I. Đề bài tham khảo 

1. So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều được thể hiện trong đoạn trích: “Đầu lòng hai ở tố nga… Tường đông ong bướm đi về mặc ai”.

2. Giữa Nguyễn Khuyến và Tú Xương có nỗi niềm tâm sự giống nhau nhưng giọng thơ khác nhau, em hãy làm rõ ý kiến trên.

3. Vẻ đẹp của hình tượng người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu.

4. Những cảm nhận sâu sắc của anh (chị) qua tìm hiểu cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.

II. Gợi ý làm bài

Đề 1. Các ý cần làm rõ:

– So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều, Nguyễn Du đã tả Thúy Vân bằng những câu thơ:

                        Vân xem trang trọng khác vời,

               Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.

                        Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

               Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

   Vẻ đẹp của Thúy Vân là vẻ đẹp đoan trang, phúc hậu. Nó là vẻ đẹp của sự hài hòa và dung hòa được với thế giới xung quanh.

– Vân đã đẹp, Kiều càng đẹp hơn:

                            Kiều càng sắc sảo mặn mà,

                      So bề tài sắc lại là phần hơn:

                           Làn thu thủy, nét xuân sơn,

                     Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

                           Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

                     Sắc đành đòi một tài đành họa hai.

   Thúy Kiều không chỉ rất đẹp mà còn rất tài hoa: giỏi thơ, giỏi hoa, gi đàn… và tâm hồn lại đa sầu đa cảm, thường tìm đến những khúc ca ai oán:

                           Khúc nhà tay lựa nên chương,

                     Một thiên “bạc mệnh” lại càng não nhân.

– Tả Thúy Kiều và Thúy Vân, Nguyễn Du chịu ảnh hưởng bởi quan niệm tạo hóa hay ghen ghét với những người tài sắc (Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen). Qua cách miêu tả ấy, có thể thấy tài sắc của Thúy Kiều như báo trước một cuộc đời dữ dội đầy gian nan, trắc trở sau này. Đoạn trích này thể hiện kín đáo dụng ý nghệ thuật nêu trên của Nguyễn Du.

Đề 2. Các ý chính cần nêu:

– Nguyễn Khuyến và Tú Xương là hai tác giả sống cùng thời. Họ sống trong buổi đầu của thời đại thực dân nửa phong kiến ở nước ta với bao nhiêu điều nhố nhăng, bất công, suy đồi, tàn ác…..

– Cả Nguyễn Khuyến và Tú Xương có chung nỗi niềm, đó là sự đau xót và căm ghét thực tại xã hội đương thời. Thế nhưng hoàn cảnh sống và thân thế của hai người khác nhau khiến cho giọng thơ của hai ông cũng có những . điểm khác nhau khá rõ ràng:

• Nguyễn Khuyến đỗ đạt cao, có khoa danh, chức phận, địa vị, từng làm quan… bởi thế mà nụ cười châm biếm trong thơ của ông mang tính chất nhẹ nhàng, thâm thúy. Dẫn chứng trong các bài thơ: Tiến sĩ giấy, Hội Tây…

• Trong khi đó, đường công danh của Tú Xương thì lênh đênh chìm nổi, đi thi tám lần mà chỉ đỗ tú tài, không được bổ dụng, không có chức phận, cảnh gia đình thì nheo nhóc, túng thiếu khiến cho giọng thơ châm biếm của ông mạnh mẽ, cay độc hơn. Tú Xương đả phá tất cả:

+ Bọn quan lại:

                  Chữ y chữ chiểu không phê đến, 

                  Ông chỉ quen phê một chữ tiền.

+ Đạo lí xã hội:

                  Nhà kia lỗi phép con khinh bố,

                  Mụ nọ chanh chua oợ chửi chồng.

+ Các bậc phu nhân:

                  Đội đức bà lên mặt phu nhân,

                  Ngón đĩ thõa nào bà cũng nhất.

+ Đạo học:

                  Đạo học ngày nay chán lắm rồi,

                  Mười người đi học chín người thôi.

Đề 3. Các ý chính cần đạt:

– Hình ảnh người nghĩa sĩ nông dân hiện lên với những nét chất phác, giản dị, là những người không quen cầm vũ khí chiến đấu:

Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó.

………

Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cây, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó. 

– Họ vùng lên một cách tự nhiên xuất phát từ lòng yêu quê hương đất nước nhưng rất mực nghĩa khí, và với một tinh thần xả thân cứu nước hết sức quả cảm:

   Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn; chín chục trận bình thư, không chờ bày bố.

…………………

   Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó saiu, trối kệ tàu sắt, tàu đồng súng nổ.

   Tinh thần chiến đấu của người nghĩa binh nông dân là tấm lòng yêu nước nghìn đời đáng ghi nhớ và học tập.

Đề 4. Chỉ chọn trình bày những điều mà em thấm thía, tâm đắc và xúc động nhất về cuộc đời hoặc thơ văn của tác giả Nguyễn Đình Chiểu. Chúng ta có thể chọn trình bày một số điểm sau:

– Về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu: Đây là một tấm gương sáng về ý chí và righị lực sống, lòng yêu nước, thương dân và tinh thần bất khuất trước kẻ thù. Dù tàn tật, mù lòa, ông vẫn ghé vai gánh trách nhiệm của một người con của đất nước mà một người bình thường cũng khó lòng đảm nhiệm nổi: Đó là một người thầy thuốc tận tâm, giữ gìn y đức; một thầy giáo liêm khiết, thanh bạch hết lòng yêu thương học trò và một nhà thơ đầy nghĩa khí. Ở bất cứ cương vị nào, ông cũng sống và cống hiến hết mình.

– Về thơ văn, có thể chọn phát biểu các vấn đề sau:

• Lí tưởng, đạo đức, nhân nghĩa trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu…

• Lòng yêu nước, thương dân trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.

Bài tham khảo

TINH THẦN YÊU NƯỚC CỦA NHÂN DÂN TA

   Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

   Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung. Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng. 

   Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ… Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.

   Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

(Hồ Chí Minh, trích Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Sự thật)

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 9. Viết bài làm văn số 3: Nghị luận văn học
Đánh giá bài viết