I. Mục đích – yêu cầu

– Giúp học sinh củng cố lại những kiến thức về thao tác lập luận phân tích và thao tác lập luận so sánh trong việc làm một bài nghị luận văn học.

– Vận dụng các thao tác lập luận phân tích và thao tác lập luận so sánh để viết về các vấn đề văn học.

– Thực hành về các kĩ năng trong bài văn nghị luận: phân tích đề, lập dàn ý, viết thành bài văn hoàn chỉnh…

– Học sinh cần đọc lại các văn bản đã học để nắm vững nội dung nhằm giúp cho việc phân tích đạt hiệu quả tốt nhất.

II. Luyện tập. Gợi ý lập dàn bài cho một số đề bài đã cho trong SGK.

1. Đề bài 1: Người xưa có câu: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Anh (chị) hãy nói rõ ý kiến của mình về quan niệm trên.

Gợi ý: Học sinh xem lại tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, chú ý về cuộc đời và số phận của Thúy Kiều và Thúy Vân.

Lập dàn ý:

a. Mở bài:

   Học sinh nêu quan niệm của chế độ phong kiến về cuộc đời của Thúy Vân, Thúy Kiều và nhận xét xem quan niệm này đúng hay sai; đồng thời học sinh nêu lên ý kiến của bản thân về vấn đề này.

b. Thân bài:

• Giải thích quan niệm: theo quan niệm của Nho giáo, Thúy Kiều đã có những hành động không phù hợp với lễ giáo phong kiến (tự quyết định tình yêu với Kim Trọng khi chưa được sự cho phép của cha mẹ, bán mình vào chốn lầu xanh làm gái thanh lâu, lây nhiều người trái với đạo lí…).

• Bình luận: những đánh giá như vậy mang tính bảo thủ, cố chấp chưa thể hiện tính nhân đạo; người xưa chỉ nhìn nhận sự việc, nhìn nhận con người ở vẻ bề ngoài một cách quan liêu, phiến diện:

– Thực ra Thúy Kiều đáng thương nhiều hơn chứ không đáng trách. Nàng là người con hiếu nghĩa vẹn toàn, dám liều mình bán thân chuộc cha, làm tròn lễ giáo phong kiến trong đạo làm con đối với cha mẹ. Chính sự bất công, hủ lậu của chế độ phong kiến đã gián tiếp gây nên những oan trái trong cuộc đời nàng (nếu không có bọn xấu hãm hại cha nàng thì cuộc đời Thúy Kiều đã không đau thương như thế).

– Nàng đáng thương vì cuộc đời phong trần đầy đau khổ của nàng là do chế độ phong kiến gây ra, mặc dù nàng đã nhiều lần cố gượng dậy, vươn lên sống tốt đẹp hơn nhưng lần nào cũng bị thế lực phong kiến đè xuống lại chốn bùn nhơ (học sinh lấy ví dụ chứng minh).

– Thúy Kiều là một cô gái đáng để người đời khâm phục, trân trọng: nàng không chỉ là một người tài sắc vẹn toàn mà còn là người có nhân cách sống cao quý và một tấm lòng trong sáng, thanh cao, giàu phẩm hạnh (hiếu .. nghĩa với cha mẹ, chung thủy trong tình yêu, ý thức sâu sắc về nhân phẩm con người…).

– Tính chất nhân đạo và tính chất vượt thời đại của Truyện Kiều được Nguyễn Du thể hiện rất sâu sắc; chính tính chất vượt thời đại này gây ra sự hiểu biết chưa thấu đáo mà đã vội vàng kết luận của một bộ phận người xưa vốn lấy lễ nghĩa Nho giáo làm chuẩn mực tuyệt đối trong đánh giá con người.

c. Kết luận:

– Đưa ra những nhận xét về số phận Thúy Kiều và những đồng cảm về cuộc đời gian truân của nàng để đánh giá đúng về nhân vật này.

– Phê phán những cách nhìn nhận sai lệch. .

– Cần đánh giá nhận định này trên cơ sở khách quan, khoa học, có tình có nghĩa..

2. Đề bài 2: Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao.

