I. Kiến thức cơ bản

1. Bình luận và tác dụng của bình luận

   Bình luận là sự bàn bạc và đánh giá sự đúng sai, thật giả, hay dở, lợi hại của các hiện tượng, sự vật, chủ trương, tư tưởng, sản phẩm của con người. Khi xuất hiện sự việc, hiện tượng trong đời sống thì mọi người đều có nhu cầu bình luận về các sự việc, hiện tượng ấy nhằm bày tỏ nhận thức và đánh giá của mình.

   Trong đời sống, bình luận có mặt trong các thể loại báo chí như: xã luận, bình luận thời sự, bình luận văn học, trả lời phỏng vấn, trao đổi ý kiến… 

   Bình luận thường mang tính chất chủ quan, cho nên không phải bao giờ cũng đúng sự thật và có sức thuyết phục. Muốn bình luận có sức thuyết phục phải tôn trọng sự thật, có lí tưởng tiến bộ, có tư tưởng dân chủ và nhân văn.

2. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận bình luận

– Mục đích: mục đích của bình luận là nhằm đề xuất và thuyết phục người đọc, người nghe tán đồng với nhận xét, đánh giá, bàn luận của mình về một hiện tượng hay một vấn đề trong đời sống hoặc trong văn học.

– Yêu cầu:

• Đưa ra những nhận định, đánh giá đúng – sai, hay – dở và bàn bạc sâu rộng về vấn đề nào đó.

• Những nhận định, đánh giá phải có cơ sở lí luận và thực tiễn mới có sức thuyết phục.

• Quan điểm của người bình luận phải rõ ràng, lập luận phải chặt chẽ, bố cục phải mạch lạc, lời văn bình luận phải chính xác, trong sáng.

3. Cách thức bình luận

Cách thức bình luận gồm 3 bước chủ yếu sau đây:

a. Bước thứ nhất: Nêu hiện tượng, vấn đề cần bình luận.

   Khi nêu hiện tượng, vấn đề cần bình luận cần đảm bảo yêu cầu trung thực, khách quan của vấn đề cần nêu; nhưng cũng cần chú ý nêu ngắn gọn, rõ ràng những điều cơ bản theo yêu cầu của từng chủ đề bình luận.

Bước thứ hai: Đánh giá hiện tượng, vấn đề cần bình luận.

   Đây là phần quan trọng nhất, chủ yếu nhất của bài bình luận. Người bình luận phải đề xuất và bảo vệ được ý kiến nhận xét và đánh giá của bản thân mình về vấn đề cần bình luận.

   Không nên đứng hẳn về một phía nào đó mà cần phải kết hợp những phần đúng và loại bỏ phần còn hạn chế của mỗi phía để đi tới một sự đánh giá thực sự hợp lí, khoa học, công bằng. Cũng có thể đưa ra cách đánh giá phải – trái, đúng – sai, hay – dở của riêng mình sau khi đã phân tích các quan điểm, ý kiến khác nhau về vấn đề bình luận.

c. Bước thứ ba: Bàn về hiện tượng, vấn đề cần bình luận.

   Đây là phần mở rộng của bài bình luận, làm cho vấn đề cần bình luận được toàn diện và sâu sắc hơn. Muốn vậy, người bình luận không chỉ nhận xét, đánh giá mà còn bàn bạc về thái độ, hành động, cách giải quyết cần có trước đó; đồng thời, từ vấn đề cần bàn luận mở rộng bàn bạc thêm những ý nghĩa xa, rộng hơn, sâu sắc hơn hoặc mang tính thời sự cập nhật được gợi ra từ vấn đề của bài bình luận.

   Tóm lại, có nhiều cách để bình luận một vấn đề, nhưng dù cách nào thì người bình luận cũng cần phải:

• Trình bày rõ ràng, trung thực hiện tượng, vấn đề được bình luận.

• Đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đánh giá của mình là xác đáng.

Có những lời bàn sâu rộng về chủ đề bình luận.

II. Luyện tập. Giải các bài tập trong sách giáo khoa.

Bài tập 1. Bình luận không phải là sự kết hợp của hai kiểu lập luận giải thích và lập luận chứng minh, vì bản chất của bình luận không nhằm giải thích và chứng minh hiện tượng hay vấn đề được nêu mà nhằm bàn luận về vấn đề đó là đúng hay sai, hay hay dở… như thế nào để có phương hướng và biện pháp giải quyết đúng đắn. Vì vậy, người bình luận cần có chủ kiến và đề xuất ý kiến bàn bạc, nhận định, đánh giá về vấn đề cần bình luận. Đây là điểm mấu chốt quan trọng nhất của bài bình luận. Nếu bài viết không có ý kiến riêng để bàn luận thì không thể xem đó là bài bình luận được. Dĩ nhiên, trong bài bình luận, người viết cũng có thể dùng lập luận giải thích và chứng minh để làm rõ một ý kiến cần bàn luận như một yếu tố hỗ trợ cho bài bình luận. 

Bài tập 2. Đoạn trích của tác giả Võ Thị Hảo trên báo điện tử Vietnamnet ngày 12 – 12 – 2006 là đoạn văn bình luận về vấn đề tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay. Bài bình luận gồm những vấn đề sau:

– Chủ kiến của tác giả về vấn đề tai nạn giao thông hiện nay.

– Đoạn trích không có phần nêu hiện tượng, vấn đề cần bình luận mà chỉ trích dẫn phần nội dung chủ yếu là bàn luận về vấn đề tai nạn giao thông. Tác giả triển khai nội dung bình luận theo các ý sau:

• Phân tích đúng – sai, đánh giá, tìm nguyên nhân về thực trạng tai nạn giao thông (các đoạn 1, 2, 3).

• Mở rộng vấn đề: nêu tác hại của tai nạn giao thông đối với đất nước và xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay (đoạn 4, 5).

• Đề xuất giải pháp hạn chế tai nạn giao thông (đoạn 6).

Bài tập 3. Đây là bài tập đòi hỏi các em vận dụng những hiểu biết, kinh nghiệm trong đời sống để giải quyết hai vấn đề được đưa ra là:

– Vai trò của pháp luật.

– Việc giáo dục pháp luật trong xã hội.

   Đây là những vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng, đang được xã hội quan tâm chú ý. Vì thế, học sinh dễ dàng tham khảo một số bài viết trên sách báo để đưa ra những ý kiến bình luận xác đáng.

   Để làm bài tập này, trước hết học sinh nên tham khảo văn bản bàn về pháp luật của Hàn Phi Tử trong sách giáo khoa để học tập cách viết.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 27. Thao tác lập luận bình luận
Đánh giá bài viết