niềm tin vào thắng lợi.

Ta chịu đã lâu

Cái nhục nô lệ

Im lặng cúi đầu

Giờ đây không thể

Dù cho cái chết

Đợi chờ ngày đêm,

Đi tới hạnh phúc

Lòng ta vẫn tin.

Qua đêm tối, qua đói lạnh, qua thời gian,

Dẫn chúng ta đi, dũng cảm lên, Xpác-tác!

KÊ POLE

Con người điềm đạm, dè dặt nhìn cuộc đời một cách âu yếm với đôi mắt màu tro, dưới hàng lông mày dài ấy thật chẳng giống người chiến sĩ chút nào.

Ông không tham dự các cuộc chiến đấu và cũng không cầm đầu quân khởi nghĩa. Mãi đến cuối đời mình, ông mới nhìn thấy bộ áo giáp của người lính tại một nơi dừng chân hạ trại của quân đội.

Ngay trong những cuộc tranh luận, ông cũng không hăm hở bảo vệ những tư tưởng của mình.

Thế mà ông lại là một chiến sĩ, một người lính thực sự.

Bởi vì trung thành với chân lí, giữ vững lòng tin, tiến tới mục đích của mình bất kể mọi khó khăn trở ngại, hi sinh hạnh phúc riêng và những niềm vui nhỏ mọn mà mọi người vẫn thường thiết tha cũng chính là đấu tranh. Đấu tranh một cách không ồn ào, khoa trương.

Vinh quang của Côpecních và Galilê có phần nào làm lu mờ vinh quang của Kêpơle và vô tình đã đẩy Kêpơle xuống hàng thứ hai.

Tranh luận xem ai là người “vĩ đại hơn” và “quan trọng hơn” là một việc làm ngu ngốc. Con đường khoa học không phải là con đường của những lực sĩ chạy thi: ở đây không có chuyện nhất, nhì và cũng không có chuyện thắng, bại. Bất kể một khám phá khoa học chân chính nào cũng đều “quan trọng” vì đó chính là một bước tiến xa hơn nữa trên con đường nhận thức thế giới, nghĩa là trên con đường tiến bộ của nhân loại. Như vậy, vấn đề không phải ở chỗ ai cao hơn. Mỗi người đều cao theo vẻ riêng của mình.

Nhưng tại sao Mác lại gọi Kệpơle là vị anh hùng yêu thích của mình? Một nhà vật lí học nổi tiếng cho rằng có lẽ là do Mác đã khâm phục tư tưởng dũng cảm và tính chất táo bạo của những điều tiên đoán đầy sáng tạo của Kêpơle.

Có thể là như vậy. Kếpole chính là người đã đưa ra ý kiến thiên tài cho rằng thủy triều phụ thuộc vào lực hấp dẫn giữa mặt trăng và trái đất. Ông đã tìm ra những định luật nổi tiếng của mình và chúng đã trở thành những hiểu biết cơ bản của môn cơ học thiên thể. Các định luật của Kêpơle cho phép xác định trước một cách hoàn toàn chính xác vị trí của một hành tinh vào bất kì thời điểm nào và định rõ được đường vận hành của nó trên bầu trời. Giờ đây, chỉ cần biết rõ khoảng cách từ một hành tinh đến mặt trời là các nhà bác học đã có thể xác định được khoảng cách từ mặt trời đến tất cả các hành tinh khác. Chính là Kêpơle chứ không phải ai khác đã chứng minh rằng các hành tinh quay xung quanh mặt trời theo đường elíp và hoàn toàn không phải với một vận tốc đều đều như Cô pécních đã tưởng.

Do những phát minh đó, ông đã được các bạn đồng nghiệp phong cho danh hiệu “Người vạch qui luật cho bầu trời” và tên gọi ấy vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay. Trong thế kỉ vũ trụ của chúng ta, tên tuổi ông được nhắc đến một cách kính trọng và biết ơn như tên tuổi của người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho tòa lâu đài vĩ đại của ngành du hành vũ trụ.

Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng không phải vì thế và cũng không phải chỉ có như vậy mà Mác đã coi Kêpơle là vị anh hùng yêu thích của mình.

