I. Tác phẩm.

   Năm 1922, chính quyền thực dân đưa vua bù nhìn Khải Định sang Pháp để dự cuộc đấu xảo thuộc địa ở Mác-xây. Mục đích của chúng là để lừa gạt nhân dân Pháp, làm cho họ tưởng rằng vị quốc vương An Nam đã hoàn toàn quy phục “mẫu quốc”, sang Pháp để cảm tạ công ơn khai hóa của “mẫu quốc”. Qua sự có mặt và thái độ hèn hạ của Khải Định, chính quyền thực dân muốn làm cho nhân dân Pháp tin rằng tình hình Đông Dương đã ổn định, và bây giờ là lúc cần đầu tư cho sự khai hóa và phát triển.

   Để phơi bày bản chất lừa bịp của chính quyền thực dân, cũng như làm rõ chân tướng của tên vua Khải Định, Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm Vi hành. Tác phẩm này được viết vào đầu năm 1923, cùng với các tác phẩm khác như Con rồng tre, Lời than vãn của bà Trưng Trắc đã vạch trần tính chất bù nhìn, tay sai của vua Khải Định, đồng thời lật tẩy cái gọi là “khai hóa” của thực dân Pháp. Tác phẩm được viết bằng tiếng Pháp, đăng trên báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp vào ngày 19-2-1923.

II. Phân tích nội dung

1. Việc tạo dựng tình huống truyện và hình ảnh vua Khải Định

– Truyện mở đầu bằng một tình huống oái ăm, vừa có nét vui của sự ngộ nhận, vừa tạo được hiệu quả châm biếm sâu cay mà vẫn giữ tính khách quan khi kể chuyện. Đó là tình huống lầm lẫn của đôi trai gái người Pháp trong chuyến tàu điện ngầm. Họ cho rằng nhân vật Tôi trong truyện chính là vua Khải Định và cũng không hề biết tiếng Pháp nên tự nhiên trò chuyện, tranh luận, chê bai ông vua này.

– Tình huống lầm lẫn tưởng như vô lí nhưng lại rất có lí, vì người phương Tây rất khó phân biệt được bộ mặt khác nhau của những người da vàng mắt xếch, mặt thì bủng như vỏ chanh. Chính tình huống nhầm lẫn ấy. khiến cho câu chuyện thật tự nhiên, tạo điều kiện cho việc miêu tả chân dung của vua Khải Định thật hài hước, khách quan.

– Tạo ra tình huống nhầm lẫn của đôi trai gái còn để nhân qua đó, nhân vật Tôi tình cờ hiểu được nhiều điều nhận xét của người phương Tây đối với một vị vua An Nam: ngoại hình thì quê mùa, lố bịch, giống như một thứ đồ cổ; hành tung thì mờ ám, đi “ăn mảnh” một cách để tiện, đến những nơi không phải của một vị vua… tóm lại, ông ta chỉ là một trò hề, một con rối không hơn không kém trong con mắt của đội thanh niên nam nữ người Pháp. Vì thế, dù vua Khải Định không hề xuất hiện trong truyện nhưng chân dung của ông ta được dựng lên rất cụ thể và ngộ nghĩnh.

2. Thủ đoạn xảo trá và bộ mặt nhân nghĩa của thực dân Pháp

– Tổ chức hội chợ thuộc địa để ve vãn, lừa bịp nhân dân các nước thuộc địa.

– Bày ra cảnh đón tiếp người An Nam niềm nở, chu đáo nhưng thực chất là để theo dõi gắt gao mọi hành động, cử chỉ của họ như những tên chó săn.

– Đưa ra chiêu bài khai hóa, văn minh rằng người da trắng đều là những bậc khai hóa để lừa bịp, xoa dịu dân chúng. Bộ mặt giả nhân giả nghĩa của thực dân Pháp càng cố giấu càng bị phơi bày qua những hành động trái ngược của chúng.

– Thi hành chính sách thuế khóa nặng nề, chế độ ngu dân độc ác, đầu độc nhân dân thuộc địa bằng rượu cồn và thuốc phiện.

3. Biện pháp nghệ thuật trong truyện Vi hành

– Tác giả sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật độc đáo, đầy sáng tạo thể hiện là một người viết truyện ngắn già dặn.

– Sáng tạo độc đáo nhất là hư cấu ra cuộc nhầm lẫn của đôi thanh niên nam nữ trong tàu điện ngầm ở Pa-ri để qua đó khách quan tố cáo, lên án tên vua bù nhìn Khải Định.

– Cách dựng cảnh sinh động, đối thoại tự nhiên, hợp lí, trần thuật chuyện linh hoạt.

– Sử dụng hình thức bức thư gởi cô em họ để có thể dung nạp trong một truyện ngắn nhiều giọng điệu phong phú, nhiều liên tưởng thật thú vị…

– Giọng điệu châm biếm tự nhiên nhưng sâu cay, sắc sảo qua những chi tiết chọn lọc đắt giá, qua cách viết đa nghĩa gợi nhiều suy nghĩ liên tưởng cho người đọc, cách dùng ngôn từ hàm chứa nhiều ý nghĩa…

– Giọng văn chế giễu thâm thúy, nhìn bề ngoài có vẻ nhẹ nhàng, hóm hỉnh, không hề có ý thóa mạ nhưng thực chất có sức mạnh đả kích rất quyết liệt An Nam Khải Định và chiêu bài khai hóa giả dối của thực dân Pháp.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 15. Vi hành
Đánh giá bài viết