I. Yêu cầu

– Kiểu bài văn thuyết minh một loài vật. Qua bài viết, phải thể hiện được một cách rõ nét loài vật đó có đặc điểm sinh học như thế nào, các bộ phận cơ thể ra sao, tập tính sinh trưởng có gì đáng chú ý. Không những thế, con vật này lại là vật có ích đối với người nông dân, vì vậy cần giới thiệu trâu đã giúp gì cho việc sản xuất như cày, bừa, chở nguyên vật liệu, cung cấp phân bón, thịt và sữa,…

– Bố cục bài viết hợp lí.

– Trình tự thuyết minh rõ ràng, mạch lạc.

II. Gợi ý

– Cần quan sát trực tiếp hình dáng của trâu, các bộ phận đầu, mình, chân, đuôi,…

– Hỏi người lớn những điều chưa biết về trâu.

– Cần đọc thêm tài liệu sinh học liên quan đến loài trâu.

– Đọc thêm ca dao, tục ngữ có liên quan đến con trâu.

III. Lập dàn ý

A. Mở bài 

– Giới thiệu chung về con trâu trong công việc của người nông dân.

B. Thân bài

– Đặc điểm chung của loài trâu : động vật móng guốc, ăn cỏ, có bốn chân, được thuần dưỡng từ lâu, gắn bó với người nông dân.

– Những bộ phận cơ thể trâu : đầu và cặp sừng, đuôi, bốn chân, da,.. .

– Lợi ích do trâu đem lại : cung cấp sức kéo, phân bón, cho thịt, sữa, da để bưng trống, làm các đồ da…

– Cách nuôi và chăm sóc trâu. –

Tình cảm gắn bó của người nông dân với con trâu.

C. Kết bài 

– Nhấn mạnh những lợi ích do trâu đem lại. Con trâu mãi là người bạn gần gũi, thân thiết của con người.

IV. Bài minh họa

Bài 1

Con trâu, một loài vật gần gũi, gắn bó và thân thiết với người nông dân Việt Nam ta từ ngàn xưa và cho đến cả ngày nay. Nó luôn giữ được một ưu thế quan trọng trong công việc nhà nông.

Đời sống của trâu rất đa dạng và phong phú. Trâu có rất nhiều loại : có con màu đen nhánh, có con lại màu trắng, và lại còn có con màu vàng nữa…

Da trâu rất dày và được bao phủ khắp thân hình đồ sộ của nó. Và nếu bạn bắt gặp một chú trâu màu đen bạn sẽ được chiêm ngưỡng bộ da đen ánh, bóng mịn của nó. Thật là thích mắt, phía trên đầu trâu là một đội sừng dài và nhọn, nó làm tôn thêm vẻ oai phong của trâu và cũng là một vũ khí giúp nó tự vệ tốt hơn. Phía cuối, trâu có một cái đuôi luôn ngoe nguẩy, tạo sự thích thú cho những người ngắm nó nhưng thực chất nó ngoe nguẩy là để xua ruồi muỗi bám đốt.

Đôi chân dài, chắc khoẻ là một công cụ đắc lực trong việc cày bừa và không thể không kể đến sức kéo của trâu nhờ những đôi chân kia. Trâu là động vật bốn chân và sống trên cạn. Trâu thở bằng phổi và cũng có cấu tạo trong cơ thể như các động vật có xương sống khác. Nhưng không vì thế mà trâuu không biết bơi. Ngược lại, nó lại là một vận động viên rất khó trong môn bơi lội. Mùa hè nóng, chúng thường đầm mình xuống những dòng sông, ao hồ mà vui đùa thoả thích.

Nuôi trâu rất dễ bởi lẽ trâu chỉ thích ăn cỏ dại, rơm khô, mà những thứ đó thì thật dễ kiếm ở những vùng nông thôn nước ta. Khi mới được sinh ra, trâu được gọi là nghé con. Chú nghe con thường theo mẹ đi dạo quanh đồi cỏ và chúng cũng biết làm nũng mẹ đấy.

