I. Tác giả và tác phẩm 

1. Tác giả 

   R. Ta-go (1861 – 1941) là nhà văn, nhà văn hóa lớn của Ấn Độ. Ông sinh ra ở thành phố Can-cút-ta thuộc bang Ben-gan. Ta-go xuất thân trong gia đình quý tộc Bà La Môn nổi tiếng. Cha là lãnh tụ của Hội tổ chức cải cách xã hội và tôn giáo Ấn Độ. Ta-go chịu ảnh hưởng sự giáo dục của cha nên từ rất sớm đã có tinh thần yêu nước và giàu lòng nhân đạo.

   Từ nhỏ, Ta-go rất thông minh, cần cù và hiếu học. Ông tự học là chủ yếu, không bao lâu đã trở thành một học giả uyên bác, một nhà khai sáng, một chiến sĩ bảo vệ hòa bình lỗi lạc. Nhân dân Ấn Độ gọi ông là Thánh sư.

   Năm 1961, Ta-go được tổ chức Văn hóa – Khoa học – Giáo dục Liên hợp quốc công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới và kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

   Ta-go hoạt động trên nhiều lĩnh vực và ở lĩnh vực nào cũng đạt được những thành tựu rực rỡ. Trong văn học nghệ thuật, ông để lại một di sản rất đồ sộ: 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 bộ tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, hàng ngàn ca khúc và tranh vẽ. Trong đó, thơ ca là xuất sắc nhất.

   Năm 1913, Ta-go là người châu Á đầu tiên được vinh dự nhận Giải thưởng Nô-ben văn học với tập Thơ Dâng. Từ đó, tên tuổi của ông lẫy lừng trên thế giới.

   Thơ tình chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Tago. Quan niệm tình yêu của ông rất sâu sắc và tiến bộ. Ta-go viết thơ tình nhiều nhất vào tuổi 50, sau khi người vợ yêu dấu của ông qua đời. Ở tuổi đó, thơ tình của ông vẫn tươi trẻ, hồn nhiên và say đắm. Hai tập thơ có giá trị thuộc về chủ đề này là Người làm vườnTặng phẩm của người yêu.

2. Tác phẩm

   Bài thơ số 28 nằm trong tập thơ Người làm vườn và được xem là một trong những bài thơ tình hay nhất thế giới.

   Người làm vườn rất tiêu biểu cho giọng thơ giàu chất trữ tình và chất triết lí của Ta-go, vừa thể hiện tâm hồn Ấn Độ vừa bao quát tinh thần nhân loại. Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và chinh phục độc giả của nhiều nước. Các bài thơ trong tập Người làm vườn không có nhan đề mà chỉ đánh số, đây là bài thơ số 28 trong tập thơ.

II. Tìm hiểu tác phẩm

Mở đầu bài thơ là lời thơ tình tứ nhất:

              Đôi mắt băn khoăn của em buồn,

              Đôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh.

   Đôi mắt của tình yêu đã hiện ra. Phải chăng Ta-go muốn lấy cửa sổ của tâm hồn để thay ngôn ngữ? Không phải là đôi mắt sáng ngời mà là đôi mắt băn khoăn nhìn vào tâm tưởng anh. Cái buồn từ đôi mắt ấy nói hộ em biết bao điều. Em muốn tin anh lắm, nhưng em rất sợ anh gian dối em. Em muốn được hiểu hết ngõ ngách hồn anh, tâm tưởng anh. Điều đó có được chăng? Em cố gắng kiểm soát cái biên giới vô hình ấy:

                Như trăng kia muốn vào sâu biển cả

   Cái khát vọng cùng được hòa nhập tâm hồn, được sống trong anh cứ quấn quýt, ràng buộc với em. Sự khát vọng hòa nhập tình yêu ấy được tác giả nâng lên tầm cao vũ trụ. Như vầng trăng lặng sâu vào biển cả, đại dương với muôn ngàn con sóng yêu thương, rì rào vô tận. Trăng như ghì lấy đại dương, dù rất nhỏ bé nhưng sức lay động kết dính thật kì diệu. Như cái trăn trở của đôi lứa yêu nhau không chỉ là những trách móc, hờn ghen, những băn khoăn ấy dường như có sự nghịch lí lạ lùng.

                Anh không giấu em một điều gì

                Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh.

   Chính vì quá yêu em, yêu em mãnh liệt mà em nghi ngờ anh. Cái nghịch lí này phải chăng chỉ có ở tình yêu? Làm thế nào để em hiểu anh đây? Đọc câu thơ trên ta hình dung ra ngay người con trai đang thì thầm tâm sự. Tình yêu có ngôn ngữ riêng của nó. Dẫu em không nói ra nhưng anh cũng đọc được ở đáy mắt em một đôi lời thì thầm. Ánh mắt ấy như rực sáng trong anh một ngọn lửa khát vọng yêu đương, hòa hợp tâm hồn. Anh sẽ là biển cả trùng dương cơn sóng vỗ, ru hồn mảnh trăng bằng đợt sóng ngân nga, êm dịu như để phơi bày cả tâm hồn mình cho người yêu. Nhân vật anh trữ tình ví mình như viên ngọc, đóa hoa và khát vọng được dâng tặng cho nữ thần tình yêu, vị giáo chủ nhỏ bé của mình:

