I. Kiến thức cơ bản (xem bài 12)

II. Luyện tập

1. Phân biệt bản tin và phóng sự

– Bản tin: là thông tin sự việc, cần chính xác, khách quan.

– Phóng sự ngắn: vừa thông tin sự việc, vừa miêu tả sinh động, cụ thể; phải gợi cảm, gây hứng thú cho người đọc.

2. Những yêu cầu khi viết một bản tin ngắn phản ánh tình hình học tập ở lớp

– Thời gian: xác định thời điểm cụ thể.

– Địa điểm: lớp học cụ thể.

– Sự kiện: chú ý sự kiện nổi bật.

– Đưa ra ý kiến nhận xét về sự kiện thật ngắn gọn, súc tích.

3. Những yêu cầu khi viết một tiểu phẩm vui để phê phán những biểu hiện không tốt của học sinh trong giờ học

– Xác định người thật, việc thật một cách cụ thể.

      – Viết tự nhiên, không gò bó, trau chuốt từ ngữ và câu văn. Có thể sử dụng nhiều giọng văn khác nhau như: thân mật hoặc hài hước nhưng chứa đựng sự châm biếm, phê phán nhẹ nhàng.

      –  Bài viết cần đưa ra việc bày tỏ thái độ của tác giả đối với những hành vi không tốt đã nêu.

Bài tham khảo               PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

    Trong cuộc đời đầy truân chuyên của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, cả phương Đông và phương Tây. Trên những con tàu vượt trùng dương, Người đã ghé lại nhiều hải cảng thăm nhiều nước châu Phi, châu Á, châu Mĩ. Người đã từng sống dài ngày ở Pháp, ở Anh. Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga… và Người đã làm nhiều nghề. Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đâu Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm. Người cũng chịu ảnh hưởng của tất cả các nền văn hóa, đã tiếp thu mọi cái đẹp và cái hay đồng thời phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản. Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại.

   Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ cả thế giới, có một vị Chủ. tịch nước lấy chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao là “cung điện” của mình. Quả như một câu chuyện thần thoại, như câu chuyện về một v tiên, một người siêu phàm nào đó trong cổ tích. Chiếc nhà sàn đó cũng chỉ vẻn vẹn có vài phòng tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ, với những đồ đạc rất mộc mạc, đơn sơ. Và chủ nhân chiếc nhà sàn này cũng trang phục hết sức giản dị, với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trân thú, đô dép lốp thô sơ như của các chiến sĩ Trường Sơn đã được một tác giả phương Tây ca ngợi như một vật thần kì. Hằng ngày, việc ăn uống của Người cũng rất đạm bạc, với những món ăn dân tộc không chút cầu kì, như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa.

   Và Người sống ở đó, một mình, với một tư trang ít ỏi, một chiếc va li con với vài bộ áo quần, vài vật kỉ niệm của cuộc đời dài. Tôi dám chắc không có một vị lãnh tụ, một vị tổng thống hay một vị vua hiền nào ngày trước lại sống đến mức giản dị và tiết chế như vậy. Bất giác ta nghĩ đến các vị hiền triết ngày xưa như Nguyễn Trãi ở Côn Sơn hay Nguyễn Bỉnh Khiêm sống ở quê nhà với những thú quê thuần đức:

                         Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

                         Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

   Nếp sống giản dị và thanh đạm của Bác Hồ, cũng như các vị danh nho xưa hoàn toàn không phải là một cách tự thần thánh hóa, tự làm cho khác đời, hơn đời, mà đây là lối sống thanh cao, một cách di dưỡng tinh thần, một quan niệm thẩm mĩ về cuộc sống, có khả năng đem lại cuộc sống hạnh phúc thanh cao cho tâm hồn và thể xác.

(Lê Anh Trà, Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái giản dị,
trong Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam,
Viện Văn hóa xuất bản)

 

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 13. Phong cách ngôn ngữ báo chí
Đánh giá bài viết