Trong lịch sử đã từng có biết bao nhà bác học vĩ đại có những tư tưởng “kinh thiên động địa”. Trong lịch sử cũng đã có hàng trăm phát kiến thiên tài mà mỗi phát kiến lại là một trang chói lọi của khoa học. Nhưng Kêpơle không phải là nhà bác học của Mác yêu thích, mà là nhân vật anh hùng mà Mác yêu thích, nghĩa là trước hết Kêpơle là con người mà Mác yêu thích.

Mác chọn Kêpơle không phải vì những thành tích khoa học mà vì phẩm chất con người của ông.

Vì vậy, chúng ta phải đi vào, mặc dù chỉ là lướt qua cuộc đời đầy bi thảm của Kêpơle – cuộc đời của một người chịu đau khổ, cuộc đời của một anh hùng.

Số phận tưởng chừng như đã xô đẩy Kêpơle đến chỗ phải quy hàng, phải quỳ gối.

Ngay từ khi còn nhỏ, chẳng những Kêpơle đã phải chứng kiến cái, cảnh cha mẹ cãi cọ, đánh lộn lẫn nhau, hành hạ súc vật, to tiếng với khách hàng, gian lận tiền của họ mà cậu còn bị cha mẹ lôi kéo cả vào .. những chuyện bẩn thỉu đó.

Cậu bé Kêpơle đã rụt rè lại ốm yếu. Những vết lở loét ở tay chân, chứng đau đầu, những cơn sốt liên miên hành hạ cậu. Cha mẹ chẳng chăm lo gì đến chữa bệnh cho cậu và Kêpơle đã phải chịu bệnh tật suốt đời. Cha mẹ Kêpơle cũng không coi trọng học thức. Cuộc sống trong gia đình thật đơn điệu và ảm đạm chẳng khác những ngày mưa dầm. Mục đích cuộc sống của gia đình ấy là đồng tiền. Điều chủ yếu là kiếm ra tiền. . Cậu bé phải phục vụ cho những khách uống rượu say mềm trong quán hàng của ông bố và lao động đến kiệt sức ngoài đồng ruộng. Rồi đến đêm lại đem sách ra đọc dưới ánh sáng của ngọn nến leo lét.

Không gì có thể ngăn cản Kêpơle học tập. Danh vọng của một vị linh mục cũng không làm cho người thanh niên ấy say mê, mặc dù Kêpơle đã tốt nghiệp trường dòng và sau đó lại tốt nghiệp Viện thần học ở Tuybinghen. Người bố đành phải nghiến răng lại một cách cắm tức mà buông thả đứa con ốm yếu, “vô tích sự” của mình mặc ý đi vào con đường của giới trí thức.

Thời đó, các viện thần học cũng dạy cả những khoa học “trần tục”, trong đó có toán học. Giảng viên Mextolin ở Viện thần học Tuybinghen đã làm cho Kệpơle say mê với các khoa học chính xác. Sau khi tốt nghiệp Viện thần học, Kêpơle đã đi vào con đường đó với cương vị của một “giáo sư toán học và luân lí” một danh hiệu mà ngày nay ta nghe thật ngộ, ở thành phố Gơrátxơ. Nhưng nghề nghiệp ấy cũng chẳng hứa hẹn đem lại cho ông sự yên tĩnh và tiền tiêu. Ông phải kiếm sống bằng cách sản xuất những cuốn lịch hồi đó bán rất chạy. Trong những cuốn lịch ấy là bản đồ các vì tinh tú mà người ta căn cứ vào để tiên đoán số mệnh cho từng người.

Tất nhiên, Kêpơle phải nghe không biết bao nhiêu điều ra tiếng vào, khiến ông buộc lòng phải tủi nhục mà biện bạch cho cảnh nghèo nàn của mình. Nhưng có gì mà tủi nhục? Ông đã làm việc đó một cách chính đáng. Kêpơle nói: “Để cho người đi tìm chân lí có thể yên tâm hiến dâng cho sự nghiệp, thì ít ra người ấy phải có cái ăn, chốn ở. Nếu chẳng có gì cả thì sẽ nô lệ vào mọi chuyện, và đó là điều chẳng ai muốn…”.