Gợi ý: Học sinh đọc kĩ tác phẩm Chí Phèo, chú ý vào đặc điểm hình dáng, tính cách, con người, nội tâm nhân vật Chí Phèo.

a. Mở bài:

   Giới thiệu sơ lược về tác giả Nam Cao, sự ra đời của tác phẩm và nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm.

b. Thân bài:

   Giới thiệu một số điểm khái quát chung về đề tài người nông dân bị tha hóa trong xã hội, những giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực phê phán trong tác phẩm, những nét độc đáo, sâu sắc của Nam Cao trong nghệ thuật…

   Cảm nhận về nhân vật Chí Phèo: 

– Chí Phèo – bi kịch của con người bị tha hóa: từ một trai làng khỏe mạnh, hiền lành, sống làm thuê làm mướn với sự ấp ủ những ước mơ giản dị… Chí Phèo đã bị bóc lột, chèn ép, lợi dụng dẫn đến bần cùng hóa, tha hóa trở nên biến dạng sống tận đáy sâu của xã hội không hề tìm thấy lối thoát. Chí Phèo từ một anh lực điền chân chất, qua bàn tay phù phép của bọn cường hào ác bá trong xã hội phong kiến thực dân đã trở thành một con người hung dữ, xấu xa về cả nhân hình, nhân tính; là con quỷ dữ của cả làng Vũ Đại.

– Chí Phèo – bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người: ra khỏi chốn tù tội, trở về làng, trở về với cuộc sống của một con người tự do; nhưng đây cũng là lúc không ai coi Chí Phèo là người nữa. Chí Phèo không thể hòa nhập được với cộng đồng, mọi người xa lánh, không quan tâm. Bị xã hội ruồng bỏ, ý thức làm người trong con người của Chí Phèo trở nên “mệt mỏi”, không còn muốn đấu tranh mà muốn nhốt mình trong cái vỏ bọc hung hãn, tàn bạo, chuyên chửi làng, phá xóm, rạch mặt ăn vạ…

– Chí Phèo – bi kịch của đóm lửa nhen nhóm cuộc sống lương thiện nhưng lại bị cự tuyệt một lần nữa quyền trở lại làm người: Thị Nở đã khơi dậy những kí ức vốn muốn ngủ quên trong con người Chí Phèo, thắp lên chút ánh sáng hồi sinh nhân tính tốt đẹp trong con người anh lực điền . lương thiện ngày xưa, hé mở con đường trở về với xã hội. Tuy nhiên, đóm lửa đó quá nhỏ và cũng không giữ được lâu, mọi hi vọng vừa chớm hồi sinh đã trở thành tuyệt vọng, một lần nữa lại bị vùi dập vào đêm tối, cơ hội trở về làm người lại bị tước đoạt. Cuối cùng, Chí Phèo đã chọn cái chết – con đường duy nhất có thể đưa Chí Phèo trở lại làm người.

   Những nhận định rút ra từ việc phân tích nhân vật:

– Chí Phèo là hiện thân nỗi khổ đến cùng cực của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Qua việc tạo dựng nên nhân vật Chí Phèo, Nam Cao muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ băng hoại nhân tính, nhân hình của con người trước áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến thực dân tàn bạo và sự quay lưng của con người đối với con người.

– Tuy chọn kết thúc cho cuộc đời nhân vật của mình không có hậu, đó là con đường cùng, nhưng Nam Cao vẫn bộc lộ cho chúng ta thấy con người dù xấu xa như thế nào thì tận sâu thẳm tâm hồn họ vẫn còn giữ lại nhân tính tốt đẹp, chỉ cần chúng ta mở rộng cửa đón nhận, biết cách khơi gợi, đưa nó quay trở về thì sẽ thành công.

– Tác phẩm mang tính hiện thực và tính nhân đạo sâu sắc.

c. Kết luận: Khẳng định sức sống của nhân vật Chí Phèo và tác phẩm của Nam Cao trong lòng công chúng.

3. Đề bài 3: Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

a. Mở bài:

   Giới thiệu khái lược về Nguyễn Tuân, tác phẩm, các nhân vật và mối quan hệ giữa hai nhân vật chính Huấn Cao và viên quản ngục

b. Thân bài:

– Tóm tắt tác phẩm, giới thiệu về điểm đặc sắc giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật.

– Phân tích sự thay đổi thái độ của Huấn Cao đối với viên quản ngục theo từng giai đoạn: lúc đầu Huấn Cao tỏ ra miệt thị, nghi ngờ viên quản ngục; sau đó biết được nhân cách, tấm lòng biệt nhỡn liên tài cao quý của viện quản ngục, Huấn Cao đã thay đổi thái độ, chấp nhận cho chữ – một món quà ý nghĩa mà cả cuộc đời viên quản ngục ao ước, tâm huyết; đồng thời đưa ra những lời khuyên chân thành như hai người bạn tri kỉ đối với viên quản ngục.

– Quá trình thay đổi thái độ ấy còn thể hiện độc đáo tính cách, phẩm chất của Huấn Cao: là người tài hoa, khí phách, thiên lương cao đẹp..

c. Kết luận: 

   Khẳng định tài năng của Nguyễn Tuân và sức sống của tác phẩm.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 19. Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học
Đánh giá bài viết