Bài làm văn số 2 thuộc dạng nghị luận văn học và được làm ở nhà. Từ đầu năm học, các em đã được học một số tác phẩm văn học trung đại. Chúng ta có thể chọn các tác phẩm đó để tiến hành viết bài nghị luận. Cũng có thể chúng ta chọn một tác phẩm văn học tâm đắc để nghị luận.

   Theo yêu cầu của đề trong sách giáo khoa, chúng ta có thể tiến hành làm bài theo những gợi ý sau:

I. Đề bài tham khảo

1. Cảm nghĩ của em về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh (trích Thượng kinh kí sự) của Lê Hữu Trác.

2. Qua bài Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và bài . Thương vợ của Trần Tế Xương, em hiểu những gì về người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến xưa?

3. Về nhân cách nhà nho chân chính trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát (hoặc Bài ca ngất ngưởng).

II. Gợi ý trả lời

1.

a. Phân tích đề:

– Đề bài này thuộc dạng định hướng rõ ràng về nội dung và thao tác nghị luận.

– Yêu cầu về nội dung: giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh.

– Yêu cầu hình thức: đây là dạng đề thuộc kiểu bài nghị luận văn học, phát biểu cảm nghĩ về giá trị hiện thực của văn bản. Dẫn chứng chủ yếu lấy trong đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh.

b. Lập dàn ý: Các ý cần trình bày là:

– Bức tranh hiện thực sinh động về cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa:

• Quang cảnh nơi phủ chúa hiện lên xa hoa, tráng lệ và không kém phần thâm nghiêm; nói lên uy quyền tột bậc của nhà chúa.

Cùng với quang cảnh xa hoa là những hình thức sinh hoạt đầy kiểu cách.

– Từ bức tranh này, chúng ta nhận thấy thái độ phê phán nhẹ nhàng mà thấm thía của tác giả; đồng thời dự cảm được sự suy tàn đang tới gần của giai cấp thống trị Lê – Trịnh thế kỉ XVIII.

2. Các ý chính cần đạt là:

– Giới thiệu hình ảnh người phụ nữ trong văn học nói chung.

– Cảm hứng về người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương và thơ Trần Tế Xương. 

– Qua ba bài thơ, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa được thể hiện nổi bật ở những phẩm chất sau:

+ Người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, gian nan, vất vả:

• Ở bài Bánh trôi nước là thân phận trôi nổi lênh đênh của người phụ nữ. Họ không có quyền lựa chọn quyết định tình duyên, thậm chí là cuộc sống của mình. Đó là hình ảnh người phụ nữ mang dáng dấp của những người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhục trong ca dao xưa. 

• Ở bài Thương vợ là hình ảnh người phụ nữ chịu thương chịu khó, lặn lội sớm khuya, vất vả quanh năm vì những gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình.

• Ở bài Tự tình là nỗi buồn về thân phận, về chuyện tình duyên, về hạnh phúc gia đình – những điều rất quan trọng và vô cùng có ý nghĩa đối với những người phụ nữ.

+ Người phụ nữ với nhiều phẩm chất tốt đẹp và khao khát yêu thương:

• Trong hai bài thơ của Hồ Xuân Hương, hình ảnh người phụ nữ còn hiện lên nổi bật với niềm khao khát yêu thương và khao khát được yêu thương mạnh mẽ.

• Ở bài Thương vợ, hình ảnh bà Tú nổi bật với vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống Việt Nam nhân hậu, đảm đang, giàu đức hi sinh, yêu chồng thương con hết mực.

3. 

a. Nhân cách nhà nho trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát

– Vẻ đẹp nhân cách của nhà nho trong bài thơ này chủ yếu được thể hiện ở tầm nhìn xa trông rộng của Cao Bá Quát.

– Tầm tư tưởng cao rộng của nhà thơ chính là đã nhận ra tính chất vô . nghĩa của lối học khoa cử, con đường công danh theo lối mòn cũ. Từ chuyện đi trên cát mà liên tưởng đến chuyện lợi ích, công danh, đến chốn quan trường. Đây là một sự liên tưởng rất sáng tạo, hợp lôgic. Người đi trên cát nhưng để sa lầy vào cát chẳng khác nào cái mồi công danh, bổng lộc giống như cái bả lôi kéo con người, làm cho người ta mê muội, mất phương hướng.

