I. Kịch

1. Khái quát về kịch

   Kịch là một loại hình nghệ thuật tổng hợp. Trong phạm vi văn học, chúng ta được tiếp cận và tìm hiểu kịch trên kịch bản văn học,

   Kịch lựa chọn những xung đột trong đời sống làm đối tượng mô tả, ở đó những vấn đề thuộc bản chất của hiện thực được dồn nén, quy tụ, nổi bật. Xung đột kịch được cụ thể hóa bằng hành động kịch, hành động kịch được thực hiện bởi các nhân vật kịch.

   Trong kịch, các nhân vật kịch dường như chỉ được xây dựng bằng một yếu tố duy nhất là ngôn ngữ; bên cạnh đó còn có hành động nhưng thường rất ít, không đáng kể. Ngôn ngữ kịch gọi là lời thoại và có ba kiểu loại:

– Đối thoại: lời của các nhân vật nói với nhau.

– Độc thoại: lời nhân vật tự bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình.

– Bàng thoại: lời nhân vật nói riêng với người thưởng thức.

   Ngôn ngữ kịch mang tính hành động và khẩu ngữ cao. Qua lời thoại, tính cách nhân vật và cuộc sống xã hội được hiện dần lên trước mắt người xem, người đọc. Kịch gồm có những thể loại sau:

– Xét theo nội dung, ý nghĩa của xung đột kịch có bi kịch, hài kịch, chính kịch.

– Xét theo hình thức ngôn ngữ trình diễn có kích thơ, kịch nói, ca kịch.

2. Yêu cầu khi đọc kịch bản văn học

Đối với nhột văn bản kịch, khi đọc cần tuân thủ các yêu cầu sau:

– Đọc kĩ lời giới thiệu, tiểu dẫn để nắm được những chi tiết liên quan đến vở kịch.

– Tập trung chú ý đến lời thoại của các nhân vật, tìm hiểu tính cách, phẩm chất từng nhân vật (đặc biệt là nhân vật chính) và mối quan hệ giữa các nhân vật.

– Phân tích hành động kịch, xác định xung đột chủ yếu, tìm hiểu cao trào của xung đột, mâu thuẫn dẫn đến đỉnh điểm (nút thắt) và cách giải quyết (nút nở).

– Tổng hợp nội dung vở kịch, nêu rõ chủ đề tư tưởng và ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa xã hội của tác phẩm kịch.

II. Nghị luận

1. Khái quát về văn nghị luận

   Nghị luận là một thể văn dùng lập luận, luận điểm, luận cứ để bàn luận một vấn đề xã hội, chính trị hay văn học nghệ thuật.

   Sức mạnh của văn nghị luận là ở sự sâu sắc của tư tưởng, tình cảm, tính mạch lạc, chặt chẽ của suy nghĩ và trình bày, sự thuyết phục của lập luận.

   Văn nghị luận có yếu tố tranh luận. Vì vậy, luận điểm phải xác đáng, luận cứ phải tiêu biểu, toàn diện, lập luận phải khoa học, chặt chẽ thì mới có sức thuyết phục cao. Sức thuyết phục thể hiện qua việc nhận được sự tán đồng của đối tượng tranh luận cũng như người đọc.

Văn nghị luận gồm nhiều thể loại tùy theo tiêu chí phân loại: 

– Xét theo nội dung bàn luận có văn chính luận, văn phê bình văn học.

– Theo thời đại chúng ta có thể chia ra nhiều thể loại tùy vào từng giai đoạn cụ thể. Thời trung đại có chiếu, cảo, hịch, bình sử, điều trần... Thời hiện đại có tuyên ngôn, lời kêu gọi, bình luận, phê bình, tranh luận, bút chiến, xã luận, ngôn luận… 

2. Yêu cầu khi đọc văn nghị luận

   Cũng như đọc nhiều thể loại văn học khác, khi đọc văn nghị luận cần tuân thủ các yêu cầu sau:

– Tìm hiểu tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm nghị luận. 

– Chú ý đến vấn đề và nội dung nghị luận, các luận điểm, luận cứ nêu ra trong bài văn và lập luận của tác giả.

– Phân tích nghệ thuật của bài lập luận, chú ý đến các yếu tố như lập luận, ngôn ngữ, cách viết…

– Nêu giá trị của tác phẩm trên cả hai phương diện: nội dung tư tưởng và nghệ thuật biểu hiện; rút ra bài học và ảnh hưởng của tác phẩm đối với thực tiễn.

III. Luyện tập

Bài tập 1. Phân tích xung đột trong đoạn trích Tình yêu và thù hận.

   Xung đột trong đoạn trích này chủ yếu là xung đột giữa tình yêu của Rômê-ô và Giu-li-ét với mối thù giữa hai dòng họ Môn-ta-ghiu và Ca-phu-lét. Đó là xung đột giữa một bên là tình yêu thắm thiết của đôi lứa còn bên kia là mối thù giữa hai dòng họ; làm cách nào để trọn vẹn cả đôi đường: vừa giữ được tình yêu vừa hóa giải được hận thù.

Bài tập 2. Phân tích nghệ thuật lập luận trong văn bản Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác.

   Trong tác phẩm này, Ang-ghen đã sử dụng rất sáng tạo nghệ thuật tăng tiến hay còn gọi là nghệ thuật so sánh tầng bậc nhằm làm nổi bật ba cống hiến vĩ đại của Các Mác đối với xã hội loài người.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 32. Một số thể loại văn học: kịch, nghị luận
Đánh giá bài viết