I. Tác giả và tác phẩm

1. Tác giả

   Anh Thơ (1921 – 2005) tên khai sinh là Vương Kiều Ân, quê ở thị trấn Ninh Giang (nay là thị xã Ninh Giang), tỉnh Hải Dương. Anh Thơ xuất thân trong một gia đình công chức nhỏ. Tuổi thơ của Anh Thơ gắn liền với ruộng đồng quê hương, điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến các sáng tác của Anh Thơ sau này. Vốn ham thích thơ văn từ nhỏ, lớn lên giữa lúc phong trào Thơ mới đang diễn ra sôi nổi, Anh Thơ tìm đến thơ ca như một con đường giải thoát khỏi cuộc đời tù túng, buồn tẻ và tự khẳng định giá trị người phụ nữ trong xã hội đương thời. Từ năm 16 tuổi, Anh Thơ đã có thơ đăng báo, và năm 18 tuổi đã nhận giải thưởng sáng tác của Tự lực văn đoàn. Anh Thơ từng tham gia kháng chiến chống Pháp và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II.

   Anh Thơ có sở trường viết về cảnh sắc nông thôn, gợi được không khí và nhịp sống nơi đồng quê miền Bắc nước ta. Bà là nữ sĩ tiêu biểu của nền thơ Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm chính của Anh Thơ là Bức tranh quê (thơ – 1941), Kể chuyện Vũ Lăng (truyện thơ – 1957), Từ bến sông Thương (hồi kí – 1986), Tuyển tập Anh Thơ (1986).

2. Tác phẩm

   Bài thơ Chiều xuân được in trong tập Bức tranh quê, tập thơ đầu tay của tác giả. Bài thơ là một bức tranh xuân nơi đồng quê miền Bắc nước ta với những hình ảnh rất đặc trưng.

II. Tìm hiểu tác phẩm

1. Bức tranh tiêu biểu cho đồng quê ở miền Bắc

   Bức tranh xuân miền Bắc được Anh Thơ vẽ lên với rất nhiều chi tiết và cảnh sắc khác nhau, chi tiết nào cũng mang dáng vẻ hiền hòa, thanh bình rất thân thuộc. Trong cảnh sắc xuân đó có:

Mưa xuân nhè nhẹ: Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng.

Hoa xoan rơi lả tả:   Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.

Con đò:                    Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi.

Có non:                    Ngoài đường để cỏ non tràn biếc cỏ.

Bướm xuân lượn bay: Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.

Súc vật thanh thản:    Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.

Đồng lúa mùa xuân:  Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng.

Chim chóc:                Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ; Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra, Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.

Con người:               Cúi cuốc cao có ruộng sắp ra hoa.

2. Không khí và nhịp sống thôn quê

   Bức tranh chiều xuân mang không khí thanh bình, có phần lặng lẽ với nhịp sống êm ả, ít xáo động ở nông thôn. Một bức tranh tĩnh lặng, dường như không có chuyển động và cũng không có tiếng động. Bến vắng, đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi, quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng. Từ vắng lặng được nhắc đến ba lần trong bài thơ: bến vắng lặng, trong vắng lặng, ướt lặng gợi lên cái không khí lặng lẽ và ít xao động đó. Đến cả cái động duy nhất cuối bài thơ (Lũ cò con chốc chốc lụt bay ra, Làn giật mình một cô nàng yếm thắm) cũng chỉ để làm nổi bật cái tĩnh trong bài thơ.

   Nhịp sống còn được cảm nhận qua bức tranh thiên nhiên của chiều xuân: mưa đổ bụi êm êm, cánh bướm rập rờn trôi trước gió và cả những trâu bò thong thả cúi ăn mưa. Cái hồn của bức tranh Chiều xuân đã được Anh Thơ cảm nhận khá sâu sắc và thể hiện một cách tinh tế trong bài thơ.

Bài tham khảo

   Anh Thơ từ lâu chỉ chuyên lối thơ tả cảnh, mà lại tả những cảnh rất tầm thường: một phiên chợ, một đứa bé quét sân, một vài mụ đàn bà ngồi bắt chấy. Thơ của người biệt hẳn ra một lối. Có kẻ sẽ cho Anh Thơ là người vô tình. Nhưng có thiếu nữ nào hai mươi tuổi mà lại vô tình? Anh Thơ cũng bắt đầu làm những bài kể nỗi lòng mình. Hẳn người ta tập luyện nhiều lắm mới đi đến cái thản nhiên, cái dửng dưng mà độc giả Bức tranh quê ắt phải lấy làm lạ. Nhiều lúc tôi tưởng người đi quá xa. Tranh quê có bức chỉ là ảnh. Cái thản nhiên hàm súc của nghệ sĩ đã nhường chỗ cho cái thản nhiên trống rỗng của nhà nghề. Theo gót thi nhân đến đó, ta thấy uất ức khó thở: người dẫn ta vào một thế giới tù túng rồi không cho ta mơ tưởng đến một trời đất nào khác nữa.

   Không, thì phải là một tia sáng nối cõi thực và cởi mộng, mặt đất với các vì sao. Thơ không cốt tả mà gợi, gợi cảnh cũng như gợi tình. Cho nên một lần Anh Thơ chịu đi ra ngoài lối tù túng đó để nhìn cảnh vật một cách sâu sắc hơn, lời thơ bay bổng trở nên rộng rãi không ngờ và ta thấy khoan khoái biết bao. Sau câu thơ ta mơ hồ thấy một cái gì: có lẽ là hồn thi nhân. Như khi người ta tả cảnh bến đò trưa hè: .

                  Mây đi vắng trời xanh buồn rộng rãi

                  Sông im dòng đọng nắng đứng không trôi.

                  hay tả cảnh một buổi sáng trong trẻo:

                  Gió man mác bờ tre rung tiếng sẻ

                  Trời hồng hồng đáy nước lắng son mây

                  Làn khói xám từ nóc nhà lặng lẽ

                  Vươn mình lên như tỉnh giấc mơ say.

   Cảnh trong thơ cũng bất tất phải mênh mông. Một cái vỏ ốc đủ khiến ta nghe cả tiếng sóng rào rạt. Chỉ có ít bông hoa mướp, một lũ chuồn chuồn mà Anh Thơ gợi nên cả cái không khí thu:

                  Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác

                  Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay.

   Thường người cũng không cần đến những cảnh vốn sẵn nên thơ như thế. Với một vài điều nhỏ nhặt dường như thô lộ, người hé mở cho ta một cảnh trời. Chỗ này, giữa đám người ồn ào và đông đúc, vài ông thầy bói lặng lẽ đi: Bước gậy lần như những bước chiêm bao. Chỗ kia, đêm ba mươi Tết, chung quanh nồi bánh chưng sôi sùng sục:

                  Đã nhờn mơ chiếc váy sồi đen nhức .

                  Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm.

   Cho hay, vô cùng chỉ có thế giới bên trong. Và hình sắc đẹp là hình sắc khéo dẫn người ta vào thế giới ấy.

(Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam)

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 24. Chiều xuân
Đánh giá bài viết