ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Kết cấu của Truyện Lục Vân Tiên theo kiểu truyền thống của loại truyện phương Đông, nghĩa là theo từng chương hồi, xoay quanh diễn biến cuộc đời các nhân vật chính:

Chuyện nàng sau hãy còn lâu,

Chuyện chàng xin nối thứ đâu chép ra…

[..] Đoạn này đến thứ Nguyệt Nga…

Truyện được viết ra nhằm mục đích trực tiếp là truyền dạy đạo lí làm người.

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe, 

Dữ răn việc trước lành dè thân sau.

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết lạnh là câu trau mình.

Đạo lí đó có thể thâu tóm ở mấy điểm sau:

– Xem trọng tình nghĩa giữa con người với con người trong xã hội: tình cha con, mẹ con, nghĩa vợ chồng, tình bè bạn, tình yêu thương cưu mang những người gặp cơn hoạn nạn.

– Đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khốn phò nguy (Vân Tiên đánh cướp, Hớn Minh “bẻ giò” cậu công tử con quan).

– Thể hiện khát vọng của nhân dân hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời (kết thúc có hậu của truyện: thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà).

Ở thời đại đó, chế độ phong kiến khủng hoảng nghiêm trọng, kỉ cương trật tự xã hội lỏng lẻo, đạo đức suy vi, một tác phẩm như thế đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, cho nên ngay từ lúc mới ra đời, Truyện Lục Vân Tiên đã được nhân dân Nam Bộ tiếp nhận nồng nhiệt.

Truyện Lục Vân Tiên cũng như các truyện truyền thống trong văn học Việt Nam: thường có kiểu kết cấu ước lệ, gần như đã thành khuôn mẫu. Người tốt thường gặp nhiều gian truân, trắc trở trên đường đời, bị kẻ xấu hãm hại, lừa lọc, nhưng họ vẫn được phù trợ, cưu mang (khi thì nhờ con người, khi thì nhờ các thế lực thần linh), để rồi cuối cùng đều tai qua nạn khỏi, được đền trả xứng đáng, kẻ xấu bị trừng trị. Đối với loại văn chương nhằm tuyên truyền đạo đức, kiểu kết cấu đó vừa phản ánh chân thực cuộc đời vốn đầy rẫy những sự bất công, vô lí, vừa nói lên khát vọng ngàn đời của nhân dân ta: ở hiền thì gặp lành, cái . thiện bao giờ cũng thắng cái ác, chính nghĩa thắng gian tà.

2. Hành động nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên trong đoạn trích gợi nhớ tới hoạt động của một nhân vật trong truyện cổ là chàng Thạch Sanh đánh đại bàng, cứu công chúa Quỳnh Nga.

– Lục Vân Tiên là một nhân vật lí tưởng của tác phẩm (thể hiện lí tưởng thẩm mĩ của tác giả về con người trong cuộc sống đương thời. Đây là một chàng trai vừa rời trường học bước vào đời (“tuổi vừa hai tám” tức là 16 tuổi), lòng đầy hăm hở, muốn lập công danh (“Danh tôi đặng rạng, tiếng thầy bay xa”), cũng mong thi thố tài năng cứu người, giúp đời. Gặp tình huống “bất bằng” này là thử thách đầu tiên, cũng là một cơ hội hành động. Điều này thể hiện ở hai tình huống hành động.

Hoạt động đánh cướp bộc lộ trước hết tính cách anh hùng, tài năng và tấm lòng vị nghĩa của Vân Tiên. Chàng chỉ có một mình, hai tay không trong khi bọn cướp đông người, gươm giáo đầy đủ, thanh thế lây lừng “Người đều sợ nó có tài khôn dương”. Vậy mà Vân Tiên vẫn bẻ cây làm gây xông vô đánh cướp. Hình ảnh Vân Tiên trong trận đánh được miêu tả thật đẹp – vẻ đẹp của người dũng tướng theo phong cách văn chương thời xưa, nghĩa là so sánh với những mẫu hình lí tưởng như dũng tướng Triệu Tử Long mà người Việt Nam, đặc biệt là người Nam Bộ – vốn mê truyện Tam Quốc – không mấy ai không thán phục!

Hành động của Vân Tiên chứng tỏ cái đức của con người “vị nghĩa vong thân” (vì việc nghĩa quên thân mình), cái tài của bậc anh hùng và sức mạnh bênh vực kẻ yếu, chiến thắng những thế lực bạo tàn.