Là một động vật có họ hàng với bò, bê, dê, cừu… song trâu mang một đặc tính và khác hẳn với các loài khác. Điều rõ nhất là nó rất có ích cho lao động sản xuất.

Trâu không những là một “xe tải” về sức kéo mà thịt trâu còn để ăn, da trâu dùng để làm mặt trống, sừng trâu làm đồ mỹ nghệ,….

Trâu là một loài vật thân thiết với người dân Việt Nam. Đặc biệt là những người nông dân Việt Narn, họ coi nó là “đầu cơ nghiệp”. Có lẽ vì thế từ xa xưa, trong ca dao họ đã gọi nó “trâu ơi” – thân thiết và gần gũi như một người bạn :

“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ăn no có trâu cày với ta.”

Với nó, họ giữ tình cảm thuỷ chung, trước sau như một :

“Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài.đồng trâu ăn.”

Con trâu luôn có mặt ở khắp nơi, nó đã trở thành người bạn thân thiết của người nông dân, cùng họ sản xuất ra những hạt gạo nuôi sống con người. Dù cuộc sống công nghiệp hoá đang làm thay sức trâu, song con trâu sẽ còn có ích mãi mãi Với người dân Việt Nam.

Bài 2

Con trâu là con vật rất quen thuộc, thân thiết, gắn bó với nhân dân ta. Nó giúp người nông dân Việt Nam trong lao động và sản xuất. Chính vì thế mà cha ông ta xưa vẫn đánh giá nó là “đầu cơ nghiệp” đối với nhà nông.

Trâu thuộc lớp động vật nhai lại và rất dễ nuôi. Nó mang lại cho nhân dân nhiều lợi ích. Con trâu có bộ lông màu đen hoặc xam xám. Đôi khi cũng có con màu trắng nhưng rất ít. Nó đi bằng bốn chân, nhưng nó khả năng thích nghi với cả môi trường nước và cạn. Đầu nó đặc biệt với chiếc mồm nhô ra, hàm răng khoẻ như một chiếc máy nghiền. Đôi mắt to. Đặc trưng nhất là đối sừng dài cong cong, cứng cỏi, vừa hiện ngang vừa nặng nề, vướng víu. Tuy nó sống trên cạn nhưng khi trời nắng, nó thường tới những nơi có nước để ngâm mình.

Hai chân trước của nó ngắn hơn hai chân sau, mỗi chân gồm hai móng. Ở giữa là khối thịt đệm nhỏ để bảo vệ cặp móng. Khi trâu ăn, lưỡi trâu đảo thức ăn qua lại. Hai hàm nghiến rào rạo, trông vừa ngon lành vừa khoẻ khoắn. Đây là loài nhai lại nên gần như lúc nào ta cũng thấy chúng ăn. Lúc vội vã thì ăn qua quýt, lúc thư thả thì nhai lại chậm rãi, nghiền ngẫm. Bộ da trâu rất cứng và dày, vừa để tránh rét khi lạnh, tránh nắng khi nóng, vừa để bảo vệ nó nữa. Mỗi năm trâu cái sinh một con. Thú vị nhất là ở chỗ, mẹ được gọi là trâu nhưng con lại gọi là nghé.

Trâu có rất nhiều lợi ích trong sản xuất và lao động đối với nông dân. Nó là sức kéo chủ yếu giúp nhà nông cày, bừa, thu hoạch. Ngày nông nhàn cũng chả thiếu việc, nó chở gỗ, gạch, ngói… để xây nhà. Rồi trăm nghìn công việc khác. Nó giúp con người giảm bớt công sức lao động. Nó cho con người nguồn thực phẩm thịt, sừng và da làm hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Nó luôn gần gũi, thân thiết với người lao động. Trâu không giống bò, nó không cho sữa nhưng nó mạnh hơn, khoẻ hơn. Trâu giúp người dân nhiều lợi ích nên người ta rất yêu quý nó. Tình cảm của người nông dân đối với nó thật là tha thiết bởi lòng biết ơn và yêu quý như người thân. Từ xưa cha ông ta đã biết nói với con trâu :

“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.”

