* Hướng dẫn làm bài tập

1. Lập dàn ý chi tiết cho một trong các đề sau:

a) Tả cô giáo (hoặc thầy giáo) đã từng dạy dỗ em và để lại cho em nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp.

b) Tả một người ở địa phương em sinh sống (chú công an phường, chú dân phòng, bác tổ trưởng dân phố, bà cụ bán hàng).

c) Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc.

Dàn ý chi tiết: Tả cô giáo (hoặc thầy giáo) đã từng dạy dỗ em và để lại cho em nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp.

1. Mở bài: Giới thiệu về cô giáo (thầy giáo): Tên gì? Đã dạy em lớp mấy? Vì sao cô giáo (thầy giáo, ấy làm em nhớ nhất?

   (Cô giáo dạy em tên Hằng, cô dạy em ở lớp Bốn, hiện cô là giáo viên chủ nhiệm lớp Năm em đang học.)

2. Thân bài:

a) Hình dáng cô giáo (thầy giáo)

– Bao nhiêu tuổi? Tần vóc, quần áo, mái tóc, mắt, mũi, miệng, làn da… ra sao?

   (Cô có vóc người mảnh mai, nước da trắng hồng. Mái tóc đen mượt, óng ả, buông xuống ngang lưng. Đôi mắt mở to dưới cặp lông mày thanh mịn. Khuôn mặt trái xoan. Nụ cười tươi để lộ hàm răng trắng muốt, ăn mặc giản dị, thường là chiếc áo dài màu xanh nước biển, quần sa tanh trắng. Giọng nói nhỏ nhẹ, giảng bài rất hấp dẫn.)

b) Tả tính tình cô giáo (thầy giáo)

– Tính tình được biểu hiện qua lời nói, điệu bộ, cử chỉ, việc làm.

– Mối quan hệ với phụ huynh học sinh, đồng nghiệp, những người thân trong gia đình. 

  • Là người nhân hậu, không bao giờ to tiếng với học sinh. Ân cần giúp đỡ những bạn học sinh yếu.
  • Quan tâm đến mọi hoạt động của lớp, đặc biệt là hoạt động của đội.
  • Thường kể những câu chuyện lí thú về tình đoàn kết, yêu thương nhau.
  • Cha mẹ học sinh yêu mến và tin tưởng ở cô.

3. Kết bài: Cảm nghĩ của em về thầy giáo (cô giáo)

   Cô là người mẹ thứ hai. Mai đây khôn lớn, dù đi bất cứ nơi đâu, làm việc gì vẫn nhớ mái trường thân yêu ở đó có cô giáo Hằng, người đã dìu dắt em nên người.

Dàn ý chi tiết: Tả một người ở địa phương em sinh sống (chú công an phường, chú dân phòng, bác tổ trưởng dân phố, bà cụ bán hàng…).

                                         Tả bà cụ bán hàng tạp hóa

1. Mở bài: Giới thiệu người tả.

   Bà cụ bán hàng tạp hóa ở gần nhà em, thỉnh thoảng em vẫn sang bên đó mua hàng cho mẹ.

2. Thân bài:

a) Tả hình dáng

– Cụ bao nhiêu tuổi, còn khoẻ hay đã yếu, có những nét gì nổi bật về hình dáng.

– Những biểu hiện của tuổi già: mái tóc, nếp nhăn, da dẻ, dáng đi…

   (Bà cụ bán hàng năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Dáng người nhỏ nhắn, nước da đã chuyển sang màu nâu có điểm những chấm đồi mồi. Mái tóc đã bạc. Khuôn mặt có những nếp nhăn hằn lên rất rõ. Mắt bà đã mờ, phải đeo kính khi bán hàng. Hàm răng vẫn còn chắc vì thấy bà thường nhai trầu.)

b) Tính tình

– Lời nói, động tác bán hàng… 

– Thái độ đối với mọi người, đối với em.. .

   (Tính tình bà đôn hậu, vui vẻ với mọi người. Mặc dù bà không còn nhanh nhẹn như trước nữa nhưng bà rất cẩn thận, bước đi chắc chắn. Ai cần mua thứ gì, bà đều ân cần chiều theo ý khách. Nhiều khi mẹ đi vắng, em cần mua một quyển vở hay một chiếc bút chì, bà đều vui vẻ bảo em: “Cháu cứ cầm về đi, khi nào mẹ về mang tiền đến cho bà cũng được”. Mặc dù cửa hàng của bà chỉ là một cửa hàng tạp hóa nhỏ nhưng mọi người ở khu phố em đều đến đây mua hàng cho bà. Một phần là để giúp bà, phần vì bà là người nhân hậu).

3. Kết bài: Cảm nghĩ của em về bà cụ bán hàng. 

Em rất yêu quý và kính trọng bà, coi bà như bà ngoại của mình. Em mong bà khoẻ mạnh, sống vui vẻ.

Dàn ý chi tiết: Tả một người em mới gặp lần đầu nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc.

1. Mở bài: Giới thiệu người được tả, em gặp trong hoàn cảnh nào? Người đó tên gì? Bao nhiêu tuổi?

   Đó là một cậu bé khoảng 10 tuổi, trạc tuổi em. Em gặp bạn ấy trên một chuyến ô tô từ Thành phố Hồ Chí Minh về Bến Tre.

