I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Theo kết quả khảo sát gần đây của Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn tâm lÍ (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết là mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ. Khi được hỏi về mức độ thỏa mãn với nghề đã chọn, có đến 75,6% sinh viên cho biết họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình, “vào học rồi mới biết mình không hợp”, 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau… Kết quả này cho thấy có nhiều bạn trẻ không chọn đúng nghề như mong muốn.

Những sai lầm chủ quan trong việc lựa chọn ngành học thường bắt đầu từ quan niệm mang nặng tính thực dụng: Ngành này có dễ xin việc làm, có thu nhập cao, có được làm việc ở thành phố hay không?

Sai lầm có thể đến với người chọn nghề theo truyền thống gia đình, theo sự thành đạt của người thân, theo sự rủ rê của bạn bè… mà không quan tâm đến sự phù hợp của nghề đối với năng lực, nguyện vọng bản thân. Thậm chí, nhiều thí sinh không tự chọn ngành, chọn nghề để đăng kí thi đại học mà người lựa chọn, người làm hồ sơ chính là bố mẹ của thí sinh.

Ngoài ra, một sai lầm phổ biến nữa là chọn nghề hời hợt theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Nhiều học sinh đến năm lớp 12 vẫn chưa tìm hiểu và chưa quyết định chọn nghề. Bởi vậy, có khá nhiều thí sinh nộp 4, 5 bộ hồ sơ, thậm chí có người đã nộp 9 – 13 bộ để “chống trượt”.

Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát huy năng lực, giảm năng suất và hiệu quả lao động, từ đó dẫn tới tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin, mất dần động lực làm việc.

Lúc ấy, nếu muốn bắt đầu với nghề khác thì phải chịu tốn kém, mất thời gian học nghề mới… Đối với xã hội, việc có nhiều cá nhân lựa chọn sai nghề sẽ gây lãng phí cho công tác đào tạo và đào tạo lại, năng suất lao động không cao, nảy sinh nhiều xáo trộn cho hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức (có nhiều người bỏ nghề, chuyên nghê).

(Nhã Anh, 3/4 sinh viên chọn nhầm ngành học, dẫn theo http://www.petrotimes. 11, ngày 16 – 4 – 2013)

Câu 1 Nội dung chính của đoạn trích trên là gì? 

Câu 2 Những con số được nêu ra ở phần đầu của đoạn trích cho thấy điều gì?

Câu 3 Anh/ Chị có đồng tình với quan điểm: “Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát huy năng lực, giảm năng suất và hiệu quả lao động, từ đó dẫn tới tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin, mất dần  động lực làm việc.” không? Vì sao?

Câu 4 Anh/ Chị hãy rút ra cho mình 02 bài học trong việc lựa chọn ngành học hoặc công việc trong tương lai.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề:

Định hướng nghề nghiệp cho học sinh Trung học phổ thông – Nên hay không nên?

 Câu 2 (5,0 điểm)

Bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh) là những lời giãi bày của một tâm hồn phụ nữ đang yêu.

Lời giãi bày nào của nhà thơ khiến anh/ chị thấy ấn tượng hơn cả? Hãy chọn và phân tích 01 đoạn thơ (từ 8 dòng thơ trở lên) thể hiện lời giãi bày ấy.

GỚI Ý VÀ HƯỚNG DẪN

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1 HS có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật nội dung chính của đoạn trích: phản ánh tình trạng sinh viên chọn nhầm ngành học, nguyên nhân và những tác hại của tình trạng đó.

Câu 2 Những con số được nêu ra ở phần đầu của đoạn trích cho thấy có nhiều bạn trẻ không chọn đúng nghề như mong muốn”; tỉ lệ sinh viên chọn nhầm ngành học là rất lớn.

Câu 3 Quan điểm “Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát huy năng lực, giảm năng suất và hiệu quả lao động, từ đó dẫn đến tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin, mất dần động lực làm việc” nêu lên tác hại của việc chọn sai nghề, nhầm ngành của sinh viên. HS có thể đồng tình hoặc phản đối (hoặc vừa đồng tình, vừa phản đối) quan điểm này.

– Nếu đồng tình, cần lập luận theo hướng: Chọn sai nghề, nhầm ngành có nghĩa là người học đã không chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, nguyện vọng, sở thích của mình, do đó, khi làm nghề sẽ không phát huy được năng lực, không có động lực làm việc, chán nản, thiếu tự tin dẫn đến giảm năng suất và hiệu quả lao động.

– Nếu phản đối, cần lập luận theo hướng: HS THPT chưa có nhiều kinh nghiệm sống, chưa được tư vấn nhiều về chọn nghề, vì thế rất dễ chọn sai nghề nhầm ngành.

Chỉ khi biết mình chọn sai nghề/ nhầm ngành, người học mới nhận ra năng lực, sở trường, sở thích thật sự của mình, do đó sẽ tìm một nghề ngành khác phù hợp hơn; từ việc biết mình chọn sai nghề/ nhầm ngành, người học sẽ rút ra cho mình những kinh nghiệm bổ ích trong việc chọn ngành nghề; hơn nữa, cuộc sống và xã hội luôn thay đổi, một người có thể sẽ phải thay đổi nhiều lần ngành nghề cho phù hợp hơn với sự phát triển của bản thân và xã hội.

