Bài 1:

Từ xưa đến nay, chiếc nón đã trở thành một hình ảnh đẹp đẽ, gắn liền với vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam. Và nghề làm nón cũng là một nghề truyền thống của nhiều nơi nổi tiếng như làng Chuông (Hà Tây), Ba Đồn (Quảng Bình), Phú Cam (Huế),…

Ta đến làng Chuông, chỗ nào trong làng ta cũng thấy chiếc nón. Nhà nhà làm nón, người người làm nón. Và chiếc nón đã trở thành một kế sinh nhai của họ. Nón có từ rất lâu đời, không ai biết được chính xác nó có từ lúc nào và hoàn cảnh. ra đời của nó ra sao. Chỉ biết rằng chiếc nón làng Chuông xưa kia đã từng là một lễ vật quý tiến vào cung vua phủ chúa cho hoàng hậu và công chúa dùng. Khắp mọi nơi, từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng thấy chiếc nón Chuông. Có thể nói, ở đầu có người Việt Nam, ở đó xuất hiện chiếc nón lá dân tộc. Mỗi ngày, có hàng ngàn chiếc nón được toả đi mọi nơi và trở thành mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài.

Nguyên liệu làm ra chiếc nón đều là những thứ rất gần gũi, thân thuộc với những người dân. Chúng bao gồm : tre, nứa, lá, móc,… Hầu hết nguyên liệu có thể lấy từ các nơi khác nhau như Thanh Hoá, Quảng Bình, Phú Thọ, Sơn La,… Để tạo nên chiếc nón với vô vàn những thao tác tỉ mỉ, đòi hỏi người làm phải kiên nhẫn và khéo léo. Những chiếc lá cọ được mang về phơi khô khoảng dăm ba ngày, khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng rồi là cho phẳng phiu. Là cũng không phải như bình thường, ta phải lấy một miếng sắt mỏng, nhẵn nhụi, hơ trên lửa với nhiệt độ vừa phải, nếu nóng quá chẳng những chiếc lá không thẳng mà cong hơn lúc trước. Để cho nón có màu trắng đẹp mà không bị mốc, người ta còn cho lá được qua một phản ứng hoá học (hơ lá trên lửa diêm sinh). Coi như là xong công đoạn làm lá.

Tiếp theo, người ta làm vòng nón. Vòng nón làm bằng tre nứa vót đều, gồm có mười sáu vòng cả thảy. Thường đây là công việc nặng nhọc nên do những người đàn ông trong làng đảm nhiệm. Rồi những chiếc vòng đó được đặt lên khuôn có sẵn. Khi xếp lá lên khuôn phải biết chọn những chiếc lá to và trắng ở ngoài, lá mảnh nhỏ được đặt ở trong. Sau đó, những người phụ nữ là người làm Công việc khâu nón vì họ thường khéo léo hơn đàn ông. Nón được khâu bằng sợi móc hoặc sợi tơ dứa, mũi khâu phải đều nhau, các nút nối phải dấu khéo để nón mịn màng. Còn quai nón người ta thường làm bằng vải lụa nhiều màu sắc.

Về chủng loại cũng không phải là ít. Nón có rất nhiều loại, gồm : nón ba tầm hay còn gọi là nón quai thao, nón nhỏ, nón dấu, nón mũi chảo (trông giống chiếc chảo, to, thường đồng bào xứ Đoài dùng khi đi làm ruộng).

Chiếc nón có nhiều công dụng : che nắng, che mưa, lúc nghỉ ngơi, nón thành chiếc quạt phe phẩy tạo ra làn gió mát, khi đi chợ mua thức ăn, nón thay thế chiếc làn, chiếc rổ để đựng đồ. Ngoài ra, chiếc nón còn là một món quà biểu hiện tình cảm lứa đôi của những thanh niên nam nữ. Cha ông ta xưa có câu :

“Nón này che nắng che mưa
Nón này để đội cho vừa đôi ta.
Nón này chung mẹ chung cha…”

Mỗi khi đi xa, chiếc nón là quà cho người thân. Nghề làm nón từ lâu đã được nâng thành một nghề thủ công mỹ nghệ. Bây giờ nón không những có chất lượng tốt mà còn đẹp và tinh xảo. Nó cũng là một vật trang sức với các cô gái, nó còn dùng để trang trí mỹ thuật, tạo không gian cho các phòng khách, phòng trà hoặc sân khấu.

Hiện nay, người ta ưa dùng mũ vì nó tiện lợi hơn, song chiếc nón lá vẫn là một vật dụng quan trọng đối với phụ nữ Việt Nam, nó cũng góp phần tôn vinh cho nét đẹp văn hoá của phụ nữ và con người đất Việt chúng ta.

Bài 2:

Chiếc nón lá Việt Nam là một vật không thể thiếu trong cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam xưa. Đó là một hình ảnh đặc trưng của các cô gái Việt Nam mà cho đến giờ thì chưa một dân tộc nào có được.