Và họ đã thể hiện tấm lòng yêu quý và chung thuỷ với con trâu .

“Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Hiện nay nền nông nghiệp của nước ta đã phát triển mạnh, nông nghiệp đã được kết hợp với máy móc hiện đại nhưng trâu vẫn là con vật thân thuộc đối với mọi người. Nó là hình ảnh đã đi sâu vào tình cảm của người dân Việt Nam. Hình ảnh của nó có trong ca dao, dân ca và cả trong các loại hình nghệ thuật khác nữa.

Bài 3:

Trâu là một loài động vật rất quen thuộc và có ích cho người nông dân, Người Việt Nam ta đã quá quen thuộc với hình ảnh con trâu gắn với làng quê thôn xóm, gắn với công việc nhà nông, gắn với câu thành ngữ “Con trâu đi trước cái cày đi sau”, hoặc “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Trâu có rất nhiều loại, nhưng quen thuộc nhất vẫn là loài trâu đen. Sừng của trâu giống như hình lưỡi liềm uốn cong. Nó có tác dụng bảo vệ khi bị con vật khác tấn công. Khuôn mặt của trâu gần giống như hình tam giác ngưỢC. Mũi trâu to, có hai lỗ tròn và có nước giúp trâu nhận biết được mọi vật. Hai nắt của trâu tròn và xanh giúp trâu nhìn mọi vật từ xa. Không giống như những con vật khác, trâu chỉ có một hàm răng để nhai cỏ. Cơ thể của trâu giống như hình bầu dục to, dài. Bên ngoài được phủ một lớp lông mao vừa để bảo vệ, vừa để che chắn.

Trâu là một động vật ăn cỏ nên người nông dân không phải tốn cơm, gạo, thức ăn nuôi chúng. Họ cắt cỏ về cho chúng ăn hoặc thả chúng ra đồng để chúng tự kiếm cỏ là được. Dĩ nhiên phải có người chăn. Lực lượng này chủ yếu là trẻ em nông thôn, ngày xưa gọi là mục đồng. Hình ảnh những chú mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo đã in vào tranh ảnh dân gian, vào điêu khắc hoặc nặn tượng. Cảnh đó sao êm ả và thanh bình đến thế. Mùa đông rét mướt không có cỏ, chúng có thể ăn cỏ khô hoặc rơm rạ cũng được. Trâu ăn không nhiều, thế nhưng làm việc thì lại rất khoẻ.

Trâu có thể giúp người nông dân cày từ sáng đến chiều tối mà không mệt mỏi. Nó rất cần sự chăm sóc và tình cảm mến thương. Trâu rất thích đầm mình ở dưới nước sau những ngày làm việc mệt nhọc hoặc trong cái nắng thiêu đốt của mùa hè.

Trâu không những có ích cho người dân về mặt kinh tế mà nó còn trở thành nguồn sức kéo chủ lực cho những vùng quê hẻo lánh, khó khăn về giao thông. Thịt trâu là một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng. Da của trâu có thể được lấy làm mặt trống hoặc các vật dụng khác. Sừng trâu làm các sản phẩm mĩ nghệ được ưa chuộng. Đây quả là một loài vật đáng quý. Người ta đã gắn nó vào bức tranh lao động đầm ấm, thân thương của nhà nông; thông qua câu ca dao quen thuộc :

“Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.”

Trâu là một con vật được người nông dân coi như người bạn gắn bó thân thiết đối với họ trong lao động sản xuất cũng như trong đời sống tình cảm sâu bền. Chúng ta phải biết nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ loài động vật này.

Đề: Thuyết minh về con trâu trong công việc nhà nông
Đánh giá bài viết