* Hướng dẫn làm bài tập

1. Đọc đoạn văn Chim họa mi hót (SGK trang 123) và trả lời câu hỏi:

a) Bài văn trên gồm mấy đoạn? Nội dung chính mỗi đoạn là gì?

Bài văn Chim họa mi hót gồm 4 đoạn:

– Đoạn 1: Từ đầu đến ở vườn nhà tôi mà hót: Giới thiệu sự xuất hiện của chim họa mi vào các buổi chiều.

– Đoạn 2: Từ Hình như đến rủ xuống cỏ cây: Tả tiếng hót đặc biệt của họa mi vào buổi chiều. 

– Đoạn 3: Từ Hót một lúc lâu đến trong bóng đêm dày: Tả cách ngủ của chim họa mi trong đêm.

– Đoạn 4: Đoạn còn lại: Tả cách hót chào buổi sáng của chim họa mi.

b) Tác giả bài văn quan sát chim họa mi hót bằng những giác quan nào?

Tác giả quan sát chim họa mi hót bằng nhiều giác quan:

– Bằng thị giác (mắt): nhìn thấy chim họa mi bay đến đâu trong bụi tầm xuân ở vườn nhà. Nhìn thấy chim họa mi ngủ (hai mắt nhắm lại, thu đầu vào lông cổ). Thấy họa mi thức dậy (kéo dài cổ ra mà hót, xù lông rũ hết những giọt sương rồi nhanh nhẹn chuyển từ bụi nọ sang bụi kia, tìm vài con sâu ăn lót dạ, đoạn vỗ cánh bay vút đi).

– Bằng thính giác (tai): Nghe tiếng hót của họa mi vào các buổi chiều (khi êm đềm, khi rộn rã như một điệu đàn trong bóng xế, âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tưởng như làm rung động lớp sương lạnh). Nghe tiếng hót vang lừng chào nắng sớm.

c) Em thích những chi tiết và hình ảnh so sánh nào?

– Những chi tiết trong bài em thích:

• Miêu tả giấc ngủ của họa mi (từ từ nhắm mắt lại, thu đầu vào lông cổ, im lặng ngủ, ngủ say sưa) → Giấc ngủ và cách ngủ của họa mi rất đặc biệt.

• Cách hót của họa mi khi chào nắng sớm (kéo dài cổ ra mà hót, tựa hồ nó muốn các bạn xa gần đâu đó lắng nghe) → Gợi tiếng hót đặc biệt của nó.

– Những hình ảnh so sánh:

   Tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tưởng như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây. → Gợi tiếng hót đặc biệt của họa mi trong buổi chiều tĩnh mịch, êm ả.

2. Viết một đoạn văn khoảng 5 câu tả hình dáng (hoặc hoạt động) của một con vật mà em yêu thích.

                            Bài tham khảo

– Tả hình dáng chú chuồn chuồn kim.

   … Đôi mắt chú mở to, lóng lánh dưới ánh nắng. Cái đầu chú tròn xoe. Đôi cánh mỏng, màu xanh pha lẫn màu vàng nhạt, cứ rung rinh như sắp bay lên. Cái đuôi chú nhỏ, dài ra như một cây kim bằng vàng. Người chú bé xíu, dễ thương ghê! Bỗng chú vụt bay lên cao, rồi len vào những lũy tre xanh mất hút.

                                                         (Nguyễn Kiều Trang)

– Tả hoạt động của con vịt đang kiếm mồi trong ao.

   … Sau một hồi rỉa lông, chú lạch bạch đi lại trên bờ, đuôi ngúc ngoắc trông thật buồn cười. Chợt mắt chú sáng rực lên, hình như chú đã phát hiện thấy một con cá đang bơi. Chú lật đật sà xuống đầm, đôi chân bơi nhanh, đẩy thân mình lướt trên mặt nước và cặp ngay con cá con vào mỏ. Sau đó chú xốc xốc mấy cái rồi nuốt chửng con cá vào bụng.

   Ở trên bờ, chú đi lại rất chậm chạp, thế nhưng khi xuống nước, chú bơi rất nhanh giống như một chiếc thuyền đang lướt trên mặt nước. Thỉnh thoảng, chú lại chống ngược đuôi lên trời, đầu cắm xuống nước để bắt mồi. Khi no, chú vươn mình vỗ đôi cánh phành phạch, miệng kêu “cạc, cạc…”.

Nguồn website giaibai5s.com

Giải bài tập Tiếng Việt 5 Tập 2-Tuần 30. Nam và nữ-Tập làm văn. Ôn tập về tả con vật
Đánh giá bài viết