Ngay từ khi còn trẻ, Kêpơle đã là nạn nhân của lòng cuồng tín tôn giáo. Cuộc đấu tranh giữa những người công giáo và những người ngoại đạo ở châu Âu ngày một gay gắt. Là một người ngoại đạo, Kêpơle đã nhiều lần “được” người ta khuyên nên theo đạo để cuộc đời dễ chịu hơn. Kêpơle từ chối. . Ông đã phải trả giá đắt cho những “nguyên tắc” của mình. Kêpơle bị đuổi việc và lang thang hết thành phố này đến thành phố khác để kiếm sống. Trong những ngày ấy, vợ con đã dũng cảm chia sẻ cùng ông những khó khăn, thiếu thốn.

Thế rồi hạnh phúc cũng đến với ông: Kêpơle được nhận vào giúp việc cho nhà bác học xuất sắc Ticô Brahê. Nhà bác học này là một người bị trục xuất khỏi Tổ quốc và tìm được chỗ đứng ở Praha với chức vụ “nhà chiêm tinh hoàng gia”.

“Nhà chiêm tinh hoàng gia” nghe ra thật là kêu! Sau khi Brahê qua đời. Kêpơle đã thay ông trong chức vụ y và biết rằng đó chẳng qua chỉ là một cái chiêu bài lòe loẹt. Chẳng ai cần đến ông, chẳng ai quan tâm đến số phận của ông, thậm chí người ta cũng quên cả trả lương cho ông nữa! Nhà vua và các vị quý tộc chẳng ai thiết gì đến khoa học…

Thật lạ lùng, một con người đã phải chịu đựng hàng chục năm nghèo đói, bị phỉ báng và xua đuổi, lại vẫn giữ được khả năng làm việc kì diệu đến như vậy: ngay khi còn sống ông đã cho ra đời bốn mươi lăm tác phẩm khoa học và mỗi tác phẩm đều mang dấu ấn của thiên tài! Sau khi qua đời, ông còn để lại rất nhiều bản thảo có thể tập hợp in thành tám tập lớn!

Nhưng Kêpơle không phải chỉ giữ được sức làm việc. Ông còn giữ được cả lòng vui tươi, cởi mở, hào hiệp nữa. Ông sáng tác những bài thơ dí dỏm, duyên dáng. Tuy nghèo, ông vẫn không tính toán từng xu mà rất sẵn lòng hào phóng giúp đỡ những người gặp cảnh không may, hoặc góp tiền tổ chức những bữa tiệc vui nhỏ. Lời nói, tiếng cười ồn ào không cản trở ông mà trái lại còn giúp ông làm việc thoải mái hơn…

Ông muốn cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ một số ít nhà thông thái, hiểu biết thiên văn học. Với mục đích ấy, ông đã viết một cuốn tiểu thuyết về những cư dân trên mặt trăng và trở thành một trong những người sáng lập ra ngành khoa học viễn tưởng rất được yêu thích hiện nay.

Ông viết không phải cho một nhóm độc giả chọn lọc. Ông không thích ngôn ngữ khô khan của Ơclít mà cũng không ưa ngôn ngữ hoa mĩ của Ácsimét. Ông muốn nói với quần chúng rộng rãi bằng thứ tiếng gần gũi, dễ hiểu với họ, bằng ngôn ngữ của nhân dân mình. Quả lê, quả táo, quả mận, quả chanh… là những thứ xa lạ với toán học nhưng lại thường được nhắc đến trong các tác phẩm của ông.

Ở Kêpơle lòng mong muốn đạt tới chỗ dễ hiểu đã kết hợp chặt . chẽ với đức tính khiêm tốn hiếm có, Ông luôn luôn nhắc đến lòng kính trọng của mình đối với Mextơlin. Ông không bao giờ bỏ qua những

thành công của người khác, dù đó là kẻ đối địch với mình. Khi thấy mình sai, ông không ngần ngại thú nhận. Chỉ có một điều không bao giờ ông ăn năn là ông đã phục vụ cho chân lí. .

