I. Tác giả và tác phẩm

1. Tác giả 

   Phan Châu Trinh (1872 – 1926) hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hi Mã, quê ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kì (nay là thôn Tây Hồ, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam. Phan Châu Trinh là nhà yêu nước, nhà cách mạng lớn của dân tộc Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX. Năm 1901, sau khi đỗ Phó bảng, ông ra làm quan một thời gian rồi từ quan để thực hiện hoài bão của mình. Ông đi khắp các địa phương trong nước, rồi sau đó sang Trung Quốc, Nhật Bản để xem xét thời cuộc. Phan Châu Trinh chủ trương bãi bỏ chế độ quân chủ, thực hiện dân chủ, khai thông dân trí, mở mang công thương nghiệp; lợi dụng chiêu bài khai hóa của thực dân Pháp để đấu tranh hợp pháp. Ông không tán thành con đường bạo động và nhờ ngoại viện của Phan Bội Châu. Chính vì thế, trong khi Phan Bội Châu tích cực hoạt động trong phong trào Đông du và xuất dương cầu viện thì Phan Châu Trinh cùng với các đồng chí của mình hô hào duy tân, tổ chức diễn thuyết và dạy học. Năm 1908, khi phong trào chống sau thuế nổ ra ở Trung Kì, ông bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo cùng với nhiều chí sĩ khác. Ba năm sau, Phan Châu Trinh được trả tự do và xin sang Pháp với ý đồ xin sự giúp đỡ của Hội Nhân quyền Pháp đòi chính quyền thực dân ở Đông Dương cải cách chính trị nhưng việc không thành. Năm 1925, ông về Sài Gòn nhưng chưa kịp thực hiện kế hoạch hoạt động mới thì bị ốm nặng rồi mất (ngày 24/3/1926). Lễ truy điệu ông trở thành một phong trào vận động ái quốc rộng khắp cả nước.

   Phan Châu Trinh sáng tác rất nhiều bằng cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Ông nổi tiếng với những áng văn chính luận đầy tính chất hùng biện, có lập luận đanh thép. Ông sáng tác nhiều thơ, tất cả đều thấm nhuần tư tưởng yêu nước và tinh thần dân chủ.

   Các tác phẩm chính của Phan Châu Trinh gồm Đầu Pháp chính phủ thư (1906), Tỉnh quốc hồn ca I, II (1907, 1922), Giai nhân kì ngộ diễn ca (1915), Tây Hồ thi tập (1904 – 1914), Xăng-tê thi tập (1914 – 1915), Thất điều trần (1922), Đạo đức và luân lí Đông Tây (1925), Quản trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa (1925)…. .

2. Tác phẩm

   Tác phẩm Về luân lí xã hội nước ta là đoạn trích trong phần III của bài Đạo đức và tuân lí Đông Tây, được Phan Châu Trinh diễn thuyết vào đêm 19/11/1925 tại nhà Hội Thanh niên ở Sài Gòn.

II. Tìm hiểu đoạn trích

1. Nội dung luân lí trong đoạn trích

   Tác giả không chọn cách nói nặng lí thuyết gắn liền với yêu cầu giải thích khái niệm. Vì quan tâm tới trình độ của người nghe diễn thuyết nên Phan Châu Trinh trình bày vấn đề bằng hàng loạt phản chứng. Thông qua việc công kích, phủ nhận cách hiểu sai và việc nêu lên cái thiếu của dân ta, nước ta trên phương diện luân lí xã hội, tác giả dần dần giúp người nghe lĩnh hội được bản chất của vấn đề.

   Luân lí xã hội mà tác giả nêu trong đoạn trích có nội dung hết sức phong phú. Bao gồm 3 nội dung cơ bản sau:

– Ý thức tương trợ lẫn nhau giữa các cá nhân trong xã hội.

– Luân lí xã hội là nghĩa vụ của mỗi người trong nước, là ý thức công dân mà mỗi người phải có.

– Luân lí xã hội là nghĩa vụ loài người ăn ở với loài người, tức là tinh thần hợp tác của con người vượt lên các ranh giới dân tộc và lãnh thổ. 

   Nói giản dị hơn và cũng thiết thực hơn, theo Phan Châu Trinh, luân lí xã hội gắn liền với ý thức sẵn sàng làm việc chung, sẵn sàng giúp đỡ nhau và tôn trọng quyền lợi của người khác.