– Nhìn thấy con đường danh lợi đầy nhọc nhằn, chông gai, khắc nghiệt; và mặc dù chưa tìm được cho mình một con đường nào khác, song Cao Bá Quát cảm thấy mình không thể nào cứ mãi tiếp tục đi trên bãi cát danh lợi đó được.

b. Vẻ đẹp nhân cách của nhà nho trong Bài ca ngất ngưởng

– Vẻ đẹp nhân cách trong bài thơ này chủ yếu thể hiện ở thú chơi “ngông” của con người cậy tài, hiểu rõ và sâu sắc cái tài của mình.

– Trên cơ sở ý thức về tài năng và nhân cách của bản thân, tác giả đã phô trương, khoe sự ngang tàng, sự phá cách trong lối sống của mình – một lối sống ít phù hợp với khuôn khổ gò bó của đạo Nho

– Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng khi hành đạo. Khi làm quan, thực hiện các chức phận, ông luôn tỏ ra thẳng thắn, thậm chí dám kiến nghị, góp ý cho cả vua. Có được phong cách ngạo nghễ ấy là vì ông có tài năng thật sự và luôn tận tâm với sự nghiệp, không hề luồn cúi để vinh thân phì gia. Trong cuộc đời thực, ông đã từng lập nhiều công trạng và là người có nhiều tài năng, mặc dù vậy, ông vẫn phải chấp nhận một cuộc đời làm quan không mấy thuận lợi, bị thông giáng chức thất thường.

– Sau khi từ quan, cách ông nghĩ và chơi cũng rất ngông, rất khác thường. Ông đeo mo vào đuôi bò, dẫn các cô gái trẻ lên chơi chùa, ông đi hát ả đào và tự đánh giá cao các việc làm ấy. Ông có quyền ngất ngưởng vì ông về hưu trong danh dự sau khi đã cống hiến hết mình cho đất nước. Theo ông, điều quan trọng nhất của nhà nho là hoạt động thực tiễn chứ không phải là nếp sống uốn mình theo dư luận. Ông thích hát nói vì đó là môn nghệ thuật ông say mê từ nhỏ. Nên khi về hưu ông vẫn đi hát vì không muốn tỏ ra mình là một bậc phi phàm khác người, khác đời như các thánh nhân.

Bài tham khảo            Ý NGHĨA VĂN CHƯƠNG

   Người ta kể chuyện đời xưa, một nhà thi sĩ Ấn Độ trông thấy một con bị thương rơi xuống bên chân mình. Thi sĩ thương hại quá, khóc nức lên, quả tim cùng hòa một nhịp với sự run rẩy của con chim sắp chết. Tiếng khóc ấy, nhịp đau thương ấy chính là nguồn gốc của thi ca.

   Câu chuyện có lẽ chỉ là một câu chuyện hoang đường, song không phải không có ý nghĩa. Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra là thương cả muôn vật, muôn loài.[…]

   Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương còn sáng tạo ra sự sống.[…]

   Vậy thì, hoặc hình dung sự sống, hoặc sáng tạo ra sự sống, nguồn gốc của văn chương đều là tình cảm, là lòng vị tha. Và vì thế, công dụng của văn chương cũng là giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha.

   Mọi người hàng ngày chỉ cặm cụi lo lắng vì mình, vì thế khi xem truyện hay ngậm thì có thể vui, buồn, mừng, giận cùng những người ở đâu đâu, vì những chuyện ở đâu đâu, há chẳng phải là chứng cớ cho cái mãnh lực lạ lùng của văn chương hay sao?

   Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có; cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần. . . Có kẻ nói từ khi các thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ, núi non, hoa cỏ trông mới đẹp; từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đềm ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay. Lời ấy tưởng không có gì là quá đáng. 

   […] Nếu trong pho lịch sử loài người xóa các thi nhân, văn nhân và đồng thời trong tâm linh loài người xóa hết những dấu vết họ còn lưu giữ lại thì cái cảnh tượng nghèo nàn sẽ đến bực nào!

(Hoài Thanh, Bình luận văn chương, NXB Giáo dục)

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 5. Viết bài làm văn số 2
Đánh giá bài viết