KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khoá ngày 21 tháng 06 năm 2013 tại TP. HỒ CHÍ MINH
Thời gian làm bài: 60 phút (không kể thời gian giao đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

Câu 1 (1 điểm)

Truyện “Chiếc lược ngà” xoay quanh một kỉ vật đơn sơ mà vô giá nối hai cuộc gặp gỡ giữa ba con người. Nhưng vang vọng suốt cả câu chuyện, suốt những chặng đời, suốt những cuộc đời ấy chỉ có một tiếng kêu, một tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng bậc nhất của cõi đời này, ấy là tiếng…!

(Chu Văn Sơn, Phân tích – bình giảng tác phẩm văn học)

Tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng nhất trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng được nhắc đến trong đoạn trích trên là gì? Tiếng kêu ấy thể hiện tâm trạng gì của nhân vật?

Câu 2 (1 điểm)

Bạn trẻ đã dùng ngôn ngữ chát, ngôn ngữ tuổi teen, khi giao tiếp với người lớn. Theo em, bạn ấy đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm đó?

Câu 3 (3 điểm)

Mùa hè này, những học trò nghèo của làng chài bãi ngang xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, ngày nào cũng xuống biển bắt cua, sò, ốc... để kiếm vài ngàn ít ỏi nuôi mơ ước đến trường. Từng giọt mồ hôi “non nớt” sớm rơi trên gành đá hoà vào lòng nước biển vì ước mong có được bộ sách, cái cặp… cho năm học mới. Đồng hành với khát khao của con trẻ, những người mẹ nghèo của vùng đất này cũng nói với con: “Ăn khổ mây mà cũng chịu, miễn con có sách vở, quần áo mới tới trường là má vui rồi!”.

(Theo Báo Thanh niên ngày 18-6-2013, Ôm ước mơ đi về phía biển)

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em được gợi ra từ câu chuyện trên.

Câu 4 (5 điểm)

Không có kính rồi xe không có đèn   
Không có mui xe, thùng xe có xước   
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.        

(Phạm Tiến Duật – Bài thơ về tiểu đội xe không kính) 

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng        
Mùa xuân người ra đồng    
Lộc trải dài nương mạ        
Tất cả như hối hả                 
Tất cả như xôn xao…             

(Thanh Hải – Mùa xuân nho nhỏ)

Trình bày cảm nhận về một trong hai vấn đề sau:

1. Tình cảm của người Việt Nam đối với đất nước qua hai khổ thơ trên.

2. Vẻ đẹp của hình ảnh ẩn dụ trong hai khổ thơ trên.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1 (1 điểm)

– Tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng nhất trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng được nhắc đến trong đoạn trích trên là tiếng “Ba!”

– Tiếng kêu ấy thể hiện tâm trạng của các nhân vật:

+ Với ông Sáu: Tiếng “Ba” thể hiện tình yêu thương sâu nặng của một người cha đối với con. Đồng thời tiếng “Ba!” còn thể hiện niềm khát khao của ông Sáu muốn được nghe con gọi mình sau nhiều năm hai cha con không gặp nhau do chiến tranh.

+ Với bé Thu: Đây là tiếng kêu được dồn nén suốt bao nhiêu năm không được gặp ba mình. Khi ông Sáu về thăm nhà vì trên mặt ông Sáu có vết thẹo không giống với hình ông chụp chung với má nên Thu không gọi ông là ba. Chỉ đến khi xác định ông Sáu đúng là ba mình (nhờ ngoại giải thích), Thu mới kêu ông là ba. Tiếng kêu ấy bình dị mà thiêng liêng. Tiếng kêu ấy đã chứa đựng tất cả nỗi nhớ mong, chờ đợi, tình yêu thương của một người con đối với người cha kính yêu của mình.

+ Ngoài ra, với những người chứng kiến cảnh tượng khi Thu gọi tiếng “Ba!”: Tiếng kêu ấy đã xé tan sự im lặng, xé cả ruột gan của mọi người, nghe thật xót xa.

Câu 2 (1 điểm):

– Bạn trẻ đã dùng ngôn ngữ chát, ngôn ngữ tuổi teen, khi giao tiếp với người lớn. Như vậy, bạn trẻ đã vi phạm phương châm hội thoại cách thức. Phương châm hội thoại này yêu cầu khi nói phải nói ngắn gọn, rõ ràng, tránh mơ hồ. 

– Nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm này:

+ Bạn trẻ còn thiếu ý thức khi sử dụng phương châm hội thoại.

