I. Tác giả và tác phẩm

1. Tác giả

   Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) thường gọi là Đồ Chiểu, hiệu Hối Trai, người tỉnh Gia Định, đậu tú tài năm 1843. Tuổi trẻ của Nguyễn Đình Chiểu gặp nhiều bất hạnh: cha bị cách chức, mẹ mất, bị mù và bị bội hôn. Năm 1859, thực dân Pháp chiếm Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu phải chạy về Ba Tri (Bến Tre) sinh sống. Tại đây, ông dạy học, làm thuốc, sáng tác thơ văn, đồng thời liên lạc với các sĩ phu yêu nước để chống giặc.

   Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, nghị lực cuộc sống và căm thù giặc. Có ba phẩm chất đáng trân trọng trong Nguyễn Đình Chiểu. Đó là một nhà văn coi trọng chức năng giáo huấn của văn học trên cơ sở sáng tạo nghệ thuật; một nhà giáo đặt việc dạy người cao hơn dạy chữ; một thầy lang lấy việc chăm sóc sức khỏe nhân dân làm đức.

   Nguyễn Đình Chiểu để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Trước khi thực dân Pháp chiếm Gia Định, ông đã viết Truyện Lục Vân Tiên. Từ năm 1959 trở về sau, Nguyễn Đình Chiểu viết nhiều tác phẩm thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc của mình như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ trận Uong Lục tỉnh, Chạy giặc, hai truyện thơ Dương Tử – Hà MậuNgư Tiều y thuật vấn đáp. 

   Thơ Nguyễn Đình Chiểu thể hiện đạo lí làm người, lên án những bất công trong xã hội phong kiến (Truyện Lục Vân Tiên). Các tác phẩm viết sau năm 1959 đều chất chứa nỗi lòng đối với đất nước và lòng căm thù giặc của tác giả.

   Văn chương của Nguyễn Đình Chiểu không óng mượt nõn nà mà chất phác, đậm chất Nam Bộ. Đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu là rất trữ tình – đạo đức, kết hợp giữa hai yếu tố đạo đức về phương diện nội dung tư tưởng và trữ tình về phương diện cảm xúc. Đến thơ văn yêu nước, chất trữ tình – đạo đức gắn bó với chất trữ tình – yêu nước. 

2. Tác phẩm

   Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác theo gợi ý của Tuần phủ Đỗ Quang để tế những nghĩa sĩ đã hi sinh trong trận tập kích đồn Cần Giuộc vào ngày 14-12-1861.

   Bài văn tế được viết theo thể Đường phú, bố cục gồm có bốn đoạn: lung khởi (mở đầu – lí do tế); thích thực (giảng giải – sự nghiệp người chết), ai vãn (niềm thương tiếc); kết (lời cầu nguyện của người đứng tế).

Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc có bố cục như sau:

– Câu 1 -2 (lung khởi): khái quát bối cảnh thời đại và khẳng định cái chết bất tử của người nghĩa sĩ nông dân.

– Câu 3 – câu 15 (thích thực): tái hiện hình ảnh người nghĩa sĩ nông dân trong đời thường và trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

– Câu 16 – câu 25 (ai vãn): bày tỏ lòng thương tiếc, sự cảm phục của tác giả và nhân dân đối với người đã chết.

– Câu 26 câu 30 (kết): ca ngợi linh hồn bất diệt của các nghĩa sĩ. 

II. Tìm hiểu tác phẩm 

1. Hoàn cảnh hi sinh của những người nông dân nghĩa sĩ

   Mở đầu bài văn tế, tác giả sử dụng phép đối để thể hiện sự đối lập giữa sự hung bạo của giặc và tấm lòng yêu nước rạng ngời của nhân dân ta:

               Súng giặc đất nền >< Lòng dân trời tỏ

   Ý nghĩa của lẽ sống – chết thể hiện rõ qua sự so sánh giữa các đoạn, các vế câu biền ngẫu. Dưới gót giày xâm lược tàn bạo của giặc, nếu người nông dân cam chịu làm nô lệ thì mười năm công vỡ ruộng chưa ắt còn. Nay vì đại nghĩa đánh Tây thì tuy là mất nhưng tiếng vang như mõ.