                Nếu đời anh chỉ là viên ngọc

                Anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh

                Và xâu thành một chuỗi quàng vào cổ em

                Nếu đời anh chỉ là một đóa hoa

                Tròn trịa, dịu dàng và bé bỏng

                Anh sẽ hái nó ra để đặt lên mái tóc em

   Anh nguyện là con chim ngoan đạo của riêng em. Từ chỉ ở đây như xưng tôn giá trị của viên ngọc, của đóa hoa. Em là tác phẩm quý đẹp của thượng đế nhưng anh xin làm ngọc được quàng vào cổ em, được là đóa hoa cài lên mái tóc như suối mây ấy, được điểm trang em lên và em tuyệt vời hơn. Đó là ước mơ khao khát trong trái tim anh. Có lẽ chỉ có đôi lứa yêu nhau, yêu nhau với tình yêu cháy bỏng, chân thành mới có được những lời thì thầm chân thành ấy. Nét tâm lí chung chăng? Ta có lần bắt gặp trong lời hát của Trịnh Công Sơn:..

                Anh xin làm quán trọ để dừng chân, em ghé chơi ,

                Anh xin làm đá cuội và lăn theo gót hài.

   Những lời hát này kín đáo, phảng phất tình yêu thầm lặng đơn phương…

   Tiếp theo lời thơ Tago như đàn cho lời tỏ tình của chàng trai. Nhưng lúc này tâm hồn anh như bị xáo động, anh kêu van khe khẽ:

                Nhưng em ơi đời anh là một trái tim

                Nào anh biết chiều sâu và bến bờ của nó

                Em là nữ hoàng của vương quốc đón

                Ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu.

   Tác giả thường đưa ra một giả định không thực, sau đó tiến hành bước phủ định giả thuyết ấy để hướng tới một sự khẳng định mới, tạo ra bất ngờ và hứng thú. Cái bí ẩn của tình yêu xuất hiện cho dù em có là nữ hoàng của vương quốc tình yêu đó đi chăng nữa thì nữ hoàng ấy cũng chẳng dễ gì hiểu được vương quốc của mình. Cuộc đời không chỉ được đo đếm bằng niềm vui hay nỗi buồn cụ thể mà cuộc đời chính là tình yêu với biểu hiện muôn màu của nó, là sự hòa trộn của niềm vui và nỗi đau, bởi tình yêu bao gồm trong nó sự đa dạng của cuộc đời.

   Các dòng thơ:

                Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu

                Nỗi vui sướng, khổ đau của nó là vô biên,

                Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu. 

  đã làm rõ hơn chiều sâu của tình yêu, một tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất của con người.

   Hai dòng thơ cuối cũng cho thấy một nghịch lí:

                Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy

                Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.

   Ở đây, tình yêu là cuộc đời, tình yêu vừa rất cụ thể song lại cũng trừu tượng vô cùng, nó vừa hữu hạn tưởng chừng như có một đường biên rõ ràng mà lại vô hạn chẳng biết đâu là bến, đâu là bờ của nó. Bởi thế cho dù nó bao gồm cả niềm vui và nỗi đau thì chính những niềm vui và nỗi đau ấy cũng vô cùng vô tận. Cũng như thế, sự giàu sang của nó, sự thiếu thốn của nó là vô tận. Ở đây cần thiết phải lí giải nghịch lí này. Muốn thế phải trở về với các từ chìa khóa: đời anh = tình yêu, đời anh là hiện thân của tình yêu, anh là – tình yêu. Đến với anh không chỉ đến bằng sự nhận thức thuần túy lí tính, bằng phép định lượng định tính, bởi mỗi một con người là một tiểu vũ trụ tồn tại trong cái thế giới đại vũ trụ bao la. Mặt khác, đời anh là tình yêu cho nên muốn hiểu được đời anh tất yếu phải dùng tình yêu, chỉ có tình yêu đến với tình yêu, chỉ bằng tình yêu để khám phá và mở đường thì mới được đền đáp, mới hạnh phúc vì lúc đó mới hiểu được bản chất của tình yêu.

   Bài thơ toát lên âm hưởng của giọng điệu thơ tình, qua cách thức giãi bày, bộc lộ quan niệm về tình yêu mà ở đây có thể liên tưởng tới tình yêu lứa đôi. Song bằng hình thức cấu trúc câu thơ theo lối giả định – phủ định – khẳng định, tác giả đã chỉ ra những nghịch lí của tình yêu. Từ đấy tác giả trình bày một quan niệm tình yêu khác, rộng hơn nhiều so với các quan niệm của các nhà thơ khác. Bài thơ diễn tả một nội dung triết lí về tình yêu, từ đó mở rộng ra ý nghĩa của cuộc đời, cho tình yêu nói chung và rộng hơn, cho mọi tình cảm của con người. Âm hưởng trữ tình thiết tha tạo ra sự trầm lắng, suy tư đầy chất triết lí vừa gợi mở cho độc giả niềm vui hướng tới tình yêu thiêng liêng, vừa tạo ra cảm giác kì diệu, bí ẩn của tình yêu.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 26. Bài thơ số 28
Đánh giá bài viết