+ Bạn trẻ thiếu văn hoá khi giao tiếp.

+ Bạn trẻ thiếu ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Câu 3 (3 điểm):

1. Yêu cầu:

Bài làm cần đạt 3 yêu cầu sau:

– Trình bày suy nghĩ của bản thân em được gợi lên từ câu chuyện báo đã nêu.

– Viết trong khoảng 01 trang giấy thi.

– Diễn đạt trôi chảy, trình bày sạch đẹp, viết đúng chính tả, dùng từ đặt câu đúng.

2. Nội dung: Bài viết cần có những ý chính sau:

a) Mở bài: Giới thiệu về bài viết. Ví dụ:

– Hiện nay, báo chí, ti vi,… thường có những tin, những bài viết về cuộc sống lao động, học tập, xây dựng,… của nhân dân trên khắp đất nước.

– Những bài viết đó đã có sức thu hút và lay động tâm hồn người đọc.

– Một trong những bài viết đó là bài Ôm ước mơ đi về phía biển, đăng trên Báo Thanh niên ngày 18 – 6 – 2013.

b) Thân bài

– Nội dung chính của bài viết:

+ Lòng khát khao được học tập của những em nhỏ nghèo làng chài.

+ Tấm lòng thương con vô hạn, sự sẵn sàng chịu đựng cuộc sống gian khổ để con được học hành của những người mẹ nghèo làng chài.

+ Tác giả mong muốn có được sự đồng cảm, sẻ chia của cộng đồng đối với cuộc sống của những người nghèo như người dân chài ở xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi – Nêu suy nghĩ của bản thân

+ Dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học. Từ xưa đã có những tấm gương hiếu học. Từ những học trò nghèo nhờ chăm chỉ học hành, họ đã thành danh.

+ Khao khát học tập là khát vọng chính đáng. Ai cũng mong muốn được học hành đàng hoàng, học đến nơi đến chốn. Tuy vậy, hoàn cảnh của mỗi người lại khác nhau. Cho nên không phải ai cũng đủ điều kiện vật chất để theo học. Các bạn nhỏ ở làng chài nghèo bài báo đã đưa là một ví dụ. 

+ Điều đáng trân trọng là dù nghèo khó, không có đầy đủ điều kiện để bố mẹ mua sắm sách vở, giấy bút, quần áo cho năm học mới, các bạn đã biết tự mình vươn lên. Thật đáng thương và đáng trân trọng khi các bạn nhỏ: “ngày nào cũng xuống biển bắt cua, sò, ốc… để kiếm vài ngàn ít ỏi nuôi mơ ước đến trường. Từng giọt mồ hôi “non nớt” sớm rơi trên gành đá hoà vào lòng nước biển vì ước mong có được bộ sách, cái cặp… cho năm học mới.”

+ Điều đáng trân trọng nữa là, tác giả chỉ dùng một vài ý ngắn gọn mà đã diễn tả được tấm lòng của những người mẹ nghèo làng chài. Vì con, những người mẹ ấy sẵn sàng chịu đựng gian khổ để cho con được học hành. Đó chính là tình mẫu từ thiêng liêng…

=> Tác giả miêu tả lòng khát khao được học và ý chí vượt qua khó khăn gian khổ của những bạn học sinh, của những bậc phụ huynh xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

– Tác giả mong muốn có được sự đồng cảm, sẻ chia của cộng đồng đối với cuộc sống của những người nghèo như người dân chài ở xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

+ Tác giả nêu lên hoàn cảnh cụ thể của những em nhỏ làng chài. Các em đã lao động thật vất vả nhưng chính đáng để kiếm những đồng tiền ít ỏi phục vụ cho năm học mới.

+ Tác giả gửi vào bài viết lòng mong muốn sự sẻ chia của cộng đồng dành cho người lao động tuy còn nghèo khó nhưng luôn khát khao học tập.

– Bài học rút ra cho bản thân:

+ Đồng cảm với những bạn nhỏ tuy nghèo khó mà hiếu học.

+ Học tập tinh thần lao động siêng năng cần cù của các bạn nhỏ.

+ Thấy được lòng yêu thương con hết mực, đức hi sinh của người mẹ nghèo…

c) Kết bài

– Bản thân trân trọng những gì mình đang có.

– Biết giúp đỡ gia đình theo khả năng của mình.

– Phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi.

– Tham gia hoạt động những phong trào vì lợi ích của cộng đồng. Vui vẻ, tình nguyện đóng góp dù ít những đồng tiền tiết kiệm, những bộ quần áo, những cuốn sách giáo khoa để ủng hộ những bạn học sinh nghèo.