Thái độ cư xử của Kiều Nguyệt Nga sau khi đánh cướp lại bộc lộ tư cách con người chính trực, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, cũng rất từ . tâm, nhân hậu. Thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng, Vân Tiên “động lòng” tìm cách an ủi họ “Ta đã trừ dòng lâu la” và ân cần hỏi han. Khi nghe họ nói muốn được lạy tạ ơn, Vân Tiên vội gạt đi ngay “Khoan khoan ngồi đó chở ra..” Ở đây có phần câu nệ của lễ giáo (nam nữ thụ thụ bất thân – đàn ông và đàn bà xưa trao và nhận cái gì của nhau không được dùng tay mà trao, ý nói không được gần gũi, động chạm vào nhau, nhưng chủ yếu là do đức tính khiêm nhường của Vân Tiên “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Chàng không muốn nhận cái lạy tạ ơn của hai cô gái, từ chối lời mời về thăm nhà của Nguyệt Nga, để cha nàng đền đáp, và ở đoạn sau, từ chối nhận chiếc trâm vàng của nàng, chỉ cùng nhau xướng họa một bài thơ rồi thanh thản ra đi, không hề vấn vương. Dường như đối với Vân Tiên, làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên, con người trong nghĩa khinh tài ấy không coi đó là công trạng. Đó là cách cư xử mang tinh thần nghĩa hiệp của các bậc anh hùng hảo hán.

Với những nét tính cách đó, hình ảnh Lục Vân Tiên là một hình ảnh đẹp, hình ảnh lí tưởng mà Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm niềm tin và ước vọng của mình.

3. Những nét đẹp tâm hồn của Kiều Nguyệt Nga: “

Trước hết, đó là lời lẽ của một cô gái khuê các, thùy mị, nết na, có học thức: cách xưng hô: “quân tử”, “tiện thiếp” khiêm nhường; cách nói năng văn vẻ, dịu dàng, mực thước (“Làm con đâu dám cãi cha”, “Chút tôi liễu yếu đào thơ, Giữa đường lâm phải bụi dơ đã phần”), cách trình bày vấn đề rõ ràng, khúc chiết, vừa đáp ứng đầy đủ những điều thăm hỏi ân cần của Lục Vân Tiên, vừa thể hiện chân thành niềm cảm kích, xúc động của mình:

Trước xe quân tử tạm ngồi,

Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa. 

– Nguyệt Nga là người chịu ơn, lại là một cái ơn trọng, không chỉ là ơn cứu mạng, mà còn cứu cả cuộc đời trong trắng của nàng (đối với người con gái, điều đó còn quý hơn tính mạng):

Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,

 Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.

Nàng thấy rất áy náy, băn khoăn tìm cách trả ơn chàng, đủ hiểu . rằng có đền đáp đến mấy cũng là chưa đủ:

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi

Bởi thế, cuối cùng nàng đã tự nguyện gắn bó cuộc đời với chàng trai khảng khái, hào hiệp đó, và đã dám liều mình để giữ trọn ân tình, thuỷ chung với chàng.

Nét đẹp tâm hồn đó đã làm cho hình ảnh Kiều Nguyệt Nga chinh phục được tình cảm yêu mến của nhân dân, những con người bao giờ cũng rất xem trọng ơn nghĩa “ơn ai một chút chẳng quên”.

4. Nhân vật trong đoạn trích được miêu tả qua hoạt động, cử chỉ, lời nói. Nhân vật ở đây thường được đặt trong những mối quan hệ xã hội, trong những tình huống, những xung đột của đời sống rồi bằng hành động cử chỉ, lời nói của mình, nhân vật tự bộc lộ tính cách và chiếm lĩnh tình cảm yêu hay ghét của người đọc, người nghe. Thêm vào đó, nhiệt tình ngợi ca hay phê phán của tác giả cũng làm cho nhân vật trở nên sống động, để lại những ấn tượng khó quên.

5. Nhận xét về ngôn ngữ của tác giả trong đoạn thơ:

– Ngôn ngữ mộc mạc, bình dị, gần với lời nói thông thường và mang màu sắc địa phương Nam Bộ. Nó có phần thiếu trau chuốt, uyển chuyển nhưng lại phù hợp với ngôn ngữ người kể chuyện, rất tự nhiên, dễ đi vào quần chúng.

– Ngôn ngữ thơ đa dạng, phù hợp với diễn biến tình tiết: lời lẽ mộc mạc, nhất là ở đoạn đầu – trong lời đối thoại giữa không khí cuộc chiến đang sôi sục, một bên là lời Vân Tiên đây phẫn nộ, một bên là lời tên tướng cướp hống hách, kiêu căng. Đến đoạn đối thoại giữa Vân Tiên và Nguyệt Nga thì lời lẽ mềm mỏng, xúc động, chân thành.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 9 Tập 1 – Bài 8: Văn bản: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích Truyện Lục Vân Tiên)
5 (100%) 1 vote