2. Hình ảnh người chiến sĩ nông dân

   Họ xuất thân là những người nông dân nghèo khó. Mở đầu là cuộc đời cui cút, khép lại là cuộc đời nghèo khó. Người nông dân chỉ biết việc cuốc, cày, bừa, cấy. Họ không biết gì về chiến trận như cung, ngựa, trường, nhung, chưa từng tập khiên, súng, mác, cờ… 

   Tuy nhiên, khi giặc Pháp đánh chiếm quê hương, họ trở thành người nghĩa sĩ anh dũng đánh Tây. Thực dân Pháp tiến công Nam Bộ đã hơn mươi tháng, người dân mong chờ triều đình đánh giặc, nhưng trông tin quan như trời hạn trông mưa. Quê hương bị tàn phá dưới gót giày xâm lược của giặc, người dân sôi sục căm thù. Lúc đầu nghe thấy kẻ thù hôi tanh, họ ghét thói xâm lăng mọi rợ như nhà nông ghét cỏ, thấy cỏ ở ruộng lúa là phải nhổ cho sạch. Khi kẻ thù hiện hình cụ thể trước mắt, lòng căm ghét chuyển sang căm thù, họ muốn ăn gan, muốn ra cắn cổ kẻ thù. Điều này diễn tả mức độ , căm thù của nhân dân đối với giặc lên đến tột đỉnh.

   Bên cạnh sự căm thù của tình cảm là sự căm thù của lí trí. Giặc Pháp lộ nguyên hình là những kẻ mượn chiêu bài khai hóa nhưng thực chất là xâm lược, là một lũ treo dê bán chó. Đất nước văn hiến của ta đâu phải là vùng đất vô chủ mà chúng mặc tình giành giật, cho nên nhân dân ta há để chúng yên. Thiên lí chói lòa đâu dung tha bọn xâm lược.

Cả tình cảm lẫn lí trí đều nổi giận và do ý thức trách nhiệm công dân, họ tự nguyện đứng lên đánh giặc, ra sức, ra tay với khí thế hào hùng.

   Trong trận tập kích đồn Cần Giuộc, họ là những người dũng sĩ công đồn. Họ không đợi tập rèn võ nghệ, cũng không chờ bày bố trận bình thư. Những người nông dân ấy cũng không chuẩn bị quân trang. Vũ khí chỉ là ngọn tâm vông vạt nhọn, con cúi làm mồi lửa, lưỡi dao phay – vốn là những vật dụng bình thường trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng khi đã ở trong tay người nghĩa sĩ, tất cả đều trở thành vũ khí vô địch. Bằng cách sử dụng biện pháp đối lập, tác giả đã tả quyết tâm chiến đấu của người nông dân nghĩa sĩ, dù kẻ thù có sức mạnh quân sự hơn ta nhiều lần. Hình ảnh những người nghĩa quân trong những giờ phút căng thẳng cao độ của trận đánh được diễn tả cực kì sinh động, thể hiện lòng dũng cảm tuyệt vời, sự hi sinh thiêng liêng của người nghĩa sĩ.

   Qua đoạn văn tế trên, tác giả đã phát hiện và ca ngợi bản chất cao quý tiềm ẩn đằng sau manh áo vải của những người nông dân lam lũ là lòng yêu nước và ý chí quyết tâm bảo vệ quê hương. 

3. Nỗi đau thương, mất mát của người đang sống

   Nỗi đau đớn, mất mát của những người ruột thịt, của quê hương, của thiên nhiên, của đất nước trước sự hi sinh của nghĩa quân Cần Giuộc.

   Ca ngợi, tiếc thương bằng sự thương cảm xót xa. Nỗi tiếc thương thể hiện qua hình ảnh cỏ cây, đất trời đều nhuốm màu tang tóc, nghiêng đổ trước sự hi sinh vì đại nghĩa của người nông dân.

   Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc thật sự đã trở thành khúc ca bi tráng biểu hiện tấm lòng ngưỡng mộ tiếc thương của cả dân tộc đối với người nông dân yêu nước. Tác giả đã viết về điều này bằng giọng văn xúc động, nghẹn ngào, đau đớn nhất.

4. Nghệ thuật 

   Bài văn tế được xây dựng bằng những chi tiết chân thực, cô đúc từ thực tế đời sống nên có tầm khái quát cao. Hình tượng nhân vật được đặt trong một kết cấu chặt chẽ, hợp lí. Ngòi bút hiện thực của Đồ Chiểu kết hợp nhuần nhuyễn với chất trữ tình sâu lắng, ẩn chứa trong từng câu chữ, từng hình ảnh là nỗi cảm thông, lòng kính phục và niềm tự hào của tác giả. Từ ngữ bình dị mà tinh tế chính xác, có sức gợi cảm sâu. Sử dụng nhiều biện pháp tu từ tạo hiệu quả cao. Nhờ đó, người nông dân đi vào thơ văn Nguyễn Đình Chiểu với tư thế vừa giản dị, vừa trang trọng, hào hùng.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 6. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Đánh giá bài viết