Câu 4 (5 điểm)

1. Yêu cầu: Bài viết cần đảm bảo các yêu cầu sau:

– Chỉ trình bày cảm nhận của em về một vấn đề. Nghĩa là em làm ý 1 hoặc em làm ý 2. 

– Nội dung:

+ Với ý 1: Phải làm rõ được tình cảm của người Việt Nam đối với đất nước qua 2 khổ thơ đề đã cho (suy nghĩ và việc làm cụ thể của người chiến sĩ lái xe Trường Sơn qua bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính và tâm trạng, tình cảm của người chiến sĩ khi lâm bệnh hiểm nghèo đang nằm trên giường bệnh qua bài Mùa xuân nho nhỏ.)

+ Với ý 2: Phải chỉ ra được những hình ảnh ẩn dụ trong hai khổ thơ và vẻ đẹp của những hình ảnh ẩn dụ đó.

– Bài viết trôi chảy, sạch đẹp, viết đúng chính tả, dùng từ đặt câu đúng.

2. Nội dung

Với ý 1 của đề bài: Bài làm cần nêu một số ý chính sau:

a) Tình cảm của người Việt Nam đối với đất nước qua khổ thơ trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

– Giới thiệu một vài nét về tác giả, tác phẩm, về vị trí đoạn trích

+ Phạm Tiến Duật là một nhà thơ quân đội, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông có nhiều bài thơ nổi tiếng viết về người lính trên đường mòn Trường Sơn thời chống Mĩ, trong đó có Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

+ Bài thơ về tiểu đội xe không kính được sáng tác trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ gồm 7 khổ. Khổ thơ ở đề bài là khổ cuối trong bài thơ.

– Hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh thể hiện trong khổ thơ:

+ Đạn bom ngày đêm dội xuống, con đường của các chiến sĩ lái xe bị cày nát.

+ Những chiếc xe vốn có đầy đủ kính, giờ đây đã không còn nữa. | + Mui xe cũng không còn, thùng xe có xước do bom đạn giật rung. – Tình cảm của người Việt Nam đối với đất nước qua khổ thơ (trọng tâm)

+ Các chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn đã phải trải qua những ngày tháng gian khổ dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù.

+ Các chiến sĩ lái xe vẫn vững vàng bên tay lái để chuyển hàng vào miền Nam.

+ Vì miền Nam thân yêu, vì sự thống nhất đất nước, các chiến sĩ lái xe vẫn ung dung trên buồng lái vượt qua mưa bom bão đạn.

+ Với lòng yêu nước thiết tha, với khát vọng đất nước thống nhất, các chiến sĩ lái xe Trường Sơn nói riêng, người Việt Nam nói chung đã dành trọn trái tim mình cho Tổ quốc thiêng liêng. Họ sẵn sàng vượt qua gian khổ, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước. 

b) Tình cảm của người Việt Nam đối với đất nước qua khổ thơ trong bài “Mùa xuân nho nhỏ”.

Với ý 2: Các em cần nêu được những ý chính sau:

– Giới thiệu một vài nét về tác giả, tác phẩm, về vị trí đoạn trích

+ Thanh Hải là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Ông có những đóng góp cho sự phát triển của văn học giải phóng miền Nam.

+ Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được sáng tác vào tháng 11 / 1980 là lúc nhà thơ đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ gồm ba phần. Khổ thơ trích là phần thứ hai trong bài thơ.

– Nội dung chính của khổ thơ:

+ Sự hoà hợp của tâm hồn nhà thơ với mùa xuân của đất trời và mùa xuân của đất nước. Nằm trên giường bệnh nhưng tác giả vẫn cảm nhận, vẫn rung động trái tim trước vẻ đẹp tươi mới của mùa xuân đất trời và vẻ đẹp phơi phới của lòng người đang hăng say bảo vệ Tổ quốc, khẩn trương lao động xây dựng đất nước.

+ Tinh thần và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của mọi công dân. Tinh thần ấy được thể hiện qua hình ảnh ẩn dụ “người cầm súng”.

+ Tinh thần lao động hăng say để xây dựng đất nước của mọi công dân được thể hiện qua hình ảnh ẩn dụ “người ra đồng”.

