I. Yêu cầu

– Kiểu bài văn thuyết minh một tác phẩm văn học. Bài viết phải thể hiện được một cách rõ nét tác phẩm đó của tác giả nào, nhà xuất bản nào, thể loại gì. Nội dung chính của tác phẩm là gì. Nét đặc sắc về nghệ thuật là gì. So với chính tác giả, tác phẩm có điểm gì mới ? Trong quan hệ với tác phẩm của các tác giả khác, có điểm nào nổi bật ? Ý kiến đánh giá của nhà phê bình nổi tiếng (nếu có).

– Bố cục bài viết cân đối, hợp lí.

– Trình tự thuyết minh rõ ràng, mạch lạc.

II. Gợi ý

– Cần đọc kĩ tác phẩm định thuyết minh.

– Tìm hiểu kĩ về tác giả.

– Đọc các tài liệu nói về tác giả, về chính tác phẩm (nếu có).

III. Lập dàn ý

A. Mở bài

– Giới thiệu chung về tác phẩm.

B. Thân bài

– Nội dung chính của tác phẩm. 

– Những nét nổi bật về nghệ thuật của tác phẩm.

– Điểm đáng lưu ý nhất của tác phẩm.

– Ấn tượng của người thuyết minh.

C. Kết bài 

– Ý nghĩa của tác phẩm đối với tác giả, độc giả và sự phát triển của văn học.

IV. Bài tham khảo

Hiện nay, trên thị trường sách xuất hiện rất nhiều chủng loại. Chúng đa dạng về nội dung, thể loại và cả mẫu mã. Có lẽ truyện là loại sách được phổ biến rộng rãi và cũng được nhiều người ưa thích nhất. Muốn chọn cho mình một quyển truyện hay một cuốn sách nhiều kiến thức thì vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì thị trường xuất bản bây giờ tràn lan, còn khó vì phải có định hướng, phải có phương pháp và kinh nghiệm. “Tuyển tập truyện ngắn Nam Cao” là một trong những cuốn sách hay và có ích với học sinh chúng tôi.

Thật vậy, cuốn sách này được nhiều nhà xuất bản phát hành nhưng sách của Nhà xuất bản Văn học được học sinh yêu thích nhất. Nó vừa mộc mạc, giản dị, lại vừa trang nhã và ưa nhìn.

Cuốn sách có bìa màu xanh lá cây ở phía dưới và màu nâu nhạt ở phía trên, còn dòng chữ “Tuyển tập truyện ngắn Nam Cao” đưỢC in hoa bằng màu đen ở giữa trang bìa. Cách bố trí như vậy tôi cảm thấy vừa phù hợp với nội dung của các truyện ngắn lại vừa phù hợp với đời sống chân chất, mộc mạc, đôn hậu của nhà văn Nam Cao.

Tuy bề ngoài sách đơn giản nhưng nội dung của sách lại rất phong phú. Đúng là một thế giới thu nhỏ của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Qua các truyện ngắn chúng ta thấy rõ bức tranh sinh động về cuộc sống đói nghèo cùng cực và sự bần cùng hoá sâu sắc của người nông dân Việt Nam. Giá trị tố cáo từ đó mà hiện lên rõ nét trong từng câu chuyện, trong từng đời sống của nhân vật. Nam Cao chỉ ra cho chúng ta thấy rõ bộ mặt bất nhân, tàn bạo của giai cấp thống trị phong kiến cũng như bản chất của xã hội thời đó. Vô hình trung, ông giúp ta hiểu được cần phải đấu tranh phá tan cái chế độ thối nát đó. Còn chúng là còn những cuộc đời lay lắt, còn những cái chết thê thảm như lão Hạc, Chí Phèo, bà cụ già trong “Một bữa no”, người dì ruột cơ cực, đói khổ trong “Dì Hảo”,… Trong muôn vàn gương mặt và số phận đó, chúng ta thấy được bản chất tốt đẹp của người lao động. Đây chính là nét cơ bản nhất, là sức mạnh đáng quý mà sau này cách mạng đã giúp họ phát huy trong cuộc Cách mạng tháng Tám, trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước, dân tộc.

Cảm ơn nhà văn, ông đã để lại cho chúng ta những trang sách quý giá, và phong cách sáng tác đầy dấu ấn cá nhân, đầy sáng tạo. Đọc truyện của ông ta như thấy trái tim ông còn đang lay động và thổn thức trong từng câu chữ. Tấm lòng ưu ái và nhận thức sâu sắc của ông giúp chúng ta mở rộng tầm hiểu biết hơn, lớn và chững chạc hơn, đặc biệt quý trọng cuộc sống của ngày hôm nay hơn.

Đề: Thuyết minh về một cuốn sách văn học
Đánh giá bài viết