Vinh quang đã đến với ông, tên tuổi của Kêpơle được các nhà bác học ở khắp châu Âu biết tới. Tuy nhiên điều đó vẫn chẳng giúp được ông thoát khỏi cảnh nghèo túng và hàng ngày phải nghe những lời | khuyên “sáng suốt” của “các vị có lòng tốt”. – Ông nhận được rất nhiều lời khen ngợi, ca tụng từ nước Anh, Đức, Ý gửi tới. Các trường đại học đều lấy làm vinh dự được nhận ông là người cộng tác của mình.

Nhưng ông chưa bao giờ có ý nghĩ muốn bỏ Tổ quốc để ra nước ngoài. Ngay cả những lúc khó khăn, nghèo khổ ông vẫn muốn sống cùng đất nước của mình. Ông chỉ đau khổ về nỗi ở nước ngoài người ta lại hiểu và đánh giá công cao hơn là ở trong nước.

Trong những năm cuối cùng của cuộc đời, Kêpơle còn phải chịu thêm một điều bất hạnh: mẹ ông bị kết tội là “phù thủy” chỉ vì bà không bao giờ khóc và khi nói chuyện với ai thì không thích nhìn thẳng vào mặt người đó. Chỉ riêng chuyện ấy cũng đủ để người ta buý vào tội chết “không đổ máu” tức là bị hỏa thiêu.

Kêpơle đã phải gửi thư đi khắp nơi cho những nhân vật có ảnh hưởng, chầu chực nơi hoàng gia quyền thế suốt năm năm ròng mới cứu được mẹ khỏi cái chết.

Đến lúc đó bọn thị dân lại muốn hãm hại ông. Đối với họ ông không phải là một nhà bác học mà chỉ là con của một mụ phù thủy. Để lánh nạn, ông lang thang hết nơi này đến nơi khác. Người ta nghĩ rằng ông đã phải hoàn toàn từ bỏ công việc của mình. Nhưng sau khi ông chết người ta lại tìm được bản thảo những công trình nghiên cứu toán học hết sức quý báu của ông viết đúng vào những năm này. Ong đã làm việc vào lúc nào, không ai có thể biết được.

Đã nhiều năm, nhà vua không trả lương cho “nhà chiêm tinh hoàng gia” của mình, và cuối cùng “nhà chiêm tinh” đã phải từ bỏ cái chức vụ cạo sang đó để đổi lấy chức vụ nhỏ mọn của một thầy giáo bình thường. Vừa đói vừa đau ốm, ông phải làm việc mười tám giờ một ngày để xây dựng những tác phẩm khoa học thiên tài.

Nhưng Kêpơle còn có nhiệm vụ đối với gia đình và ông đã phải làm thuê cho một hiệu sách. Ở đó nhà bác học có tên tuổi trên thế giới nhận công việc vẽ bản đồ địa lí để lấy tiền nuôi các con, mặc dù – chỉ bằng chút cháo loãng.

Công tước Valenxtanh trẻ tuổi muốn có một nhà bác học trong hàng ngũ hầu cận của mình và Kệpơle đã phải sống trong các trại lính. Nhưng dù ở đâu trong các trại lính, dưới mái lều dột nát, trên nền đất ẩm ướt hay trên yên ngựa hành quân, Kêpơle vẫn không lúc nào ngừng làm việc. Không thể nào lại không viết được.

Nhà bác học già nua, kiệt sức vì khổ cực và bệnh tật vẫn hi vọng nhận được một số tiền lương của những năm làm việc cho hoàng gia. Nhiều lần ông đã cưỡi ngựa vượt đường xa (tới bốn trăm kilômét mỗi lượt) để đến không phải van xin, mà là đòi số tiền lương của mình theo pháp luật đã định.

“Theo luật pháp” – nhà vua mỉm cười khi nghe Kệpơle nói câu đó. Thật khôi hài khi nhà bác học lại nhắc nhà vua về chuyện luật pháp và cuối cùng là nhắc đến những lời hứa của nhà vua. Đối với kẻ nắm quyền hành trong tay, luật pháp và lời hứa còn có ý nghĩa gì?….

