* Hướng dẫn làm bài tập 

Đề bài: Tả một cây có bóng mát (hoặc cây ăn quả, cây hoa) mà em yêu thích.

Bài tham khảo 1

Tả cây dừa (Cây ăn quả) Nhà em trồng rất nhiều dừa, nhưng em thích nhất là cây dừa có gốc cong cong, đứng sừng sững ở bờ ao sau nhà.

Thoạt nhìn, nó giống như cây chổi lông khổng lồ. Gốc cong cắm chặt vào bờ ao, phình ra như bụng cái trống chầu, đâm ngang từ bờ ra mặt ao, tạo nên một hình ảnh cố định là dừa lúc nào cũng đang soi mình trên mặt nước. Thân dừa xám xịt, vỏ đầy dấu ấn của thời gian và nứt nhiều đường li ti. Càng lên cao, thân nó càng thu nhỏ lại và đâm thẳng lên trời. Từ gốc đến ngọn, dừa phải cao đến mười mét. Ngọn tua tủa một chùm tàu lá xanh tươi, tỏa ra hàng chục bẹ, mỗi bẹ dài khoảng hai thước. Hai bên mép bẹ tỏa ra hai hàng lá dài, màu xanh đậm đều đặn, đối xứng nhau, in rõ trên nền trời những đường răng lược to lớn. Có vài tàu lá khô rũ xuống lòng thòng. Giữa những nách bẹ nhét đầy những chùm dừa sai trái treo lủng lẳng. Quả dừa lúc đầu nhỏ hơn nắm tay rồi to dần, nay đã no tròn, xanh bóng trông như những chú heo con bú bẫm. Hái một trái dừa, phạt ngang đầu trái, ta có một thứ nước giải khát ngọt ngào hương vị quê hương, làm mát dịu ruột gan giữa những oi bức. Cơm dừa màu trắng, béo ngậy, ăn sống cũng ngon mà để làm bánh, làm mứt cũng ngon. Những món bánh, mứt tuyệt vời ấy em đã thưởng thức nhiều lần do đôi bàn tay khéo léo của bà nội làm.

Ở làng quê, cây dừa cũng như cây chuối, toàn thân nó đều phục vụ cho đời sống con người: lá để lợp nhà, cùi dừa để làm mứt, làm xà phòng trong công nghiệp… Hiện nay, xơ dừa được dùng làm tấm lợp bền chắc và mát, được dệt thành thảm để xuất khẩu đem lại cho con người nguồn lợi lớn, Từ Bình Định đổ vào, đâu đâu cũng thấy những rặng dừa. Xứ dừa quê em giàu đẹp biết bao!

Đối với em, cây dừa này là một kỉ niệm sâu sắc của một thời thơ ấu. Mỗi dịp theo mẹ về quê, trưa nào em cũng ra vắt vẻo trên cái gốc cong phình như bụng trống chầu, đâm ngang từ bờ ra mặt ao, ngồi đọc sách, câu cá và tâm sự với dừa để dừa không cảm thấy cô đơn. Dừa soi bóng xuống ao và bóng em cũng soi rọi xuống ao, cả hai cùng lung linh giữa đất trời êm ả.

Tô Quốc Tuấn. 

Bài tham khảo 2

 Tả cây phượng vĩ (Cây cho bóng mát)

 Nếu có dịp, bạn hãy ghé thăm trường tôi vào những ngày hè, khi cây phượng vĩ nở rộ những đóa hoa đỏ thắm và tiếng ve kêu râm ran suốt ngày đêm thì tôi tin chắc rằng bạn sẽ thích thú lắm! 

Cây phượng vĩ ở trường tôi trồng từ bao giờ tôi không biết, chỉ nhớ rằng khi tôi mới đặt chân vào trường đã thấy cây đang ở đây hiên ngang như một chàng dũng sĩ.. 