2. Thân bài

a) Tả hình dáng người bạn

– Những nét khái quát về hình dáng, cách ăn mặc, tư thế, tác phong.

– Những đặc điểm cụ thể: gương mặt, mái tóc, đôi mắt, giọng nói.

   (Dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn. Mái tóc cắt ngắn gọn gàng. Bạn có khuôn mặt chữ điền, sống mũi thẳng và cao. Đôi mắt sáng và đen. Giọng nói nhẹ nhàng nhưng chắc nịch).

b) Tả tính tình người bạn

– Là người tốt bụng: nhường ghế cho chị phụ nữ có con nhỏ.

– Yêu thích trẻ con: chơi đùa với bé.

– Khiêm tốn: từ chối lời cám ơn vì cho rằng hành động của mình là rất nhỏ.

– Là một người thể hiện nếp sống văn minh ở nơi công cộng.

3. Kết bài: Cảm nghĩ của em

– Khâm phục hành động của người bạn chưa quen biết.

– Noi gương bạn và sẽ kể chuyện của bạn cho mọi người cùng nghe.

2. Dựa theo dàn ý đã lập, trình bày miệng một đoạn trong bài văn (đoạn mở bài, đoạn kết bài hay đoạn thân bài).

– Nói đoạn mở bài (Tả cô giáo)

   Năm nay em lên lớp Năm, năm cuối cùng của bậc tiểu học, thế nhưng những kỉ niệm về năm học lớp Bốn do cô Hằng chủ nhiệm vẫn còn in rõ trong tâm trí em. Cô là người dìu dắt chúng em trong suốt năm học ấy.

– Nói đoạn mở bài (Tả bà cụ bán hàng)

   Ở gần nhà em có một cửa hàng tạp hóa, người bán hàng là một bà cụ đã ngoài sáu mươi tuổi, cụ chỉ sống có một mình, đơn côi. Nhưng lúc nào. cửa hàng ấy cũng ấm cúng vì khách đến mua hàng rất đông.

– Nói đoạn thân bài (Tả cô giáo)

   Cô có vóc người tầm thước, nước da trắng hồng. Mái tóc cô đen mượt, óng ả, buông xuống ngang lưng, có cài chiếc kẹp sáng loáng sau gáy. Đôi mắt cô mở to dưới cặp lông mày thanh min. Đôi mắt ấy nhìn chúng em vừa bao dung vừa trìu mến. Trên khuôn mặt trái xoan, mỗi khi có điều gì vui, cô lại hé nụ cười tươi với đội hàm răng trắng bóng, đều đặn và cặp môi tươi tắn. Cô ăn mặc rất giản dị, hàng ngày tới lớp cô thường mặc chiếc áo dài xanh màu nước biển, có lẽ đó là màu mà cô ưa thích.

   Cô giảng bài rất rành rọt, hấp dẫn. Giọng nói của cô nhỏ nhẹ, nét mặt vui tươi. Chương trình lớp Bốn có nhiều bài khó. Chỗ nào chúng em chưa hiểu, mạnh dạn hỏi, cô đều tận tình giảng lại. Giờ chính tả cô đọc to, rõ. Trước khi đọc, cô còn nhắc nhở, dặn dò chúng em viết đúng chữ hoa và các vần khó. Giờ tập làm văn, cô luyện cho chúng em thói quen làm dàn ý, gợi cho chúng em thật kĩ, sửa từng lỗi nhỏ. Chẳng những chú trọng các môn Tiếng Việt, Toán, cô còn hướng dẫn chu đáo để chúng em đạt điểm tốt về tất cả các môn học khác. Cô nhẹ nhàng khuyên bảo những bạn hay nói chuyện trong giờ học. Đối với những bạn lười học, cô ghi sổ liên lạc gửi cho gia đình cùng phối hợp giáo dục, nhắc nhở. Cô chưa bao  giờ phải to tiếng hoặc la mắng một học sinh nào mà lớp vẫn trật tự, kỉ luật tốt. Chi đội thiếu niên lớp em là một chi đội mạnh. Cô quan tâm đến mọi hoạt động của đội, hỗ trợ mọi phong trào, để ý từng việc hàng ngày, xem có đội viên nào đi học mà quên đeo khăn quàng đỏ không. Thỉnh thoảng cô còn kể cho chúng em nghe nhiều câu chuyện lí thú, gợi cho mọi người đoàn kết thương yêu, cùng nhau làm việc tốt, tránh điều xấu.

                                                         (Trần Lưu Phương)

– Nói đoạn kết bài (Tả cô giáo)

   Đối với em cô Hằng là người mẹ thứ hai. Mai đây khôn lớn, dù đi bất cứ nơi đâu, làm việc gì, em vẫn nhớ mái trường quen thuộc của thời thơ ấu. Ở đó có cô giáo Hằng thân yêu và bao thầy cô khác đã dìu dắt em nên người.

Nguồn website giaibai5s.com

Giải bài tập Tiếng Việt 5 Tập 2-Tuần 33. Những chủ nhân tương lai-Tập làm văn. Ôn tập về tả người
Đánh giá bài viết