I. Tác giả và tác phẩm 

1. Tác giả

   Phan Bội Châu (1867 – 1940) hiệu là Sào Nam, quê ở làng Đan Nhiễm, nay thuộc thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An Phan Bội Châu là người xuất thân từ con đường khoa cử nhưng sớm nhận ra hạn chế của con đường danh vọng cũng như con đường cứu nước theo lối cũ.

  Sau khi đỗ Giải nguyên trường Nghệ (1900), Phan Bội Châu vào Nam ra Bắc kết giao đồng chí để tìm đường cứu nước. Năm 1904, ông cùng một số đồng chí khác lập ra tổ chức Duy Tân hội. Theo chủ trương của hội, ông tổ chức và lãnh đạo phong trào Đông du và xuất dương cầu viện. Từ đó, Phan Bội Châu trải qua một chặng đường dài mưu sự phục quốc, nhưng việc không thành. Năm 1925, ông bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) và đưa về nước. Âm mưu của thực dân Pháp là thủ tiêu nhà yêu nước – Phan Bội Châu nhưng trước làn sóng đấu tranh của nhân dân, chúng đưa. Phan Bội Châu ra xử công khai. Phan Bội Châu được trắng án nhưng bị giam lỏng tại Huế cho đến lúc qua đời.

   Không những là nhà yêu nước, nhà hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu còn là nhà văn, nhà thơ lớn. Phan Bội Châu để lại kho tàng tác phẩm vô cùng đồ sộ. Những tác phẩm chính của ông có thể kể đến như Việt Nam vong quốc sử (1905), Hải ngoại huyết thư (1906), Ngục trung thư (1914), Trùng Quang tâm sử (Phan Bội Châu viết trong thời gian ở nước ngoài), Phan Bội Châu niên biểu (1929)

   Phan Bội Châu được coi là cây bút tiêu biểu trong phong trào văn học yêu nước đầu thế kỉ XX.

2. Tác phẩm

   Năm 1905, sau khi thành lập tổ chức Duy Tân hội, Phan Bội Châu xúc tiến công việc xuất dương cầu viện. Đích đến của các nhà cách mạng là Nhật Bản. Phan Bội Châu hướng sang Nhật Bản với một niềm hi vọng mới cho độc lập của dân tộc. Bài thơ Lưu biệt khi xuất dương được Phan Bội Châu viết để tạm biệt đồng chí trước lúc lên đường sang Nhật.

II. Tìm hiểu tác phẩm 

1. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm

   Lưu biệt khi xuất dương là bài thơ tiêu biểu của thơ văn yêu nước đầu thế kỉ XX. Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Cuối thế kỉ XIX, phong trào chống Pháp của nhân dân ta thất bại. Phong trào Cần Vương – phong trào chống Pháp cuối cùng do triều đình nhà Nguyễn lãnh đạo – cũng lâm vào bế tắc, con đường cứu nước bằng cách giương cao ngọn cờ quân chủ không còn hiệu quả; thực dân Pháp thiết lập ách thống trị lên đất nước ta. Đứng trước tình hình đó, nhiều sĩ phu yêu nước vốn xuất thân từ nền giáo dục phong kiến đã tự tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản và tiến hành con đường cứu nước theo hướng mới. Đó là học tập các nước tiên tiến hơn để tạo thế và lực cho dân tộc. Và nước được nhiều chí sĩ lựa chọn là Nhật Bản. Các nhà cách mạng hướng đến Nhật Bản với một niềm tin và hi vọng lớn, coi đó là một chân trời mới trong lúc đất nước đang tăm tối. Năm 1905, Phan Bội Châu quyết định xuất dương sang Nhật Bản với bầu nhiệt huyết và khát vọng cứu nước cháy bỏng. Bài thơ Lưu biệt khi xuất dương được Phan Bội Châu viết trước lúc lên đường sang Nhật trong bầu nhiệt huyết sôi nổi đó. Bài thơ thấm đượm không khí cách mạng của thời đại, thể hiện khí phách của người anh hùng cách mạng. ..

2. Quan niệm về chí làm trai của tác giả

   Quan niệm về chí làm trai của Phan Bội Châu được thể hiện trong bốn câu đầu của bài thơ.

   Câu phá để khẳng định một lẽ sống đẹp của đấng nam nhi: phải lạ ở trên đời. Cái lạ ở đây chính là phải sống sao cho phi thường, hiển hách; phải mưu đồ những việc lớn, có tầm vóc; chứ không thể tầm thường được. Câu thừa đề giải nghĩa cái lạ ấy chính là việc xoay chuyển trời đất, xoay chuyển thời thế, không buông xuôi theo số phận. Chỉ nam nhi của Phan Bội Châu được tiếp nối bởi chí nam nhi của những người đi trước như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Công Trứ

   Hai câu tiếp theo trong bài thơ cho thấy cái tôi đầy trách nhiệm của tác giả trước thời cuộc. Hai câu này triển khai cụ thể ý tưởng về chí làm trai trong hai câu trước. Nó gắn liền với ý thức về cái tôi, nhưng ở đây là cái tôi công dân đầy tinh thần trách nhiệm trước đất nước, trước cuộc đời. Người mang trong lòng một chí nam nhi đẹp, mới mẻ không phải là để ôm ấp, tôn thờ mà chính là để hành động. Sự khẳng định của tác giả không phải là phô trương mà thể hiện sự tự tin, đầy bản lĩnh và ý thức trách nhiệm cao. Cuộc thế trăm năm này cần có ta không phải là để hưởng lạc thú mà để cống hiến cho đời, để đáng mặt nam nhi, để lưu danh thiên cổ. Đó là một khát vọng chính đáng và cao cả.