Trong một chuyến đi như vậy, Kêpơle đã bị cảm và qua đời sau đó mấy ngày. Khi chết, ông để lại cho gia đình được tất cả… hai mươi xu.

Còn đối với loài người, ông đã để lại những phát kiến khoa học của mình, những phát kiến mà thiếu chúng thì chúng ta khó tưởng tượng ra được thế giới của chúng ta ngày nay, nền kĩ thuật ngày nay và nền văn hóa ngày nay.

(A.Vac-xbec)

Câu cách ngôn mà cha yêu thích?

“Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi”.

 

Câu cách ngôn La tinh cổ “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi” có ý nghĩa gì?

Cậu ấy là một công thức bóng bẩy nói lên lòng yêu đời, là tượng trưng của niềm vui trên mọi mặt của cuộc sống, là sự khẳng định hạnh phúc được sống làm người trên thế gian này. 

Những hồi ký của bà Nađiêgiơla Crúpxcaia đã làm sống lại hình ảnh sinh động, rất con người của Lênin. Theo lời bà, Lênin là người thích đi săn, bơi lội giỏi, trượt băng cừ. Đúng, Lênin là một nhà triết học, kinh tế học, một nhà cách mạng vĩ đại. Nhưng Lênin cũng là một con người và không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với Lênin. Đối với tất cả những con người chân chính đều là như vậy.

Ngay cả những nhược điểm thông thường của con người cũng không xa lạ với Lênin. Thí dụ, theo hồi ức của các bạn chiến đấu của Người, Lênin cũng có những lúc nổi nóng, tức giận và thậm chí có lúc không công bằng nữa. Người có thể sai lầm, nhưng khi phát hiện ra sai lầm, Người không ngần ngại thừa nhận và cố gắng sửa chữa một cách mau chóng.

Không ai có thể bảo đảm không mắc phải sai lầm. Ngay từ thời cổ xưa người ta đã biết điều đó. Xixêrông nói rằng: “Là người thì có sai lầm, chỉ có kẻ ngu xuẩn mới cố chấp sai lầm của mình mà thôi”. Điều đó là tất nhiên vì con người luôn luôn bị đặt vào những điều kiện, hoàn cảnh phức tạp không biết trước và phải quyết định tức thời.

Ngay cả “bộ óc” của những máy móc điều khiển học vô tri vô giác không hề chịu ảnh hưởng gì của tình cảm cũng còn có lúc chuệch choạc, huống hồ con người.

Con người có thể đi sai đường, có thể có những quyết định không đúng, có thể đánh giá sai lạc một sự kiện nào đó. Đôi khi có những chuyện nhỏ nhặt, không đáng kể.

Nhưng đôi khi con người phải trả giá đắt cho sai lầm. Mong sao cho điều đó đừng xảy ra. Con người càng sâu sắc, càng hay lắng nghe ý kiến người khác, và càng biết nhiều thì thường càng ít mắc sai lầm.

Nhưng nếu sai lầm đã xảy ra thì sao? Chế giễu người mắc sai lầm chăng? Nói xấu người đó chăng? Mắng mỏ, quở trách một cách thô lỗ người đó chăng? Làm như vậy là tàn ác, vô nhân đạo. Lênin đã nói rằng: “Chỉ có ai chẳng làm gì cả thì mới không mắc sai lầm”. Người còn nói thêm: “Người thông minh không phải là người không mắc sai. lầm. Không và có thể có những người hoàn toàn không mắc sai lầm… Người thông minh là người phạm sai lầm không trầm trọng lắm và biết mau chóng sửa chữa nó”.

Không một ai trên trái đất này có thể hiểu biết được tất cả. Đấy cũng là một đặc tính hết sức tự nhiên của con người. Vì những kiến thức do nhân loại tích lũy được là vô hạn, còn khả năng tiếp thu của mỗi người tiếc thay lại chỉ có hạn. Tất nhiên khả năng ấy ở mỗi người một khác, nhưng không ai có thể thật sự nắm được tất cả.