+ Sự khẩn trương, sôi nổi, hào hứng trong lao động và bảo vệ Tổ quốc còn được thể hiện qua hai câu thơ cuối của khổ thơ với biện pháp điện từ “tất cả” và từ láy “hối hả”, “xôn xao”.

c) Tình cảm của người Việt Nam thể hiện qua cả hai khổ thơ:

– Trong cuộc sống hoà bình, người người hăng say lao động xây dựng đất nước.

– Khi đất nước có chiến tranh, người người quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng vượt qua gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng hi sinh bảo vệ Tổ quốc.

Với ý 2 của đề bài: Bài làm cần có những ý chính sau:

a) Vẻ đẹp của hình ảnh ẩn dụ trong khổ thơ trích ở bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính

– Một vài nét về tác giả, tác phẩm, về vị trí đoạn trích:

+ Phạm Tiến Duật là một nhà thơ quân đội, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông có nhiều bài thơ nổi tiếng viết về người lính trên đường mòn Trường Sơn thời chống Mĩ, trong đó có Bài thơ về tiểu đội xe không kính. 

+ Bài thơ về tiểu đội xe không kính được sáng tác trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ gồm 7 khổ. Khổ thơ ở đề bài là khổ cuối trong bài thơ. Trong khổ thơ này, tác giả đã sử dụng rất thành công biện pháp ẩn dụ. – Biện pháp ẩn dụ trong khổ thơ và vẻ đẹp của biện pháp ẩn dụ đó.

+ Hình ảnh những chiếc xe “không có kính, không có đèn, không có mui xe, thùng xe có xước” đã nói lên sự khốc liệt của chiến tranh mặc dù tác giả không sử dụng trực tiếp từ khốc liệt nhưng người đọc vẫn hiểu sự khốc liệt của chiến tranh.

+ Hình ảnh “miền Nam phía trước” gợi cho người đọc hiểu rằng tác giả đang nói đến mục đích chiến đấu cuối cùng của các chiến sĩ Trường Sơn nói riêng của dân tộc Việt Nam nói chung là thống nhất đất nước.

+ Hình ảnh “trái tim” có tác dụng nhấn mạnh tình yêu đất nước, yêu đồng bào của các chiến sĩ lái xe Trường Sơn, của những anh bộ đội nói chung trong sự khốc liệt của chiến tranh thời chống Mĩ. |

b) Vẻ đẹp của hình ảnh ẩn dụ trong khổ thơ trích ở bài Mùa xuân nho nhỏ

– Giới thiệu một vài nét về nhà thơ Thanh Hải, về bài thơ và vị trí đoạn trích.

+ Thanh Hải là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Ong có những đóng góp cho sự phát triển của văn học giải phóng miền Nam.

+ Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được sáng tác vào tháng 11/ 1980 là lúc nhà thơ đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ gồm ba phần. Khổ thơ trích là phần thứ hai trong bài thơ. Trong khổ thơ này, tác giả sử dụng rất thành công biện pháp ẩn dụ.

– Vẻ đẹp của hình ảnh ẩn dụ thể hiện trong khổ thơ.

+ Hình ảnh “mùa xuân” là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc sống xuân tươi đẹp, tràn trề sinh lực của đất trời, của đất nước trong giai đoạn sau năm 1975, khi đất nước được thống nhất.

+ Hình ảnh “người cầm súng” là hình ảnh ẩn dụ cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tác giả không cần trực tiếp nói ra việc bảo vệ Tổ quốc nhưng chỉ bằng cụm từ “người cầm súng”, người đọc cũng hiểu được tác giả muốn nói đến trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của mọi công dân.

+ Hình ảnh “người ra đồng” là hình ảnh ẩn dụ cho nhiệm vụ lao động xây dựng đất nước. Hình ảnh bình dị mà gần gũi có tác dụng gợi lên được suy nghĩ trong lòng người đọc.  

+ Hình ảnh “lộc” là hình ảnh ẩn dụ mang nhiều nét nghĩa. Lộc là chồi non. “Lộc trải dài nương mạ” vừa gợi lên những nương mạ mới gieo lên non mơn mởn vừa gợi lên vẻ đẹp của đất nước trong những ngày đầu thống nhất đất nước….

=> Hai đoạn thơ của hai tác giả khác nhau, ra đời trong hai hoàn cảnh khác nhau nhưng đều sử dụng thành công biện pháp nghệ thuật ẩn dụ. Nhờ vậy, người đọc đã cảm nhận được rõ hơn về tình cảm của mọi người, trách nhiệm của mọi người đối với đất nước trong chiến tranh cũng như trong hoà bình.

Đề thi vào lớp 10 năm 2013 – TP. HCM
Đánh giá bài viết