   Chí nam nhi của Phan Bội Châu trước tình cảnh đất nước đang bị thực dân Pháp đô hộ chính là một hồi chuông cảnh tỉnh các bậc anh tài đang có tâm lí buông xuôi, khuất phục trước thực dân Pháp, đó chính là liều thuốc tinh thần không chỉ cho tác giả mà cho tất cả những người đang mưu cầu nghiệp lớn.

3. Thái độ của tác giả trước tình cảnh đất nước và những tín điều xưa cũ

   Thái độ của tác giả đối với những tín điều xưa cũ là thái độ chối bỏ đầy tinh thần cách mạng, hiện lên trong đó nỗi nhục mất nước cùng ý chí giải phóng dân tộc. Nỗi nhục mất nước đã đốt cháy tâm can nhà thơ. Tình cảnh nô lệ đã được tác giả nhìn nhận một cách chân thực: non sông đã chết. Chính vì tình cánh đất nước nô lệ nên tác giả thể hiện ý chí, quyết tâm của mình trong việc thoát khỏi thực tế đó: sống thêm nhục. Nhịp thơ 4 -3, câu thơ ngắt đôi ở chính giữa càng khẳng định thái độ mạnh mẽ của tác giả.

   Câu thơ tiếp theo mang nét mới trong tư tưởng của tác giả:

                    Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!

   Phan Bội Châu nhìn thấy sự không hiệu quả của lối học xưa cũ, nó không còn phù hợp với sự đòi hỏi của thời cuộc, của đất nước. Ông quan niệm sách vở thánh hiền không giúp được gì cho đất nước trong giai đoạn khó khăn này. Nếu bám theo lối xưa cũ thì chỉ dẫn con người đến chỗ ngu mà thôi. Lời thơ còn thể hiện sự dè bỉu kiểu ứng xử nhắm mắt làm ngơ trước thực tại của một bộ phận trí thức thời đó. Phan Bội Châu hoàn toàn không phủ nhận nền giáo dục Nho giáo, nhưng trong tư tưởng của ông đã hình thành một tư tưởng mới của thời đại. Sự nhạy bén trước thời cuộc, sự táo bạo trong suy nghĩ đã giúp hình thành nên những vần thơ mang đậm màu sắc cách mạng và yêu nước.

   Hai câu thơ đã nâng tác giả lên một tầm cao mới, thể hiện khí phách hiên ngang, táo bạo của một con người đang vùng vẫy để chứng tỏ chí tráng của mình, của đấng nam nhi trước thời cuộc.

4. Khát vọng hành động và tư thế của buổi lên đường

   Hai câu cuối trong bài thơ chính là tư thế và khát vọng của buổi lên đường. Đó chính là tư thế hào hùng và khát vọng cháy bỏng trong sự nghiệp cứu nước của tác giả:

                    Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,

                    Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

   Các hình ảnh nêu ra trong hai câu thơ đều lớn lao và muôn trùng. Đó cũng chính là chí tráng và khát vọng của tác giả. Những hình ảnh đó như muốn cùng bay lên hòa quyện cùng ý chí của người đi. Hình ảnh kết thúc bài thơ thật hào hùng nhưng không kém phần lãng mạn. Người đi đường như được chắp thêm đôi cánh để rộng đường bay xa, rộng đường hoạt động. Đó là nguồn sức mạnh giúp tác giả vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt của con đường vốn nhiều khó khăn, khắc nghiệt. Hai câu thơ cuối như là lời động viên, lời thúc giục cũng chính là niềm tin vào một hành trình mang lại ánh sáng cho dân tộc.

5. Giá trị của bài thơ

   Bài thơ chứa đựng những tư tưởng mới, mang tính cách mạng về con đường và sự nghiệp cứu nước. Những tư tưởng này mở đường cho các hoạt động yêu nước diễn ra rầm rộ trong thời gian sau đó. 

   Bài thơ thể hiện nỗi nhục mất nước của nhân dân Việt Nam lúc đó, đồng thời là lời hiệu triệu thanh niên tham gia hành động, tham gia hoạt động giải phóng dân tộc.

   Bài thơ mở ra một không gian bao la cho những ai muốn hoạt động, muốn thể hiện chí trang nam nhi trong việc rửa nỗi nhục mất nước.

   Đằng sau lời lẽ hào hùng của bài thơ là khí chất hăng hái và nhiệt huyết tràn đầy của một nhân cách đáng ngưỡng mộ.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 19. Lưu biệt khi xuất dương
Đánh giá bài viết