I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Có một loại lực vô cùng mạnh mẽ, loại lực mà tới tận bây giờ khoa học cũng chưa thể tìm ra định nghĩa chính xác cho nó. Lực này bao gồm và chi phối mọi loại lực khác, thậm chí còn đứng sau vô vàn hiện tượng do vũ trụ vận hành mà chúng ta vẫn chưa thể lí giải. Đó chính là TÌNH YÊU.

(2) Khi các nhà khoa học tìm kiếm một học thuyết chung cho vũ trụ, họ đã bỏ qua lực vô hình nhưng mạnh mẽ nhất này. Tình yêu là ánh sáng soi chiếu tâm hồn những người biết trao và nhận nó. Tình yêu là lực hấp dẫn, bởi nó khiến người ta cuốn hút lẫn nhau. Tình yêu là sức mạnh, bởi nó phát triển bản tính tốt đẹp nhất trong ta, giúp nhân loại không bị che mắt bởi sự ích kỉ mù quáng. Tình yêu hé lộ và gợi mở. Tình yêu có thể khiến chúng ta sống và chết. Tình yêu là Chúa và Chúa cũng chính là tình yêu.

(3) Loại lực này giải thích mọi điều và thổi ý nghĩa vào cuộc sống. Tuy nhiên chúng ta đã bỏ qua nó quá lâu. Có lẽ là do chúng ta vẫn duy trì nỗi sợ trước một thứ con người không thể nào hiểu và kiểm soát được.

(4) Để giúp khái niệm tình yêu trở nên dễ hình dung hơn, cha đã thực hiện một sự thay thế đơn giản trong phương trình nổi tiếng nhất của mình. Thay vì sử dụng công thức E = mc, ta chấp nhận rằng, năng lượng hàn gắn thế giới có thể tạo ra từ tình yêu nhân với tốc độ ánh sáng bình phương. Chúng ta hoàn toàn có thể kết luận rằng: tình yêu chính là năng lượng bất khả chiến bại, bởi nó là vô hạn. […]

(5) Nếu loài người muốn tồn tại, nếu ta muốn tìm ý nghĩa của sự sống, nếu ta muốn bảo vệ thế giới và tất cả những giống loài khác, tình yêu chính là câu trả lời đầu tiên và duy nhất…

(Thư của Albert Einstein gửi con gái về một nguồn sức mạnh vô hình, dẫn theo http://www.chungta.com, ngày 22 – 4 – 2016) 

Câu 1 Thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích trên là gì?

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của 01 phép tu từ trong đoạn (2). 

Câu 3 Nhận xét về nét độc đáo của câu văn: “Thay vì sử dụng công thức E = mc2, ta chấp nhận rằng, năng lượng hàn gắn thế giới có thể tạo ra từ tình yêu nhân với tốc độ ánh sáng bình phương“.

Câu 4 Bài học nhân sinh sâu sắc nhất mà anh chị rút ra sau khi đọc đoạn trích trên.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Bình luận ý kiến trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Nếu loài người muốn tồn tại, nếu ta muốn tìm ý nghĩa của sự sống, nếu ta muốn bảo vệ thế giới 1 những giống loài khác, tình yêu chính là câu trả lời đầu tiên và duy nhất“. (Trình bày trong 01 đoạn văn khoảng 200 chữ.) 

Câu 2 (5,0 điểm)

Mối quan hệ giữa hiện thực cuộc sống, tác phẩm nghệ thuật và cảm quan của người nghệ sĩ trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

GỢI Ý VÀ HƯỚNG DẪN

I. ĐỌC HIỂU 

Câu 1 Thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích là bình luận.

Câu 2 Đoạn (2) sử dụng phép tu từ so sánh và điệp cấu trúc câu. HS có thể nêu và phân tích tác dụng của một trong hai biện pháp tu từ trên. Cụ thể:

Phép so sánh (tình yêu là ánh sáng, tình yêu là lực hấp dẫn, tình yêu là sức mạnh, tình yêu là Clia) có tác dụng ca ngợi sự kì diệu và sức mạnh của tình yêu.

– Phép điệp cấu trúc câu (Tình yêu là…) có tác dụng tạo sự liên kết về hình thức, nhấn mạnh chủ đề và tạo nên giọng điệu nghị luận sôi nổi, nhiệt huyết, đầy cuốn hút.

