HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Mở bài

“Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”

Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta rất yêu thương và quan tâm đến thanh thiếu niên đặc biệt là các em nhi đồng. Các em luôn được tạo mọi điều kiện để vui chơi và học tập, vô tư hồn nhiên như chính tuổi thơ của mình vậy. Ngày nay, trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang nhiều hơn, trẻ em được đến trường học tập vui chơi cùng bạn bè, thầy cô. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta không khỏi xót xa thương cảm khi bắt gặp những em bé phải lao động để lo chén cơm, manh áo từng ngày cùng với những sấp vé số trên tay hay những tờ báo đi khắp phố phường bán rong, và thấp thoáng ở đâu đó những hình ảnh nhỏ nhắn của các em trong những bãi rác để tìm phế liệu bán kiếm tiền. Chúng ta sẽ suy nghĩ gì khi chính chúng ta chứng kiến những cảnh tượng cảm động ấy?

2. Thân bài:

Hình ảnh trẻ em lang thang, cơ nhỡ, mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, kiếm sống ở các thành phố, thị trấn đã và đang được các cơ quan ban ngành chú trọng và quan tâm nhiều hơn với những trung tâm bảo trợ trẻ em, hay làng SOS… đã được đầu tư xây dựng với quy mô ngày càng mở rộng. Chính những nơi đây đã trở thành mái ấm tình thương là “một đại gia đình” cho các em có thể vui chơi, học tập, rèn luyện để trở thành những công dân tốt, sống lành mạnh và không là gánh nặng cho xã hội.

“Trong đêm một bàn chân đứa bé lang thang trên đường, ánh mắt buồn nghẹn ngào của em, em rất buồn vì không biết đi về đâu. Cuộc sống mưu sinh chỉ làm em qua cơn đói từng ngày, vì em không cha vì em đã mất mẹ đau thương vẫn là đau thương”. Xa xa đâu đó vẫn còn văng vẳng lời bài hát “đứa bé” của nhạc sĩ Minh Khang làm cho chúng ta không khỏi xúc động. Lòng người không khỏi da diết với nỗi lòng đau nhói, quặn thắt khi nhìn thấy hình ảnh đứa bé lang thang trong đêm tối mà không định hướng được tương lai cũng như không biết đi về đâu trong đêm tối lạnh giá. Gia đình ư? Người thân ư? Không! Em không có gia đình và chẳng có người thân, ba mẹ đã bỏ em ra đi mà không trở về nữa. Thử hỏi cuộc đời này còn có trái tim nào sắt đá hơn nữa, khi nghe giọng nói cảm động nhưng trong sáng và ấm áp của các em cất lên: “Bác ơi! Mua giúp con vài tấm vé số đi bác” hay “Chú ơi! Đánh giầy không chú?”… Thật khó có lời nào lẽ nào để diễn tả hết những cảm xúc rung động trong trái tim mọi người dù em có một ước mơ một vì sao sáng dẫn lối em trong cuộc đời, đã lâu rồi em đã không có tình thương”.

Những mái ấm tình thương luôn mở rộng cánh cửa đón chào các em và ngày càng có nhiều cá nhân, gia đình, các Mạnh Thường Quân tổ chức nhận nuôi dạy các em, các em không còn phải lo miếng cơm manh áo nữa. Những ước mơ được vui chơi, được học tập của em không còn là mơ ước. Các em sẽ được đến trường, vui chơi, nô đùa cùng chúng bạn hoà nhập với thế giới hồn nhiên của trẻ thơ. Các em sẽ không còn “co ro trong manh chiếu rách”, sẽ không ngủ đầu đường xó chợ, lang thang khắp phố phường nữa mà thay vào đó là một tương lai tươi sáng đang đón chào các em. Các em không phải mặc cảm, tự ti và cũng chẳng còn những tháng ngày mưa nắng cùng với mẫu bánh mì trên tay lót dạ để quên đi cơn đói từng ngày hành hạ thân xác nhỏ nhắn, ốm yếu của em.

Thật vậy, lòng nhân ái của con người không có gì có thể sánh được, mọi người hãy mở rộng trái tim giúp đỡ và yêu thương các em, để các em có đủ tự tin và nghị lực vượt qua những khó khăn để trở thành mầm non, một nền tảng tương lai của đất nước. Dân tộc Việt Nam chúng ta chú trọng nhất truyền thống nhân đạo nên chúng ta hãy mở rộng vòng tay nhân ái bằng cách giúp đỡ các em nhiều và nhiều hơn nữa để ngày mai tương lai các em được tươi đẹp hơn. Niềm vui của mọi người cũng sẽ được nhân lên.

Vậy chúng ta còn chờ gì nữa? Chúng ta “hãy lau khô cuộc đời em bằng tình thương, lòng nhân ái của con người; hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em bằng tất cả trái tim con người Việt Nam”.

3. Kết bài

Một xã hội văn minh tươi đẹp khi xung quanh bạn không còn phải thấy những đứa bé lang thang, vất vả kiếm sống và chúng ta phải biết sẻ chia tình cảm thân thương chan hoà với mọi người bằng tất cả những gì mà bạn đang có.

Giaibai5s.com

Đề: Tình thương với những trẻ em lang thang cơ nhỡ.
Đánh giá bài viết