HS có thể lập luận theo hướng khác nhưng phải chặt chẽ, hợp lý.

– Nếu vừa đồng tình, vừa phản đối, HS có thể kết hợp cả hai hướng lập luận trên hoặc theo hướng khác nhưng phải chặt chẽ, hợp lí, không trái với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Câu 4 HS rút ra được cho mình 02 bài học trong việc lựa chọn ngành học hoặc công việc trong tương lai. Tham khảo các hướng trả lời sau: xác định đúng năng lực, sở trường của bản thân; nhờ cha mẹ, thầy cô và những người có kinh nghiệm tư vấn về việc lựa chọn nghề nghiệp; tìm hiểu kĩ càng về đặc điểm và yêu cầu của ngành nghề mình định lựa chọn, tìm hiểu kĩ về nhu cầu lao động ở lĩnh vực ngành nghề mà mình lựa chọn trong tương lai, không lựa chọn ngành nghề theo tâm lý đám đông…

II. LÀM VĂN 

Câu 1 HS cần nắm được nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu (phản ánh tình trạng sinh viên chọn nhầm ngành học, nguyên nhân và những tác hại của tình trạng đó). Từ đó, viết 01 đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ), theo một trong các cách diễn dịch, quy nạp hoặc tống – phân – hợp,…; sử dụng một trong các thao tác lập luận giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ,… hoặc kết hợp các thao tác này; lí lẽ và dẫn chứng hợp lí, thuyết phục; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu để trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: Định hướng nghề nghiệp cho học sinh Trung học phổ thông – Nên hay không nên? 

Trả lời các câu hỏi sau để tìm ý cho bài viết:

– Thế nào là định hướng nghề nghiệp cho học sinh Trung học phổ thông?

– Thực trạng của việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh Trung học phổ thông ở Việt Nam?

– Có nên định hướng nghề nghiệp cho học sinh Trung học phổ thông hay không?

+ Nếu có thì mục đích của việc làm này là gì? Làm thế nào để việc định hướng ấy có hiệu quả?

+ Nếu không thì vì sao?

Câu 2 Đề bài yêu cầu HS làm rõ ý kiến: Bài thơ “Sóng” (Xuân Quỳnh) là những lời giải bài của một tâm hồn phụ nữ đang yêu. Từ đó, chọn 01 đoạn thơ (từ 8 dòng thơ trở lên) thể hiện một lời giãi bày mà mình thấy ấn tượng hơn cả và phân tích lời giãi bày ấy.

HS có thể chọn một trong các đoạn thơ sau: 

– Dữ dội và dịu êm… Bồi hồi trong ngực trẻ. 

– Trước muôn trùng sóng bê… Khi nào ta yêu nhau.

 – Con sóng dưới lòng sâu… Hướng về anh – một phương. 

Tham khảo định hướng bài làm sau đây:

a) Giới thiệu vài nét về tác giả: Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một người phụ nữ vừa giàu tình yêu thương, vừa hồn nhiên; vừa tươi tắn, vừa chân thành, vừa đảm thăm, mãnh liệt và đầy khao khát, vừa luôn âu lo về sự phai tàn, đổ vỡ cùng những dự cảm về bất trắc, chia lìa,…

– Dù viết về tình yêu lứa đôi hay tình yêu Tổ quốc, về thế giới trẻ thơ hồn nhiên, trong trắng hay về những quan hệ nhân sinh muôn vẻ, thơ Xuân Quỳnh vẫn nổi bật ở vẻ đẹp nữ tính.

b) Giới thiệu vài nét về bài thơ

– Bài thơ Sóng được viết năm 1967 trong một chuyến đi công tác ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Trước khi Sóng ra đời, nhà thơ đã phải nếm trải những đổ vỡ trong tình yêu.

– Bài thơ được viết vào thời kì cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ đang diễn ra ác liệt song bom đạn chiến tranh không làm thay đổi nhịp đập của trái tim người phụ nữ khi yêu. Có thể nói, bài thơ như một bông hoa tình yêu nở “dọc chiến hào” trong những năm đánh Mĩ.

– Sóng là bài thơ tình thuộc loại hay nhất của Xuân Quỳnh, hội tụ nhiều nét tiêu biểu trong phong cách nghệ thuật của tác gia. Bài thơ được coi là những lời giãi bày của một tâm hồn phụ nữ đang yêu.

c) Giải thích ý kiến “Bài thơ “Sóng” là những lời giãi bày của một tâm hồn phụ nữ đang yêu” theo hướng: bài thơ là những lời bộc bạch, thổ lộ của một tâm hồn phụ nữ đang yêu về khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành mãnh liệt.

d) Giới thiệu vị trí của đoạn thơ sẽ phân tích và nêu khái quát nội dung chính/ lời giãi bày của nhà thơ qua đoạn thơ đó.

e) Phân tích đoạn thơ đã chọn để làm nổi bật lời giãi bày của nhà thơ.

g) Nhận xét, đánh giá về đoạn thơ trong việc góp phần thể hiện cảm hứng chủ đạo của tác phẩm và tạo nên cách thể hiện riêng của Xuân Quỳnh về đề tài tình yêu đôi lứa.

Nguồn website giaibai5s.com

Đề thực hành luyện tập thi THPT quốc gia môn Ngữ văn – Đề 10
Đánh giá bài viết