Vì vậy, nếu con người có điều kiện gì không biết thì cũng chẳng đáng ngạc nhiên. Trái lại, ai thành thật thú nhận điều đó, người ấy lại được mọi người tôn trọng. Được làm việc với những người có thể bộc bạch một cách chân thành cởi mở “Tôi không biết” thì dễ chịu biết bao so với phải  làm việc bên những người xét đoán một cách ngạo mạn kiêu căng về những điều mình làm hoàn toàn chẳng hiểu biết gì.

Xaađi, nhà thơ Ba Tư vĩ đại, kể lại rằng có lần người ta hỏi Gadaiti, một triết gia A Rập về chuyện ông làm thế nào mà đạt được trình độ thông thái đến thế. Gadali trả lời: “Vì tôi không xấu hổ khi hỏi những người khác về những điều mình không biết”. “

Cái đáng sợ không phải là thiếu hiểu biết mà là không muốn biết.

Con người còn có một đặc tính rất quan trọng nữa: biết hiểu người khác. Mỗi người đều có cách nhìn, ý thích thói quen riêng. Không thể nào khác được, vì người ta chẳng ai giống ai và đều có những đặc điểm cá nhân.

Có lẽ cuộc sống sẽ hết sức buồn tẻ nếu như bỗng nhiên tất cả mọi

người đều suy nghĩ hoàn toàn giống nhau, cùng thích một vật, cùng ghét một vật như nhau. Khi đó chúng ta có thể nói rằng con người đã biến thành những người máy không hồi và mất một tính chất hết sức quan trọng của con người là tính chất khác biệt.

Nếu như tôi không quan tâm gì đến hình thức bên ngoài, đến áo quần của mình, thì đây là việc của tôi. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi có quyền lên án những người khác thích mặc đẹp, hợp thời trang, vì đây là việc của họ.

Nếu như một người nào đấy không bao giờ vắng mặt một trận bóng đá nào thì điều đó hoàn toàn không có nghĩa là người ấy có thể lên ! án người khác thích nghe nhạc hơn xem bóng đá. Không thể xem ý thích. và thói quen của mình bắt người khác phải theo, hơn nữa còn nên tôn trọng ý thích và thói quen của người khác.

Một người khép chặt tâm hồn thì chỉ thấy có mình và người đó chỉ nhìn theo cách nhìn của mình. Chính vì thế đôi khi xảy ra những chuyện hiểu nhầm và có lúc người ta đã không sao hiểu được nhau, thông cảm được với nhau trong cuộc sống. . Khi nói không có gì thuộc về con người mà xa lạ với con người là chúng ta còn có ý nói rằng con người có thể có những lúc buồn phiền, bực bội, vấp váp, thất bại. Trong những giây phút ấy ta phải tế nhị, nhạy cảm và chú ý. Có những lúc chúng ta vô tình hay hữu ý đòi hỏi người khác một nụ cười tươi tỉnh trong khi người ta đang có một tâm tư buồn phiền.

Hiểu và thông cảm tâm trạng của người khác, đấy là một phẩm chất hết sức tốt đẹp. Đây cũng là phẩm chất của những người tốt và có tâm hồn nhiệt thành. Vì vậy, họ bao giờ cũng có nhiều người bạn thực sự là bạn.

Tính nín nhịn, ít nói là những phẩm chất tốt đẹp. Trái lại tính bồng bột, vội vàng không lấy gì làm đẹp. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là phải e dè sợ sệt đối với việc thể hiện những tình cảm hết sức tự nhiên của con người. Thí dụ một số người ngại chăm sóc bố mẹ, họ sợ làm như thế là cổ lỗ lỗi thời, ngại bộc lộ tình cảm yêu thương, dịu hiền và thiết tha làm việc tốt của mình, hoặc ngại bênh vực loài vật khi chúng bị trêu chọc dã man.

Mềm mỏng, dịu dàng, biết nhường nhịn và có thiện ý, những phẩm chất đó làm cho mối quan hệ giữa người và người thêm đẹp đẽ, nhân đạo. Chúng giúp đỡ chúng ta rất nhiều trong cuộc sống.

(A. vác-xbéc- “Những câu trả lời của Mác với con gái”)

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 9 Tập 2 – Bài 20: Tập làm văn: Viết bài làm văn số 5 – Nghị luận xã hội
Đánh giá bài viết