I. Tác giả và tác phẩm

1. Tác giả

   Nguyễn An Ninh (1899 – 1943) là nhà văn, nhà báo, nhà yêu nước nổi tiếng trước Cách mạng tháng Tám 1945. Ông sinh ra ở xã Mỹ Hòa, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Nguyễn An Ninh tốt nghiệp Đại học Xoóc-bon ở Pháp năm 1920. Sau khi tốt nghiệp, 

   Nguyễn An Ninh đến một số nước ở châu Âu như Đức, Áo, Hà Lan, Bỉ, Ý… và trở về nước năm 1922. Trong thời gian ở châu Âu, Nguyễn An Ninh từng liên hệ với các nhà yêu nước như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc và nhóm làm báo Người cùng khổ. Về nước, ông chủ yếu viết báo và diễn thuyết để chống chính quyền thuộc địa nên nhiều lần bị bắt và chịu tù đày. Năm 1939, Nguyễn An Ninh bị chính quyền thuộc địa kết án năm năm tù và bị đày đi Côn Lôn. Trong thời gian ở Côn Lôn, ông bị hành hạ nhiều dẫn đến kiệt sức và chết trong tù đúng hai năm trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công.

   Từ một trí thức Tây học yêu nước, Nguyễn An Ninh dần dần chuyển biến về chính kiến, đến với tư tưởng Mác xít và những người cộng sản. Sự nghiệp và tên tuổi của ông gắn liền với những buổi diễn thuyết sôi động và những bài báo nổi tiếng đã từng thời cuốn hút thanh niên và dư luận trong nước. Ông từng làm chủ bút tờ báo yêu nước tiến bộ Tiếng chuông rè, ông dịch Khế ước xã hội của Ru-xô và soạn vở tuồng Hai Bà Trưng. Ông mạnh dạn lên án chính sách bóc lột và ngu dân của thực dân Pháp. Là một trí thức tân tiến, ông phê phán mạnh mẽ đạo Khổng và đề cao tinh thần học hỏi văn hóa châu Âu để xây dựng một nền văn hóa đặc sắc riêng của nước nhà. Văn phong của ông khúc chiết, trong sáng, vừa có độ sâu về tư duy văn hóa, vừa tràn đầy nhiệt huyết của một người yêu nước gần gũi với đời sống và người lao động.

2. Tác phẩm

   Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức là bài chính luận xuất sắc của Nguyễn An Ninh Với bút danh Nguyễn Tịnh đăng trên báo Tiếng chuông rè vào năm 1925.

II. Tìm hiểu tác phẩm

   Nội dung của bài chính luận Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức cho thấy Nguyễn An Ninh là người am hiểu sâu rộng trong lĩnh vực ngôn ngữ nói chung. Tác giả đã có những nhận xét tinh tế về việc người An Nam sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài (ở đây là tiếng Pháp); những lí giải thấu đáo và những giải pháp đúng đắn trong việc học tiếng nước ngoài của giới trí thức Việt Nam lúc bấy giờ.

   Điều quan trọng nhất là bài chính luận đã nêu lên quan điểm đúng đắn của Nguyễn An Ninh về tiếng nói dân tộc trên nhiều phương diện. Ông chống lại thói Tây hóa lố lăng của không ít người An Nam lúc bấy giờ. Thói quen này làm tổn hại đến tiếng mẹ đẻ của dân tộc. Nguyễn An Ninh phê phán quan niệm sai lầm cho rằng tiếng nước mình nghèo nàn. Tuy đề cao tiếng Việt nhưng ông vẫn khuyến khích giới trí thức học tiếng nước ngoài. Ông có quan niệm hết sức đúng đắn rằng “Sự cần thiết phải biết một ngôn ngữ châu Âu hoàn toàn không kéo theo chuyện từ bỏ tiếng mẹ đẻ. Ngược lại, thứ tiếng nước ngoài mà mình học được phải làm giàu cho ngôn ngữ nước mình”. Ông đề cao sức mạnh của tiếng nói dân tộc, coi đó là người bảo vệ cho nền độc lập dân tộc, như là yếu tố quan trọng để giải phóng dân tộc. Những ý kiến của Nguyễn An Ninh về tiếng mẹ đẻ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là từ góc độ văn hóa.

   Tuy nhiên, trong bài chính luận của mình, có lúc Nguyễn An Ninh đề cao quá mức vai trò của tiếng mẹ đẻ, đôi lúc thể hiện sự tuyệt đối hóa: “Tiếng nói là người bảo vệ quí báu nhất nền độc lập của dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị”. Hai chữ nhất trong đoạn văn rõ ràng đã quá nhấn mạnh vai trò của tiếng mẹ đẻ trong câu khái quát chung. Khi cụ thể hóa vấn đề vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, ông lại viết: “Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian”. Nói như vậy là tự đặt tiếng nói dân tộc lên vị trí quá cao, tách rời và xem nhẹ các yếu tố khác trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Đó chính là hạn chế của bài chính luận này.

   Tuy nhiên, xét trong hoàn cảnh cụ thể thì bài viết này đã đánh thức được lòng tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh tinh thần của dân tộc. Đó chính là dụng ý của tác giả khi viết bài chính luận này.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 29. Tiếng mẹ đẻ – Nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức
Đánh giá bài viết