Chiếc nón có hình chóp nón, dễ sử dụng, tiện lợi và hữu ích. Thường khi làm nón người ta dùng một số vật như khuôn nón, vòng tròn làm bằng tre, sợi guột và lá nón.

Khi sản xuất một chiếc nón, người ta thường làm theo các bước sau : lá lụi (lá nón) sau khi phơi hai đến ba tiếng nắng sẽ ngả từ màu xanh sang màu trắng, được trải lên nền đất cho mềm, rồi người ta sẽ chọn để dùng làm nón lá rộng bản. Sau đó đặt lá lên lưỡi cày được nung nóng để làm cho phẳng Vòng nón được chuốt tròn, đều đặn, chỗ nối vào nhau cũng không có vết gợn. Cuối cùng là thắt và khâu khi lá đã đặt lên lớp vành khuôn. Sợi móc le theo mũi kim qua mười sáu lớp vòng bằng Cột tre để hoàn chỉnh sản phẩm. Nó khâu Xông còn được hơ trên hơi diêm sinh cho thêm trắng và để tránh bị mốc. Chiếc nón không cầu kì, đắt tiền mà nó giản dị, mộc mạc như chính người dân Việt Nam.

Dáng chiếc nón thì mỗi nơi, mỗi thời một vẻ : nón quai thao duyên dáng của các cô gái xứ quan họ trong hội Lim, hội chùa ; lại có những chiếc nón của các bà, các cô sử dụng khi làm đồng, vừa rẻ, vừa bền lại rất tiện lợi ; nón lá xứ Huế thì mỏng manh, ruột nà như chỉ để làm duyên ; nón của các tính lệ ngày xưa thì ngộ nghĩnh, buồn cười…

Nắng cũng cần đến nón, mưa cũng cần đến nón, các cô thôn nữ còn dùng nón để làm duyên. Họ lấy chiếc nón thanh tao che chở cho đôi má hồng hồng, đôi lúm đồng tiền thêm xinh, thêm đẹp, làm cho làn da tăng thêm vẻ mặn mà, ý nhị. Quai nón làm bằng lụa mềm mượt đến lạ kì. Tôi rất ấn tượng với bức ảnh quảng cáo của ngành du lịch Việt Nam và trên nền của nó là khuôn mặt của một cô gái Việt Nam Với chiếc nón trắng, rạng ngời vẻ tươi tắn, hiền hậu và ánh mắt, nụ cười sao mà tự nhiên và thuần khiết vô cùng.

Ở những vùng nông thôn, chiếc nón lá được dùng rất nhiều bởi chiếc nón vừa tiện lợi hữu ích lại vừa rẻ tiền. Ở đó, chiếc nón lá như người bạn thân thiết cùng với những người nông dân vất vả, một nắng hai sương làm ra hạt gạo, củ khoai để phục vụ và nuôi sống chính họ. Như vậy, chính chiếc nón có vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam.

Nhưng tác dụng chiếc nón lá không chỉ dừng lại ở đó, nó còn góp phần không nhỏ tạo nên nét độc đáo, duyên dáng tinh tế của những cô gái đất Việt.

Cha ông ta ngày xưa đã thiết kế ra chiếc nón lá là để hợp với chiếc áo dài, tạo cho người con gái Việt về thon thả, thướt tha. Hình ảnh những cô sinh viên mặc áo dài, đội trên đầu chiếc nón lá, đi xe đạp luôn là hình ảnh đẹp đẽ và gợi nhớ. Những người nước ngoài lần đầu tiên sang Việt Nam nhìn thấy thiếu nữ Việt Nam cùng chiếc nón lá cũng phải trầm trồ khen ngợi. Có nhiều cô gái không thích đội mà lồng tay qua quai rất điệu. Nước ta có một điệu múa có tên là “Múa nón” rất nổi tiếng. Các cô gái mặc áo dài, tay cầm chiếc nón múa qua múa lại một cách uyển chuyển trông như bầu tiên nữ trong trắng, mĩ miều. Chiếc nón lá còn là một món quà tặng rất ý nghĩa trong những dịp hội hè, ngày lễ, ngày tết hay với những người bạn nước ngoài… Như vậy, chiếc nón lá đã trở thành hình ảnh quen thuộc, tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Và câu thơ của nhà thơ Tố Hữu vẫn lưu giữ trong trái tim chúng ta một cảm giác ngọt ngào, ấm áp về hình ảnh người con gái xứ Huế xưa kia :

“Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng
Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai”.

Ngày nay trong cuộc sống hiện đại, chiếc nón không còn có vị trí và vai trò như trước nữa, nhưng chiếc mũ xinh xắn, tiện dụng hơn đã thay thế nó. Mặc dù vậy trong ý thức mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh chiếc nón lá luôn luôn là biểu tượng của người phụ nữ dịu dàng, duyên dáng. Đó là một nét văn hoá của người Việt Nam, cần được giữ gìn và trân trọng.

Đề: Thuyết minh về chiếc nón
Đánh giá bài viết