Câu 3 Câu văn “Thay vì sử dụng công thức E = mc2, ta chấp nhận rằng, năng lượng hàn gắn thế giới có thể tạo ra từ tình yêu nhân với tốc độ ánh sáng bình phương.” mặc dù viết về sức mạnh của tình yêu nhưng được diễn đạt một cách độc đáo, mang đậm dấu ấn của người viết – một nhà vật lí học nổi tiếng. Đặc biệt, công thức E = mc2 được vận dụng một cách rất sáng tạo.

Câu 4 HS có thể nêu một số ý sau:

– Sống trên đời cần có một tấm lòng yêu thương, nhân ái.

– Tình yêu có sức mạnh kì diệu nên con người cần biết nuôi dưỡng và giữ gìn.

II. LÀM VĂN 

Câu 1 HS cần nêu quan điểm rõ ràng, có lí lẽ và dẫn chứng cụ thể, lập luận thuyết phục; đoạn văn đảm bao dung lượng (khoảng 200 chữ), có thể trình bày theo một trong các cách diễn dịch, quy nạp, song hành hoặc tông – phân – hợp,…; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Sau đây là một vài gợi ý:

– Giải thích ý kiến: câu nói khẳng định sức mạnh và ý nghĩa của tình yêu (tình yêu đôi lứa, tình cảm bạn bè, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước và tình cảm quốc tế,…): tình yêu vừa là lí do vừa là động lực của mọi sự tồn tại; tình yêu mang đến sức mạnh để chúng ta duy trì giống nòi, bảo vệ thế giới.

– Bàn luận:

+ Tình yêu mang đến cho con người niềm vui, niềm tin, niềm hạnh phúc và hi vọng vào tương lai. Vì thế, người ta không thể sống thiếu tình yêu thương.

+ Tình yêu thương tạo nên sức mạnh giúp con người vượt thoát nỗi cô đơn, thói vị kỉ; chiến thắng bệnh tật, đói nghèo,…

+ Con người ngày nay đang phải đối diện với rất nhiều hiểm hoạt dịch bệnh, chiến tranh, ô nhiễm môi trường,… Vì thế con người càng cần xích lại gần nhau, chung sức bảo vệ cuộc sống và mái nhà chung, nối vòng tay lớn để giải quyết những vấn đề toàn cầu.

+ Nếu không có tình yêu thương, sự sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm thì sẽ không có sự kết nối giữa những cá thể, quốc gia, dân tộc. Như vậy, loài người sẽ đứng trước vực thẳm của chiến tranh, chia rẽ, phân biệt chủng tộc và sự huỷ diệt,…

Câu 2 Đề bài yêu cầu HS nghị luận về mối quan hệ giữa hiện thực cuộc sống, tác phẩm nghệ thuật và cảm quan của người nghệ sĩ trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. HS cần viết 01 bài văn có đủ các phần mơ bài, thân bài, kết bài; xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Khi bàn luận, có thể tham khảo gợi ý sau:

 – Giới thiệu khái quát về tác gia, tác phẩm

+ Tác giả: Nguyễn Minh Châu được đánh giá là một trong những người mở đường “tinh anh và tài năng nhất của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Ông đã góp phần làm thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người với khát vọng “đi tìm con người ở bên trong con người”.

+ Tác phẩm: Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được in lần đầu trong tập Bến quê, xuất bản năm 1985, sau này được đưa vào tập sách cùng tên xuất ban năm 1987, tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự, đời tư. Cái nhìn hiện thực đa chiều giúp cho tác gia nhận ra đời sống con người bao gồm cả những quy luật tất yếu lẫn những ngẫu nhiên, may rủi khó lường. Ông day dứt trước thực trạng con người phải chấp nhận những nghịch lý không đáng có.

– Sáng tạo nghệ thuật là đi tìm cái đẹp, nhưng chỉ dừng lại ở vẻ đẹp hình thức là chưa đủ.

+ Bản chất của cái đẹp trong quan niệm của Nguyễn Minh Châu: Trong tác phẩm nghệ thuật, cả đối tượng biểu hiện, hình thức, ý tưởng đều hướng tới cái đẹp. Vì thế, trong Chiếc thuyền ngoài xa, quá trình khô công săn im cái đẹp của Phùng cùng là quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ đích thực: luôn muốn tìm đến cái đẹp hoàn thiện, hoàn mĩ, mang tính lí tưởng.