Cây phượng này đã già lắm rồi, thân cây chuyển sang màu nâu xám có nhiều đốm trắng bạc có lẽ vì năm tháng qua đi. Cây giương ra những cánh tay che chở cho chúng tôi khỏi những tia nắng gay gắt của mặt trời. Phía trên là những tán lá như cái lọng màu xanh to lớn. Tôi không biết ai đã đan những cành cây lại với nhau mà thành cái lọng khéo đến như vậy. Những chú ve thường ẩn mình trong vòm lá phượng cùng nhau cất lên một bản hòa tấu ca ngợi mùa hè làm nức lòng lũ học trò chúng tôi. . Giữa khoảng trời mênh mông, những đóa hoa phượng đỏ rực nổi lên mang một sắc thái riêng biệt hết sức kiêu sa, rạo rực và dễ thương. Vào giờ ra chơi, những cánh hoa phượng được các bạn gái tách ra làm thành những chú bướm xinh xinh. Còn các bạn trai thì lấy những nhụy hoa thi nhau móc ngoéo. Sau những trận mưa rào, cánh hoa phượng rơi rải rác khắp sân trường tựa như mặt sân được trải lên bằng một tấm thảm màu đỏ tươi ánh lên dưới tia nắng mặt trời. 

Cây phượng này thay đổi quanh năm: mùa đông, cây rụng hết lá, khẳng khiu. Nhưng sang xuân, chồi non lại nhú ra phủ một màu xanh tươi mát cho cây. Mỗi lần như thế, dường như tuổi thanh xuân lại trở về với cây phượng, xóa đi sự già nua đã in hằn lên thân hình nó. Sau đó không bao lâu, ở sân trường, hình ảnh của mùa hè lại được vẽ lên một cách rõ rệt bằng những chùm hoa phượng đỏ thắm. Nó đem lại niềm vui sướng, háo hức cho tuổi học trò.

 Mùa hè đã đến, giã từ những cánh phượng thắm để bước vào một kì nghỉ lí thú sau những tháng ngày học tập vất vả. Những cánh bướm làm bằng hoa phượng vẫn cứ bay lượn trong cuốn lưu bút của tuổi học trò chúng tôi.

Bài tham khảo 3

Tả hoa đào (Tả cây hoa)

 Năm nào cũng vậy, cứ đến hai mươi bảy tháng chạp, hai bố con tôi lại lên Nhật Tân để xem các vườn đào nổi tiếng của Hà Nội và cũng là để mua hoa về chưng Tết.

Hôm đó, khí trời lành lạnh, thỉnh thoảng những cơn gió bấc thổi từ sông Hồng lên hất vào mặt khiến tôi run lên vì lạnh. Dọc hai bên đường là những luống đào chạy dài thẳng tắp, đâu đâu cũng chỉ thấy hoa đào, bạt ngàn một màu đỏ rực.

Cây đào không cao lắm, chỉ bằng người tôi thôi, có cây lớn hơn một chút. Thân cây màu nâu xám và bóng. Cách mặt đất khoảng ba, bốn tấc, đào chia ra làm nhiều nhánh, mỗi nhánh tỏa ra nhiều cành. Cành đào vẫn là màu nâu xám nhưng nhạt và sáng bóng hơn. Mỗi cây đào mang một dáng vẻ khác nhau: có cây khum khum đan tròn vào nhau trông rất đẹp mắt, có cây lại được tỉa tót, uốn lượn thành hình con công, con hạc đang xoè đuôi, xoè cánh để khoe “bộ lông” rực rỡ của mình. Người ta gọi những cây đó là đào thế. Cũng như mai vàng, trước Tết một tháng, đào được vặt trụi lá. Nhưng chỉ sau hai tuần, mỗi nhánh đã chi chít những nụ đào nhỏ xíu và một màu hồng tươi đã bắt đầu ló dạng. Đâu đó những bông hoa mới nở đậu chênh vênh trên các cành. Hoa đào năm cánh, mảnh mai như đang khoe sắc trước nắng xuân. Sắc hoa đào màu hồng tươi, càng rét hoa đào càng nhuận sắc.

Lúc này, ánh nắng đã trải khắp vườn đào, làm tan đi những giọt sương đêm còn đọng trên cành lá khiến cho những nụ hoa như sáng hơn, tươi đẹp hơn. Người đi xem hoa mỗi lúc một động. Áo quần đủ màu đủ sắc, tiếng nói, tiếng cười rộn ràng khiến cho vườn đào càng trở nên rực rỡ và náo nhiệt.

Hoa đào cũng như các loài hoa khác, góp phần tô điểm cho cuộc sống của con người. Mỗi khi Tết đến, ai ai cũng muốn có một cành đào trong nhà và cầu mong mọi sự tốt đẹp sẽ đến với mình. 

Nguồn website giaibai5s.com

Giải bài tập Tiếng việt lớp 4 tập 2 – Tuần 26: Tập làm văn: Luyện tập miêu tả cây cối
Đánh giá bài viết