2. Quan niệm của Phan Châu Trinh về luân lí xã hội ở nước ta

   Có thể dễ dàng tìm thấy trong đoạn trích nhiều dẫn chứng nói về việc nước ta tuyệt nhiên không có luân lí xã hội. Cụ thể là:

– Dân ta phải ai tai nấy, sợ sệt, ù lì, trơ tráo.

– Dân không biết đoàn thể, không trọng công ích.

– Người này đối với kẻ kia đầu ngó theo sức mạnh; thấy quyền thế thì chạy theo, quỵ lụy, dựa dẫm.

– Vua quan mặc sức bóp nặn dân chúng, chỉ biết vơ vét, coi sự dốt nát của dân là điều kiện tốt để củng cố quyền lực và lòng tham của mình.

   Phan Châu Trinh tỏ thái độ phê phán rất nghiêm khắc, càng đau lòng lại càng thấy cần phải chỉ ra sự hèn kém của dân mình, nước mình. Theo ông, nguyên nhân sâu xa của tình trạng dân không biết đoàn thể, không trọng công ích nằm ở sự phản động, thối nát của lũ quan trường. Từ đó, tác giả hướng sự đả kích vào lũ vua quan phong kiến.

   Đối với Phan Châu Trinh, chế độ vua quan chuyên chế vô cùng tồi tệ, nên cần phải quét sạch một cách triệt để. Các hình ảnh ví von (có kẻ mang đai đội mũ, ngất ngưởng ngồi trên, có kẻ áo rộng khăn đen lúc nhúc lạy. dưới, những bạn quan lại đã nói ở trên này chỉ còn một tiếng đúng hơn là lũ ăn cướp có giấy phép vậy) đã thể hiện thái độ đó của tác giả.

3 .Các giải pháp để có luân lí xã hội

Theo tác giả, muốn có luân lí xã hội thì phải:

– Biết gây dựng đoàn thể để hỗ trợ nhau trong cuộc sống và để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.

– Bỏ thói dựa dẫm vào quyền thế, chấm dứt tệ mua danh bán tước hàng có được vị trí ăn trên ngồi trước.

– Đánh đổ chế độ vua quan thối nát làm bại hoại luân lí xã hội, khiến tư tưởng cách mạng không thể nảy nở và nước ta không thể có được độc lập, tự do.

   Phan Châu Trinh muốn giải quyết trước hết vấn đề dân trí, vấn đề ý thức dân chủ của người dân, xem đó là chuyện hệ trọng bậc nhất cần làm để hướng tới mục tiêu giành độc lập, tự do.

4. Đặc điểm nổi bật của văn diễn thuyết

   Sự kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố biểu cảm với yếu tố nghị luận là một đặc điểm nổi bật của văn diễn thuyết. Những câu cảm thán, câu hỏi tu từ, các cụm từ người nước ta, cha ông mình, một số trường hợp mở rộng thành phần câu để nhấn mạnh đầy ắp màu sắc cảm xúc đã làm cho lí lẽ của bài diễn thuyết tăng thêm sức thuyết phục. Ta luôn thấy ở đây mối giao hòa, giao cảm giữa người nói và người nghe. Đó chính là một trong những điều kiện quan trọng làm nên khả năng lay chuyển nhận thức và tình cảm ở người nghe của bài diễn thuyết.

   Phan Châu Trinh nhìn thấy mối quan hệ mật thiết giữa tuyên truyền ý thức công dân gây dựng đoàn thể với sự nghiệp giành độc lập, tự do. Tác giả luôn biết hướng về mục đích cuối cùng là giành độc lập, tự do nhưng cũng hết sức tỉnh táo trong việc lựa chọn bước đi. Từ chỗ nhận thức thấy một sự thật hết sức nhức nhối là dân trí nước ta quá thấp và ý thức đoàn thể của người dân quá kém, ông kêu gọi gây dựng đoàn thể, dĩ nhiên đi kèm với nó là việc đánh đổ chế độ vua quan thối nát. Nhưng muốn có đoàn thể thì có gì hay hơn là truyền bá xã hội chủ nghĩa trong dân Việt Nam này. Chủ nghĩa xã hội theo cách hiểu của tác giả có sự phát triển cao của ý thức công dân. Lập luận như thế là rất chặt chẽ và có sức thuyết phục cao.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 29. Về luân lí xã hội ở nước ta
Đánh giá bài viết