+Cái đẹp trong bản thân nó đã bao hàm cái thiện: “bạn thân cái đẹp chính là đạo đức”. Tác phẩm nghệ thuật, trong quan niệm của Nguyễn Minh Châu, là sự đồng nhất của hai phạm trù, hai giá trị đó. Bức ảnh mà Phùng chụp được sau nhiều ngày khô công suy nghĩ, tìm kiếm thực sự chứa đựng trong nó thế giới của cái đẹp mà người nghệ sĩ hằng khao khát: sự dung dị, đơn giản, hài hoà, hàm súc, gợi cảm xúc và suy tưởng sâu xa: “Mũi thuyền in một nét mơ hồ là nhoẻ vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”.

+ Với bức ảnh ấy, người nghệ sĩ đã phát hiện ra một bình diện cơ bản nhất, quan trọng nhất của thế giới: sự gắn kết hài hòa của sự sống, của con người, thiên nhiên và cuộc sinh tồn trên một con thuyền lặng nhắc trước bình minh. Toàn bộ những hình anh ấy đều hàm chứa những ý nghĩa sâu xa, nhưng điều quan trọng là, trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, sau khoảnh khắc tuyệt vời của sáng tạo nghệ thuật, dường như cuộc truy tìm chân lí và cái đẹp thực sự vẫn chưa kết thúc. Bức ảnh ấy không phải là sự nhầm lẫn, ngộ nhận, dối lừa nhưng cái thế giới ấn chứa trong nó, cái thế giới mà nó mở ra vẫn còn là điều bí ẩn với ca chính người nghệ sĩ.

Đây là một quan niệm nghệ thuật sâu sắc và độc đáo của Nguyễn Minh Châu. Bức ảnh đã hoàn tất nhưng sự thật đằng sau bức anh vẫn là điều cần khám phá. Người nghệ sĩ không phải là người sở hữu toàn bộ sự thực, toàn bộ chân lí của cuộc sống. Anh phải luôn kiếm tìm chân lí ấy, sự thực ấy trong quá trình sáng tạo. Khoảnh khắc mà người nghệ sĩ nắm bắt được qua bức ảnh không phải là khoảnh khắc dối lừa, nhưng sự thực sau khoảnh khắc ấy là ca một thế giới nhân sinh đầy nghịch lí. Để thấu hiểu được thế giới ấy, người nghệ sĩ tiếp tục khám phá cuộc sống, khám phá sự thật ẩn sau cái khoảnh khắc mà anh ta đã thâu nhận được đầy bất ngờ. Bởi vì cái đẹp đồng nhất với đạo đức, đồng nhất với sự thực, không chấp nhận sự thô lậu cũng thư thái độ nửa vời , hời hợt.

– Cuộc sống là vô tận và có muôn vàn bí ẩn, nhiều nghịch lí, nhiều bi kịch ẩn chứa sau vẻ đẹp hình thức mà người nghệ sĩ cần đi sâu khám phá.

+ Thế giới nhân sinh đầy nghịch lí và bi kịch ẩn chứa sau khoảnh khắc đột khởi của cái đẹp trong bức ảnh: Cần lưu ý rằng, toàn bộ sự thực được phơi bày sau khoảnh khắc bấm máy của người nghệ sĩ không phải là sự phủ nhận cái đẹp mà người nghệ sĩ đã bất chợt nắm bắt được. Bởi lẽ, ngay trong phút giây bấm máy ấy, cái thế giới lặng phắc và đầy bí ẩn của con thuyền, những bóng người, màn sương hồng trong ánh ban mai kia là toàn bộ cái thần của cảnh tượng, chợt hiện hữu, nhưng chưa được khai mở trong cái nhìn của người nghệ sĩ cũng như của tất cả những ai đứng trước bức ảnh – tác phẩm nghệ thuật hoàn mĩ của anh.

Những gì người nghệ sĩ chứng kiến sau khoảnh khắc ấy là một cuộc khám phá tiếp theo, không hề đối nghịch với bức ảnh, mà chỉ soi tỏ hơn bản chất của cái khoảnh khắc kì lạ, đột khơi mà người nghệ sĩ đã nắm bắt được nhưng chưa kịp thấu hiểu trọn vẹn. Sự thực mà người nghệ sĩ đã chứng kiến là một sự soi chiếu toàn bộ “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại”, là sự giải mà thế giới biểu tượng mà anh vừa thu vào trong ống kính một cách xuất thần, đột ngột, chưa kịp thấu suốt các chiều kích khác nhau của nó.

+ Sau khoảnh khắc lặng phắc là sự bùng nổ của xung đột, bi kịch: ống kính của Phùng đã thu được hình ảnh “người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”. Đó là khoảnh khắc lặng phắc, đầy dồn nén, chứa đựng một năng lượng tiềm tàng của thế giới nghệ thuật trong tác phẩm. Những gì anh nhìn thấy sau đó trên bãi cát là sự bùng nổ, sự phát lộ toàn bộ những xung đột, những năng lượng tiềm tàng ấy: người đàn ông độc dữ, người đàn bà bị hành hạ, chà đạp; đứa con trai nhỏ chống lại cha vì không thể chấp nhận được sự bạo hành khủng khiếp ấy. Sự “im phăng phắc” đã nổ tung. Đó là toàn bộ bi kịch của sự sinh tồn trên con thuyền trước bình minh. Bi kịch ấy được phơi bày ngay trên bãi cát, nơi con thuyền neo đậu, ngay dưới ánh ban mai màu hồng. Bi kịch ấy làm người nghệ sĩ choáng váng, phẫn nộ và cũng khiến anh phát hiện thêm một chiều kích nữa của đời sống: thế giới nhân sinh trên con thuyền nhỏ nhoi trước biển, trước ánh bình minh kia là một thế giới dữ dội, đau đớn. Cuộc mưu sinh và cộng sinh trên con thuyền đầy nhọc nhằn. cay đắng là sự xung đột không ngừng giữa phần nhân tính và thú tính.

+ Sau toàn bộ những xung đột dữ dội tưởng như không thể dung hoà, không thể chấp nhận được là bản chất sâu xa của đời sống: cuộc vật lộn và giằng co trên bãi cát, trong mắt Phùng – người vừa chụp bức ảnh con thuyền trong sương sớm – hiển nhiên là sự lộng hành, sự chế ngự của cái ác, của bạo lực. Cai thế giới nhân sinh ấy tưởng như tương phản hoàn toàn với thế giới nghệ thuật nhà anh vừa thâu tóm trong bức ảnh nhưng thực chất, hai thế giới ấy không thể tách rời. Toàn bộ những gì diễn ra trên bãi cát chỉ là một chiều kích khác của bức ảnh, của những cảnh tượng mà người nghệ sĩ vừa nắm bắt được. Cuộc đối thoại giữa vị chánh án với người đàn bà, giữa người nghệ sĩ và người đàn bà lại mở ra một chiều kích nữa của hiện thực. Cam quan hiện thực sâu sắc của Nguyễn Minh Châu đã thể hiện rất rõ ở những chi tiết này.

– Nghệ thuật cần khám phá, miêu tả và thể hiện cuộc sống từ những chiều kích khác nhau. Với hệ thống hình tượng và những tầng nghĩa khác nhau của câu chuyện, Chiếc thuyền ngoài xa đã biểu hiện quan niệm nghệ thuật sâu sắc của Nguyễn Minh Châu, người nghệ sĩ là người khám phá và biểu hiện bản chất của đời sống ở những chiều kích khác nhau. Thế giới nghệ thuật là thế giới hàm chứa trong nó các tầng khác nhau của hiện thực.

– Cái đẹp, nghệ thuật đích thực không bao giờ tách rời cuộc sống của con người, người nghệ sĩ chân chính phải cất lên tiếng nói về con người, đặc biệt là những kiếp người cùng khổ.

+ Trưởng phòng yêu cầu Phùng mang về một tấm ảnh “thuần là tĩnh vật”. Cuối cùng, anh ta cũng được bằng lòng” với tấm ảnh chụp cảnh bình minh ở một vùng biển thơ mộng, lãng mạn. Nhiều “gia đình sành nghệ thuật” cũng treo bức ảnh đó ở những vị trí trang trọng trong nhà họ…

+ Những tác giả của bức ảnh – nghệ sĩ Phùng – thì mỗi lúc “nhìn thật lâu” tấm ảnh toàn là tĩnh vật đó, bao giờ cũng thấy người đàn bà hàng chài “đang bước ra khỏi tấm ảnh”. Mụ xuất hiện với tất cả dáng vẻ lam lũ, chịu đựng, mang theo cả cuộc đời cơ cực, tủi nhục… Bằng những hình ảnh đó. Nguyễn Minh Châu khơi lên nhiều suy ngẫm về sứ mệnh của người cầm bút, thiên chức của nghệ thuật giữa cuộc đời bề bộn, ngổn ngang.

Nguồn website giaibai5s.com

Đề thực hành luyện tập thi THPT quốc gia môn Ngữ văn – Đề 23
Đánh giá bài viết